Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:22 (GMT +7)

Mấy bài thơ cổ hay và lạ về trà trong văn hóa Trung Quốc

VNTN - Trà là một thức uống đã có từ lâu trong văn hóa các nước phương Đông. Đặc biệt ở một số quốc gia, văn hóa uống trà đã được nâng tầm thành một môn nghệ thuật cấp cao, một đạo lí trong cuộc sống hàng ngày, trà đạo. Trà đạo rất phát triển ở các nước Á Đông như: Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam... Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, trà đạo là nghệ thuật thưởng thức trà, có xuất xứ từ văn hóa Nhật Bản (khoảng thế kỉ 12), sau đó lan rộng sang các quốc gia đồng văn khác. Ở mỗi quốc gia, trà đạo có những nét đặc trưng mang phong vị của dân tộc nơi đó.

Ở một khía cạnh văn hóa nào đó thì trà giống như một chiếc cột làm trục, xung quanh có những loại hình nghệ thuật mượn trà làm tư liệu, đề tài như: thiền, thơ, ca, nhạc, họa... Với thơ, trà có một mối quan hệ gắn bó khá mật thiết. Tự cổ, đã không ít nhà thơ lấy trà làm đề tài, thi sĩ thưởng trà, vịnh trà, tả trà đều rất tinh tế.

Nhà thơ Âu Dương Tu (1) thời Bắc Tống đã từng ca ngợi trà Song Tỉnh trong bài thơ cùng tên như sau:

雙 井 茶

歐陽修

西江水清江石老, 石上生茶如鳳爪。

窮臘不寒春氣早, 雙井茅生先百草。

白毛囊以紅碧紗,十斤茶養一兩芽

長安富貴五侯家, 一啜尤須三日誇。

寶雲日注非不精, 爭新棄舊世人情。

豈知君子有常德,至寶不隨時變易。

君不見建溪龍鳳團,不改舊時香味色。

Phiên âm:

Song Tỉnh trà

Âu Dương Tu

Tây Giang thủy thanh giang thạch lão

Thạch thượng sinh trà như phượng trảo

Cùng lạp bất hàn xuân khí tảo

Song Tỉnh nha sinh tiên bách thảo.

Bạch mao nang dĩ hồng bích sa

Thập cân trà dưỡng nhất lưỡng nha

Trường An phú quý ngũ hầu gia

Nhất xuyết vưu tu tam nhật khoa

Bảo Vân, Nhật Chú phi bất tinh

Tranh tân khí cựu thế nhân tình

Khởi tri quân tử hữu thường đức

Chí bảo bất tùy thời biến dịch

Quân bất kiến kiến khê

Long Phượng đoàn

Bất cải cựu thời hương vị sắc.

Dịch nghĩa:

Trà Song Tỉnh

Âu Dương Tu

Dòng sông Tây Giang nước trong,

đá trên sông đã có từ lâu

Trên đá mọc ra loại trà có búp cong

như vuốt chim phượng

Cuối tháng Chạp chẳng còn lạnh,

không khí mùa xuân đã đến sớm

Mầm trà Song Tỉnh mọc trước các loại

cỏ khác.

Tơ trắng (trên lá trà) bám đầy túi

như thêu dệt thành tơ xanh, hồng

Mười cân trà chỉ lấy một, hai cân búp.

Những nhà phú quý ở thành Trường An

Nhấp một ngụm trà cũng đủ nói

vui vẻ suốt ba ngày.

Trà Bảo Vân với trà Nhật Chú,

không có thứ nào là không tinh khiết (2)

Tình người trên nhân gian

hướng đến điều mới mà quên đi cái cũ

Há biết người quân tử vẫn có

đức hằng thường

Giống như ngọc quý cũng

không theo thời mà biến đổi

Ngài chẳng thấy sông Kiến Khê

có trà Long Phượng Đoàn đấy ư,

Hương, vị, sắc (trà) từ thời xưa chẳng đổi.

Trà Song Tỉnh vốn là một sản vật nổi tiếng của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Để ca ngợi loại trà này, người Trung Quốc dùng rất nhiều mĩ từ để gọi tên như: Hồng Châu Song Tỉnh, Hoàng Long Song Tỉnh, Song Tỉnh Bạch Nha..v.v. Những người sành trà của Trung Quốc đều khó có thể bỏ qua loại trà này.

Trong bài thơ trên, tác giả đã dùng một hình ảnh so sánh rất thú vị khi miêu tả trà Song Tỉnh, là hình ảnh của vuốt chim phượng (phượng trảo). Khi lá trà được hái và chế biến có hình cong giống như vuốt chim phượng, do đó tác giả đã liên tưởng đến hình ảnh này. Hình ảnh so sánh vừa chân thực thú vị, vừa đặc sắc. Phượng là loài chim quý, linh thiêng. Việc so sánh như vậy đã làm tôn thêm giá trị của trà Song Tỉnh.

Bài thơ như một lời giới thiệu trà Song Tỉnh với đầy đủ đặc trưng, phong vị và giá trị. Song Tỉnh trà mọc trước các loài hoa cỏ khác, hấp thu khí thiêng của đất trời những buổi xuân sớm và những búp trà được tinh tuyển, chế biến công phu trở thành một thức uống quý tộc cao sang. Nhấp một ngụm trà mà ba ngày vui vẻ, âu cũng là tinh phẩm hạng nhất vậy.

Không giống Âu Dương Tu, nhà thơ Dương Vạn Lý(3) thời Nam Tống miêu tả trà Song Tỉnh từ góc độ pha chế và thưởng thức.

以六一泉煮雙井茶

楊萬里

鷹爪新茶蟹眼湯,松風鳴雪免毫霜。

細參六一泉中味,故有涪翁句子香。

日鑄建溪當退舍,落霞秋水夢還鄉。

何時歸上滕王閣,自看風爐自煮嘗。

Phiên âm:

Dĩ Lục Nhất (4) tuyền chử Song Tỉnh trà

Dương Vạn Lý

Ưng trảo(5) tân trà giải nhãn thang

Tùng phong(6) minh tuyết thố hào sương

Tế tham Lục Nhất tuyền trung vị

Cố hữu Phù Ông(7) cú tử hương

Nhật Chú kiến khê đương cận xá

Lạc hà thu thủy mộng hoàn hương

Hà thời quy thượng Đằng Vương các(8)

Tự khán phong lô tự chử thường

Dịch nghĩa:

Lấy nước suối Lục Nhất nấu trà Song Tỉnh

Dương Vạn Lý

Trà non mới hái, nước sôi mắt cua

Trà ngậm tuyết với sương trắng

như lông thỏ

Xen vào tinh tế có vị nước suối Nhất Lục

Như thuở xưa mùi hương câu thơ

của Phù Ông

Núi Nhật Chú tạo nên khe suối

bên cạnh nhà

Bóng chiều xuống, dòng nước thu

gợi mộng về quê

Biết khi nào mới được trở về

gác Đằng Vương?

Tự trông gió thổi lò tự nấu và thưởng thức trà.

Trồng được và chế ra thứ trà quý đã khó nhưng pha chế làm sao cho loại trà đó đạt đến đỉnh cao của tinh phẩm trà lại càng khó hơn. Dương Vạn Lý ắt hẳn cũng là một thi gia sành trà “có hạng” thời Tống thì mới có thể đưa ra công thức pha trà tinh tế ấy. Nước suối Lục Nhất tinh khiết, hấp thụ khí dương của đá, núi; trà Song Tỉnh tươi tốt, hấp thụ khí âm của sương, tuyết. Âm - dương hòa hợp tạo nên một hương vị đặc trưng của một tinh phẩm trà đạo.

Nếu như chỉ xét 4 câu thơ đầu thì người đọc có thể thấy được công thức pha chế trà nhưng khi đọc đến 4 câu sau, độc giả lại cảm nhận được tâm trạng cũng như nỗi niềm của tác giả. Nhà thơ thưởng trà và hoài niệm về một thời đã xa nơi quê nhà, bâng khuâng không biết khi nào lại được về gác Đằng Vương. Như vậy có thể thấy, tác giả dùng hương vị trà làm phương tiện gợi hứng cho cảm xúc và thi từ, đây là một thủ pháp khá thú vị, “thưởng trà nhớ quê”.

Bài thơ của Dương Vạn Lý như một mảnh ghép hoàn thiện giá trị của tuyệt phẩm “Song Tỉnh trà”.

Đóng góp vào trà thi đàn, nhà thơ Nguyên Chẩn thời Đường không trực tiếp miêu tả bất kì loại trà nào mà ông miêu tả đặc điểm, tính chất và giá trị của trà nói chung bằng một bài thơ có hình thức rất độc đáo.

一字至七字詩茶

元稹

茶,

香葉,嫩芽,

慕詩客,愛僧家。

碾雕白玉,羅織紅紗。

銚煎黃蕊色,碗轉麴塵花。

夜后邀陪明月,晨前命對朝霞。

洗盡古今人不倦,將至醉后豈堪誇。

Phiên âm:

Nhất tự chí thất tự thi -Trà

Nguyên Chẩn

Trà

Hương diệp, nộn nha

Mộ thi khách, ái tăng gia

Niễn điêu bạch ngọc, la chức hồng sa

Điệu tiên hoàng nhị sắc, oản chuyển khúc trần hoa

Dạ hậu yêu bồi minh nguyệt, thần tiền mệnh đối triêu hà

Tẩy tận cổ kim nhân bất quyện, tương chí túy hậu khởi kham khoa.

Dịch nghĩa:

Bài thơ từ một chữ đến bảy chữ -Trà

Nguyên Chẩn(9)

Trà

Lá thơm, mầm non

Mến khách thơ, yêu nhà sư

Cối chạm ngọc trắng, sàng dệt chỉ hồng

Nồi nấu màu nhị vàng, chén chuyển men bọt hoa

Sau đêm mời bạn là trăng sáng, trước buổi ban mai gọi ráng mây sớm

Tẩy hết mệt mỏi của bất kể người xưa hay người nay, đến lúc say rượu sau khi uống trà thì tránh được nói khoác.

Tác phẩm của Nguyên Chẩn trước hết có hình thức lạ. Thể thơ tác giả dùng khác biệt với lối cổ thể hay cận thể mà các thi nhân thời Đường vẫn dùng, thể thơ ở đây, đúng với nhan đề đã viết, thơ từ một chữ đến bảy chữ. Nhan đề bắt đầu bằng một chữ “trà”, đây cũng là 1 chữ ở câu thứ nhất, sau đó số chữ ở mỗi câu sẽ ứng với hệ số nhân 2. Câu thứ 2 là 2 x 2 = 4 chữ; câu thứ 3 là 3 x 2 = 6 chữ... tổng cộng một bài thơ sẽ có 55 chữ được sắp xếp tạo thành một tam giác cân. Trong mỗi câu (từ câu thứ 2) đều có đối trượng giữa 2 vế. Đây là ấn tượng đầu tiên tác động vào thị giác của độc giả khi họ đọc những bài thơ này. Đồng thời đây cũng là một sản phẩm thể hiện được tư duy hình khối của người phương Đông đã có từ lâu đời (Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa...). Lối tư duy này thể hiện một phần ở sự đăng đối hài hòa trong các kiến trúc, từ đó dẫn đến sự đăng đối trong sáng tác thi ca. Chính vì lẽ đó mà thể thơ này còn được gọi là “ngọc tháp thi” (thơ tháp ngọc).

Trở lại với nội dung bài thơ, người đọc có thể thấy Nguyên Chẩn vừa bình trà, vịnh trà, tán trà, thưởng thức trà và tôn vinh trà. Bài thơ mở đầu bằng một chữ Trà như một khởi ngữ để bắt đầu cho hàng loạt những mĩ từ tiếp theo, từ lá thơm, mầm non đến cối ngọc, sàng gấm... tất cả tạo nên tinh hoa trong văn hóa trà.

Từ xưa đến nay, giữa trà và thiền luôn có một mối quan hệ khó lí giải. Ẩn sâu trong trà đạo và thiền đạo là những huyền cơ, triết lý nhân sinh mà cổ nhân đã đúc kết.

送茶僧

陆容

江南风致说僧家,

石上清香竹里茶。

法藏名僧知更好,

香烟茶晕满袈裟。

Phiên âm:

Tống trà tăng

Lục Dung(10)

Giang Nam phong chí thuyết tăng gia

Thạch thượng thanh hương trúc lý trà

Pháp tạng(11) danh tăng tri cánh hảo

Hương yên trà vựng mãn cà sa

Dịch nghĩa:

Dâng trà cho nhà sư

Lục Dung

Đem phong vị Giang Nam nói chuyện

với nhà sư

Trên mỏm đá trong rừng trúc,

uống trà thưởng thức hương vị thanh đạm

Kinh tạng Phật pháp được gặp

danh sư lại càng tốt đẹp

Khói thơm của trà bừng lên vương đầy áo cà sa.

Bài thơ được kết thúc bằng một hình ảnh rất đẹp thể hiện được sự gắn kết của mỗi quan hệ trà - thiền. Hình ảnh khói trà vương đầy áo cà sa là một hình ảnh lạ và đẹp. Thứ khói vương trên áo ấy không phải khói nhang nơi cửa Phật mà khói thơm bốc lên từ li trà nóng. Phải chăng đó là sự hòa quyện giữa đạo và đời, giữa tăng và nhân.

Cổ nhân từ xưa đã thích uống trà, trên hơn nữa là thưởng trà. Thưởng trà, ngâm vịnh về trà là những thú nhân sinh mà mặc khách tao nhân đều mong muốn. Giới thiệu chùm bài thơ hay và lạ về trà của cổ nhân Trung Hoa, chúng tôi muốn góp một mảng nhỏ vào việc tìm hiểu văn hóa, văn học cổ Trung Hoa trong mối so sánh tương quan với văn hóa, văn học Việt Nam.

Chú thích:

(1)Âu Dương Tu (1007 - 1072), tự Vĩnh Thúc, tự hiệu là Túy Ông, ám hiệu là Lục Nhất cư sĩ, là nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống.

(2)Bảo Vân, Nhật Chú: tên 2 loại trà nổi tiếng ở Thiệu Hưng, Trung Quốc. Bảo Vân tức mây quý, Nhật Chú tức ánh nắng mặt trời rót xuống. Người Trung Quốc dùng 2 mĩ từ này để đặt tên cho trà quý.

(3)Dương Vạn Lý (1127 - 1206), tự Đình Tú, hiệu Thành Trai, người Cát Châu, Trung Quốc là nhà thơ kiệt xuất thời Nam Tống.

(4) Suối Lục Nhất: Tên một con suối ở Hàng Châu, Trung Quốc.

(5)Ưng trảo: tức móng vuốt chim ưng, trà non có hình thù cong giống như vuốt chim ưng nên dùng từ “ưng trảo” để chỉ trà non.

(6)Tùng phong: chỉ trà, loại trà này được ví như gió trong rừng thông. Nhà thơ Đổng Giải Nguyên nước Kim từng viết: “Chỉ song nhi minh/ Tăng phòng nhi nhã/ Nhất oản tùng phong xuyết bãi/ Lưỡng cá khuynh tâm địa thuyết tri tâm thoại” (Cửa sổ sáng, phòng tăng an nhã/ Một chén trà mới nếm xong/ Hai thứ đó là khuynh đảo tâm trí (ta), nói lên được lời từ trong tim).

(7)Phù Ông: người thời Đông Hán, không rõ họ tên, sách Hậu Hán thư có chép như sau: “có ông lão, không biết xuất xứ từ đâu, thường câu cá ở sông Phù, đi xin ăn ở người đời, hễ thấy ai có bệnh là dùng châm, đá cứu chữa. Ông để lại cho đời cuốn “Châm kinh” và “Châm mạch pháp”. Về sau nhà thơ nổi tiếng Hoàng Đình Kiên thời Tống lấy tên này làm biệt hiệu. Trong câu thơ này tác giả muốn nhắc đến Hoàng Đình Kiên.

(8)Gác Đằng Vương: địa danh ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nhà thơ Vương Bột thời Đường, trong bài tựa về địa danh này (Đằng Vương các tự) đã từng viết: “Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (bóng chiều rơi xuống và cánh cò lẻ loi nhất loạt bay lên/ Dòng nước mùa thu phản chiếu một màu sắc với trời cao).

(9)Nguyên Chẩn (779 - 831), tự Vi Chi, người Hà Nam, Lạc Dương, Trung Quốc, là nhà thơ danh tiếng thời Trung Đường.

(10)Lục Dung (1436 - 1494), tự Văn Lượng, hiệu Thức Trai, là một nhà thơ nổi tiếng thời Minh, Trung Quốc.

(11)Pháp tạng: một thuật ngữ Phật giáo chỉ công đức vô lượng ẩn chứa trong pháp tính.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy