Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:23 (GMT +7)

Làm thế nào để “giải cứu” môn lịch sử?

VNTN - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Học giả Fernand Braudel lại nói: “Lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khẳng định: “Lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc”. Ấy vậy mà lâu nay, môn Lịch sử đang bị coi nhẹ trong các trường học cũng như ngoài đời. Xin kể lại một câu chuyện sau:

Tôi có “nhiệm vụ” đưa cháu đi học thêm môn ngoại ngữ vào buổi tối. Để tránh vào giờ cao điểm (lúc tan tầm) nên tôi đi hơi sớm. Khi đến lớp đã thấy một chị chừng gần 30 tuổi đã đưa con đến học cùng lớp với cháu tôi. Vì thời gian còn nhiều, nên tôi và chị thường hay trò chuyện. Chị gọi tôi là bác, xưng cháu rất thân mật. Qua trò chuyện tôi được biết quê chị ở Cao Bằng về học Đại học Sư phạm Thái Nguyên ngành Ngữ văn. Tốt nghiệp rồi ở lại công tác tại Thái Nguyên. Tôi hỏi chị là quê cháu có ở gần Nà Lữ - Cao Bình không? Đó là những địa danh một thời từng là đại bản doanh của nhà Mạc. Không biết bây giờ có còn dấu tích gì nữa không? Suy nghĩ một lát chị nói, quê cháu cách không xa Nà Lữ, và cháu cũng có nhiều dịp qua lại nơi đó. Nhưng bác ơi, khi còn đi học, cháu có được học trong lịch sử nước nhà có nhà Mạc, mà hình như nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long xưa, tức Hà Nội bây giờ, làm sao mà lại đóng đô ở Cao Bằng được hả Bác? Đáp lời chị tôi nói rằng, thế thì để bác nói cho cháu nghe, chuyện thì hơi dài nên bác chỉ nói vắn tắt: Cuối năm 1427 cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, đầu năm 1428 Lê Lợi lập ra triều đại nhà Lê (Hậu Lê) rồi lên ngôi Hoàng đế - tức vua Lê Thái Tổ. Nhà Lê tồn tại được gần 100 năm thì bước vào giai đoạn khủng hoảng. Mạc Đăng Dung là một quan lại cao cấp của nhà Lê, đã khôn ngoan thâu tóm quyền lực để thăng tiến. Năm 1527 Mạc Đăng Dung đã “cướp ngôi” nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Các quan lại cao cấp của nhà Lê, người thì tự vẫn, người thì “mắng” vào mặt Mạc Đăng Dung để rồi bị giết. Duy có ông Nguyễn Kim (là người Thanh Hoá) đã chạy về Thanh Hóa tập hợp lực lượng chống lại nhà Mạc. Trong số những người thân tín đi theo Nguyên Kim có Trịnh Kiểm (cũng là người Thanh Hóa) là một tướng tài, đồng thời lại là con rể của Nguyễn Kim. Năm 1533 Nguyễn Kim khôi phục lại nhà Lê khi đưa một người trong Hoàng tộc của nhà Lê lên ngôi vua  tức Lê Trang Tông. Từ giai đoạn này trở đi, lịch sử gọi là nhà Lê Trung Hưng. Sau đó lực lượng của nhà Lê ngày càng lớn mạnh, và kiểm soát từ Thanh Hóa trở vào phía Nam giáp biên giới với Chiêm Thành. Nhà Mạc kiểm soát phần còn lại của miền Bắc. Do đó đã hình thành cục diện Nam - Bắc triều. Hai bên ở vào thế giằng co. Dần dần lực lượng của nhà Lê vượt trội. Năm 1592 nhà Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long và phải chạy lên Cao Bằng, chọn khu vực Nà Lữ - Cao Bình làm nơi đóng bản doanh. Năm 1677 nhà Lê  Trịnh cử các tướng Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đang… đưa quân lên tiêu diệt nhà Mạc. Như vậy về danh nghĩa, nhà Mạc tồn tại được 150 năm, trong đó có 65 năm ở Thăng Long với 5 đời vua. Ở Cao Bằng là 85 năm cũng 5 đời vua. Tuy nhiên trong thời gian 85 năm ở Cao Bằng, vai trò của nhà Mạc rất mờ nhạt, nên đa phần người ta chỉ biết nhà Mạc tồn tại thời gian ở Thăng Long.

Đến đây chị hỏi tôi, chắc bác là giáo viên ngành Sử phải không ạ. Tôi nói, trước khi về nghỉ chế độ bác làm kế toán, bác chưa bao giờ học sư phạm và cũng chưa bao giờ làm giáo viên. Không biết là chị thật lòng hay để lấy lòng tôi khi chị nói rằng, sao mà bác giỏi thế, bác chỉ làm kế toán mà lại nói về lịch sử cứ như giáo sư ấy. Tiếc rằng không còn thời gian, nếu còn cháu muốn nghe bác nói tiếp để hiểu thêm về lịch sử bác ạ. Tôi bảo, bác cũng chỉ là người bình thường như bao người bình thường khác, nhưng bác nghĩ mình là người Việt Nam thì cũng nên biết cội nguồn dân tộc mình, sự phát triển cũng như những giai đoạn thăng trầm của đất nước, của dân tộc. Mình cũng phải biết đất nước mình to hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo. Có như vậy mới xác định được tầm vóc, chỗ đứng của dân tộc mình nói cái khác là nói về vị thế của nước mình trên thế giới. Muốn vậy thì không có cách nào khác là phải học, phải đọc, trong đó có môn Lịch sử là không thể thiếu.

Câu chuyện đến đây cũng là lúc tôi phải tạm biệt chị ra về.

Với mức độ hiểu biết về lịch sử của chị như trong cuộc trò chuyện vừa qua, không đủ cơ sở để kết luận chị là người yếu môn Lịch sử. Tuy nhiên, không phải bây giờ mà ít nhất cũng đã trên một thập kỷ qua, tình trạng học sinh không thích học môn Sử, chán môn Sử dẫn đến điểm thi tốt nghiệp cũng như điểm thi vào đại học, cao đẳng rất thấp, thậm chí là cực kỳ thấp, khiến cho dư luận xã hội trong thời gian trên, cũng như hiện tại không khỏi lo lắng bức xúc, thậm chí là bất bình.

Xin dẫn chứng nho nhỏ về kết quả điểm sử trong kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2007 của hai trường: Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội, là hai trường có quy mô nhất nhì trong cả nước.

Đơn vị tính: %

Trong các kỳ thi tiếp theo, kết quả cũng không được cải thiện. Xin được dẫn lời GS. Văn Như Cương nói về kết quả điểm sử trong kỳ thi đại học năm 2011: “Trong kỳ thi đại học vừa qua, điểm thi môn Sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ có 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1 . Có trường chỉ có 1 thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy sử và học sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay, thật sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh…”.

Tình hình có phần bi đát hơn kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định, ngoài những môn thi bắt buộc thì thí sinh có quyền tự chọn một trong các môn còn lại (theo quy định) để tham gia dự thi. Kết quả là số lượng thí sinh đăng ký và tham gia dự thi môn Sử vốn đã thấp lại càng thấp hơn.

Trong kỳ thi năm nay được tổ chức từ ngày 01 đến 04/7/2016, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cả nước có trên 887 nghìn thí sinh tham gia dự thi, thấp hơn năm 2015 khoảng 1,2 nghìn thí sinh. Riêng thí sinh chọn thi môn Sử vẫn rất thấp. Thậm chí có trường không có một thí sinh nào chọn thi môn Sử.

Tại sao tình hình này đã kéo dài trên một thập kỷ mà cho đến nay vẫn không có chuyển biến gì? Nguyên nhân có thể có nhiều, xin nêu một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất là, môn Sử chưa được nhận thức đúng, nên nó chưa được đặt đúng vào vị trí của nó, vẫn bị/được coi là môn phụ, nên học sinh chỉ cốt học sao cho đạt điểm là được. Sự so sánh đôi khi là khập khiễng, nhưng chúng ta cứ tham khảo những dữ liệu sau: Kể từ ngày lập quốc đến nay, Hoa Kỳ mới có lịch sử 240 năm (1776 -  2016), nhưng họ lại đưa môn Sử là một trong ba môn học bắt buộc cùng với Toán và Văn. Ở hệ phổ thông trung học, mỗi tuần học sinh Mỹ phải học môn Sử từ 4-6 tiết. Còn Việt Nam chúng ta có lịch sử nhiều ngàn năm, vậy mà ta lại chỉ ấn định cho học sinh lớp 12 học Sử chỉ có 2 tiết/tuần.

Thứ hai là, nói đến sử là “đầy ắp” những sự kiện diễn ra trong thời gian và không gian cụ thể. Vì thế việc biên soạn giáo trình (SGK) môn Sử của ta cũng nặng nề, không hấp dẫn. Có những sự kiện nếu không đưa vào thì cảm thấy thiếu, mà đưa vào thì nó “đồ sộ” quá, khiến học sinh thấy nặng nề và khô khan.

Thứ ba là, ngày nay nhiều bậc phụ huynh lại định hướng cho con, cho cháu “đi vào” những ngành, những trường được coi là “đắc dụng” như hải quan, thuế, tài chính, ngân hàng, luật… nghĩa là ở đầu ra sẽ có thu nhập cao. Còn đi vào ngành sử thì “tương lai mờ mịt”.

Thực trạng môn Sử yếu kém kéo dài trong nhiều năm qua, trách nhiệm chính đầu tiên là thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đó là ngành có chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, giúp, tham mưu cho Chính phủ định ra chiến lược phát triển giáo dục. Tuy nhiên cũng không nên “khoán trắng” cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cũng còn đòi hỏi sự phối hợp của những ngành, cơ quan chuyên môn, của giới sử học như Viện sử học, Hội Khoa học lịch sử. Và sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với Bộ Giáo dục và Đào tạo, để “giải cứu” môn Lịch sử như thế nào là câu hỏi còn để ngỏ.

Là một người dân yêu lịch sử dân tộc, xin mạo muội đôi lời. Rất mong sẽ có ngày môn Lịch sử sẽ được lên ngôi, cho xứng tầm của nó.

Nguyễn Đình Thưởng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy