Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:25 (GMT +7)

“HẬU VIỆT BẮC”- TẠI SAO KHÔNG?

Trên Văn nghệ Thái Nguyên đang có một cuộc tranh luận sôi nổi, thẳng thắn giữa hai ông Nguyễn Kiến Thọ và Hồ Thủy Giang xung quanh vấn đề đánh giá thành tựu văn chương nói chung và văn xuôi nói riêng của Thái Nguyên.

Về những nội dung hai ông thảo luận thú thực tôi không “thành thạo” nên không dám bình luận.

Chỉ có một gợi ý mà ông Thọ đưa ra mà tôi quan tâm mà cho rằng, về mặt khoa học, nó hoàn toàn có lý, có tính học thuật cũng như cần có những luận bàn thấu đáo, nghiêm túc.

Vậy nên, tôi cũng thử liều lĩnh “chỉ bàn về học thuật” (như cách nói của hai ông), xem nó thế nào.

1.Về tính học thuật của vấn đề “Hậu Việt Bắc”

Theo tôi hiểu, một tiểu luận khoa học được gọi là có tính học thuật khi nó đạt/đảm bảo được hai yêu cầu (cơ bản) sau đây: Thứ nhất, nó buộc chúng ta phải “xét lại”, “nghĩ lại” những tri thức đã được xác định về một đối tượng nào đó; thứ hai, nó hé mở cho ta một góc nhìn mới về đối tượng và nhờ góc nhìn này đối tượng xuất hiện thêm vấn đề, thêm những tầng vỉa mới để cho ta quan sát. Tôi cho là cái thứ hai là rất quan trọng. Thời nay người ta đã dùng mệnh đề “phương pháp đẻ ra đối tượng nghiên cứu” thay cho mệnh đề “đối tượng quy định phương pháp nghiên cứu”.

Đọc bài của ông Nguyễn Kiến Thọ tôi chú ý đến cụm từ “Hậu Việt Bắc”.

Tôi biết ông Thọ dùng cụm từ này như một biện pháp tu từ, cách dùng ấy có lẽ trước tiên là để gây chú ý bởi cách nói ấy gọi là “làm mới cách diễn đạt”. Ông Thọ như tôi biết trước hết là một nhà thơ, tức là nghệ sĩ sáng tạo. Tuy nhiên ngôn từ luôn có tính tư tưởng, tính quan niệm. Nói tức là thể hiện quan niệm, thể hiện tư tưởng của người nói.

Trở lại nhóm từ “Hậu Việt Bắc”.

Tôi nghĩ nó có nội hàm thực sự.

“Hậu Việt Bắc” phải chăng là thời kì phi tập trung hóa văn chương nghệ thuật, mất đi cái không gian văn hóa tinh thần, như là một chỗ dựa, một niềm tin, một bảo đảm cho thành công? “Hậu Việt Bắc” là thời kì mỗi nhà văn phải tự lo cho số phận của mình, nghĩa là anh ta phải chơi ở cái sân rộng hơn, lớn hơn và những thước đo phải...khác, thậm chí hoàn toàn khác? “Hậu Việt Bắc” buộc người ta phải trở thành chính người ta trên một sân chơi phi vùng miền thậm chí là “phi biên giới”? Tức là một hệ giá trị mới đã bắt đầu. Anh “nhanh chân” thì...thắng, ai chậm chân thì...không thắng, ai chỉ sống với quá khứ vinh quang thì ...thuộc về quá khứ. Trường hợp Nguyễn Bình Phương là ví dụ quá điển hình, quá hiển nhiên cho điều tôi nói. Nguyễn Bình Phương viết cái gì cũng là viết về Thái Nguyên nhưng có vẻ lại “không thuộc” về Thái Nguyên mà thuộc về quốc gia, thậm chí là thuộc về thế giới!

“Hậu” giúp cho người ta ý thức hơn về sáng tạo cá nhân. “Hậu” luôn là sự bắt đầu. Nếu ai bắt đầu chậm thì thất bại.

Tôi không cho những ý tôi nói là đúng nhưng ít nhất là tôi đã nghĩ như thế.

2.Thử xác lập không gian văn chương “Việt Bắc” và “Hậu Việt Bắc”

Ai cũng biết sau 1954 ở miền Bắc thành lập hai Khu tự trị là Việt Bắc và Tây Bắc. Hình như trước còn được định danh là “Khu tự trị Tày Nùng” và “Khu tự trị Thái - Mèo” thì phải. Tất nhiên đó là quyết định có tính chất hành chính. Tuy nhiên nó lại không thuần túy hành chính. Vì từ đó có không gian hành chính văn hóa. Ta thấy xuất hiện nhưng lối diễn đạt kiểu văn nghệ Việt Bắc, thi ca Việt Bắc, truyền thống Việt Bắc... Chuyện tôi vừa nói là có thật.

Và như vậy có thể xuất hiện một không gian văn hóa, không gian văn chương, không gian tinh thần Việt Bắc thật sự.

Tôi nghĩ, đừng vội cho/khẳng định rằng không gian văn hóa - văn chương thời “Việt Bắc” chỉ được xác lập từ khi có Hội Văn nghệ Việt Bắc (vào khoảng năm 1957,1958 gì đó), mà phải nghĩ, cái không gian ấy nó thực sự tồn tại từ ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946), tức là khi Việt Bắc trở thành trung tâm văn hóa - xã hội của vùng, thậm chí lớn hơn là của cả nước. Ta nhận ra điều này rất rõ trong sáng tác của những tác giả như Văn Cao, Tố Hữu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nam Cao, Thôi Hữu… Nghĩa là đội ngũ tác giả thời này không chỉ là những người con của Việt Bắc (với ý nghĩa xuất thân tại Việt Bắc. Họ chủ yếu là các tác giả người dân tộc thiểu số ở khắp vùng Cao-Bắc-Lạng-Thái - Tuyên-Hà mà còn cả các tác giả người Kinh, người miền xuôi lên Việt Bắc kháng chiến). Đẩy lùi lên trước nữa thì từ Lan Khai, Thế Lữ…Thời đó, Văn hóa Việt Bắc là Trung tâm, Văn nghệ Việt Bắc là trung tâm, ngoại biên của nó là văn chương ở những vùng miền khác (những vùng tạm bị chiếm). Tố Hữu có câu thơ: “Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Ta hiểu, hướng về Việt Bắc là hướng về “cái Trung tâm” với những tên gọi đầy ước lệ mĩ miều như “Thủ đô gió ngàn”, “Thủ đô kháng chiến”. Âm hưởng chủ đạo của văn học Việt Bắc thời kì này là chất tráng ca, hùng ca, phản ánh một không khí kháng chiến, một tinh thần kháng chiến. Vậy nên, hình ảnh thường gặp là: “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Đó là phong thái ung dung: “Ta đi giữa ban ngày/ Trên đường cái ung dung ta bước/ Đường ta rộng thênh thang tám thước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên”…

Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Trung ương Đảng, Chính phủ rời Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, thì Việt Bắc có sự dịch chuyển từ trung tâm cả nước thành trung tâm vùng. Tinh hoa của văn nghệ Việt Bắc hội tụ ở Thái Nguyên, và đó là một thời kì vang dội, huy hoàng với rất nhiều những tên tuổi văn chương mà ta đã thấy (và cũng đã được các ông Nguyễn Kiến Thọ, Hồ Thủy Giang kê biên trong bài viết của mình). Nhưng liệu sau khi Khu tự trị Việt Bắc giải thể (cuối năm 1975) thì văn nghệ Việt Bắc sẽ mất đi vai trò trung tâm của mình? Thực ra không phải thế, cho dù Triệu Lam Châu có về Cao Bằng, Nông Viết Toại sống và viết ở Bắc Kạn, Hùng Đình Quý về lại Hà Giang, Vi Hồng, Hồ Thủy Giang… vẫn còn đó ở Thái Nguyên, thì tính chất trung tâm của Việt Bắc cũng sẽ không mất đi, nó chỉ tản ra và tiếp tục ngự/thống trị ở các địa phương vùng Việt Bắc. Có thể gọi đó là cái đà trượt, là quán tính trôi dạt của một thời Việt Bắc. Nó chiếm ưu thế chủ đạo, tiếp tục quy định/chi phối đời sống văn chương bằng quan niệm thẩm mĩ, bằng tư tưởng và bằng cả hệ thống thi pháp. Nó áp đặt người viết (trẻ) phải theo nó như là một chủ trương, và tệ hơn, như là một chân lí. Chỉ khi nào tính chất trung tâm của nó mất đi, tức là khi cái ngoại biên (cái mới/trẻ) vươn lên, đời sống văn học xảy ra một trận so găng quyết liệt mà phần thắng thuộc về cái mới (cái cách tân, cái hiện đại), thì mới hết cái gọi là “Việt Bắc”, và khi ấy “Hậu Việt Bắc” mới hoàn toàn được thiết lập. Như vậy, quan niệm “Việt Bắc”, “Hậu Việt Bắc” trong văn chương thực chất là quan niệm về cái trung tâm và cái ngoại biên. Nó không/ít bị chi phối bởi những ràng buộc mang tính hành chính (tách/ nhập/ giải thể). Cho nên, nghiên cứu về văn học thời kì “Hậu Việt Bắc”, suy cho cùng, chính là nghiên cứu về một hệ thẩm mĩ mới và một thứ thi pháp mới (mà ông Thọ có lần gọi là “thơ trẻ”).

3.Lời kết

Ông Thọ khẳng định thời kì “hậu Việt Bắc” chưa có thành công nhưng ông vẫn thừa nhận có những tiến bộ. Tôi cũng chỉ muốn nói thêm rằng nó không bao giờ có thành công kiểu “thời Việt Bắc” nhưng rồi đây chắc sẽ có những thành công kiểu thời “hậu Việt Bắc”!

Những thành tựu văn học thời Việt Bắc tôi nghĩ rất cần được nghiên cứu khách quan, được đánh giá trung thực như nó có. Tôi nghĩ công việc này là rất nên làm vì chắc chắn nếu làm tốt thì rất có ích cho thời “hậu Việt Bắc”.

Đặng Quyết Tiến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy