Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:23 (GMT +7)

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Anton Pavlovich Chekhov (1860 - 1904) là một trong những nhà văn chuyên viết truyện ngắn tài năng và vĩ đại bậc nhất nước Nga. Mỗi tác phẩm ông viết ra đều khiến người đọc phải dừng tay trên giấy và cảm nhận bằng cả tâm hồn.

Truyện ngắn Chekhov có một sức hút riêng và được độc giả khắp nơi trên thế giới đón nhận, ông còn được nhân loại ưu ái gọi là “nhà văn làm ta muôn thuở say mê”.

Những trang viết của Chekhov in dấu bởi một phong cách viết giản dị, chân thực mà tràn đầy cảm xúc. Ông viết nhiều về bối cảnh xã hội nước Nga đương thời, chỉ rõ các ung nhọt tồn đọng và sự khốn khổ của con người. 

Truyện của ông không nhằm mục đích mua vui giải trí đơn thuần mà cao cả và vĩ đại hơn, nó thanh lọc lẫn nuôi dưỡng tâm hồn con người, hướng nhân loại đến bến bờ Chân - Thiện - Mỹ.

Sở dĩ những sáng tác của nhà văn giàu tính nhân văn như vậy là vì chúng được kết tinh từ tài năng và tâm hồn Chekhov, ông viết những gì trái tim thôi thúc, lên tiếng cho sự thật lẫn nhân quyền.

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Bất chấp cơn đau dữ dội của bệnh gút chân trong đêm và bất chấp thần kinh suy sụp, Kistunov vẫn đến văn phòng vào buổi sáng và bắt đầu tiếp khách hàng của ngân hàng đúng giờ. Trông anh ta đau đớn, mệt mỏi và nói với giọng thều thào.

“Bà muốn gì?”, anh ta nói với một người phụ nữ mặc áo khoác cổ lỗ sĩ, nhìn từ phía sau trông rất giống một con bọ hung lớn.

“Thưa ngài”, người phụ nữ bắt đầu nói liến thoắng, “chồng tôi, ông Shchukin, giám định viên đại học, bị ốm đã năm tháng, và trong khi ông ấy vẫn còn, xin lỗi ngài, đang nằm ở nhà điều trị thì ông ấy bị cho thôi việc mà không có bất cứ lý do gì, và khi tôi hỏi lương của ông ấy, thì thưa ngài, hai mươi bốn rúp (1) ba mươi sáu kopek (2) đã bị trừ vào lương của ông ấy! Và để làm gì, khi tôi hỏi thì người ta nói: “Ông ấy đã vay tiền từ quỹ công vụ và các công chức khác đã bảo đảm cho ông ấy”. Làm sao có chuyện ấy được? Làm sao ông ấy có thể vay tiền mà không có sự đồng ý của tôi? Điều đó là không thể được, thưa ngài. Điều đó nghĩa là gì? Tôi là một phụ nữ nghèo sống bằng nghề cho thuê phòng trọ… Tôi yếu đuối và không có khả năng bảo vệ… Tôi chỉ nhận được những lời lăng mạ từ mọi người và không ai nói một lời tốt đẹp với tôi…”.

Người phụ nữ bắt đầu chớp mắt và tìm chiếc khăn tay trong túi áo khoác.

Kistunov tiếp nhận đơn của bà ta và đọc nó.

“Được, nhưng cho phép tôi,” Kistunov nhún vai nói, “tôi không hiểu gì ở đây cả. Có lẽ bà đã đến nhầm chỗ rồi, thưa bà. Đơn của bà không liên quan gì đến chúng tôi. Bà vui lòng trình bày với cơ quan, nơi chồng bà làm việc”.

“Không, thưa ngài, tôi đã đến năm nơi rồi và không nơi nào cả muốn nhận đơn của tôi!”, bà Shchukina nói. “Tôi đã rất lo lắng, khi đó, con rể của tôi, Boris Matveyitch, đã bảo tôi đến gặp ngài, xin Chúa phù hộ cho nó vì điều đó! ‘Mẹ ơi, mẹ chỉ cần trình bày với ông Kistunov’, nó nói với tôi, ‘ông ấy có một vị trí có ảnh hưởng và có thể làm bất cứ điều gì cho mẹ…’. Hãy giúp tôi với, thưa ngài!”.

“Chúng tôi không thể làm gì cho bà… Xin bà hãy hiểu cho: theo như tôi thấy, chồng của bà trực thuộc Cục Y tế của Bộ Chiến tranh, trong khi tổ chức của chúng tôi mang tính chất hoàn toàn tư nhân, một tổ chức thương mại, một ngân hàng. Làm sao bà có thể không hiểu điều đó kia chứ!”.

Kistunov lại nhún vai và quay sang một quý ông có đôi má sưng tấy trong bộ quân phục.

“Thưa ngài!”. Bà Shchukina gào lên như muốn khóc, “tôi có giấy chứng nhận của bác sĩ về việc chồng tôi bị bệnh! Nó đây, mời ngài đọc!”.

“Rất tốt, tôi tin bà mà,” Kistunov cáu kỉnh nói, “nhưng tôi nhắc lại, điều đó không liên quan gì đến chúng tôi. Không thể tin được! Điều đó thật lạ lùng! Chồng bà thực sự không biết bà phải đến đâu trình bày sao?”.

Kẻ không có khả năng bảo vệ

“Ông ấy không biết gì cả, thưa ngài! Ông ấy cứ lặp đi lặp lại hai câu này: ‘Đó không phải việc của bà! Hãy để cho tôi yên!’ Vậy đó là việc của ai kia chứ? Ông ấy chặn họng tôi! Tôi …”.

Kistunov lại quay sang nói với bà Shchukina và bắt đầu giải thích cho bà ta sự khác biệt giữa Cục Y tế của Bộ Chiến tranh và một ngân hàng tư nhân. Bà ta chăm chú nghe xong, gật đầu đồng ý và nói:

“Vâng thưa ngài, vâng thưa ngài, vâng thưa ngài… Tôi hiểu. Thưa ngài, thế thì ngài hãy ra lệnh trả cho tôi ít nhất mười lăm rúp! Tôi đồng ý với việc không trả tất cả cùng một lúc…”.

“Ôi!” Kistunov thở dài, ngửa đầu ra sau. “Đúng là người ta không thể nhét điều đó vào đầu bà! Nhưng cuối cùng xin bà hãy hiểu rằng thật lạ lùng nếu bà trình bày với chúng tôi với một lá đơn như thế, như thể ví dụ như bà đã nộp đơn kiện ly hôn tại một hiệu thuốc hoặc ở văn phòng đo lường. Người ta đã trừ bớt lương của chồng bà, nhưng chúng tôi có thể làm gì với điều đó?”.

“Thưa ngài. Tôi sẽ cầu nguyện cho ngài mãi mãi, ngài đang thương xót một đứa trẻ mồ côi tội nghiệp”, Shchukina bắt đầu khóc. “Tôi là một người phụ nữ yếu đuối, không có khả năng bảo vệ… Tôi đã cố gắng đến chết mất… Tôi phải kiện những người thuê nhà, phải xin xỏ cho chồng, phải làm ăn… Và bây giờ, đúng lúc tôi sắp đi rước lễ thì con rể tôi cũng phải mất việc… Khi tôi ăn uống chỉ là vẻ bề ngoài: tôi khó có thể đứng trên đôi chân của mình được nữa… Tôi đã không ngủ cả đêm…”.

Kistunov cảm thấy tim mình đập thình thịch. Anh đặt tay lên trái tim mình với vẻ mặt của một người tử vì đạo và bắt đầu giải thích lại cho bà Shchukina, nhưng giọng anh nghẹn ngào…

“Không, xin bà thứ lỗi, tôi không thể nói chuyện với bà”, Kistunov nói với một cử chỉ vô vọng. “Đầu óc tôi thực sự quay cuồng. Bà chỉ đang làm phiền chúng tôi và lãng phí thời gian của bà một cách vô ích. Ồ! …“Alexei Nikolayitch,” anh ta quay sang một trong những viên chức, “anh làm ơn giải thích điều đó cho bà Shchukina đi!”.

Kistunov đã phục vụ tất cả các khách hàng và ký hàng tá giấy tờ trong phòng làm việc của mình, trong khi Alexei Nikolayitch vẫn nhiệt tình trao đổi bà với Shchukina. Từ phòng của mình Kistunov liên tục nghe thấy hai giọng nói: giọng trầm đều đều, tự kiểm soát của Alexei Nikolayitsch và giọng rin rít, như muốn khóc của bà Shchukina…

“Tôi là một người phụ nữ yếu đuối, không có khả năng bảo vệ, một người phụ nữ ốm yếu”, bà Shchukina nói. “Tôi có thể trông mạnh mẽ bên ngoài nhưng bên trong lại không có nét khỏe mạnh. Tôi hầu như không thể đứng trên đôi chân của mình và không có cảm giác thèm ăn chút nào… Hôm nay tôi uống cà phê mà không thấy thích thú gì cả”.

Alexei Nikolaevich giải thích cho bà ta sự khác biệt giữa các cơ quan khác nhau và hệ thống nộp đơn kiện phức tạp. Chẳng bao lâu sau, anh ta cảm thấy mệt mỏi và người kế toán đã thay thế anh ta.

“Một mụ đàn bà kinh tởm!” Kistunov phẫn nộ nói, trong khi anh ta lo lắng bẻ ngón tay và không ngừng với lấy bình đựng nước. “Đó đúng là một kẻ ngốc, một kẻ quái gở! Bà ta làm tôi phát ốm và bây giờ bà ta lại hành hạ những người khác đến chết, thật là một mụ ngớ ngẩn! Ôi… trái tim tôi!”.

Nửa giờ sau, anh ta bấm chuông. Alexei Nikolaevich xuất hiện.

“Thế nào rồi?” Kistunov mệt mỏi hỏi.

“Chúng ta không thể giải thích cho bà ta được, anh Pyotr Alexandritch (3) ạ! Bà ta chỉ muốn giết chết chúng ta thôi… Cứ như là ông nói gà, bà nói vịt ấy…”.

“Tôi… Tôi không thể nghe thấy giọng nói của bà ta… Tôi phát ốm mất … Tôi không thể chịu được nữa…”.

“Anh Pyotr Alexandritch, anh cần phải gọi bảo vệ để ném bà ta ra ngoài”.

“Không, không được!” Kistunov sợ hãi nói. “Bà ta sẽ tru to lên đến mức mọi người trong ngân hàng đều nghe thấy, và có quỷ sứ mới biết họ sẽ nghĩ gì về chúng ta… Bạn thân mến, hãy cố gắng giải thích mọi chuyện cho bà ta bằng cách nào đó”.

Một phút sau, giọng nói trầm trầm của Alexei Nikolayevich lại vang lên. Mười lăm phút trôi qua, giọng trầm của anh được thay thế bằng giọng nam cao lảnh lót của người kế toán.

“Một mụ đàn bà cực kỳ xấu tính!” Kistunov phẫn nộ nói, nhún vai lo lắng. “Thật ngu ngốc, hãy để quỷ tha ma bắt bà ta đi. Tôi nghĩ bệnh gút chân của tôi lại bắt đầu đau… Và chứng đau nửa đầu của tôi nữa…”.

Ở phòng bên cạnh, Alexei Nikolayitsch cuối cùng đã mất kiên nhẫn. Đầu tiên anh ấy gõ ngón tay lên bàn rồi lên trán.

“Tóm lại, bà không có đầu ở đó”, anh ấy nói, “mà có cái này…”.

“Nói thế mà được à…”, bà Shchukina gắt gỏng nói. “Anh có thể chê bai vợ mình một thứ gì đó không? … Quân vô lại! Đừng cho phép bản thân quá nhiều”.

Alexei Nikolayitch nhìn bà ta với cơn tức giận không kìm hãm được như muốn nuốt chửng bà và dằn giọng:

“Ra khỏi đây ngay!”.

“C…á…i… g…ì…?” bà Shchukina đột nhiên tru tréo lên. “Sao mày dám? Dù tao là một người phụ nữ yếu đuối, không có khả năng bảo vệ nhưng tao sẽ không cam chịu điều này! Chồng tao là giám định viên đại học! Đồ vô lại! Tao sẽ đến gặp luật sư của tao và ông ấy sẽ tóm cổ mày! Tao đã lôi ba người thuê nhà ra tòa và mày cũng sẽ đến cầu xin tao! Tao sẽ đi gặp giám đốc của mày!”.

“Ra khỏi đây đi, đồ chó chết!” Alexei Nikolayitsch rít lên.

Kistunov mở cửa và nhìn vào trong phòng làm việc.

“Có chuyện gì ở trong này vậy” anh ta hỏi với giọng như sắp khóc.

Bà Shchukina, đỏ mặt tía tai, đứng giữa phòng, đảo mắt và giơ ngón tay lên trời. Các viên chức cũng đỏ mặt, rõ ràng là mệt mỏi vì vụ bê bối đứng xung quanh bà ta và ngập ngừng nhìn nhau.

“Thưa ngài!” Shchukina lao tới chỗ Kistunov, “thằng này, thằng này… thằng này (bà ta chỉ tay vào Alexei Nikolayitsch) gõ ngón tay lên trán rồi gõ lên bàn… Ngài đã ra lệnh cho nó giải quyết đơn của tôi và nó đang chế giễu tôi! Tôi là một người phụ nữ yếu đuối, không có khả năng bảo vệ… Chồng tôi là giám định viên đại học còn bản thân tôi là con gái của một thiếu tá!”.

“Được rồi, thưa bà,” Kistunov than phiền, “Tôi sẽ xem xét việc đó… có biện pháp… Chỉ xin bà… đến sau!”…

“Khi nào tôi nhận được, thưa ngài? Hôm nay tôi cần tiền!”.

Kistunov đưa bàn tay run rẩy lên vuốt trán, thở dài và bắt đầu giải thích lại.

“Tôi đã nói với bà rồi, thưa bà. Đây là một ngân hàng, một tổ chức thương mại tư nhân… Bà muốn gì ở chúng tôi? Và bà không nhận ra là bà đang làm phiền chúng tôi sao?”.

Bà Shchukina nghe xong và thở dài.

“Vâng, vâng…”. Bà ta đồng ý. “Nhưng ngài hãy là người tốt bụng, thưa ngài, xin ngài làm cha của con, che chở cho con để con có thể cầu nguyện Chúa cho ngài mãi mãi. Nếu giấy chứng nhận y tế không đủ, con có thể cung cấp giấy chứng nhận của cảnh sát… “Ngài hãy ra lệnh trả tiền cho con!”.

Kistunov bị hoa mắt. Anh ta thở ra hết dưỡng khí có trong phổi và yếu ớt ngồi xuống ghế bành.

“Bà muốn bao nhiêu?” anh ta hỏi với giọng yếu ớt.

“Hai mươi bốn rúp ba mươi sáu kopeck”.

Kistunov rút ví, lấy ra tờ 25 rúp và đưa cho bà Shchukina.

“Đây, bà cầm lấy… và hãy đi đi!”.

Bà Shchukina gói tiền vào khăn tay, bỏ vào túi và nhăn mặt nở một nụ cười ngọt ngào, nhã nhặn và thậm chí có phần lẳng lơ, hỏi:

“Thưa ngài, chồng tôi có thể tiếp tục giữ chức vụ cũ được không?”.

“Tôi sẽ đi khỏi đây… Tôi bị ốm… ”, Kistunov nói với giọng thiểu não. “Tôi bị đau tim mất”.

Sau khi Kistunov về nhà, Alexei Nikolayitch bảo Nikita đi mua những giọt nguyệt quế anh đào (4) và mọi người quay lại làm việc. Nhưng bà Shchukina vẫn ngồi ở tòa nhà phía trước thêm hai giờ nữa, trò chuyện với người bảo vệ ở đó và chờ xem khi nào Kistunov sẽ quay lại.

Vào ngày hôm sau bà ta cũng đến.

-------------

(1) Đơn vị tiền tệ của Nga.

(2) 1 kopeck bằng 1/100 rúp.

(3) Tên gọi tôn trọng của Kistunov.

(4) Có tác dụng chữa chứng khó thở.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục