Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:32 (GMT +7)

Giải pháp nào là thực sự có hiệu lực?

VNTN - Hội thảo “Tác phẩm hay - đích đến và giải pháp” do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa được tổ chức tại Thái Nguyên, ngày 6 - 7/9/2018. Kì này, VNTN trân trọng giới thiệu ý kiến tham luận của nhà thơ Trần Nhuận Minh tại hội thảo.

Tôi rất hoan nghênh nội dung cuộc hội thảo này. Trong ba điều cấu thành nội dung tác phẩm hay, đích đến và giải pháp, thì giải pháp là quan trọng nhất.

Vấn đề này đã được nêu ra và kết luận ở nhiều hội thảo, nhưng hiệu lực của nó dẫn đến để có những tác phẩm hay thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Vì thế mà chúng ta lại cùng bàn thêm với nhau hôm nay. Chúng ta đánh giá cao những cởi mở trong đường lối văn nghệ của Đảng, những giá trị vĩ đại trong hiện thực đời sống của các tầng lớp nhân dân và vai trò quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc tạo điều kiện và khích lệ những tìm tòi đổi mới của mỗi nhà văn, để tạo ra các giá trị, hi vọng có đẳng cấp cao hơn, qua nguồn đầu tư, qua các cuộc vận động sáng tác và trao giải thưởng, cùng nhiều hoạt động có tác động tích cực khác. Như thế là đúng và cần thiết. Nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Là bởi vì sao?

 

 

Sáng tác là lao động cá nhân, rất riêng biệt của từng người, theo từng tạng người với những đặc điểm riêng về vốn sống, kiến thức văn hóa, trình độ nghề nghiệp và cá tính sáng tạo. Do đó không ai thay cá nhân nhà văn được trong việc tạo dựng tác phẩm để có tác phẩm hay. Vấn đề là ở đấy. Ở cá nhân nhà văn, nó thăm thẳm trong hồn người, với những nung nấu ngày đêm, không lúc nào làm cho nhà văn được yên ổn thanh nhàn. Tôi có câu thơ: “Có thể sau này khi tôi chết/ Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan”. Nhà thơ là tác giả của các tập thơ ư? Không phải. Nhà thơ là tác giả của cái khối ấy trong lòng mình, và khi đủ độ, nó trào ra qua cảm xúc, nếu nó không theo bất cứ một khuôn khổ có sẵn nào, nó sẽ tạo ra một xu hướng, một chủ nghĩa… hoặc vĩ đại hơn, một chân trời. Những sáng tạo của các văn nghệ sĩ tài danh xưa nay, đều như thế cả.

Chúng ta cần tiền đầu tư, nhưng nhiều đại gia là hội viên Hội Nhà văn có thừa tiền vẫn rất thiếu tác phẩm hay. Chúng ta đề cao đi thực tế, mắt thu vào muôn dặm núi sông, nhưng hội viên của ta có người làm công tác ngoại giao, túi càn khôn chứa đầy trăng gió xứ người, mà đâu đã có được một câu thơ làm chúng ta yêu mến và thán phục… Thơ là thế đấy. Nó có quy luật riêng bay ở ngoài tất cả các quy luật, nếu lấy các giáo điều làm hệ quy chiếu sẽ không thấy được cái gì hết, trừ chính sự sơ cứng đã trở thành giáo điều ấy, và đến lượt nó, nó sẽ cản trở sự phát triển của văn học.

Tự nhiên tôi nghĩ đến nhà thơ Xuân Diệu khi ông tự coi mình như con gà mái và coi sáng tác là các quả trứng. Ông viết: “Cục ta cục tác/ Đẻ trứng này, tôi còn trứng khác”.  Suy ngẫm kĩ mới thấy Xuân Diệu có lí và tôi nghĩ để có tác phẩm hay thì hình ảnh Con Gà của Xuân Diệu có thể sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời.  Đó là gì?  Một,  anh phải là con gà và con gà đó phải có khả năng sinh đẻ; Hai, trong bụng anh phải có quả trứng càng ngày càng to ra, không đẻ được thì anh chết luôn; và Ba, đẻ phải đau, phải kêu toáng lên “Cục ta cục tác…”. Tôi đã thấy con gà đẻ đau sau khi kêu toáng lên và bay ra khỏi ổ. Nhìn vào quả trứng con gà vừa đẻ ra, có vệt máu. Tôi nghĩ thơ hay cũng như thế, trong chữ phải có máu. Cho nên nói cho cùng, giải pháp có hiệu lực để tạo ra tác phẩm hay, nó có sẵn ở trong lòng mình, trong đời mình. Nó có từ cái thời “Ông trời sinh ra con dao/ Ông trời  lại sinh ra cái thớt…” như một câu thơ tôi đã viết.

Tôi không hề lạc quan, cũng không hề bi quan về tình hình thơ hiện nay. Bởi tôi biết, văn chương vẫn có cái định luật Acsimes dành riêng cho nó. Cứ cúi mặt xuống đất mà viết vì những nỗi niềm không bao giờ nguôi ngoai với nhân dân, với con người. Tác phẩm  hay sẽ đến với anh vào lúc có khi chính anh cũng không nhận ra. Và cứ thế nó lặng lẽ sống thay anh, sau khi anh đã chết.

Trần Nhuận Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy