Ebru: bức tranh nước độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ
Sự hoàn hảo của thiên nhiên, sự bí ẩn của thế giới và sự chiến thắng của màu sắc có thể được truyền tải qua bức tranh trên nước, được gọi là Ebru. UNESCO đã công nhận giá trị, công nghệ vẽ tuyệt vời này của Thổ Nhĩ Kỳ và đưa nó vào danh sách di sản văn hóa Di sản thế giới.
Ebru được gọi là điệu nhảy của màu sắc tươi sáng và hoa văn độc đáo. Mỗi tác phẩm được thực hiện giống như một bức ảnh chụp lại khoảnh khắc mà con người, vũ trụ và nước hiện diện một cách vô hình. Khi thực hiện mỗi cá nhân sẽ tạo ra được bức tranh là duy nhất - không ai có thể tạo ra một bản sao chính xác của nó nữa.
Là một trong những nghệ thuật Hồi giáo phổ biến nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày nay nó thậm chí còn phát triển hơn so với trước đây. Người dân (những người trẻ tuổi) ở Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một môn nghệ thuật mang lại sự nhẹ nhõm cho con người trong thời hiện đại bận rộn.
Các nhà nghiên cứu và các nhà sử học cho rằng, nghệ thuật của Ebru có lịch sử lâu đời trước thời kỳ Hồi giáo. Với nguồn gốc từ Turkistan, nghệ thuật này đã đến với người Duy Ngô Nhĩ trước khi được người Ottoman hoàn thiện. Từ Ebru về mặt từ nguyên, xuất phát từ tiếng Ba Tư. Ebri có nghĩa là “tinh vân, giống như đám mây”. Do có hình dạng gợn sóng, tinh vân nên nó được gọi là “cẩm thạch” ở châu Âu.
Kỹ thuật Ebru bao gồm việc rắc các màu có chứa một vài giọt mật bò lên mặt nước cùng với một số hoạt chất kết dính từ tự nhiên trong một cái máng. Từ những phác thảo trong đầu điều cần vẽ, người vẽ dùng cọ (Firca) chấm vào từng loại màu, rồi vẩy nó lên một hoặc nhiều chỗ trong máng. Các màu sắc loang ra như nhảy múa trên mặt nước với đủ các kích cỡ hình dáng, sắc độ... Sau khi đã sáng tạo được bức vẽ nổi như ý, người vẽ cẩn thận đặt tờ giấy lên mặt nước, bức tranh nổi trên đó sẽ dễ dàng được thẩm thấu chuyển sang giấy. Bức tranh sẽ bảo quản và hong khô, tác phẩm nghệ thuật sẽ được làm phẳng và đánh bóng bằng tay.
Dung dịch nước có thể được tái sử dụng để tạo ra hàng trăm bức tranh. Khi nước bắt đầu có vẻ đục, các nghệ sĩ Ebru vẩy thêm, chủ yếu là màu xanh lam, thuốc nhuộm đã được pha chế bằng mật cá bơn thay vì mật bò, vào giữa dung dịch và để nó lan ra. Sau khi toàn bộ mặt nước được bao phủ, họ sẽ vẽ một kiệt tác cuối cùng “Cát cẩm thạch” hoặc “Cẩm thạch xương cá” trước khi đổ dung dịch đi.
Để có được những tác phẩm Ebru đẹp mắt, người nghệ sĩ cần phải có bàn tay nhẹ nhàng, gu thẩm mỹ tinh tế và một tâm hồn cởi mở trước những họa tiết đầy bất ngờ hình thành trên mặt nước. Sự kiên nhẫn và kiến thức tốt về văn hóa truyền thống, óc sáng tạo là đặc điểm của các bậc thầy Ebru.
Các nghệ sĩ Ebru đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành và truyền tải loại hình nghệ thuật này. Họ có trách nhiệm truyền tải kiến thức chuyên môn của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu trong mối quan hệ thầy và trò.
Kỹ thuật cẩm thạch ban đầu chủ yếu được sử dụng để vẽ giấy hoa làm bìa sách hoặc để trang trí các trang bên trong bằng những tờ giấy có màu sắc sặc sỡ. Tới Necmetin Okyay (1883 - 1976) thì nghệ thuật vẽ giấy hoa bước sang đỉnh cao. Nghệ nhân này đã táo bạo, vượt qua khuôn phép để vẽ họa mọi thứ rất chi tiết - rõ ràng nhất là các hoa như: hoa huệ, hoa cẩm chướng, daisy, pansy, poppy, tulip, hoa hồng… mở ra thế giới hoa lá trong Ebru.
Ngày nay các nghệ nhân và nghệ sĩ tiếp tục xác định lại và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này cũng như bảo tồn các truyền thống và kỹ thuật cổ xưa. Dù đã có máy in hiện đại nhưng vì sự rực rỡ, độc đáo Ebru ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường được dành để viết thư pháp, đóng bìa sách - văn kiện và trang trí tài liệu. Các họa sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo thêm nét hiện đại bằng cách sử dụng vải thấm nước, thủy tinh và gỗ làm bề mặt rắn và thêm sơn acrylic cùng với các chất màu tự nhiên truyền thống. Và vẻ đẹp độc đáo trong các bức tranh của họa sĩ Garip Ay đã một lần nữa nâng tầm Ebru ra thế giới.
Hùng Vỹ dịch; nguồn Time of India
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...