Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
20:40 (GMT +7)
Món quà độc đáo của mùa thu Thái Nguyên

Hồng da tre - Món quà độc đáo của mùa thu Thái Nguyên

“Có một loại hồng đỏng đảnh chỉ xuất hiện duy nhất một tháng nhưng hương vị ngọt ngào của nó làm người ta say đắm cả năm, đó là hồng da tre Thái Nguyên”. Tò mò trước lời giới thiệu của một người bạn chuyên cung cấp các loại đặc sản vùng miền trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã đặt mua. Và sau khi thưởng thức, sự hấp dẫn của loại quả đặc biệt này đã khiến chúng tôi quyết định tìm hiểu và có chuyến tham quan những cây hồng cổ thụ này ở huyện Đồng Hỷ. 

“Thủ phủ” của hồng da tre

Đến tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), nơi được gọi là “thủ phủ” của hồng da tre Thái Nguyên, chúng tôi được giới thiệu vào gia đình bà Đào Thị Lý. Nhà bà có 4 gốc hồng cổ thụ da tre đang vào những ngày cuối thu hoạch. Dưới gốc cây to sần sùi màu đen xám, bà bưng rổ hồng vừa hái, từng quả căng tròn đều, cười nói: Từ ngày tôi về làm dâu ở đây đã thấy mấy cây hồng sừng sững rồi, đến nay chắc nó cũng phải 50 - 60 tuổi. Hồi trước, mọi người ít để ý đến loại quả này, nên chỉ khi chín rụng ở gốc mới ăn chứ không ai hái đi bán cả. 6-7 năm trở lại đây, chúng tôi thấy nhiều người ở Hà Nội hỏi thăm rồi lên tận nhà mua với giá rất cao. Các con tôi cũng đăng bán trên mạng xã hội được rất nhiều khách hàng đặt mua ăn và mang đi biếu, họ cũng nói đây là đặc sản của riêng Thái Nguyên.

Hồng da tre - Món quà độc đáo của mùa thu Thái Nguyên

Ông Lê Văn Quỳnh, chồng bà Lý ngồi cạnh đó tiếp lời: Những người dưới Thủ đô sành ăn, họ bảo hồng da tre ngon chẳng kém gì hồng tiến vua ở tỉnh Phú Thọ, vậy mà ngay cả người Thái Nguyên cũng ít biết đến và thưởng thức món quà quê độc đáo này. Mấy năm nay, 4 cây hồng vào vụ của gia đình tôi cho lứa quả đều, mang lại nguồn thu trên 20 triệu/vụ. Vợ chồng tôi cứ bán xô các cỡ quả với giá 70 - 90 nghìn đồng/kg, còn bình thường thấy mọi người bán lẻ 120 - 170 nghìn đồng/kg tùy loại quả.

Thường vụ “hồng đỏng đảnh” này chỉ vỏn vẹn khoảng một tháng (tháng 8 đến tháng 9 âm lịch) chứ không kéo dài như hồng giòn Đà Lạt hay hồng Mộc Châu cho thu từ tháng 8 - 11 âm lịch hằng năm. Sở dĩ có tên gọi “hồng da tre” là bởi lớp vỏ ngoài của quả hồng xanh mịn, óng như thân tre. Kích cỡ quả hồng da tre cũng to hơn so với loại hồng ngâm (loại to nhất khoảng 3 - 4 quả/kg; loại nhỏ hơn là 7 - 8 quả/kg). Người dân Việt Cường còn gọi là quả hồng vuông bởi hình dáng quả vuông vắn, có 4 rãnh ngoài vỏ rất dễ nhận biết.

Hồng da tre - Món quà độc đáo của mùa thu Thái Nguyên
Cả tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hoá Thượng (Đồng Hỷ) hiện có trên 100 cây hồng tuổi đời hơn 20 năm đang được thu hoạch.

Tôi ngước nhìn lên cây hồng cổ của gia đình bà Lý, trong đầu nhẩm tính chắc độ cao của cây khoảng 10m. Cây to, cao nên thường khi hái, ông bà đều phải dùng thang và gậy có bọc túi hái mới tránh quả bị dập nát. Được mời trái hồng da tre chín cây ngay dưới gốc, tôi bửa đôi quả, đưa vào miệng thưởng thức miếng hồng tươi như lòng đỏ trứng gà, cảm nhận vị thơm, ngọt, giòn dai rất dễ chịu. Bà Lý nói thêm: Cuối vụ, sản lượng hồng ít nhưng lại là lúc ngon nhất vì quả già căng, chín vị rất đậm, mọi người đều tranh thủ ăn không hết mùa, phải đợi đến sang năm.

Ông Phạm Quang Tiến, tổ trưởng tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) vui vẻ nói với chúng tôi: Việt Cường không chỉ nổi tiếng với sản phẩm miến dong đạt OCOP 5 sao, mà còn có sản vật hồng da tre, còn gọi là hồng vuông hay hồng trứng gà. Loại hồng này không hạt, nhiều thịt, ăn không bị nhão và xơ như hồng đỏ mà vị thơm mát, ngọt dịu, giữa các phần thịt có xen những lát giòn sần sật rất đặc biệt. Vụ năm nay, tôi được nhiều người nhờ lấy hộ đi tặng khắp anh em bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Theo lời ông Tiến, cả tổ dân phố Việt Cường trên 200 hộ dân thì có tới 60 hộ với hơn 100 cây hồng tuổi đời trên 20 năm đang được thu hoạch như gia đình nhà ông Quỳnh, bà Lý (nhà ít là 1 - 2 cây, nhà nhiều là 4 - 5 cây). Dù số lượng cây không nhiều và sản lượng không quá cao song rõ ràng những năm gần đây, hồng da tre đã mang lại nguồn thu khá cho người dân địa phương. Ngoài huyện Đồng Hỷ, diện tích hồng da tre cũng được trồng ở một số xã của huyện vùng cao Võ Nhai. Nhận thấy giá trị của loại quả này, người dân cẩn thận hơn trong chăm bón, như khi hồng bắt đầu hình thành quả, họ treo đèn để chống ong và ruồi vàng châm quả, tránh việc bị ong, sâu bọ chích sẽ làm hỏng quả hồng. Sau khi thu hoạch, lá hồng rụng dần, trơ lại cành và đến sau Tết, bà con bắt đầu bón phân, bón đạm để giúp cây hồi sinh và trổ hoa rộ cho sản lượng tốt hơn ở vụ kế tiếp.

Thức quà “quý tộc”

Hồng vốn là thức quà mùa thu rất quen thuộc với nhiều người, giá cũng khá rẻ, chỉ từ 25 - 50 nghìn đồng/kg với các loại hồng Bắc Kạn, Lạng Sơn, Mộc Châu, Đà Lạt. Còn hồng da tre là loại hồng “mới nổi” được dân sành ăn săn lùng với giá lên tới 130 - 170 nghìn đồng/kg. Dù có giá đắt gấp 3 - 4 lần các loại hồng thông thường khác nhưng hầu như khách muốn mua đều phải đặt trước cả tháng, thậm chí là phải quen biết với người bán mới có thể “nhận phần” để được thưởng thức loại quả này. Bởi vậy mà hơn 100 cây hồng cổ ở Việt Cường, Hóa Thượng mấy năm gần đây, cứ đầu vụ đã được các thương lái đến tận vườn thu mua cả cây để vận chuyển đi các tỉnh, chủ yếu xuống Hà Nội.

Hồng da tre - Món quà độc đáo của mùa thu Thái Nguyên
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Phong, ở tổ dân phố Làng Luông, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đang đóng thùng hồng da tre gửi cho khách ở Hà Nội.

Chị Đồng Thị Huyền, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) cho biết: Là người Thái Nguyên song tôi cũng mới biết đến quả hồng da tre từ năm ngoái do được người quen biếu. Ăn một lần là nhớ mãi nên năm nay, tôi đã tìm mua từ đầu mùa cho gia đình và dành tặng người thân.

Nhiều người gọi hồng da tre, đặc sản của Thái Nguyên là thức quà “quý tộc” không chỉ vì giá của nó khá cao so với các loại hồng thông thường mà còn bởi cách ăn thức quà này cũng khá đặc biệt. Khi hái quả hồng già, vỏ đanh lại, ta để úp cuống hồng xuống đĩa vài ngày thấy da hồng trong, quả mềm thì bổ đôi rồi để vào trong ngăn mát tủ lạnh, đợi cho bề mặt hơi se se lại thì dùng thìa xúc ăn. Lúc ấy, ta nhìn miếng hồng trong veo, vàng như lòng đào trứng gà, cảm giác ăn miếng hồng như đang ăn thạch, vị mát ngọt dịu xen chút giòn sật tan chầm chậm trong miệng rất thú vị. Nếu không biết thưởng thức loại hồng này đúng độ chín, người ăn sẽ cảm thấy chát và nhựa đọng nhiều trong miệng rất khó chịu.

Theo lời anh Nghĩa, quê ở thị trấn Hóa Thượng hiện đang kinh doanh hoa quả ở Hà Nội cho biết: Thấy nhiều người yêu thích, tìm mua loại hồng này nên tôi đứng ra thu mua hồng của các hộ dân và cung cấp cho các đầu mối ở Hà Nội luôn. Năm nào cũng vậy, hồng nhập về không đủ bán lẻ cho người dân và các đầu mối sỉ ở Thủ đô. Ai cũng háo hức muốn thưởng thức loại đặc sản của Thái Nguyên chỉ xuất hiện đúng một tháng trong năm này.

Còn chị Mai Thị Quyên, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Hồng da tre ai ăn vào là “nghiện”. Tôi biết đến đặc sản này của Thái Nguyên 4 năm nay nhờ một người quen ở huyện Đồng Hỷ. Cứ đến vụ là tôi đặt bạn gửi về Hà Nội cho gia đình, tặng bạn bè, người thân thưởng thức. Hồng da tre ăn không chỉ ngon mà còn lành, bổ dưỡng, không lo có các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Để sở hữu thức quà “quý tộc” này, đa phần mọi người trên khắp mọi miền Tổ quốc đặt hàng qua kênh online. Chị Phạm Minh Thúy, tổ dân phố Luông, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) là người chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản vùng miền. Nhận thấy địa phương mình có sản vật độc đáo, vài năm trở lại đây, chị đều đăng bán trên mạng xã hội facebook và zalo, giới thiệu tới bạn bè. Dịp Tết Trung thu năm nay đúng vào lúc hồng da tre chín rộ, có ngày chị bán được cả tạ hồng, chủ yếu khách đặt làm quà Trung thu gửi đi Hà Nội và các tỉnh.

Để tiện cho khách hàng thưởng thức trọn vẹn hương vị của loại quả này, chị Thúy và nhiều người bán đã cẩn thận gửi tin nhắn qua facebook, zalo hướng dẫn khách cách bảo quản và ăn hồng da tre, hoặc in tờ hướng dẫn sử dụng vào hộp quà. Chị Thúy chia sẻ: Mọi người quen ăn các loại hồng ngâm nên với cách ăn khác lạ của hồng da tre cần sự hướng dẫn tỉ mỉ. Thường mua về, khách hàng nên úp cuống hồng xuống đĩa, đáy quả hồng lên trên để tránh bị dập do đuôi quả hồng luôn chín nhanh hơn phần cuống. Đồng thời, hàng ngày theo dõi, quả hồng nào chín vàng đều và trong ra ở dưới cuống thì cho vào tủ lạnh. Nếu quả nào cuống xanh tức là chưa chín và nếu ăn sẽ bị chát.

Bảo tồn và phát triển hồng đặc sản Thái Nguyên

Gia đình anh chị Nguyễn Đức Phong, Hoàng Thị Bích Thục ở tổ dân phố Luông, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã có hàng chục năm buôn các loại hồng, trong đó có hồng da tre Thái Nguyên. Trong vườn của anh chị cũng đang trồng 50 cây, vụ này có khoảng 30 cây bắt đầu được thu hoạch.

Khi chúng tôi tới nhà, thấy ngoài sân của gia đình anh la liệt các thùng xốp chứa hồng. Anh Phong vừa nhanh nhẹn đóng từng thùng hồng da tre cho khách vận chuyển đi Hà Nội, vừa trò chuyện với chúng tôi: Tôi lấy vợ ở làng Luông, gia đình ngoại có 5 cây hồng da tre ăn khá ngon mà trước đây chẳng ai mua bán gì. Quá trình ngược xuôi buôn bán các loại hoa quả khắp các tỉnh, có mang mời anh em bạn bè loại hồng da tre của quê hương, họ đều khen ngon và bảo vị rất khác biệt so với các loại hồng thông thường. Sau đó, tôi được một số hộ kinh doanh ở Hà Nội đặt hàng số lượng lớn mỗi vụ. Vậy là khoảng 7 năm gần đây, tôi thu hái hồng của gia đình và thu mua của người dân trong địa bàn huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai để cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ hồng da tre ở Hà Nội. Trung bình mỗi vụ, vợ chồng tôi xuất bán trên 10 tấn hồng, thu lãi cả trăm triệu đồng.

Chị Thục đon đả mời chúng tôi thưởng thức những trái hồng da tre cuối vụ vàng sậm, chín mềm và bảo: Thấy giá trị kinh tế từ loại quả này, vợ chồng tôi ngoài trồng 50 gốc ở vườn đồi gia đình còn kết hợp với bạn bè trên Bắc Kạn trồng hàng trăm gốc, năm nay một số cây trên Bắc Kạn được thu hoạch lứa thứ hai với 7 tạ quả. Mong rằng, người dân chúng tôi sẽ xây dựng được thương hiệu và có nguồn thu khá từ loại quả đặc sản này.

Hồng da tre - Món quà độc đáo của mùa thu Thái Nguyên
Niềm vui của người dân khi thu hoạch hồng da tre, đặc sản của mùa thu Thái Nguyên.

Nghe lời chị Thục chia sẻ, tôi chợt nhớ tới thông tin ông Tiến cung cấp: Nhận thấy giá trị kinh tế của cây hồng da tre với người dân, năm 2021, tổ dân phố Việt Cường (khi đó là xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng) đã triển khai dự án trồng trên 2.000 gốc hồng da tre với diện tích hơn 3ha. Hiện nay, diện tích cây hồng trong mô hình đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sau khi trồng khoảng 6 - 10 năm sẽ cho thu hoạch.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mô hình trồng mới hồng Việt Cường thuộc đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây Hồng Việt Cường, huyện Đồng Hỷ”, do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai, đơn vị quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên. Mô hình trồng mới, thâm canh giống Hồng Việt Cường tại huyện Đồng Hỷ, người dân được tài trợ toàn bộ cây giống, góp phần mở rộng diện tích canh tác, tạo đà phát triển kinh tế.

Ông Trần Văn Ba, tổ dân phố Việt Cường bày tỏ: Chúng tôi chỉ mong các cấp ngành quan tâm để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản phẩm đặc sản vùng miền, nhất là có thị trường tiêu thụ, giúp bà con có thu nhập khá…

Và đó cũng là mong ước của biết bao người nông dân tần tảo yêu đất, yêu nghề ở Hóa Thượng. Hy vọng, tương lai không xa, hồng da tre Việt Cường nói riêng và hồng da tre Thái Nguyên nói chung sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế ngày một cao cho người dân. Và chắc chắn, vụ tới, tôi nhất định sẽ thưởng thức thứ quả mang đậm hương vị đặc trưng của mùa thu Thái Nguyên này…

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy