Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
05:35 (GMT +7)

Hồn quê trong câu hò ngày ấy

Nghĩ về tuổi ấu thơ, tôi lại bâng khuâng nhớ tới thuở chăn trâu, cắt cỏ, nhớ thuở cắp sách tới trường.

Sông Cầu quê tôi. (Ảnh minh họa: Phan Bảo)
Sông Cầu quê tôi. (Ảnh minh họa: Phan Bảo)

Những trưa hè nóng gay gắt, bọn tôi rủ nhau lùa đàn trâu ra bờ sông Cầu. Có tới tám, chín đứa sàn sàn tuổi nhau, tuổi lên chín, lên mười. Tất cả ngồi chễm chệ trên lưng trâu, những con trâu mộng có cặp sừng to đen bóng. Đàn trâu tiến thẳng ra bờ sông. Lối xuống sông nhỏ hẹp và dốc đứng. Kinh nghiệm của chúng tôi, đứa nọ bắt chước đứa kia, lúc trâu sắp xuống dốc, đứa nào đứa nấy, nằm ngửa trên lưng trâu, tay túm chặt lấy đuôi, hai chân đưa về phía đầu con trâu, đầu ngả về phía sau, nếu chẳng may người có bị tụt xuống thì cứ việc dạng hai chân, dẵm lên hai sừng của nó, giữ cho người không bị lao về phía trước. Cái cảm giác vừa sợ, vừa khoái ấy đến giờ vẫn chưa biến mất trong tôi. Cứ thế, một đoàn người và trâu tiến thẳng xuống dòng sông, đàn trâu uống nước ùng ục, thở phì phò rồi lăn ềnh dưới dòng nước mát, trở mình liên tục, chân duỗi thẳng, tận hưởng sự thoả thuê.

Cơm chiều xong, tôi rủ mấy bạn cùng trang lứa ra bờ sông nghe người lớn hò. Những câu hò đối đáp, những câu ví nhiều hình ảnh làm bọn tôi mê tít. Trong số đó có nhiều lứa tuổi khác nhau, phần lớn ở tuổi hai mươi, hai mốt, cũng có người đến tuổi bốn, năm mươi. Tốp bên này sông và tốp bên kia sông. Bờ sông bên tôi thường là tốp nữ, bờ bên kia là tốp nam. Hôm nào đông vui, mỗi tốp có tới mười đến mười hai người. Dọc hai bên bờ sông có nhiều tốp như vậy. Phần lớn họ không biết mặt nhau, chỉ quen nhau qua giọng hò. Khi bên này cất giọng hò là bên kia nhận ra ngay tiếng hò của bạn mình. Đêm càng thanh vắng thì tiếng hò vọng sang nhau lan trên mặt nước nghe càng rõ hơn. Những câu hò bên này cất lên là được bên kia đối đáp lại ngay, rất hợp nhau, nhuần nhuyễn. Một điều rất lạ là câu hò đối đáp được họ nghĩ ra rất nhanh.

Một giọng nam cất lên ở bờ bên kia:

- “Ơ hò!… Sông kia nước chảy (mà) lờ (ớ) đờ… Anh đi (mà) bộ đội em có chờ được không?... ớ hò!”.

Ngay lập tức tiếng người con gái bên này cất lên lanh lảnh:

- “Ơ hò!… Sông sâu cá lặn (mà) biệt (ớ) tăm, (chứ) phải duyên (mà) chồng vợ, (chứ ) ngàn năm em chờ vẫn chờ… Ơ hò!”.

Những nhóm khác cũng bắt đầu lên tiếng:

Giọng nam:

 “Đêm nay trời vắng trăng sao

Anh đi dạo mát nao nao nhớ nàng

Đành lòng cất giọng hò sang

Có em bên ấy trả lời cho anh. Ơ hò!”

Giọng nữ:

“Tiếng ai như tiếng chuông vàng

Tiếng ai như tiếng anh chàng tôi quen. Ơ hò!”.

Giọng nam:

“Tiếng ai như tiếng chuông kêu

Tiếng ai như tiếng người yêu vừa hò”.

Những câu hò đối đáp, những lời ví von vu vơ nhưng luôn say đắm, bởi đó là những lời chân thật, ngọt ngào, mộng mơ…

Trong nhóm người cao tuổi, câu hò của họ vừa mang tính ví von, vừa mạnh mẽ, cụ thể nhưng lại vừa mang tính “khiêu khích” để bên kia cay cú mà lên tiếng:

“Ơ hò ! Ra đây chẳng hát thì hò

Chẳng phải con cò nghển cổ mà nghe”.

Hay:

“Ơ hò !... Trên trời có đám mây xanh

Có Công, có Quạ, có anh dân cày

Suốt ngày mê mẩn cùng mây

Hỏi anh đã giỏi đường cày hay không? Ơ hò!”

Tuy nhiên cả hai bên đều hiểu, đi hò là để thể hiện sự thông minh, nhanh trí, đặt lời để đối đáp, ví von nên không bên nào giận bên nào. Bao giờ kết thúc buổi hò, câu hò của họ cũng là:

Bên nam:

- Ơ hò !... Thôi thôi đừng nói chua ngoa, ước gì mình sống một nhà cho vui!

Bên nữ:

- Ơ hò !... Nói đùa một chút thế thôi. Xin người đừng chấp mà tôi lại buồn. Cá tôm còn biết nhớ thương, mình sao nỡ giận để buồn cho nhau. Ớ hò!

Tiếng hò càng khuya càng rõ, càng nồng nàn, say đắm, bên nọ đối đáp bên kia, nếu có tình ý thì đối những lời say mê, những lời hẹn hò chung thuỷ. Chẳng may hôm nào có đôi nghịch ngợm hoặc thua lời thì chuyển sang trêu chọc nhau. Bên nam bao giờ cũng cất câu hò trước, bên nữ hò trả lời sau:

“Sông sâu mà chẳng có đò

Muốn sang bên ấy mà lo ướt quần!”

Ngay lập tức bên nữ đối lại:

“Người ướt thì đem mà phơi

Nếu ướt “chỗ ấy” thì tôi “nướng” giùm…!”

Cứ như vậy hai bên bờ sông vọng lên tiếng hò đối đáp nhau. Ở các lùm tre cũng đông dần những nhóm trai gái rủ nhau ra nghe, họ trao nhau những tiếng nói thì thầm, tình ý… Cho đến lúc trăng sắp lặn thì mới tạm dừng, ai về nhà nấy, mai lại bắt tay vào một ngày lao động mới, để đến đêm lại rủ nhau đi hò đối đáp. Niềm say mê tưởng như không bao giờ dứt. Chỉ có điều “Mùa hò” năm sau, số bạn gái ở bên này sông đã sang làm dâu ở bên kia sông khá nhiều. Các con thuyền nhỏ ở xóm tôi lại được đóng thêm nhiều hơn nữa.

Những kỉ niệm tuổi thơ cứ lần lượt dội về, một luồng gió chiều thoảng qua khiến lòng tôi lưu luyến, giọt nước mắt vô tình lăn tròn trên gò má từ lúc nào.

Giờ tôi đã đi công tác và lấy chồng, rồi sinh con. Cuộc sống đời thường với bao nỗi vất vả, lo toan, cuốn hút. Có lúc tôi bẵng quên đi những kỉ niệm xa xưa.

Hôm nay có dịp về thăm quê, tôi tần ngần bên bãi ngô non. Dòng sông Cầu vẫn nặng phù sa và thấm đẫm những câu hò, chứa ẩn nỗi khát khao, để dòng sông cứ bên bồi, bên lở. Tôi chợt nghĩ và nuối tiếc, không biết rằng ở ngoài phố đông kia, nơi xã hội luôn biến động đến chóng mặt, những đứa trẻ, trong đó có các con tôi đang sống, chúng có kỉ niệm tuổi thơ và nỗi niềm bâng khuâng như tuổi thơ của tôi không? Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông, bến nước, con đò, với con sông Cầu nước lững lờ trôi, mang nặng phù sa và những câu hò đêm trăng lưu luyến…

Thấm thoát đã gần 50 năm, các bạn tôi ngày ấy, bây giờ đã lên chức ông, chức bà. Tôi chợt nhớ câu nói của ai đó: “Chưa kịp quên chỗ chơi đã già”. Một con thuyền say gió, chở cát về xuôi, cánh buồm căng đang lướt nhẹ trên sông, xa dần, xa dần trước mắt tôi…       

Ngọc Thị Lan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy