Ký ức đường tàu
Cuối năm 1975, sau ngày Giải phóng Miền Nam, gia đình tôi chuyển từ nơi sơ tán ở xã Tân Quang (ngày đó thuộc huyện Đồng Hỷ) về nơi ở hiện nay (tổ 9, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên). Có một điều đặc biệt, mảnh đất đó nằm sát đường tàu Hà Nội - Thái Nguyên, và ngôi nhà đầu tiên lợp lá, trát vách để ở tạm nằm cách đường tàu chỉ vài mét, tàu chạy qua là giường lại rung bần bật. Căn nhà đó giống như cái lán của công trường xây dựng, chỉ ở khoảng một năm. Phần đất xa đường tàu được dành để làm nền nhà mới. Bố tôi bảo sẽ làm một căn nhà 3 gian tường xây và lớp ngói khiến tôi rất phấn khích.
Ngôi nhà đầy ắp kỉ niệm của tôi đến nay vẫn còn. Nó được xây bằng gạch xỉ tự đóng; cột bê tông, kèo sắt, ngói móc đỏ, vôi đô lô mít… được Gang Thép phân phối và hoàn thành năm 1976.
Ký ức in đậm trong tôi tại nơi đây là đường tàu và những chuyến tàu chạy qua nhà. Lối đi vào nhà tôi nhỏ xíu, sâu hun hút (sâu tới 100m), kẹp giữa một bên là tường rào nhà máy, một bên là dãy tre cao vút mọc ven đường tàu. Hồi đó chưa có quy định về hành lang an toàn đường sắt, nên tre ở hai bên đường sắt rất nhiều. Nếu ai đi tàu thời đó chắc còn nhớ, có những đoạn, tàu chui qua dãy tre dài bên đường như chui qua hầm, có khi cành tre sà xuống quệt vào cửa sổ, đôi khi ngọn tre gạt cả lên nóc toa tàu. Dãy tre ven đường tàu dọc ngõ nhà tôi cũng không ngoại lệ.
Một lần, lúc nửa đêm, trời mưa gió ầm ầm, bỗng có tiếng gọi cửa. Hóa ra, đấy là chú tuần đường đang xách theo cái đèn 2 màu vàng – đỏ đi kiểm tra đường trước khi tàu chạy qua. Chú vào gọi bố tôi ra chặt tre vì có mấy cây bị gió quật đổ, nằm vắt ngang đường tàu.
Nhưng có lẽ kỉ niệm ấn tượng nhất, mà giờ nghĩ lại tôi vẫn tủm tỉm cười, ấy là lần nhà tôi có khách ở quê Thái Bình lên. Chẳng là bố mẹ tôi làm công nhân Gang thép, nên về quê nói chuyện, mọi người mới nhờ xin cho các anh lên đây đi “thoát li”. Hôm ấy trong nhà tôi có khoảng 5 người họ hàng, toàn trai tráng khỏe mạnh. Tầm 2 giờ sáng, cả nhà đang ngủ say, bỗng một anh hét lên: “Dậy, dậy, nhanh lên!”, rồi kéo nhau vùng chạy ra ngoài sân. Cả nhà thức giấc. Bố tôi bật điện, chạy ra hỏi: “Sao thế”. Anh kia trả lời: Bão chứ còn sao! Cháu thấy nó ầm ầm, đổ vào đến nơi rồi! Mẹ tôi cười ngặt nghẽo: “Ôi trời, bão đâu mà bão. Ở đây làm gì có bão như ở biển. Tàu đấy!”. Lúc ấy, đoàn tàu cũng vừa rầm rập chạy qua.
Thời đó, được ngồi trên một chiếc ô tô tải hay một toa tàu để nó chở đi, đối với bọn trẻ con thì đấy là niềm vui sướng, tự hào không gì tả nổi. Nhưng với tụi trẻ quanh khu nhà tôi thì việc tiếp xúc, thậm chí leo lên tàu không có gì lạ. Cứ thi thoảng lại có “tàu đỗ” ngay cạnh nhà. Có những lúc do chưa được vào ga; có lúc bị cây đổ chắn đường; có khi do tàu bị trật bánh ra khỏi ray; thậm chí có lúc lại do chở nặng (đoạn này hơi lên dốc), mất đà phải… lùi lại để lấy đà mới đi được!
Một ấn tượng nữa, thời đó bọn trẻ chúng tôi rất hay ra… xem tàu, mặc dù ngày nào nó cũng chạy qua vài chuyến. Trên tàu chở gì, đó mới là cái gây tò mò cho bọn tôi. Tàu khách và những toa hàng kín thì không nói, nhưng những toa trần (không có thành) và toa thùng thì chúng tôi đứng trên cao nhìn thấy. Sau Giải phóng Miền Nam, rất nhiều chuyến tàu chở “sắt vụn” về Gang thép để nấu luyện. Đó là những trang thiết bị, vũ khí bị hư hỏng trên chiến trường (chủ yếu của Mỹ, ngụy) được thu gom lại và chở ra.
Hồi chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, bọn tôi mê mẩn đứng xem tàu chở xe tăng, pháo cỡ lớn về ga Lưu Xá và chạy sang hướng Kép – Lạng Sơn. Chúng tôi mải xem và vẫy chào các anh bộ đội ngồi trên đó mà quên cả đếm xem nó dài bao nhiêu toa. Những chuyến tàu đó thường rất dài, dài hơn gấp đôi bình thường và có thêm một chiếc đầu tàu đẩy ở phía cuối. Nghe tin chiến sự ở biên giới trên đài, rồi tận mắt chứng kiến những vũ khí hạng nặng ùn ùn kéo ra, những thanh niên 16 – 17 tuổi chúng tôi cũng thấy hừng hực khí thế! Một bạn học cùng lớp tôi đã xung phong đi bộ đội, được nhà trường cho tốt nghiệp sớm để lên đường.
Tất cả những cung đường sắt quanh nơi ở, tôi đều thuộc như lòng bàn tay.
Thái Nguyên là vùng trung du, đồi núi nhưng lại có khá nhiều tuyến đường sắt. Tuyến Lưu Xá – Kép dài 57km, phần chạy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài 25 km, được xây dựng trong những năm 1959 -1961. Tuyến đường này còn thông sang đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, chạy tới cửa khẩu Trung Quốc. Tuyến Hà Nội – Thái Nguyên dài 75 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài 34,5 km, được xây dựng từ những năm 1960 – 1961. Tuyến đường sắt Quán Triều (TP. Thái Nguyên) - Núi Hồng (Đại Từ) được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1992, dài 39 km, chủ yếu dùng để vận chuyển than từ Mỏ than Núi Hồng đi các nơi.
Nhà tôi cách ga Lưu Xá khoảng 3 km và cũng cách Nhà máy Gang thép chừng đó. Nói đến ga Lưu Xá, người Thái Nguyên ai cũng biết vì nó đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Đây là “cảng cạn”, nơi tập trung hàng hóa viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho chúng ta. Cùng với việc ném bom vào Nhà máy Gang thép để phá hủy cơ sở luyện kim đầu tiên của cả nước, giặc Mỹ cũng thường xuyên nhằm vào ga Lưu Xá để thả bom, bắn phá. Trận bom tối 25/12/1972 đã khiến 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái hy sinh tại khu vực này sau khi vừa bốc dỡ hàng hóa.
Kế bên ga Lưu Xá là ga Lập Tàu, nơi kết nối giữa đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên với đường sắt nội bộ của Gang thép. Gọi là “ga” nhưng thực ra nó không có nhà và sân ga, chỉ có các nhánh đường tàu và hệ thống ghi để tàu hàng dồn toa, quay đầu, mang vật tư, nguyên liệu vào nhà máy. Hệ thống đường sắt của Gang thép chủ yếu dùng để chở quặng sắt từ Mỏ Sắt Trại Cau (cách Lưu Xá hơn 10km) kết nối với tuyến Kép – Lưu Xá tại ga Khúc Rồng (cách Lưu Xá chừng 8km) rồi về ga Lập Tàu. Để thực hiện nhiệm vụ chở quặng hàng ngày, Công ty Gang thép có hẳn một xưởng với tên gọi: Xưởng Vận chuyển đường sắt. Ngày đó, cả Đường sắt Gang thép và Đường sắt quốc gia đều sử dụng song song hai loại tàu khổ 1000mm và 1450mm, bởi vậy đoạn đường sắt từ Gia Lâm (Hà Nội) lên Thái Nguyên; từ Lưu Xá vào Nhà máy Gang thép và vào Trại Cau luôn có 3 ray cho cả hai loại tàu. Từ Khúc Rồng đi Kép thì chỉ còn 2 ray, khổ 1450mm.
Bao chuyện vui buồn của đường sắt tôi đều biết. Từ tháng 5/2021, ngành đường sắt Gang thép coi như “khai tử” sau khi Mỏ Sắt Trại Cau ngừng khai thác. Còn ở tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, từ ngày 16/3/2020 Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đã tạm dừng chạy thường nhật với các đôi tàu QT1/QT2 chặng Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên). Tuyến đường sắt qua nhà tôi cả tháng may ra mới thấy bóng một chuyến tàu hàng chạy qua. Mấy người bạn gần nhà vốn nối nghiệp bố mẹ làm ở gác chắn và trên ga Lưu Xá, giờ quá rảnh rang và nặng nỗi ưu tư vì không có thu nhập.
Gần đây, tôi thấy ngành đường sắt và Đảng, Nhà nước đã luôn tìm hướng để vực dậy hoạt động của Ngành, âu cũng là điều phấn khởi và hy vọng. Từ tháng 2/2023, ga Kép (Bắc Giang) trở thành cảng liên vận đường sắt quốc tế, mở ra hy vọng tái khởi động lại tuyến đường sắt Kép - Bắc Giang. Cuối tháng 11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây cũng là động lực lớn, thúc đẩy ngành Đường sắt Việt Nam phát triển, theo kịp với sự phát triển của đất nước.
Tại Thái Nguyên, chúng tôi rất mừng và đón chờ các chuyến tàu chở khách chạy trở lại trong chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhằm quảng bá văn hóa trà và du lịch xứ chè, từ tháng 1/2025. Cho dù mới chỉ hoạt động trong một phạm vi hẹp, song việc được thấy lại bóng dáng những đoàn tàu chạy qua, nghe lại tiếng còi “tu… tu…”, tiếng “xình xịch” thân quen, tôi thật sự vui mừng và xúc động.
Trần Thép
4 đã tặng
1
3
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...