Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
04:27 (GMT +7)

Mấy ý kiến về cuốn sách “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới”

“Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” là tên cuốn sách của tác giả Dương Thuấn, dày 566 trang, do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành, năm 2012. Mừng vì đây là lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu về văn hóa Tày ở Việt Nam khá toàn diện, tuy nhiên đọc qua quyển sách tôi thấy khá nhiều điểm còn băn khoăn, nhất là khi đối chiếu những kiến giải của tác giả với thực tế đời sống. Phải nói rằng nhiều điều tác giả viết trong cuốn sách không phù hợp với hiện thực. Cuốn sách đề cập tới khá nhiều khía cạnh của văn hóa Tày. Ở đây tôi chỉ nêu lên một vài chi tiết mà tôi cho rằng tác giả kiến giải chưa chính xác.

1.Bản

Tôi đồng ý với tác giả rằng bản là những điểm dân cư, là nơi lưu giữ, kết đọng những nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Tày. Nhưng tác giả cho rằng “bản là nơi có nhà ở tập trung và đông nhất”, và phân biệt với những nơi có tên gọi được bắt đầu bằng từ ; bản là nơi đông người, có lịch sử lâu đời, là nơi có số dân ít hơn. Theo tôi nhận định này chỉ đúng với một giai đoạn lịch sử nhất định. Nếu nhìn theo lịch đại và trạng thái hiện thời, thì thấy tình hình có khác. Điều này trước hết được lý giải bằng sự phát triển ngữ nghĩa của từ ngữ trong tiếng Tày. Từ “bản” trong tiếng Tày có nghĩa duy nhất là điểm dân cư.

“Rừng là nơi đất mọc nhiều cây

Chợ là nơi đông người mua bán.

Dăm mái nhà sống với nhau gọi bản”

Thơ ca dân gian của người Tày vẫn “định nghĩa” đơn giản như thế: “Dăm mái nhà sống với nhau gọi bản”. Tên gọi các bản của người Tày có cấu tạo gồm hai bộ phận: Bản + địa danh (như bản Hon, bản Piềng, bản Vài; bản Nà Mu, bản Khau Chủ, bản Khuổi Duốc, bản Lũng Phầy…). Như vậy, bản là yếu tố khái quát, cấu tạo tên các bản có tính định loại. Tất cả các bản đều bắt đầu bằng từ “bản” khái quát ấy: bản Hon, bản Kéo, bản Nà Mị, bản Cốc Bây… Các bản khác nhau được phân biệt bằng bộ phận thứ hai có ý nghĩa biểu thị địa danh, hoặc gợi ra vị trí không gian tương đối so với một vị trí chuẩn nào đó: bản nưa, bản chang, bản đâư…Các địa danh của người Tày, trong tiếng Tày thường có cấu tạo gồm hai bộ phận: yếu tố chỉ địa hình + yếu tố chỉ đặc điểm riêng. Yếu tố chỉ địa hình thường dùng là: (ruộng),khau (núi), khuổi (khe núi), (gò đồi), đon (bãi/thửa). Yếu tố chỉ đặc điểm riêng thường là tên các loài thực vật, động vật: nà mụ, nà phặc, nà mị, nà danh, nà dầy, khuổi nặm, đon bây…

Từ phân tích trên, xét trên phương diện hình thức ngôn ngữ, địa danh các bản của người Tày có hai loại: 1) loại địa danh song tiết: bản Vài, bản Tàu, bản Piềng; 2) loại địa danh đa tiết: bản Nà Cà, bản Khau Chủ, bản Lủng Phầy… Như vậy yếu tố địa danh không phải là tên bản mà chỉ là một bộ phận của tên bản. Ví dụ: Nà Phặc không phải là bản mà chỉ là địa danh. Khi có một số nhà định cư ở Nà Phặc thì lúc đó mới có bản Nà Phặc.

Cũng xét theo lịch đại, loại địa danh song tiết: “bản + …”(như bản Piềng, bản Vài…) là những bản có trước, có lịch sử lâu đời hơn các bản có tên với hình thức ngôn ngữ đa tiết, trong đó có yếu tố chỉ địa hình, chỉ vị trí không gian. Từ các bản có trước, dân cư đông đúc dần lên, và do mở mang đất đai sản xuất, người ta chuyển đến địa điểm mới, hình thành bản mới với tên gọi mới, đặt tên bản theo quy tắc “bản + địa danh/ đặc điểm”: bản Nà Cà, bản Khau Chủ, bản Chang…

Ban đầu, những bản với tên gọi song tiết như bản Hon, bản Piềng đúng là những điểm dân cư đông nhất, sầm uất nhất ở khu vực, nhưng theo thời gian, cùng với những điều kiện sản xuất và giao thông thuận lợi, các bản hình thành sau có sự phát triển hơn về số dân và về các mặt kinh tế văn hóa khác, các bản cũ sẽ trở nên hẻo lánh hơn, nhỏ hơn. Ví dụ: bản Piềng ở huyện Bạch Thông, Bắc Kạn xưa kia là một bản rộng lớn, là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả một vùng, nhưng nay sự đông đúc, trù phú chỉ còn trong kí ức những người cao tuổi. Ngược lại, những bản xuất hiện sau có cấu tạo tên bản với yếu tố “Nà + …” đã phát triển sầm uất hơn. Nà Mu nay đã là huyện lị của huyện Bạch Thông, Bắc Kạn; Nà Phặc (Ngân Sơn) đã trở thành thị trấn với nhà cửa, phố xá đông đúc.v.v.. Vì vậy, không thể nói khái quát chung như tác giả khẳng định: “bản là nơi đông dân cư nhất, có lịch sử lâu đời nhất, còn nà là điểm dân cư nhỏ hơn”(tr.34).

Trong cuốn sách, Dương Thuấn nhận xét: “Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và khi xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước Việt Nam sau này thì nhiều bản ở các vùng dân tộc thiểu số bị đổi tên để cho phù hợp với phong trào cách mạng lúc đó là Hợp tác hóa. Rất nhiều bản mất tên cũ thay thế vào đó là những cái tên mới mà nơi nào cũng gọi giống nhau như là Tân Tiến, Tiền Phong, Thắng Lợi…”(tr.35). Tôi  cho rằng nhận xét này không đúng với thực tế.

Địa danh ở vùng dân tộc Tày Việt Bắc có đặc điểm như sau:

Tên các bản, mà bản thì không phải là đơn vị hành chính, tuyệt đại đa số là tên Nôm Tày: bản Piềng, bản Nà Cà, bản Khau Chủ. Những tên Nôm này rất ít thay đổi trong lịch sử.

Tên các xã, mà xã là đơn vị hành chính, hầu hết tên xã đều là tên chữ Hán Việt: Quân Bình, Vũ Muộn, Xuất Hóa (huyện Bạch Thông); Trung Lương, Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên).

Tên các huyện (châu), có các loại như: Tên huyện là từ Nôm Tày: Nà Rì, Nà Hang…; Tên huyện là tên chữ Hán - Việt: Bạch Thông, Hòa An, Nguyên Bình, Ngân Sơn, Võ Nhai, Tràng Định…; Tên huyện là tên pha Nôm Tày và Nôm Việt: Chợ Rã, Chợ Đồn…; Tên huyện là tên Nôm Việt: Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Chu, Đồng Mỏ…

Trong số địa danh các đơn vị hành chính kể trên, địa danh xã là loại địa danh thay đổi nhiều nhất. Trước Cách mạng tháng Tám hầu hết là địa danh dùng từ Hán Việt: Đào Lâm, Hà Vị… Thời kì kháng chiến chống Pháp, và những năm đầu hòa bình trên miền Bắc, tên các xã đều đổi thành tên dùng từ Hán Việt mang ý nghĩa “cách mạng” như Hạnh Phúc, Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, Cộng Hòa, Tân Tiến… Cuối những năm bảy mươi, nhất loạt các xã đều đổi tên trở lại tên gọi cũ từ trước Cách mạng tháng Tám như Xuất Hóa, Hòa Mục, Cẩm Giàng, Vũ Muộn… Nói chung tên xã là tên dùng từ Hán Việt, vì xã là đơn vị hành chính, phải ghi vào sổ sách, công văn. Mà trước kia cha ông ta dùng chữ Hán Nôm, nên tên các xã phải là tên Hán Việt thì mới viết thống nhất được.

Riêng địa danh các bản thì trước sau vẫn thế, vẫn là những cái tên nôm na tiếng Tày: bản Duốc, bản Nà Rào, bản Khuổi Chanh, bản Nà Lẹng, bản Nà Van…

Vào những năm tổ chức hợp tác xã, khi các hợp tác xã bậc thấp phát triển lên thành hợp tác xã bậc cao, quy mô hợp tác xã liên bản, liên xã, lúc đó mới xuất hiện những cái tên “phù hợp với phong trào cách mạng” như Tân Tiến, Tiền Phong, Chiến Thắng… Nhưng đó là những cái tên hợp tác xã chứ không phải là tên bản. Cần phải nhắc lại rằng tên bản luôn luôn là những cái tên Nôm Tày, bền vững, bất biến trong chiều dài lịch sử. Những cái tên bản này nếu có biến đổi thì biến đổi theo quy luật phát triển của ngôn ngữ. Ví dụ: Pá ội thành Pác ội, Pá Cạn thành Bắc Cạn. Thực tế là tên bản không có sự thay đổi. Tên các hợp tác xã là tên mới chỉ các đơn vị sản xuất liên bản, chung cho nhiều bản ở một địa phương. Việc đặt tên các đơn vị sản xuất này, tất nhiên thể hiện cảm hứng của thời đại chống Mỹ cứu nước, nên mới có những cái tên: Quyết Thắng, Tân Tiến, Thắng Lợi, Tiến Bộ…

Bản ở dân tộc Tày không phải là đơn vị hành chính hay đơn vị sản xuất. Nó chỉ là điểm dân cư gắn với một địa danh. Dân trong một bản liên kết với nhau bằng tình cảm. Nói về mối quan hệ giữa người với người trong bản, tục ngữ Tày có những câu: “slip pỉ noọng tàng quây bấu táy hua đuây tò tó” (mười anh em ruột đường xa không bằng gần nhà chung ngõ); “tàng bấu tẻo lộc nhả cà/ pỉ noọng bấu pây mà pền lác” (đường không đi rậm cỏ gianh/ ruột thịt không qua lại cũng thành người dưng). Những câu tục ngữ đó mọi người dân tộc Tày đều thuộc nằm lòng và trở thành phương châm ứng xử hằng ngày. Trong một bản khi một gia đình có việc lớn như làm nhà, ma chay, cưới xin, tất cả các thành viên trong bản đều coi việc của gia đình, việc của mình.Trong tâm lý của người Tày, mấy chữ “người cùng bản” bao giờ cũng gợi lên sự gần gũi, ấm cúng. Người trong một bản luôn có sự đồng thuận với nhau. Ví dụ một thợ mộc ở xa đến đóng đồ gỗ cho một gia đình, nếu làm tốt được gia đình ưng ý thì cả bản chỉ chờ ông thợ đó đến đóng đồ gỗ cho mình, ngược lại nếu ông thợ đó làm hỏng cho một nhà thì ông thợ sẽ không thể tìm được việc làm ở bản đó nữa.

Mỗi bản thường có nhiều dòng họ. Những người cùng họ, về mặt tình cảm thường có sự gắn kết với nhau chặt chẽ biểu hiện ở sự chia sẻ gánh vác các công việc lớn như ma chay, cưới xin. Trong các bản người Tày không có sự tranh chấp đấu đá giữa họ này với họ khác.

Mỗi bản thường có trưởng bản (cốc bản). Trưởng bản không phải là một chức vụ chính quyền. Trưởng bản không do bầu cử mà có. Người được tôn làm trưởng bản do hiểu biết sâu rộng, do sự mẫu mực về đạo đức, do tấm lòng bao dung, nhân từ, được mọi người tôn trọng, nể phục. Vì thế khi trưởng bản hô hào làm hoặc không làm việc gì là mọi người hưởng ứng nhiệt liệt.

  1. Lễ đầy tháng

Trong cuốn sách, tác giả dành khá nhiều trang giới thiệu về phong tục tập quán của dân tộc Tày, trong đó có “lễ ma nhét”. Giới thiệu về lễ này, tác giả Dương Thuấn đã nhầm lẫn khi giải nghĩa từ “khai bươn” trong tiếng Tày là “bán tháng”(tr.189). Để củng cố cho cách hiểu sai của mình, tác giả viết “bà ngoại của cháu... địu cháu lên lưng, đem theo một túi bánh coóc mò gặp ai bà cũng “bán” cho một hoặc hai chiếc bánh. Ai nhận rồi cũng đều rút tiền trả”(tr.193). Chi tiết này chẳng những không đúng với thực tế mà còn chứng tỏ tác giả hiểu sai về tập quán văn hóa của dân tộc. Bà ngoại bán bánh cho khách đến dự lễ mừng đầy tháng tuổi của cháu, tuy rằng khách trả ít tiền “tượng trưng” thì bán bánh cho khách vẫn là việc làm vụ lợi. Tập quán người Tày không bao giờ mời khách đến dự lễ lại tranh thủ bán quà bánh cho khách! Vụ lợi trong ứng xử không phải là một nét văn hóa đẹp, không phải là tính cách phổ biến của người dân tộc Tày.

Thật ra mọi giải thích sai lầm ở đây là do tác giả đã hiểu sai nghĩa của từ tiếng Tày “khai bươn”. Trong tiếng Tày có hai từ “khai” đồng âm: 1) “Khai” có nghĩa là bán, trái nghĩa với “dự” nghĩa là mua. Hiểu theo nghĩa này “khai bươn” nghĩa là bán tháng, mà “bán tháng” thì không có nghĩa gì. Từ chỗ hiểu “khai” nghĩa là bán, Dương Thuấn suy luận ra là bán bánh cho khách đến dự lễ mừng bé sơ sinh tròn một tháng tuổi! 2) Trong tiếng Tày “khai” là từ gốc Hán - Việt, có nghĩa là “mở ra, phô ra”. Với nghĩa này trong tiếng Tày còn có nhiều từ được cấu tạo với yếu tố “khai”: khai slướng (khoe sắc), khai nả (trình diện), khai cằm (cất lời, lên tiếng). Với nghĩa này trong tiếng Tày, khai còn được phát âm là khay (mở) như khay tu (mở cửa) khay tàng (mở đường). “Khai bươn” tiếng Tày nhiều nơi nói là “khay bươn”. Khay là từ thuần Tày đẳng nghĩa với khai là từ gốc Hán. Khay háp (mở gánh đồ lễ của nhà trai mang đến nhà gái trong ngày cưới, để giới thiệu với họ hàng về lễ vật của con rể biếu họ hàng nhà gái), khay pác (mở lời). “Khai bươn” tiếng Tày nghĩa là lễ mừng trẻ sơ sinh đầy một tháng tuổi. Theo phong tục của người Tày, người phụ nữ khi sinh con, tính từ lúc sinh ra đứa trẻ, cả mẹ và con đều phải kiêng kỵ rất nhiều: cả mẹ và con đều không được ra khỏi nhà, người ngoài không được vào nhà, người mẹ phải ăn uống kiêng khem đủ thứ. Thời gian đó gọi là ở cữ. Thời gian kiêng cữ như thế đúng tròn một tháng. Hết một tháng tròn, cả mẹ và con không phải sống cách li với thế giới bên ngoài nữa, cành cây cắm ở cửa báo hiệu người ngoài không được vào nhà vì có người đang ở cữ được gỡ xuống, nghĩa là hết kiêng kị. Ngày đầy tháng gia đình làm lễ công bố, công khai việc có mặt một thành viên mới trong dòng họ, một công dân mới của bản. Khai bươn có nghĩa là công bố việc sinh nở, thông báo sự có mặt của một thành viên mới của gia đình, dòng tộc và làng bản. Đó là một ngày vui, một lễ mừng. Trong ngày đầy tháng họ hàng nội ngoại, xóm giềng làng bản đến mừng, tặng cho người mẹ nào gạo nếp, gạo tẻ thơm ngon, thịt gà, cao xương thú để bồi dưỡng sức khỏe cho người mẹ, tặng cho cháu bé nào quần áo, chăn màn, vòng bạc và tiền... Trong ngày lễ đầy tháng tuyệt nhiên không có mua bán, càng không có chuyện người nhà chủ động bán cho khách đến dự lễ bánh trái hay bất cứ thứ gì khác.

Dương Thuấn giải thích “khai bươn” là bán tháng và nói rằng trong ngày lễ đó bà ngoại của cháu bé sơ sinh bán bánh coóc mò (bánh chưng không có nhân, gói tạo hình như cái sừng bò) cho khách đến dự lễ vừa sai với thực tế vừa trái với thuần phong mĩ tục của người dân tộc Tày.

  1. Ma gà

Ở phần nói về những biểu hiện đặc sắc của văn hóa Tày, tác giả có nói tới hiện tượng mà tiếng Tày gọi là phi cáy (ma gà) và  những thủ thuật trị ma gà của  những người hành nghề bằng phù phép (các tr.277-282). Điều đặc biệt là tác giả khẳng định “ma gà là hiện tượng có thật” và giải thích rằng “đó là điện trường sinh học được di truyền trong gia đình và dòng họ”(tr.282).

Quan niệm này chứa đựng những điều không ổn:

Thứ nhất, cho rằng ma gà là “điện trường sinh học” di truyền. Đã là hiện tượng “sinh học”, “di truyền” thì không thuộc về phạm trù văn hóa, không phải là đối tượng của văn hóa học. Da đen, tầm vóc lùn là những đặc điểm tự nhiên, không phải là văn hóa. Chính tác giả ở trang 11 đã trích dẫn và chấp nhận định nghĩa văn hóa của học giả người Đức S.Pfendor cho rằng “văn hóa là toàn bộ những gì do con người sáng tạo ra”. Vậy “điện trường sinh học”, nếu có (?) không thể là sản phẩm sáng tạo của con người. Hiện tượng sinh học, tự nhiên thì không thể chữa bằng phép thuật của các thầy làm nghề mê tín! Trang 280, Dương Thuấn kể ra một, hai trường hợp cụ thể về hiện tượng bị ma gà nhập. Thực tế, những chuyện như thế rất hiếm gặp, phần lớn là do bịa đặt làm cho câu chuyện có vẻ li kì, thần bí. Tác giả cuốn sách coi hiện tượng “ma gà” là “biểu hiện đặc sắc trong đời sống văn hóa Tày” thì quả là một sự nhầm lẫn!

Thứ hai, khẳng định rằng ma gà là hiện tượng có thật, mà bản chất của nó là “điện trường sinh học” là khẳng định sai với thực tế. Nhận định này vốn tồn tại trong dân gian, và đã gây nên những hậu quả tai hại. Trong cuộc sống đúng là có hiện tượng trẻ con,hoặc người lớn bỗng dưng bị sốt, con lợn con gà tự nhiên lăn ra chết, rồi ngẫu nhiên hôm sau có một người nào đó đến chơi nhà. Do thời buổi trình độ dân trí còn thấp, gặp những hiện tượng như thế, người ta cho là do ma gà của vị khách đó gây nên. Từ đó người nọ truyền miệng cho người kia, đồn thổi thành ma gà. Những chuyện như tác giả kể lại ở trang 280 rất hiếm, phần lớn do bịa đặt, thêm thắt làm cho sự việc có vẻ thần bí, li kì. Tôi đã hỏi những người già ở quê: ai đã nhìn thấy những việc như thế? 99% đều nói rằng “nghe nói” thôi. Không loại trừ, đó là một kiểu “quảng cáo” của các thầy Tào, thầy Pụt, thầy Then.

Con ma gà như thế nào chưa ai nhìn thấy, nhưng tác hại của thuyết ma gà thì rất rõ. Những kẻ xấu bụng, do lòng ghen ghét ai đó sẽ tung tin người đó có ma gà, làm cho mọi người sợ, xa lánh, không dám tiếp xúc. Nhiều chàng trai, cô gái xinh đẹp, bị người ta bịa đặt có ma gà, thành ra ế chồng, ế vợ, có người bị gán ghép như thế, bức xúc, căng thẳng đâm ra trầm cảm dẫn đến tự tử.

Thuyết ma gà được đồn thổi trong hoàn cảnh khoa học kĩ thuật còn chưa phát triển, trình độ dân trí còn thấp, nhất là công tác chăm sóc y tế chưa giải quyết được những bệnh thường gặp trong nhân dân. Ngày nay tình hình đã khác, những hiện tượng được gọi là ma gà nhập tự nhiên cũng biến mất. Dương Thuấn khẳng định ma gà là có thật, trong một cuốn sách do nhà xuất bản Tri thức ấn hành, phải chăng muốn khơi lại, dựng lại một quan niệm cổ hủ, lỗi thời đã bị thời gian chôn vùi vào quá khứ?

Trong cuốn sách này, Dương Thuấn còn nói tới các phép thuật, tức là sự sử dụng những điều huyền bí trong cuộc sống. Một số phép thuật được tác giả giới thiệu có tính thần bí, li kì. Những phép thuật này có hiệu lực trong thực tế hay không hay là những trò đùa, trò bịp của những người tự cho mình có khả năng phi thường? Những trò phép thuật đó có đáng tin không? Chưa ai chứng minh được bằng thực nghiệm khoa học. Vì thế không thể khẳng định đó là những hiện tượng có thật trong văn hóa của dân tộc Tày. Do khuôn khổ của một bài báo, tôi không bình luận vấn đề này ở đây. Cũng như không bàn đến quan điểm của tác giả khi đề cập đến những vấn đề ứng xử của Đảng, Nhà nước đối với văn nghệ, văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Cuốn sách của Dương Thuấn còn rất nhiều vấn đề cần được thảo luận.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy