Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:22 (GMT +7)

Học giả, ký giả Đặng Xuân Viện với Định Hóa châu du ký

VNTN - Học giả, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Đặng Xuân Viện (1880-1958), tục danh Bốn Đễ, bút danh Phục Ba, Thiện Đình, Đặng Nguyên Khu, Đặng Viết Nhiêu; quê sinh làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); là con thứ tư cụ nghè Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910); thân sinh Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988). Đặng Xuân Viện học rộng nhưng không đỗ đạt, có làm Thừa phái tỉnh Hưng Yên và Hòa Bình trong mấy năm rồi xin nghỉ, sau tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân phong kiến bắt quản thúc ở quê nhà. Ông cũng từng tham gia nhóm “Nam Việt Đồng Thiên Hội”, tích cực cộng tác với Nam phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Ngọ báo và biên soạn các sách, chủ yếu hoàn thành trước 1945: Hà phòng quản kiến, Vô danh anh hùng, Hữu danh anh hùng, Nói có sách, Hán văn sơ học tiệp giải, Hành Thiện xã chí, Minh Đô sử(1)…

Học giả Đặng Xuân Viện.  (nguồn: hanhthien.net)

Khi đã đến trong ngoài lứa tuổi năm mươi “tri thiên mệnh”, Đặng Xuân Viện vẫn đi nhiều, viết khỏe và cộng tác chặt chẽ với Nam phong tạp chí. Chỉ trong ba năm (1929 - 1931), ông đã trình làng trên tờ tạp chí văn hóa quyền uy và nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ với sáu tác phẩm du ký: Định Hóa châu du ký (1929), Quảng Xương danh thắng, Đông Sơn hoài cổ, Cuộc đi chơi Huế (1930), Tây Đô thắng tích, Thụy Anh du ký (1931)... Điều đặc biệt, mở đầu cho sáu tác phẩm du ngoạn bốn phương của Đặng Xuân Viện lại là Định Hóa châu du ký viết về miền núi tây bắc tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km.

Mở đầu Định Hóa châu du ký, Đặng Xuân Viện đi đến vùng non cao giáp giới hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Cạn và bày tỏ tâm tình trước quang cảnh và đời sống thanh bình: “Lâu nay vẫn quen cái phong vị ở dưới đường xuôi, có lên đường ngược, lại sợ rừng thiêng nước độc, lại không muốn đi. Hồi mới rồi thấy dân bể bị bão, thấy rất thảm đạm, rất là tiêu điều, mà lòng lại thêm chán nản, muốn bước chân lên xứ thượng du, để quan sát cái cảnh tượng và phong tục, mà so sánh với dân bể như thế nào. Một hôm tiện đường ô tô lên chơi châu Định Hóa, nhìn xem phong cảnh đương mùa thu mà lại có vẻ xuân quang, trải bao phen mưa sầu gió thảm mà nhà gianh vách nứa vẫn nguyên vậy, vườn cau rặng chuối vẫn nguyên vậy, cây xanh lá dài vẫn nguyên vậy, non xanh nước biếc vẫn nguyên vậy, dân sự vui vẻ nghiễm nhiên có cái cảnh tượng thái bình; nên lưu lại ba ngày để du lịch, khiến được giải phóng cái sầu u uất vì cơn mưa bão mới đây”(2)…

Đặng Xuân Viện tường tả, nhận xét, đánh giá câu chuyện thời sự của tình trạng cát cứ, phân phong, duy trì lãnh địa luật rừng đương thời: “Châu Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên giáp liền Bắc Cạn, châu có bốn tổng, tổng Định Biên, tổng Thanh Điểu, tổng Khuynh Quy, tổng Phương Vĩ; tất cả có 8 xã, phần nhiều dân Thổ, gián có người Mán ở lẫn. Trước xưa vẫn là chỗ hoang mãng, trộm cướp thường thường tụ tập, triều đình đức giáo chưa có khai hóa đến bao giờ. Triều vua Thành Thái có Lương Tam Kỳ là đảng cách mệnh ở bên Tàu sang đóng ở đó, chiêu tập những thổ hào chiếm cứ cả địa hạt ấy, vũ lực ngày thêm đông, thanh thế ngày thêm mạnh, thành ra một tay cường khấu ở tỉnh Thái Nguyên. Bấy giờ nhà nước bảo hộ bận việc kinh tế ở Trung châu, nên cũng mần ngơ cho họ yên trí một chỗ đinh điền thuế lệ mặc họ quản nhận, miễn cho yên việc để khỏi phiền đến sự chinh chiến mà thôi. Sau Tam Kỳ ra thú, Nhà nước ban cho quan chức, cấp cho lương bổng, đối đãi với họ có một cách đặc biệt. Tam Kỳ mất tự năm Khải Định thứ chín đến nay đã sáu năm, Nhà nước vẫn cấp lương cho con cháu đi học. Con thứ hai là Lương Kim Qui (tiếng Thổ gọi là Cắm Quay) mở sòng sóc đĩa ở chợ Chu, được bao nhiêu tiền hồ thì Kim Qui thu nhận, rồi đem phân phát cho các em ít nhiều, ngày đêm được đánh tự do, không có ngăn cản, ý Nhà nước cũng dung thứ cho họ để kiếm đường sinh nhai, đó cũng là cách lung lạc các thổ hào như vậy”... 

Chợ Chu - Định Hóa hôm nay.    Ảnh: Trần Văn Minh

Tiếp theo Đặng Xuân Viện phác thảo lề lối quản lý hành chính và mối quan hệ giữa người dân vùng cao với chính quyền, trong đó có tính đến các yếu tố khác biệt trên các phương diện đời sống kinh tế, xã hội và phong tục tập quán: “Chợ Chu gần chỗ châu đóng, chợ một tháng sáu phiên, ngày hai ngày bảy, chợ có ba cái nhà xây rất rộng, lại có bể to xây ngầm dưới nền, có máy lọc sạch sẽ, hợp cách vệ sinh. Chung quanh chợ người đường xuôi lên đấy mở hàng buôn bán cũng đông, phiên chợ thời người Thổ người Mán đem thổ sản đến cho người đường xuôi, người ở xa thường phải đến họp hôm trước; xem cách buôn bán cũng được vui vẻ không kém gì chợ đường xuôi… Gần chợ có tòa đại lý đóng ở trên đồi và có trại khố xanh nữa. Nghe tiếng ông Đại ở đấy có lòng nhân từ nên đan sự có bụng yêu mến, việc quan họ cũng thường hay đến quan Đại, tổng lý mỗi tháng ba kỳ đến tòa đại lý cùng với quan châu đê hội thương. Việc quan ở châu, trừ hình án bẩm quan tỉnh, còn việc cai trị thời quan châu phải tự báo với quan Đại luôn luôn… Dân châu ấy có lòng tin quan, ở ngoài ai bảo họ cũng không nghe, ai hỏi họ cũng không nói, hễ đến quan có làm sự gì phi pháp tiền xin thú nhận. Bên nguyên bên bị đánh chửi nhau, hiềm thù nhau đến thế nào, nhưng quan lấy lẽ phải trái bảo họ giải hòa, họ cũng bằng lòng ngay. Phàm có sai trát quan sức về đến dân thì lập tức tuân lệnh thi hành, duy có một đôi khi bị nước mưa to, suối sâu không thể lội được, mới có việc chậm trễ… Dân cư làng nào cũng có súng, một thứ súng hỏa mai thì dài, phải châm lửu, súng có cò ngoài thì ngắn, có cò máy bắn bằng đạn, một thứ súng kép thì bắn nhậy hơn cả, các thứ súng ấy là của người Thổ tự chế ra đã lâu, tất cả châu ước có mấy trăm khẩu, trong làng đặt một người xã đoàn đốc xuất quân dõng, tức là tuần tráng, mỗi người cầm một khẩu để đi tuần, hoặc có động trạng chỗ nào cùng là tróc nã tên nào, thời sức cho quân dõng, nã bắt cho bằng được”...

Từ đây Đặng Xuân Viện đi sâu mô tả phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao và nhấn mạnh công cuộc phát triển nền giáo dục mới: “Dân Thổ thân thuế, mỗi người hai đồng rưỡi cũng như người Trung châu, còn dân Mán thân thuế thì năm hào. Một thứ Mán thuộc xã Sơn Đầu, một thứ Mán thuộc xã Quy Sóc, hai thứ Mán ấy ở không định sở, năm nay kiếm ăn thung lũng chỗ này, sang năm kiếm ăn thung lũng chỗ khác, đến đâu thời phá đồi đấy, trồng cấy có lợi thì ở, không lợi thì bỏ đi, cứ đến kỳ thuế có hai người quản Mán hai xã ấy đi thu về nộp lại quan. Nhà nước muốn cho họ sáp nhập vào dân Thổ nhưng họ không bằng lòng. Châu ấy cũng có làng Minh Hương, vì lúc nhà Thanh lấy nhà Minh, người nhà Minh chạy sang đấy trú ngụ, triều vua Thiệu Trị cho biệt lập là xã Minh Hương. Ruộng đất châu ấy vẫn xưa nay không có thuế, dân cư khai khẩn chỗ nào thời hưởng hoa lợi chỗ ấy; gián hoặc có đợ bán cho nhau thời ít khi dùng đến văn tự, phần nhiều lấy lời nói làm bằng. Ruộng không có kể mẫu, kể sào, chỉ có cái khoảng ruộng ấy cấy được bao nhiêu nồi thóc giống mà định giá, mỗi mẫu ước cấy một nồi thóc giống, mỗi nồi nặng 24 cân Tây. Sự giáo dục xưa nay không mấy người học chữ Nho, lí dịch học đủ ba chữ ký, có kiện cáo việc quan phải mượn người làm giấy hộ. Gần đây Nhà nước lập trường học bên chỗ châu lỵ, dạy chữ Quốc ngữ và chữ Tây, có năm thầy giáo dạy đủ năm lớp. Trước kia sự học cũng chểnh mảng, cách năm ngoái Nhà nước ra ơn ai có con đến học thì làm sẵn nhà cho ở, cấp lương bổng cho ăn, cho nên học trò năm nay hiện đã được 80 người mà kỳ thi rồi mới rồi có một người Thổ đã đỗ bằng sơ học tốt nghiệp, đặc cách bổ ngay cho trợ giáo ở trường ấy, nên ai cũng nức lòng về sự học, chắc cũng có phần lấn tới hơn xưa”...

Nhìn rộng ra, Đặng Xuân Viện quan tâm đến các vấn đề văn hóa truyền thống, tôn giáo, tâm linh, cưới hỏi: “Dân Thổ, dân Mường, không có ai theo giáo Gia Tô mà cũng không có thấy mấy người sùng đạo Phật, cả châu duy có một chùa Hang thuộc xã Định Biên Trung là thờ Phật, chỗ ấy có cái hang thiên hiểm, khả dung được vài nghìn người. Xã Phượng Vĩ Trung thờ vua Mai Hắc Đế, ngài đương lúc nội thuộc nhà Đường, xưng đế ở Châu Hoan (thuộc tỉnh Hà Tĩnh), xuất đảng chúng ba mươi hai châu, ý giả châu ấy có một người theo vua Mai Hắc Đế, nên mới có đền kỷ niệm như vậy chăng. Nếu không phải vậy thời Châu Hoan ở Trung Kỳ can thiệp gì đến xã Phượng Vĩ mà lại có đền thờ?... Các xã đền miếu chỉ làm bằng tre nứa ở giữa đồng, trong để một cái ban thờ chỉ có bát hương, không có đồ gì tế khí, thời tiết tế lễ cũng có xôi lợn hoặc trâu bò nhưng không biết cúng duệ hiệu vị thần gì… Dân cư có người ốm đau mời thầy cúng, thầy phải rước bát hương về nhà, thầy cúng đến nhà mình, hễ lễ khỏi bệnh, thời phải kiếm lễ tạ thầy, mới được trả bát hương; nếu chưa lo được lễ tạ thì bát hương cứ để nhà mà thờ cúng mãi, cho đến bao giờ kiếm được lễ tạ mới thôi. Nhà cửa thì ở nhà gác làm bằng tre nứa hoặc cột xoan.

 

Người ở tầng trên, trâu bò ở tầng dưới, cách thức nhà họ không có hoa mĩ như của ta, lợp nhà thì phần nhiều lợp bằng nứa, xem cũng chắc chắn mà bền hơn lợp dạ… Phong tục lễ cưới hỏi thì khi đi cưới nhà trai cử một người chủ hôn đi trước, nhưng không cầm đuốc, người rể và họ nhà trai đi sau, khi đến cửa nhà gái cử một người ra ứng tiếp và hỏi căn vặn mọi điều, hễ người chủ hôn ấy đáp lại có phải lẽ thì mới cho lên gác. Khi cô dâu đã hồi hôn, thì bốn năm người con gái đi theo, đến nhà trai có khi ở hàng tháng, hễ cô dâu về nhà bố mẹ thời mới về. Khi cô dâu mới hồi hôn, họ nhà trai đông đủ đặt tiệc rượu, cô dâu ra mừng họ, đem mừng mỗi người cái khăn tay thì họ lại mừng lại 5 hào hoặc 3 hào. Lễ cưới nặng quá, hai trăm cân gạo, hai trăm cân thịt, một trăm cân rượu, một bạc ước một trăm. Nên nhiều người hỏi vợ mà không lo được, thành ra con trai không có vợ, con gái không có chồng, sự sinh dục cũng hiếm. Vậy mong quan cai trị chỗ ấy xem xét đem cái điều luật năm thứ tư triều vua Khải Định mà thi hành, phàm lễ hôn, nhà gái sách thủ tiền tài thời sẽ trọng phạt, khiến chối hẳn cái tục ấy đi thì nhân số mới thể hưng vượng được… Việc vui mừng ăn uống thời cử đàn bà bưng ra trầu nước, lúc uống rượu thời cử hai ba người đàn bà lịch sự ra hầu rượu, đó là những người sang trọng đãi khách sang như vậy, còn những nhà thường dân thời không có tục ấy, xôi thịt chỉ đặt bằng lá chứ không có bát đũa như dưới đường xuôi”...

Trên tư cách học giả, Đặng Xuân Viện nhấn mạnh những quan sát, liên hệ, so sánh các đặc điểm hệ sinh hoạt dân gian, thờ tự danh nhân giữa miền núi và miền xuôi: “Nhạc ca có hai phường, một phường ở xã Thanh Điểu, một phường ở xã Bình Yên. Đàn của họ thời cũng như đàn kép của ta, giọng hát của họ thời cũng như giọng chầu văn. Nhưng tiếng Thổ pha tiếng Kinh nên không được hiểu hết. Ai muốn tìm họ đến hát, thời phải lập bàn thờ tổ sư họ, thời họ mới đến hát để chầu tổ chứ hát riêng cho mình nghe thời họ không hát bao giờ. Tổ sư của họ là một vị Thanh Xà Đại Vương, hai là vị Đường Lang Công Chúa. Tục truyền bà công chúa Đường Lang có tiếng danh ca, nghe nói Thanh Xà Đại Vương cũng giỏi nghề đàn hát, bèn kết làm vợ chồng, nên bây giờ các nơi giáo phường vẫn thờ hai vị làm tổ sư… Nay tỉnh Hải Dương có miếu thờ cũng được sắc phong, phủ Thái Ninh tỉnh Thái Bình cũng có đền thờ hai vị ấy rất là nguy nga, ba năm một lần vào tiệc ả đầu, các nơi cứ đến ngày ấy đều về hội phủ… Cách sinh nhai dân gian cũng không có nghề thêu dệt, vải mặc phần nhiều mua của người đường xuôi đem về duộm chàm, áo đàn ông và áo đàn bà thuần dùng đồ chàm. Đàn bà Mường lớn tuổi thường hay đeo vòng cổ và ở tay… Dân gian cũng không có nghề nghiệp gì khéo, chỉ biết trồng cấy và chăn trâu chăn bò, trâu bò thì cứ thả ra ăn cỏ ở trên đồi, mỗi con đeo cái mõ nứa, tối đến nghe mõ ra dắt vào chuồng. Dân sự hàng ngày vào rừng đi kiếm củi hoặc củ nâu, mộc nhĩ, nấm hương cùng là khoai môn đem ra chợ Chu bán. Thổ sản ở đấy cũng có mật ong tốt lắm, lại có một thứ chè búp là chè giồng ở trên đồi, hái lấy búp đem về ủ cho khô, gói bằng lá đem bán ở chợ cũng tiêu thụ được nhiều. Thứ chè ấy hạng tốt cánh nhỏ, không khác gì chè Tàu, tuy hương vị không bằng, nhưng uống cũng đằm đặm hơn vị chè khác”...

Cho đến đoạn kết, ký giả Đặng Xuân Viện bộc lộ niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp trong tương lai: “Xem như vậy thời biết phong tục của họ đã nói ở trên này cũng dễ khai hóa, mà cái cách sinh hoạt của họ cũng dễ kiếm ăn hơn người đường xuôi. Thổ sản ở sơn lâm không bao giờ hết, có công tìm tòi thời cũng có lợi, chứ dưới đường xuôi quanh năm chỉ nhờ có hai vụ lúa, còn sự buôn bán ngày nay người khôn của hiếm, kiếm được đồng lãi rất là khó khăn. Vả nhà làm ruộng lâu nay không được như trước, phần lo nước lớn vỡ đê, phần lo nước sấp mặn, phần lo gió bão không những hại cả hoa màu mà lại hại cả tính mệnh nữa. Đến như thượng du nước bể nước sông không có ngập đến bao giờ, dù mưa có to, mưa lại chảy ra suối; gió to, gió lại cuốn vào rừng, nên chỗ ăn chỗ ở vững vàng không có quan ngại chi cả. Dám quyết sau này đường lối giao thông buôn bán tiện lợi, thời dân đường rừng làm ăn có thể hưng vượng hơn dân đồng bằng nhiều”…

Gần một thế kỷ đã qua đi, bạn đọc ngày nay tìm về các trang du ký viết về xứ Thanh của Đặng Xuân Viện trên Nam phong tạp chí vẫn có thể cảm nhận được nỗi lòng tác giả trước thời cuộc và niềm vui trong những chuyến du ngoạn vùng non cao Định Hóa. Đặc biệt khi được đọc thông tin: “Từ những năm giữa thế kỷ XX trở về trước động vật rừng Định Hóa rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ngày nay rừng đã bị thu hẹp nhanh chóng, nguồn tài nguyên rừng bị kiệt quệ, các loại lâm sản quý còn không đáng kể, các động vật quý hiếm như hổ, báo, gấu hầu như không còn”(3), tôi càng thêm trân trọng tác phẩm Định Hóa châu du ký của Đặng Xuân Viện cách gần trăm năm trước và ước mong có dịp đến thăm vùng quê Định Hóa hiện đại hôm nay. Có thể nói, chỉ với một bài du ký ngắn gọn nhưng học giả, ký giả Đặng Xuân Viện đã thể hiện được niềm tin yêu và sự gắn bó sâu sắc với miền non cao Định Hóa cũng như góp phần quan trọng vào thành công của thể tài du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học)

____________

(1) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Đặng Xuân Viện với thể tài du ký. Văn nghệ, số 16, ra ngày 1-7-2017, tr.17.

(2) Đặng Xuân Viện: Định Hóa châu du ký. Nam phong Tạp chí, số 145, tháng 12-1929, tr.613-616. Các trích dẫn sau đều theo tài liệu này.

(3) Định Hóa. Nguồn: www.thainguyen.gov.vn/ wps/ portal/ detailnewsdk... Ngày 30/01/2010.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy