Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
02:12 (GMT +7)

Khách sạn cô hồn

 Lúc đêm về sáng hôm ấy, làng Giành bị kinh động vì những tiếng rào rào, soàn soạt lan truyền khắp nơi như một thứ âm thanh ma quỷ khiến nhiều người thức giấc nằm im dỏng tai nghe mà nổi da gà. Không phải là gió, vì cây cối vẫn đứng im. Cũng không phải trộm đạo, đó không phải là tiếng chân người. Như thể có hàng trăm hàng ngàn tiếng chân mơ hồ chạy trên những bờ tre, mái nhà.

Ông Huấn có thói quen dậy sớm đun nước pha trà và hút thuốc lào, bị những âm thanh đó đánh thức lúc khoảng bốn giờ sáng. Ông thấy có sự lạ, không phải chỉ vì tiếng lao xao, mà còn vì trong không gian thiếu vắng mùi thơm xôi nếp nhà bà Xoan. Bà hàng xóm nhà ông có quán bán xôi sáng ở cổng làng, thường ngày vào giờ này, mùi xôi mới nhà bà thơm ngào ngạt khắp xóm, mà sao nay im ắng thế? Ông Huấn bật ngọn đèn ngoài hiên, hé cửa nhìn sang nhà hàng xóm. Bên ấy cũng sáng đèn. Ông Huấn gọi: “Bà Xoan ơi, nay nghỉ hàng à?”. Tiếng bà Xoan hớt hải: “Ôi bác ơi, khiếp quá, bác sang giúp mẹ con em với”.

Minh hoạ Lê Quang Thái
Minh hoạ Lê Quang Thái

Ông Huấn vội mở cửa bước ra sân. Ông giật mình khựng lại vì gần như ngay lập tức hàng trăm con chuột từ đống rơm chạy ào ào quanh chân, có con cuống quýt leo tót lên người ông rồi rơi bọp xuống. Lại có tiếng phun phì phì của hai con rắn quấn trên cành khế. Ông Huấn dựng tóc gáy, nổi da gà hét lên, lao vào bếp lấy cây gậy, nhưng trong bếp cũng nhung nhúc chuột khắp các xó xỉnh. Ông sập cửa chạy sang nhà bà Xoan. Bà Xoan và hai cô con gái cũng người cầm chổi, người cầm gậy đang đứng trong căn bếp rộng đồ đạc tanh bành, nồi chõ rơi vỡ, gạo nếp vung vãi khắp nơi. Bà Xoan lo lắng hỏi: “Sao thế này hở bác? Chuột ở đâu ra mà kinh thế, hay là trời giáng hoạ xuống làng ta. Chúng ăn hết nửa thúng gạo, cắn nát quần áo, lại chui cả trong chăn trong màn, từ nửa đêm đến giờ mẹ con em không biết đứng đâu, ngồi đâu”.

Ông Huấn im lặng nghĩ ngợi hồi lâu. Chợt ông thốt lên: “Thôi đúng rồi! Việc này không thể để yên được”. Ông giận dữ bước nhanh ra ngoài. Lúc này trời đã mờ sáng. Trên con đường làng có mấy người đàn ông đàn bà đang xì xào bàn tán. Ông Huấn nói to: “Các ông các bà có biết vì sao không? Tại nhà cái lão Đó đấy. Nó lấp cánh bãi Cô Hồn, đuổi hết chuột bọ, rắn rết vào phá làng rồi”. Một người hỏi: “Sao lại đổ tội cho lão ấy được?”. Ông Huấn sửng cồ: “Nó cậy có tiền của bọn Tây, mua cán bộ xã, huyện, chiếm đứt cánh bãi làng này các người không biết à? Có nghe thấy gì không? Tiếng máy ủi, máy xúc đang ngày đêm san lấp đấy. Các người phải cùng tôi đi kiện việc này mới được”. Mấy người làng thì thầm to nhỏ rồi lặng lẽ ai về nhà nấy lo việc bắt rắn, đuổi chuột. Không ai muốn dây với ông Huấn nổi tiếng chuyên kiện tụng ở làng này. Ông Huấn còn trơ lại trên đường, căm uất nhìn xuống cuối cánh đồng mờ sương, nơi đang ì ầm tiếng máy xúc, máy ủi san lấp cánh bãi sình lầy hoang hoá bao đời nay. Ông quyết định trước khi lên xã, lên huyện, phải đến nhà tay trưởng thôn làm cho ra nhẽ đã.

Trong nhà trưởng thôn đang có tiếng nói chuyện sôi nổi. Sao sáng sớm tay này đã có khách đến nhà? Ông Huấn theo thói quen không gõ cửa, xộc thẳng vào nhà. Ông sững người thấy lão Đó đang uống trà vui vẻ với trưởng thôn. Nhìn vẻ mặt ông Huấn, anh trưởng thôn biết có chuyện, nên niềm nở nói:

- Chào bác Huấn, mời bác ngồi xơi nước.

Ông Huấn nói:

- Tôi có chuyện cần nói riêng với anh.

Trưởng thôn và ông Đó nhìn nhau. Trưởng thôn hỏi:

- Có chuyện gì mà nghiêm trọng thế bác?

- Tôi cần kiện người này vì phá hoại cảnh quan môi trường của làng, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của dân làng. Ông Huấn vừa nói vừa chỉ tay vào mặt ông Đó.

Ông Đó nhìn trưởng thôn cười khà khà:

- Tôi biết ngay mà. Tôi vừa nói chuyện với anh trưởng thôn về chuyện ấy đây. Khi san ủi khu lau sậy cuối cùng, tôi đã cho quây lưới kín, nhưng chúng nó nhiều quá tràn cả ra ngoài bắt không xuể. Giờ tôi nhờ anh trưởng thôn thông báo giúp với dân làng, ai bắt được bao nhiêu tôi mua tất. Mỗi con chuột năm ngàn đồng, mỗi cân rắn năm mươi ngàn đồng.

- Ông đừng cậy có tiền thì muốn nói gì cũng được nhá, ông Huấn nói.

Ông Đó vẫn tủm tỉm, nói nhẩn nha:

- Riêng nhà ông, nếu cần, tôi cho các cháu đến bắt hết mọi con. Tôi làm thế là vì cái tình ông ạ. Còn nếu ông thích kiện cứ kiện. Ông cũng nên biết tôi chả dại gì mất tiền không. Tôi thu mua là để kinh doanh đấy.

Ông Huấn không chào hỏi, hậm hực bỏ về, vừa đi vì nói: “Cái thằng ngụ cư khố rách áo ôm mà lên mặt ngạo mạn”.

Ông Đó và trưởng thôn uống hết ấm trà rồi vui vẻ chia tay.

Một tuần sau, nhà hàng Cô Hồn của lão Đó trương biển bán thêm các món đặc sản chả rắn và thịt chuột đồng. Chuột đồng thui rơm, ướp riềng mẻ nấu nhựa mận rồi rắc thêm lá sắn thuyền là món tuyệt khẩu rồi. Nhưng thịt rắn mới là món tủ của nhà hàng. Chưa bao giờ và ở đâu có nguồn thịt rắn dồi dào như nhà hàng của lão Đó lúc này. Theo lão Đó nói, thì dân làng đã bắt và bán cho lão ba tạ rắn và gần tấn chuột. Lão phải xây chỗ nuôi nhốt chế biến dần. Nhiều người bảo lão nói khoác nghe phát khiếp để câu khách. Nhưng đúng là lão vớ bẫm trong vụ này.

Vốn cả đời sống bờ ngủ bụi, làm bạn với rắn chuột cầy cáo nên láo Đó làm các món hoang dã không giống ai. Vì vậy mà nhà hàng của lão trở nên tấp nập hơn hẳn từ hôm có thêm món chuột đồng và rắn. Các món đặc sản biển trở nên vắng khách. Cứ chiều đến là khách nườm nượp kéo đến. Khu bãi mới san ủi đầy chật ô tô, xe máy. Cả mấy ông cán bộ huyện cũng đưa khách về thưởng thức món đặc sản của nhà hàng Cô Hồn. Cái nhà hàng có tên nghe phát khiếp đã trở nên nổi tiếng khắp tỉnh. Đặc biệt, từ khi dự án mở con đường tỉnh lộ nối các huyện nội đồng với khu kinh tế ven biển chạy xuyên qua cánh bãi hoang, nhà hàng của lão hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Hàng trăm công nhân và cán bộ kỹ thuật dựng lều ở nhờ trên bãi đất nhà lão Đó. Ngày ba bữa họ hợp đồng ăn toàn bộ ở nhà hàng Cô Hồn. Việc tăng đột biến khách ăn buộc lão Đó phải có kế sách ứng phó gấp rút.

 Vốn không có họ hàng ở làng, lão thuê mấy người đằng vợ ra giúp việc, rồi lại nhờ họ tìm thêm người làng. Kẻ ăn người làm nhà lão lên đến hơn hai chục người. Lão thuê dựng mấy căn nhà mái tôn khung sắt, ban ngày làm nhà ăn, ban đêm là nhà ở cho công nhân làm đường. Cả một vùng bãi hoang xưa bỗng chốc trở nên sầm uất và sội động. Điện sáng choang, nhạc xập xình suốt đêm. Không biết cánh cán bộ, công nhân làm đường bàn thế nào, họ treo một tấm biển to tướng trước khu nhà mái tôn: “Khách sạn Cô Hồn”. Thế là bên cạnh nhà hàng Cô Hồn do lão Đó đặt, giờ lại có khách sạn Cô Hồn do cánh công nhân nghịch ngợm đặt. Bỗng chốc lão Đó thành ông chủ lớn, hàng ngày tiếp khách đến giao dịch, ký hợp đồng ăn uống, thuê mướn đất đai, máy móc, nhân công và điều hành công việc bận tít mù. Vùng bãi sình lầy hoang hoá hàng nghìn năm nay không ai dám lội xuống vì đầy những đỉa, rắn, chuột và muỗi, mà lão dám đấu thầu, thuê san lấp, ai ngờ giờ đã hoá đất vàng.

Người làng Giành xôn xao trước sự thức dậy của vùng đất chết. Sự biến đổi của cánh bãi hoang đi cùng với sự đổi đời của lão Đó. Lão giàu lên trông thấy. Nhiều người khen lão kiên cường chịu khó, chịu khổ, chịu nhục làm nên cơ đồ. Nhiều người khen lão biết nhìn ra tiềm năng của cánh bãi hoang. Cũng không ít người sôi sục uất ức vì lão Đó cậy có tiền của thằng con thực dân mua cán bộ xã huyện chiếm đất của làng. Đứng đầu nhóm ấy đương nhiên là ông Huấn “kiện”. Ông Huấn đã đứng đơn đi xin chữ ký của một số người kiện lão Đó dùng tiền chiếm đất của làng, kinh doanh trái phép, thuê mướn bóc lột công nhân. Họ còn bới móc đời tư lão Đó, một công dân không rõ nguồn gốc, liên lạc và ăn tiền của tư bản. Đọc lá đơn ấy, những cán bộ trẻ không biết rõ quá khứ của làng cũng như những con người thời trước thấy hãi. Thế là từng đoàn kiểm tra của huyện, của tỉnh, của các ban ngành kéo về xã, về làng, rồi trực tiếp làm việc với lão Đó. Công việc sản xuất, kinh doanh đang sôi động vui vẻ bỗng khựng lại, phủ một bóng đen u sầu. Lão Đó, một người sống với bùn đất, giờ phải đối mặt và giải trình với những rắc rối tưởng như không liên quan đến mình. Ngay với làng Giành, nhiều người bây giờ cũng không biết lai lịch lão Đó. Vậy lão Đó là ai?

                                                       ***          

Mấy chục năm về trước, làng Giành có một khu cấm địa không ai dám đặt chân tới. Đó là khu mả hủi ở cánh đồng Khổ. Gọi là đồng Khổ vì đây là khu ruộng chiêm khê mùa thối, đất đã chua phèn lại ở tận cuối cánh đồng, xa làng xóm, không có đường đi. Đã thế, khu đồng Khổ lại có hai điểm làm dân làng khiếp sợ: một là miếu Cô Hồn, hai là khu mả hủi. Theo người già trong làng kể lại thì miếu Cô Hồn thờ một người đàn bà mò cua bắt ốc ở khu bãi hoang chết gục trên bờ ruộng, có lẽ vì đói và rét. Bà ấy không phải người làng, cũng không thấy ai nhận nên không người chôn cất. Một hôm lão Cục chuyên làm nghề gắp phân quyết định mang cuốc thuống xuống chôn cất cho người đàn bà thì đã thấy mối đùn kín thành một nấm mộ. Người ta cho là mộ thiêng được đất nên lập một miếu thờ. Miếu thờ đắp bằng đất, lợp rạ, quanh năm không người hương khói. Cạnh đấy là khu mả hủi, không có đường đi nên ít người qua lại. Xung quanh khu mả hủi có một thửa đất khoảng năm sào người dân sợ hủi nên bỏ hoang nhiều năm, cây cối, cỏ lác um tùm. Những ngày mưa phùn gió bấc từ cổng làng nhìn xuống cuối cánh đồng, khu mả hủi và miếu cô hồn buồn thảm chìm trong màn mưa xám xịt gây cảm giác khiếp sợ cho người làng. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, người làng Giành cũng không ai hỏi, ai nhớ khu đất chết ấy có từ bao giờ nữa. Thế rồi một hôm người làm đồng thấy có làn khói như khói bếp le lói bay lên từ rừng cây um tùm của khu mả hủi. Người nọ thì thầm với người kia, rồi dân làng đồn rằng trong đó có người. Người hay ma mà dám vào khu mả hủi ấy? Người ta kéo đến nhà lý trưởng đòi làm cho ra chuyện. Lý Chất bèn cho hai trương truần đến khu mả hủi thám thính. Đúng là khu rừng cây um tùm có lối đi vào được giẫy sạch cỏ, cây cối xung quanh được phát quang. Hai trương tuần đứng từ xa nhìn vào thấy có túp lều mới dựng. Đích thị là có người rồi. Họ về bẩm báo lý trưởng sự việc ấy.

Chỉ nửa ngày sau làng Giành đã sôi động lên bởi chuyện có người ở trong mả hủi. Người ta lại đòi lý Chất tra xem người đó là ai và đuổi người đó đi kẻo lây hủi cho cả làng. Hai trương tuần được phái đi đứng ngoài mả hủi gọi vào: “Này, người kia, ra đây cho hỏi”. Gọi hồi lâu thấy có một thanh niên tóc tai bù xù, quần áo rách rưới, không rõ bao nhiêu tuổi, lừ lừ đi ra. Một trương tuần nói: “Đi với chúng tôi”. “Đi đâu?”. “Cứ đi rồi biết”. Người thanh niên không nói gì, lặng lẽ quay vào khu vườn cây. Lúc lâu anh ta quay ra, đầu đội thêm cái nón mê. Từ đấy về đến làng không ai nói gì thêm. Khi vào cổng nhà lý Chất, đã thấy có một số dân làng đứng ngấp nghé chờ. Lý Chất sợ hủi, ra hiệu cho hai trương tuần cho người thanh niên đứng ở sân. Ông ta bắc ghế ra hè, ngồi nhìn xuông sân nói chuyện với người thanh niên.

- Tên gì?

- Không có tên.

- Từ đâu tới?

- Không biết.

Lý Chất quát:

- Láo. Bố mẹ, quê quán ở đâu khai ra!

Im lặng. Lý Chất lại quát:

- Tuần đâu, đánh cho nó một trận để nó nói.

Người thanh niên bỗng nói đanh thép:

- Sao lại đánh tôi? Tôi mồ côi lang thang, có làm gì sai mà đánh tôi?

Lý Chất ngạc nhiên trước phản ứng của người lạ. Ông ta dịu giọng hỏi:

- Có biết chỗ ấy là mả hủi không?

- Biết.

- Sao dám vào ở?

- Không có chỗ ở thì phải ở đấy.

- Không sợ à?

- Không.

Lý Chất hỏi:

- Bây giờ ta thay mặt làng đuổi người đi thì sao?

Người thanh niên sẵng giọng:

- Không ai ở thì tôi ở, sao lại đuổi tôi đi?

Lý Chất là người hiểu biết và cũng có lòng thương. Nghĩ ngợi một lúc rồi ông ta bảo:

- Thôi được, ngươi về đi. Nhưng cấm không được vào làng, nghe chưa?

Ông ta nói thế là sợ lây bệnh cho người làng. Mặc dù tiều tụy và nhếch nhác, nhưng trông anh ta cũng sáng sủa lanh lợi. Lúc người thanh niên đi qua đám dân làng đứng xem trước cổng, mấy cô gái níu áo nhau thì thào: “Đẹp trai phết, nhỉ”.

Minh hoạ Lê Quang Thái
Minh hoạ Lê Quang Thái

Từ hôm ấy, không ai hỏi han đến người thanh niên ấy nữa. Anh ta hàng ngày đơm đó, bắt ếch, bắt rắn ở cánh đồng hoang mênh mông. Cá tôm và sản vật kiếm được, anh ta bán ở chợ phiên. Anh ta công khai đi lại, nhưng không bao giờ vào làng như lời lý Chất dặn. Người làng cũng dần quen với sự có mặt của anh ta, và vì anh ta sống bằng nghề đơm đó nên người ta tiện miệng gọi anh ta là Đó. Cái tên ấy từ đó theo anh ta suốt đời. Anh Đó phát quang nơi ở khang trang. Điều lạ lùng là sống ở mả hủi đã lâu mà không thấy anh ta phát bệnh. Hồi đầu cá tôm, ếch rắn anh ta bắt được, phải mang đi nơi khác bán, trong vùng không ai dám mua vì sợ lây hủi. Lâu lâu quen dần, người ta không tránh anh và dám mua sản vật của anh, vì anh bán rẻ chỉ bằng nửa người khác. Tuy vậy chưa ai dám bước vào nhà anh, chưa có ai làm bạn với anh. Cuộc sống của anh cứ lặng lẽ trôi qua không ai để ý.

Làng Giành ngày ấy nghèo nàn và lạc hậu lắm. Lại ở cạnh bốt Bùi của Pháp đóng kề bên nên nhiều chuyện tai ương xảy đến bất thường hàng ngày. Một vài tên lính vào làng nói là mua gà, nhưng không trả tiền, bắt phu lên đồn làm tạp dịch vài ngày đến vài tuần là chuyện thường xuyên. Vì thế người ta cũng quên chuyện anh Đó và khu mả hủi. Anh Đó cũng không bận tâm người làng nghĩ gì về mình hay không. Giữa anh và dân làng là hai thế giới không liên quan đến nhau.

Giữa lúc ấy thì xảy ra một chuyện gây xôn xao làng Giàng. Ba người bị bắt lên bốt Bùi làm tạp dịch, đến chiều chỉ hai người được về, một người bị ở lại. Người bị giữ lại là cô Tý, cô gái đẹp nhất làng, tuổi vừa mười tám. Cô Tý con bà Mùi, nhà chỉ có một mẹ một con. Nhiều trai làng đã dạm hỏi nhưng cô Tý chưa ưng ai. Vì vậy cô Tý bị giữ lại đồn, bọn trai làng phát cuồng lên. Ai cũng biết đồn trưởng là thằng quan hai Pháp tên là Jan Gasquet, còn trẻ và rất đẹp trai, rất mê gái. Vào tay nó thì cô Tý xong đời rồi. Dân làng túm năm tụm ba bàn tán khắp nơi nhưng không biết làm gì. Và cũng không ai dám làm gì. Ngày thứ ba, bà Mùi một mình xông vào bốt đòi con. Tên đồn phó tiếp bà. Hắn bảo bà cứ yên tâm về đi, con gái bà cần ở lại đồn ít hôm nữa để nấu ăn cho đồn trưởng, vì chú đầu bếp bị ốm. Hắn không cho bà gặp cô Tý, bảo cô đang bận. Bà Mùi về nhà, dân làng kéo đến đông vòng trong vòng ngoài nhưng chẳng có ý kiến gì về chuyện cứu cô Tý ra. Những ngày ấy làng như có đám tang. Người con gái đẹp nhất làng bị bắt mà không ai làm gì được. Ai cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra mà cũng đành bất lực. Ông lý Chất cũng không biết làm gì. Ông an ủi bà Mùi qua loa rằng chờ mấy hôm rồi con gái về. Bà Mùi lên đồn hai lần nữa vẫn không gặp được con gái.

Một tuần sau cô Tý trở về một cách lặng lẽ vào buổi tối, không người làng nào gặp. Cô gần như lẻn vào nhà. Bà Mùi nhìn thấy thì hơi sững sờ và im lặng không nói gì. Một lúc sau Tý nói khẽ: “Bu!”. Bà Mùi hỏi con gái: “Ăn cơm chưa?”. Cô Tý nói: “Con ăn rồi”. Bà Mùi nói: “Thế thì đi ngủ thôi”. Cô Tý không biết phải làm gì, nói gì với mẹ. Cô cũng không dám nhìn mẹ. Hai mẹ con lên giường nằm, mỗi người quay một phía không ai nói với ai. Đã quá nửa đêm không ai ngủ được và không ai lên tiếng. Gần sáng, bà Mùi đột ngột quay lại ôm chặt con gái vào lòng, òa lên khóc nức nở. Bà sờ mặt con thấy cũng ướt đầm nước mắt. Bà Mùi chỉ khẽ thốt lên: “Mất hết rồi con ơi”. Cô Tý thì không thốt lên một tiếng, chỉ nằm khóc lặng lẽ suốt đêm.

Ngày hôm sau, cô Tý không ra khỏi nhà. Nhiều ngày sau nữa cô vẫn tránh mặt người làng. Dân làng cũng biết cô Tý đã về nhưng không ai đến nhà hỏi thăm, vì họ biết hỏi thăm cái gì. Chỉ bọn trai làng là cay cú. Có bông hoa đẹp nhất làng mà để cho ma nó vầy thì đau thật. Mẹ con bà Mùi cứ sống lặng lẽ như vậy giữa dân làng. Cô Tý chỉ ra ngoài khi có việc cần lắm, rồi lại về ngay. Cô sợ gặp người làng. Cuộc sống cứ như vậy trôi đi lặng lẽ. Thế rồi mọi người lại nhớ đến anh Đó ở ngoài mả hủi. Khoảng hai tháng sau, một buổi tối có người lẻn vào khu mả hủi nhà anh. Đó là bà Sen, chuyên mai mối ở lành Giàng. Trước sự ngạc nhiên của anh Đó, bà tự giới thiệu mình và hỏi ngay:

- Anh có muốn lấy vợ không?

Anh Đó không ngờ câu chuyện như vậy nên cứ há hốc miệng không biết nói gì. Bà Sen lại nói tiếp:

- Là tôi nói thật đấy. Thấy anh là người tốt, lại nhà cửa đàng hoàng nên tôi giúp thôi. Mà hủi này lâu đời rồi nên không còn hủi nữa, chẳng sợ gì. Đám này tốt nên tôi làm mối cho anh.

Sau đó bà đi vào cụ thể chi tiết và thuyết phục anh Đó. Cuộc chuyện trò đến hơn chín giờ đêm mới kết thúc. Anh Đó đã bị thuyết phục.

Hai hôm sau, cũng vào buổi tối, bà Sen lại đến. Có hẹn trước nên Đó đã chuẩn bị sẵn. Bà Sen cắp theo cái thúng nhỏ đựng mấy thứ lễ ăn hỏi nho nhỏ đi trước, anh Đó theo sau. Bà Sen dẫn Đó đi thẳng đến nhà bà Mùi. Đó là một buổi tối mùa đông tối tăm và lạnh giá. Hàng xóm láng giềng không ai biết cuộc viếng thăm này. Trong nhà bà Mùi chỉ có hai mẹ con và một cây đèn dầu lờ mờ. Bà Sen giới thiệu anh Đó và nói lý do anh đến là xin hỏi vợ. Đã có thỏa thuận trước nên bà Mùi nói đồng ý. Cô Tý ngồi im rất lâu. Chờ mãi, cuối cùng đột nhiên anh Đó phá vỡ sự im lăng bằng câu hỏi bất ngờ :

- Cô có đồng ý lấy tôi không?

Cô Tý trả lời anh bằng một câu hỏi:

  • Anh có biết tôi đã có thai hai tháng rồi không?

Anh Đó đáp liền:

  • Tôi đã được bà Sen cho biết. Nhưng tôi thích lấy cô.

Lần đầu tiên cô Tý cười sau nhiều ngày im lặng. Cô trả lời:

  • Tôi đồng ý.

Hai ngày sau, bà Mùi làm mâm cơm mời ông em và mấy đứa cháu đến ăn và tuyên bố gả Tý cho anh Đó ở mả hủi. Mấy người chết lặng đi nhưng chẳng biết làm gì. Cô Tý thì đã sẵn sàng về nhà chồng. Ăn cơm xong thì anh Đó và bà Sen xuất hiện. Chỉ có bà Mùi và bà Sen đưa dâu về khu mả hủi, những người khác sợ không ai dám đi. Làng Giàng sôi lên sùng sục về đám cưới lạ lùng ấy. Người ta đau xót vì người con gái đẹp nhất làng Giàng lại lấy chồng ở mả hủi. Nhưng khi biết rõ nguồn cơn thì người ta chỉ biết thương xót mà thôi. Người ta bàn tán là Đó vớ bở, có người lại nói rằng chỉ có anh Đó mới dám liều mà cưới vợ như vậy.

Anh Đó thì từ khi lấy vợ thay đổi hẳn cách sống. Anh ít mò mẫm ở cánh bãi, giành nhiều thời gian sửa sang nhà cửa, sân vườn, cuốc đất vỡ hoang khu mả hủi. Anh chặt cây, mở rộng khu đất ở ra rất nhiều. Anh không cho vợ làm việc nặng, chỉ cho dọn nhà cửa, vườn tược. Khu mả hủi um tùm cây hoang dại đã được phát quang, ngôi nhà lá ba gian của anh trông đẹp và khang trang hẳn. Anh vỡ hoang khu mả hủi đã chặt hết cây cối rậm rạp được năm sào đất, đủ để vợ chồng anh sinh sống. Để vợ đỡ cô quạnh vì phải sống ở mả hủi, anh cùng cô Tý dọn dẹp nhà cửa, truyện trò về mọi chuyện trong đời sống. Anh bỏ những đồng tiền ít ỏi dành dụm trong nhiều năm ra mua sắm tã lót và quần áo cho vợ sắp sinh con. Anh chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho vợ thật chu đáo. Quan hệ của hai người từ xa lạ dần trở nên gắn bó thân thương. Khu mả hủi không còn um tùm rậm rạp nữa người ta bớt sợ hơn, thỉnh thoảng có người đi làm đồng ghé vào thăm cô Tý. Tuy thế nhiều người vẫn còn sợ hủi. Chỉ có bà Mùi thường xuyên ra và còn ở lại ăn cơm. Sự xuất hiện của cô Tý đã cải thiện ít nhiều cái nhìn của người dân về khu mả hủi. Cô Tý ngay từ ngày đầu về khu mả hủi đã thản nhiên như không. Lúc bà Sen và bà Mùi đưa cô ra rồi trở về, chỉ còn lại mình cô và anh Đó, cô làm như đã quen thuộc ngôi nhà của anh Đó lâu lắm rồi, đến bên cái giường và ngả lưng xuống luôn. Điều đó làm anh Đó rất hạnh phúc và biết ơn cô.

Cô Tý trở dạ vào buổi chiều. Anh Đó vào làng nói bà Mùi đi tìm bà đỡ. Hai bà ngồi bên cô Tý từ chiều đến đêm, anh Đó thì đun nước chờ. Đến nửa đêm thì nghe tiếng trẻ con khóc rất to, và tiếng bà đỡ nói vui vẻ: "Con trai nhé!". Anh Đó sướng quá lao vào. Bà đỡ tắm cho bé xong đưa cho anh Đó và nói: "Thằng bé tóc vàng mắt xanh đẹp phải biết". Đó hơi giật mình, nhưng hiểu ra ngay. Anh thấy yêu đứa con này. Vừa hòa bình được mấy ngay, bốt Bùi và đồn trưởng vừa rút đi. Bà đỡ hỏi: "Đặt tên nó là gì đây?". Anh Đó nói: "Tên nó là Được". Rồi anh quay sang hỏi vợ: "Mình thấy có được không?". Cô Tý cũng tán thành. Thế là anh đã có một gia đình, có vợ, có con. Dù đứa trẻ không phải con anh, nhưng anh sẽ nuôi dạy nó nên người. Từ hôm nay anh đã thực sự là người chồng, người cha, là chủ một gia đình.

Từ hôm đó, anh chăm sóc vợ con thực chu đáo, từ nấu ăn, tắm giặt đến giặt giũ anh tự mình làm hết. Cô Tý có con lại càng đẹp. Thằng bé thì càng lớn càng xinh. Nó y hệt thằng Tây con. Khi nó lẫm chẫm biết đi, anh Đó dắt nó đi quanh sân nhà cả buổi không chán. Đi làm thì thôi, về nhà là anh quấn lấy thằng bé. Rồi cô Tý sinh thêm bé gái nữa. Bà Mùi đã chuyển ra ở hẳn vói vợ chồng anh Đó. Khu mả hủi bây giờ không còn đáng sợ nữa. Anh Đó đã phát quang hết bụi rậm, vỡ hoang thêm được năm sào ruộng để trồng cấy. Anh mua gạch xây ngôi mộ là mả hủi ngày xưa ở giữa vườn nhà lên thật to đẹp. Anh bảo nhờ có mả hủi này mà anh có nhà ở, đất trồng cấy. Mả hủi lâu ngày không còn hủi nữa, chỉ còn thửa đất rộng rãi nhà anh Đó giữa cánh đồng bao la.

Mặc dù nghèo túng và vất vả, nhưng gia đình anh Đó luôn đầy ắp tiếng cười và tiếng trẻ nhỏ. Cô Tý sinh liên tục hai gái một trai nữa, thành ra nhà có bốn đứa con, một mẹ già và hai vợ chồng. Ngoài lúc làm ruộng vườn, anh Đó phải bươn chải ở cánh bãi để bắt ếch bắt rắn tăng thu nhập cho gia đình. Ngày thằng Được đi học là ngày đáng nhớ nhất. Vì thằng con có tướng mạo đặc biệt khác với bọn trẻ nên anh phải cõng con từ nhà tới trường và ở lại chờ con ngoài lớp đến hết buổi học rồi lại cõng con về. Thoạt nhìn thấy thằng Được, bọn trẻ xì xào: "Con Tây chúng mày ơi". Chúng xúm lại quang thằng bé. Anh Đó phải nhờ thầy giáo can thiệp mới giải tỏa được tình thế trớ trêu đó. Gần một học kỳ ngày nào anh cũng phải cõng con đến lớp như vậy. Dần dà các bạn cũng quen với sự có mặt của thằng Được, thằng Được cũng quen với sự kỳ thị của các bạn. Nó gan góc chịu đựng sự kỳ thị đó và chăm chỉ học tập. Nó học giỏi nên các bạn dần bớt kỳ thị, một số bạn trở nên thân thiết với nó. Tuy nhiên, nó vẫn bị cô đơn và lạc lõng giữa các bạn. Anh Đó vẫn kiên trì cùng con suốt thời kỳ học cấp một sang cấp hai. Lên cấp ba thì đột nhiên có biến cố làm thay đổi tất cả. Một ngày giữa mùa hè, đột nhiên nhà anh Đó có ba vị khách quan trọng từ trên tỉnh tìm về. Đó là một cán bộ ngoại vụ ủy ban tỉnh, môt cán bộ công an tỉnh và một người nước ngoài. Họ phải gửi ô tô, nhờ cán bộ xã đưa tắt cánh đồng về nhà anh Đó. Anh cán bộ ngoại vụ nói với vợ chồng anh Đó:

- Thưa anh chị, đây là giáo sư sử học Gasquet. Giáo sư đã được tỉnh đồng ý về thăm anh chị và thưa chuyện với anh chị về một chuyện riêng. Tôi xin nhường lời cho giáo sư.

Giáo sư Gasquet nói bằng tiếng Việt:

- Thưa ông bà. Tôi ngàn lần xin lỗi ông bà. Tôi không có quyền nói điều này, nhưng tôi tha thiết xin ông bà cho tôi chia sẻ việc nuôi cháu Được, khi nào cháu lớn khôn lớn cháu lại về với ông bà.

Vợ chồng ang Đó nhìn nhau. Đột ngột quá. Hóa ra viên quan hai ở bốt Bùi hồi, ấy giờ là giáo sư sử học. Anh Đó nói:

- Việc đột ngột quá, xin các ông cho khất đến mai vợ chồng tôi sẽ trả lời được không?

Trao đổi qua lại rồi hai bên đồng ý hoãn đến hôm sau. Đêm hôm ấy vợ chồng anh Đó bàn bạc rất kỹ, lại hỏi cả ý cháu Được nữa. Cháu Được không muốn đi. Vợ chồng anh Đó cũng không muốn cho con đi. Nhưng nếu đi thì việc ăn học của Được sẽ tốt hơn nhiều. Vả lại sự trở lại của ông ta cũng là điều tốt. Vì vậy, chỉ còn việc chuẩn bị tinh thần cho cháu Được thôi. Hôm sau đoàn của giáo sư lại đến. Giáo sư rất vui mừng vì vợ chồng anh Đó đồng ý cho Được đi với ông. Cháu Được thì rất buồn. Thằng bé tóc vàng mắt xanh, cao hơn bố một cái đầu cứ ôm chặt lấy anh Đó mà khóc vì nghĩ đến những ngày bố cõng đi học. Nhưng rồi cũng đến lúc chia tay. Giáo sư Gasque đưa cho anh Đó một cái cặp nhỏ và nói:

- Biếu ông bà một chút nuôi các cháu ăn học.

Anh Đó dứt khoát từ chối không nhận. Giáo sư đành nhận lại. Giáo sư nói thành thật:

- Ngàn lần cảm ơn ông bà. Từ nay tôi xin giữ liên hệ thường xuyên với ông bà.

Cháu Được ra đi đã gần hai mươi năm.

Vừa qua Được trở về, đã là kỹ sư, giám đốc một công ty lớn ở Pháp. Được có tên Pháp, nhưng về nhà chỉ gọi là Được như cũ thôi. Được ở hẳn nhà ba tháng, xây cho bố mẹ biệt thự ở khu mả hủi cũ, làm con đường thẳng vào làng. Trước khi đi, Được chuyển tiền cho ông Đó đấu thầu cánh bãi sình lầy hai mươi hec ta để làm khu công nghiệp. Được hứa sẽ sớm trở về để tiếp tục công trình, nhưng đang làm thì cánh ông Huấn kiện, nên phải tạm dừng.

***

Đó không có vấn đề gì. Ông đấu thầu cánh bãi hoang là hợp lệ, không có tranh chấp gì. Tiền của con ông cho là tiền hợp pháp. Vì vậy ông Đó có quyền thi công bình thường. Thế là công trường lại sôi động trở lại. Hàng ngày mấy chục xe chở cát lấp cánh bãi, mấy xe và máy xúc tập trung xây khách sạn. Ông Đó quyết định xây khách sạn 5 tầng, vừa làm khách sạn, vừa làm nhà điều hành công trình. Đêm đêm cánh bãi sình lầy sáng trưng ánh điện, rộn rã tiếng nói cười vui vẻ. Ba đứa con ông Đó đã tốt nghiệp đại học, về chờ làm công ty với bố. Bà Tý vẫn trẻ đẹp, hàng ngày lo việc đối ngoại và tiếp khách cho ông Đó. Nói chung gia đình ông Đó đang sống những ngày hạnh phúc nhất. Cánh bãi hoang ngàn đời được ông Đó lấp cát san phẳng đẹp và hiện đại ai cũng thích. Chỉ chờ nay mai anh Được về là xây dựng công ty, sẽ ưu tiên tuyển con em người làng vào đào tạo và làm việc. Việc quan trọng của ông Đó lúc này là xây dựng cho xong khách sạn. Trước khi xây khách sạn, ông cho xây lại miếu Cô Hồn trên nền đất cũ, kích thước không lớn hơn, nhưng rất đẹp và trang trọng. Ông bảo khu mả hủi và miếu Cô Hồn là linh thiêng, là cội nguồn của gia đình ông. Mảnh đất này đổi thay là sự kỳ diệu của tạo hóa. Nhưng không thể quên được lịch sử của nó.

Rồi khách sạn cũng xây xong. Ông Đó chuẩn bị một lễ khánh thành thật trọng thể. Ông mời cán bộ huyện, cán bộ xã và toàn thể dân làng đến dự. Tên khách sạn được che vải đỏ. Sau phát biểu của huyện, của xã, cắt băng khánh thành và giật tấm vải đỏ ra, mọi người vô cùng ngạc nhiên với cái tên: Khách sạn Cô Hồn. Sau khi ông Đó giải thích thì mọi người rầm rầm vỗ tay. Ông Đó mời cả làng ăn liên hoan mừng sự kiện này. Đêm hôm đó và hai đêm sau, ông mời đoàn chèo của tỉnh về biểu diễn ở cánh bãi hoang mới được lấp đầy.

Thời kỳ mới của khách sạn Cô Hồn và khu công nghiệp bãi hoang bắt đầu từ đây.

                                                                                12/2023

Truyện ngắn. Đức Hậu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy