VNTN - Trong lịch sử Trung Quốc, thời nhà Đường là thời kỳ phát triển khá thịnh vượng về nhiều mặt, đặc biệt là về thi ca. Giai đoạn thi ca bừng nở này đã để lại cho hậu thế gần 50 nghìn bài thơ của hàng ngàn tác giả. Trong “rừng bút, bể mực” đó, không thể không nhắc đến tuyệt thi Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu - một trong những nhà thơ có số lượng thi phẩm khiêm tốn nhất (40 bài), nhưng lại khiến cho cả Tiên thơ Lý Bạch cũng phải ngả mũ, cúi đầu. Điều này đã được nhà phê bình đời Thanh là Kim Thánh Thán trầm trồ: “Làm thơ không nhiều mà có thể khiến cho Lý Bạch phải gác bút, thì đúng là bậc đại trượng phu trong rừng bút mực vậy”. Vậy điều gì đã làm nên sự bất tử của bài thơ? Bài thơ đẹp về nghệ thuật (ngôn từ, hình ảnh thơ, cách bố trí thanh điệu, gieo vần…), tác giả điêu luyện ứng biến trong sử dụng các niêm, luật? Đó là những giá trị không thể chối bỏ, và các học giả đã tốn khá nhiều giấy mực để xưng tụng nó. Tưởng như nếu có nói lại, cũng chỉ như sự “múa đục qua mắt Lỗ Ban” mà thôi.
Song, ngay cả giữa rừng mỹ từ, nhã ngữ dành cho Hoàng Hạc lâu, tôi vẫn thấy tiếc thay, vì dường như ở đây vẫn có điều gờn gợn khi người ta cứ cố tách hình thức lộng lẫy của Hoàng Hạc lâu ra khỏi thi tưởng thăm thẳm khôn cùng của nó. Hoàng Hạc sẽ ra sao nếu như Thôi Hiệu cứ nghiến răng gò nhét nó vào cái khuôn bằng, trắc, đối, niêm theo đúng “pháp chế” Đường thi.
Thơ Đường chủ về gợi hơn tả, tuy nhiên ở Hoàng Hạc lâu, cả tả và gợi đều đạt đến độ hoàn mỹ về nghệ thuật.
Hoàng Hạc lâu
(Thôi Hiệu)
Phiên âm:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi
Nơi đây chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi đã bay đi,
không bao giờ trở lại
Mây trắng ngàn năm còn bay chơi vơi
Hàng cây đất Hán Dương phản chiếu rõ mồn một trên dòng sông tạnh,
Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm
mơn mởn xanh tươi.
Chiều tối (tự hỏi) đâu là quê hương?
Khói và sóng trên sông
khiến cho người buồn.
Bản dịch thơ của Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng bay mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên) (2010), Ngữ văn 10, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.159)
Cái tài của Tản Đà tiên sinh chính là ở chỗ qua chuyển ngữ mà thần thái của Hoàng Hạc lâu hầu như không suy suyển. Hạc vàng ai cưỡi đi đâu/Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ. Nghi vấn được đưa ra ngay từ câu phá đề, thực ra chỉ là một câu hỏi tu từ. Ai, đại từ phiếm chỉ, có thể dụng trong cả ba ngôi: ta-mi-và họ, được ông đặt ngay câu đầu, có lẽ không phải muốn tìm đến một câu trả lời chính xác, mà để chuẩn bị cho chữ trơ, đặt ở cuối câu thừa đề, với đầy dụng ý. Mới đây có người khi giới thiệu một bản dịch Hoàng Hạc lâu mới của tác giả Nhật Chiêu đã cho rằng Tản Đà dùng “trơ” như vậy chưa hẳn đã đắc địa. Theo thiển ý, dường như đã có sự tương liên giữa hai thi nhân cách nhau cả ngàn năm này. Đọc bài thơ ta như thấy thi nhân họ Thôi đứng trên lầu Hoàng Hạc, lồng lộng giữa trời xanh, trực diện với thiên nhiên kỳ vỹ, trước mặt là dòng Trường Giang mênh mông sóng nước. Xa xa phía bên trái thị trấn Hán Dương trù phú im lìm soi bóng gương nước, mây trời. Bên phải bãi Anh Vũ cỏ xuân xôn xao trong gió ấm, dưới ánh dương tà. Trong sự thể nhập đó (chữ dùng của triết gia Martin Heidegger), thử hỏi, thi nhân, sóng nước, mây trời…liệu có thể phân ly? Trong không gian huyền thoại ấy, người và cảnh tuy hai, song thực ra chỉ là một. Không gian huyền thoại mang tên “Hoàng Hạc lâu” ấy, là một chỉnh thể nghệ thuật và thẩm mỹ. Vì vậy, khi người về Giời thì cảnh vật chẳng vô duyên, trơ trẽn lắm ru! Chữ “trơ” mà Thôi Hiệu tiên sinh dùng ở đây, như ngầm ẩn sự xao xuyến đến thảng thốt, của khoảng khắc phận người trước thời gian vô cùng. Của chấm phá nhỏ bé có tên là Thôi Hiệu trước vũ trụ mênh mông. Của sự cô đơn, nhỏ bé có tên là kiếp người trong vũ trụ tâm thức, thăm thẳm khôn cùng. Hạc vàng bay mất từ xưa/Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay. Mạch tâm ý hé ra ban đầu, được giãi bày trong hai câu thực, đạo sĩ cưỡi Hạc vàng về trời, cái tích dân gian ai ai cũng biết ấy, có thể, không phải là mối quan tâm của thi sĩ, với linh cảm trời cho của một thi nhân, ông nhìn thấu những chớp vàng sáng chói của cánh hạc đè lên lớp sóng thời gian, đã mãi mãi bị thời gian chôn vùi. Cũng như dòng sông của Heraclite, liệu ai có thể tắm được hai lần? Dường như có một sự gặp gỡ tư tưởng Đông - Tây ở đây, tuy không hẹn trước. Dòng sông của triết nhân Heraclite với Hoàng Hạc lâu của thi nhân Thôi Hiệu, chẳng qua cũng chỉ cái cớ để thổ lộ những suy tư về mất-còn, thành-hoại của cõi đời mà thôi. Trời dù quang mấy, thì mây vẫn cứ trôi trên đầu Thôi Hiệu, sông cạn đến đâu, nước vẫn cứ chảy dưới chân triết nhân Heraclite, ngàn năm đã qua và có lẽ ngàn ngàn năm sau nữa, nước vẫn cứ chảy và mây vẫn cứ trôi, nhưng dòng nước ta đã từng dầm mình tắm mát, đã mãi mãi chảy trôi về một phương trời vô tăm tích, mây trắng đã từng cuồn cuộn bay trên đầu đạo nhân xưa, thử hỏi nay đang ở đâu? Vậy đó, thế giới này là một quá trình, “thành, trụ, hoại, diệt” vạn vật sinh sinh hóa hóa, biến đổi không dừng, sẽ chẳng có gì là nhất thành, bất biến. Ngẫm cảnh mà cảm khái cho thân phận giòn mỏng con người, chẳng phải là chỗ đặc sắc của thi nhân, mà người thường đâu dễ có đó sao?
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non.
Theo luật Đường, thì hai câu luận là để mở rộng ý ban đầu. Từ câu hỏi man mác một nỗi niềm bản thể, được khởi lên từ câu đề, câu thực, thi nhân đã trở lại với cuộc sống xanh tươi ở hai câu luận này. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, sông Dương Tử dập dồn sóng nước, trấn Hán Dương trù phú, trên bến dưới thuyền, xa xa bãi Anh Vũ bừng sắc cỏ non mơn mởn. Cuộc sống vẫn cuộn chảy, sinh động, tươi tốt lạ kỳ. Và phải chăng đó chính là lí do để sông vẫn chảy, mây vẫn bay, gió vẫn thổi, chim vẫn ca và để thi nhân vẫn tức cảnh sinh tình, hiến dâng cho cuộc đời những vần thơ trác tuyệt.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Trong nguyên tác hai câu trên là:
Nhật mộ, hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
“Nhật mộ”, trong lý học phương Đông, “mộ” là giai đoạn sự vật thoái chìm, để chuẩn bị cho một chu trình mới. Vậy đó, sau phút cảm khái trước cảnh thiên nhiên mỹ, thì hoàng hôn sóng nước lại đưa thi nhân trở về với nỗi buồn viễn tượng. Mà cũng phải thôi, bởi kẻ sĩ cũng như thi sĩ, tự cổ chí kim, nỗi buồn có bao giờ vơi.
Trần Sáng
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...