Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:02 (GMT +7)
Điện ảnh Việt Nam:

 Đừng dễ dãi và nuông chiều nhau

 Khi phim “Bên trong vỏ kén vàng” - đạo diễn Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera Vàng - Caméra d’Or Liên hoan phim (LHP) Cannes 2023, hay khi phim “Tro tàn rực rỡ” - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên doạt giải Cánh Diều Vàng 2023, Giải thưởng Khinh khí cầu Vàng tại LHP quốc tế Ba châu lục, Giải Vàng tại LHP quốc tế châu Á Đà Nẵng 2023, được Hội đồng quốc gia chọn là phim đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển hạng mục Phim truyện quốc tế Oscar năm 2024; hay trước đó phim “Đêm tối rực rỡ” - đạo diễn Toronto đoạt giải Cánh Diều Vàng 2022, một số giải tại LHP Santa Fe 2022 (Liên hoan phim độc lập tại Mỹ), phim “Mắt biếc” - đạo diễn Victor Vũ đoạt Bông Sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 22… thì chúng ta cũng chưa thể dễ dãi nuông chiều nhau lạc quan với sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) hiện tại - đặc biệt với phim điện ảnh.

 

Năm 2023 cùng lúc có hai sự kiện về ĐAVN: giải Cánh Diều lần thứ 20 tháng 9/2023 chủ đề “Ngân hà rực rỡ” và LHP Việt Nam lần thứ 23 vào cuối tháng 11/2023 với chủ đề “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, như một tổng kết ĐAVN trong 3 năm trở lại đây đang hồi sinh. Nhưng khoan hãy lạc quan, khi nhìn vào những bảng giải thưởng phim từ quốc tế đến một số giải trong nước, hay phim có doanh thu cao trăm tỉ đến mấy trăm tỉ, mà tự hài lòng, có chút ảo tưởng về các tác phẩm của mình, rồi cho rằng ĐAVN đã mạnh trở lại.

Phác thảo bức tranh phim Việt năm 2023 “nóng” và “lạnh”

Nửa đầu năm 2023, thị trường ĐAVN với 10 phim ra rạp, tổng doanh thu riêng của phim Việt đã vượt 1.000 tỉ đồng (theo thống kê từ Box Office Vietnam). Đây có thể xem như thành tích tốt nhất của thị trường ĐAVN trong vòng 5 năm qua.

 Đừng dễ dãi và nuông chiều nhau
“Đất rừng phương Nam” vừa ra rạp đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. (Poster phim “Đất rừng phương Nam”)

Đúng mùng Một Tết, “xông đất” cho phim Việt là hai phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành và “Chị chị em em - 2” của Vũ Ngọc Đãng, cả hai đều có doanh số tốt. Riêng “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đại thắng với gần 500 tỉ đồng (chiếm 65% tổng doanh thu 3 tháng đầu năm). Tiếp đó, tháng 3, phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” của đạo diễn Võ Thanh Hòa đạt doanh thu 122 tỉ đồng. Tới 30/4, phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải doanh thu ở mốc 269 tỉ đồng, chiếm giữ vị trí thứ 3 phim Việt ăn khách nhất, và “Con Nhót mót chồng” của Vũ Ngọc Đãng doanh thu khá với hơn 75 tỉ đồng. Nhưng cũng chỉ có 5 phim này là hút khách, còn 5 phim khác ra rạp trong nửa năm đầu có phim là thảm họa ĐAVN, có phim thì doanh thu èo uột.

Khi giải Camera Vàng của “Bên trong vỏ kén vàng”- đạo diễn Phạm Thiên Ân tại LHP Cannes 2023 như một luồng gió lan tỏa năng lượng hy vọng ĐAVN có thể thăng hạng trên bản đồ điện ảnh thế giới, tưởng sẽ làm cho 6 tháng cuối năm 2023 ĐAVN sẽ càng khởi sắc, nhưng đáng tiếc. Hai tháng 6 - 7/2023 gần như không có phim ĐAVN nào ra rạp, số phim Việt ra rạp dự tính đến cuối năm cũng chỉ non 10 phim mà hy vọng tạo nhiệt phòng vé ngoài phim “Đất rừng phương Nam” xem ra các phim còn lại rất phập phù.

Cuối tháng 7, phim “Fanti” doanh thu chỉ hơn 1,1 tỉ đồng trong 3 ngày chiếu đầu tiên. Sau đó là phim đoạt giải Camera Vàng ở Cannes 2023 “Bên trong vỏ kén vàng”  khởi chiếu vào ngày 11/8, đến sáng ngày 14/8, doanh thu của phim cũng chỉ đạt hơn 559 triệu đồng. Công chiếu đợt 2/9, “Kẻ ẩn danh”, nhưng dù vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh thì phim cũng không thể kéo khán giả tới rạp. Ngày15/9, phim “Live - Phát trực tiếp” công chiếu, phim không những doanh thu thấp mà bị liệt vào thảm họa “cảnh nóng”. Cùng số phận hẩm hiu còn có phim “Thành phố ngủ gật” - đạo diễn Lương Đình Dũng, công chiếu 13/10, được quảng cáo là phim “đen”, nhiều cảnh bạo lực, cảnh nóng…, doanh thu trong tuần đầu công chiếu chưa đầy 100 triệu.

Theo lịch công chiếu ngày 20/10, nhưng nhà sản xuất quyết định chiếu sớm 1 tuần phim “Đất rừng phương Nam”- đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhằm hút khách xem bởi phim mang tên tiểu thuyết ăn khách hơn nửa thế kỷ nay của nhà văn Đoàn Giỏi và một phim truyền hình dựa theo tiểu thuyết đó. Những tưởng sẽ tạo một cơn bùng nổ phòng vé bởi 3 ngày đầu doanh thu đã lên gần 40 tỉ, thì cũng là lúc phim bị “soi”, tạo thành một cơn bão với rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về tinh thần “nguyên tác”, về lịch sử, về văn hóa… Sau 1 tuần công chiếu, phim cũng cán mốc trăm tỉ, nhưng sức hút đã kém đi rất nhiều. Đây cũng là một phim để cho giới ĐAVN cần rút rất nhiều bài học khi làm phim chuyển thể - hay cảm hứng từ tác phẩm văn học.

Một dự án khác có kế hoạch khởi chiếu từ ngày 3/11 là “Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ, thể loại cổ trang, bối cảnh là miền quê Bắc bộ, là trận chiến “thê đấu” trong gia đình một quan lại địa phương, và tìm kiếm - đấu tranh cho tình yêu đích thực. Chưa biết phim thắng - thua phòng vé, nhưng cách phim lồng tiếng trực tiếp của diễn viên cả Nam cả Bắc, xem ra có thể ảnh hưởng cảm xúc khán giả.  Một phim được chờ đợi là “Chiếm đoạt” - đạo diễn Thắng Vũ, dự kiến ra rạp ngày 24/11, là phim điện ảnh Việt đầu tiên được Đài KBS (Hàn Quốc) đầu tư, thuộc thể loại tâm lý giật gân, một phim Việt theo kiểu phim Hàn liệu có thể hút khách Việt đến rạp?

Tổng thế cả năm 2023, số phim Việt ra rạp chưa đến con số 20. ĐAVN tưởng chừng đang vực dậy sau 2 năm COVID-19, nhưng nếu so sánh ngay cả thời điểm 2020 - 2021 khi các rạp nhiều lần mở - đóng vì dịch thì vẫn có 20 phim ra rạp, và thời điểm trước đó trung bình là 35 phim, thì số lượng số phim ra rạp năm 2023 là khá thấp. Khi thị trường trong nước còn “nóng”, “lạnh” đầy hồi hộp, không chắc chắn; vẫn là phim thị trường - giải trí làm chủ phòng vé, phim có tính nghệ thuật doanh thu èo uột thì liệu có thể lạc quan với một nền ĐAVN?

Có phải chúng ta đang quá dễ dãi và nuông chiều nhau?

Doanh số phòng vé và những giải thưởng quốc tế là hai yếu tố quan trọng định vị giá trị, sức sống nền điện ảnh của một quốc gia. Nhìn vào các giải thưởng Cánh Diều Vàng - Bạc, hay Bông Sen Vàng - Bạc, giải quốc tế của ba năm trở lại đây (tính từ 2021), những tên phim đoạt giải luôn để các nhà làm phim ĐAVN phải suy tư rất nhiều. Không chỉ là các cuộc tranh cãi nghệ thuật - thị trường? mà đó còn là câu hỏi, sự cân nhắc: thế nào là một nền “công nghiệp điện ảnh”, không lẽ chỉ có phim thị trường doanh thu cao, hay phải có phim nghệ thuật mang giải quốc tế?

 Đừng dễ dãi và nuông chiều nhau
Dù đạt doanh thu rất cao nhưng phim như “Nhà bà Nữ” quá lạm dụng các câu chửi bới cãi vã và còn mang những thông điệp tiêu cực cho giới trẻ

Nhưng nhìn thẳng vào thực trạng phim ĐAVN thấy rõ ràng chúng ta đang quá dễ dãi, nuông chiều nhau. Để cho phim ĐAVN gọi là có chất lượng thật sự so với điện ảnh khu vực hay thế giới, vẫn còn xa lắm. Nói hơi hài hước, ĐAVN loanh quanh những người trong ngành, những người quen biết, nên luôn muốn làm hài lòng nhau bằng những lời có cánh.

Sự dễ dãi và nuông chiều này có từ khán giả xem phim - yêu cầu thưởng thức nghệ thuật khá bình dân, rất ít khán giả yêu cầu cao, đến các nhà làm phim - lấy doanh thu làm mục đích, và ngay cả với các nhà quản lý - hoạch định chiến lược cho ĐAVN cũng luôn thỏa hiệp, bằng lòng với những gì hiện có.

 Phim doanh thu cao của ĐAVN, 100% là phim mang tính thị trường - giải trí cao. Những phim này nghệ thuật điện ảnh thường không được đánh giá tốt, thậm chí có phim không được xem là tác phẩm điện ảnh, nhưng vẫn được xem là “thành công” vì doanh thu cao.

Trong khi phim được gọi là nghệ thuật, có nội dung tốt, do Nhà nước đặt hàng hay do tư nhân sản xuất thì phần lớn chỉ dành làm “quà” cho các đợt kỷ niệm, các lễ trọng của quốc gia, hoặc mang đi thi quốc tế. Riêng các phim Nhà nước đặt hàng, khi phim được ra mắt thì rất nhiều lời khen có cánh dành cho phim của truyền thông, của các nhà làm phim bè bạn, nhưng nếu mang phim ra rạp tham gia thị trường thì gần như đều không bán được vé. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là cách làm phim quá cũ, đề tài, câu chuyện không đủ hấp dẫn khán giả - phần lớn là người trẻ.

Phải chăng, chính chúng ta đang tự chiều lòng nhau và nói thẳng nói thật rằng: phim kém, phim nhạt, phong cách làm phim quá cũ, kỹ xảo vụng…, hay những gì thể hiện trong phim chưa phải là thuần văn hóa Việt, chưa ra một tính cách Việt…,  thì mếch lòng nhau? Và để rồi cứ khen nhau, cùng đắm trong ảo tưởng về phim của mình là hay, là đẹp, là sáng tạo…

Đã có một xu hướng phim ĐAVN quay cảnh thật đẹp, xem phim cứ như xem một phim du lịch long lanh, nhưng rồi nội dung phim thì nhàn nhạt, bàng bạc, chỉ đủ để “tròn” phim chứ không để lại gì thuộc về sáng tạo, hay có gì đột phá trong nghệ thuật điện ảnh, thậm chí có phim cảnh đẹp cũng không cứu vớt nổi “thảm họa” phim Việt ra rạp. Hay ở những phim gọi là có tính quảng bá cho văn hóa Việt, thì cái văn hóa đó cũng rất xa xôi, là phim mang bối cảnh xưa với những phong tục lai tạp, không thuần Việt. Lại có phim, khán giả phải nghe chửi xoe xóe từ đầu phim đến cuối phim như “Nhà bà Nữ”, rồi cho đó là “văn hóa” hiện tại của lớp thị dân Việt ở thành phố lớn. Và bởi doanh thu cao, không ai cho đó là một cách hạ thấp văn hóa của thị dân lao động, nhưng đứng về nghệ thuật phim điện ảnh thì đó là một thất bại của phim ĐAVN.

 Đừng dễ dãi và nuông chiều nhau
Cảnh trong phim “Thành phố ngủ gật”

Và quả thật chúng ta đang quá dễ dãi và nuông chiều nhau. Nếu giới phê bình và công chúng… chê phim làm chưa tới, phim nhạt - cũ - thiếu sáng tạo, sai lệch văn hóa, lịch sử…, thì lại cho là vùi dập phim? Và có vẻ ĐAVN đang nghiêng về thị trường giải trí thuần túy mà quên mất đi những yếu tố truyền thống, nghệ thuật, các dòng phim về văn hóa, lịch sử, những vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại?

Chúng ta đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện ảnh và giấc mơ một nền ĐAVN phát triển để giới thiệu và quảng bá đất nước ra thế giới. Nhưng thực tế, nền ĐAVN đang đầy khiếm khuyết, đang tự dễ dãi hài lòng với chính mình, mà chưa thấy cần phải nghiêm túc nhìn thẳng vào hiện thực . Ngay lúc này ĐAVN phải thay đồi toàn diện, mới mong có một nền ĐAVN mạnh mẽ, ngang tầm cùng điện ảnh các quốc gia khu vực và thế giới.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy