Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
13:45 (GMT +7)

Động thái mới trong quan hệ Mỹ – Trung về vấn đề Triều Tiên

VNTN - Quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc không thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên và yêu cầu Trung Quốc gây sức ép nhiều hơn đối với Triều Tiên, cụ thể là chặn nguồn cung dầu cho Triều Tiên, để ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này. Dự kiến, ông Donald Trump có thể sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 11 tới, như một phần trong chuyến công du châu Á, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippin và Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam. Chuyến đi của ông Donald Trump được kỳ vọng là bước phát triển mới trong quan hệ hai nước trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.


 

Một số diễn biến nổi bật liên quan đến Triều Tiên gần đây

Ngày 10/8/2017, quân đội Triều Tiên đã tuyên bố đến giữa tháng 8 sẽ hoàn tất kế hoạch phóng 4 tên lửa đường đạn tầm trung Hwasong-12 xuống khu vực gần Guam, sẵn sàng chờ lệnh của ông Kim Jong Un. Theo đó, các tên lửa này được phóng sẽ rơi xuống vùng biển cách Guam 30-40 km. Người phát ngôn quân đội Triều Tiên cho biết, kế hoạch tiến công sẽ được triển khai vào bất cứ lúc nào, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh. Lực lượng chiến lược của quân đội Triều Tiên đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch để biến đảo Guam và khu vực xung quanh thành biển lửa với tên lửa đường đạn chiến lược tầm trung và tầm xa Hwasong-12. Mục tiêu là nhằm kiềm chế các căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên đảo Guam, trong đó có căn cứ không quân Anderson.

Phản ứng trước tuyên bố của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố: “Nếu Kim Jong Un “động vào” Guam (nơi đóng quân của 6.000 binh sĩ Mỹ), Triều Tiên sẽ phải hứng chịu những phản ứng chưa từng có. Đây không phải một lời đe dọa, mà là một tuyên bố".

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9/2017. Đây là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay, Triều Tiên công bố là bom nhiệt hạch gây động đất mạnh 6,4 độ Richter. Ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh trừng phạt lần thứ 9 đối với Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng, cấm thuê lao động mới Triều Tiên tại nước ngoài; được phép nhập khẩu dầu thô với hạn mức 4 triệu thùng/năm, các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức 2 triệu thùng/năm. Nghị quyết còn cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng bị cấm đi và đến Triều Tiên, nhưng phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý. Dự thảo ban đầu thậm chí muốn dùng vũ lực để lên tàu nhưng đã bị loại bỏ trong quá trình thương lượng. Ngoài ra, Mỹ còn muốn cấm vận hoàn toàn dầu mỏ với Triều Tiên, nhưng bị Nga và Trung Quốc, hai thành viên Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, phản đối vì cho rằng nó sẽ khiến Triều Tiên rơi vào bất ổn.

Trước tình trạng này, Chính phủ Triều Tiên công bố, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất” trong lịch sử. Hãng thông tấn KNCA khẳng định: “bán đảo Triều Tiên đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy”. Triều Tiên cáo buộc Mỹ muốn gây chiến tại bán đảo Triều Tiên “để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay”. Trung Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 3/9. Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty hoặc công ty liên doanh của Triều Tiên tại Trung Quốc đóng cửa trong vòng 120 ngày, đồng thời thông báo giới hạn nguồn cung các sản phẩm từ lọc dầu cho Triều Tiên từ ngày 1/10 và cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên, một trong những nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên hiện nay. Đây được coi là những tín hiệu mới giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. 

Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, bang Florida, Mỹ (4/2017), quan hệ hai bên có những bước tiến quan trọng. Tổng thống Mỹ khen ngợi Tập Cận Bình là “người cực kì tuyệt vời” trong khi Chủ tịch Trung Quốc khẳng định hai nước “có quan hệ hữu hảo”. Để đổi lại cam kết của ông Tập Cận Bình về giúp kiểm soát, ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên và ngăn chặn chính quyền Kim Jong Un nghiên cứu chế tạo tên lửa đường đạn xuyên lục địa tầm xa, có thể tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, ông Trump đã quyết định nới lỏng hoặc giảm áp lực cho Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông hoặc coi nhân dân tệ là một trong những đồng tiền lưu thông trên thế giới. Hai bên cũng đạt được thỏa thuận thương mại mới. Đây được coi là “vụ thu hoạch” sớm trong kế hoạch 100 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, sau cuộc gặp, việc thực hiện những cam kết và thỏa thuận giữa hai nước tiến triển rất chậm chạp.

Khác với thời kỳ mới lên nắm quyền, ông Trump tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc bao nhiêu nhằm thuyết phục nước này giúp kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì gần đây, thái độ đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn bấy nhiêu. Mỹ tiếp tục coi trừng phạt kinh tế là sự lựa chọn hàng đầu để gây sức ép với Triều Tiên, buộc Triều Tiên thay đổi hành vi, từ bỏ tham vọng hạt nhân, đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh. Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trừng phạt và gây sức ép đối với Trung Quốc thông qua việc tiến công nhiều hơn các ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Ông Donald Trump cho biết, vấn đề thương mại là một trong những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ hợp tác, nhưng, trong trường hợp không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, Mỹ có thể "hoàn toàn" xử lý vấn đề Triều Tiên.

Ông Trump đã thể hiện sự mất kiên nhẫn với Trung Quốc, nước có quan hệ kinh tế và ngoại giao gần gũi với Triều Tiên, vì cho rằng Trung Quốc không hành động đủ để kiềm chế sự gây hấn bằng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Sự mất kiên nhẫn của ông Trump đặc biệt gia tăng sau khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa đường đạn xuyên lục địa, có tầm bắn tới Alaska và một số vùng thuộc bờ Tây nước Mỹ và vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3/9.

Trong khi về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thừa nhận căng thẳng nhen nhóm trở lại trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh những bất đồng về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan cũng là nhân tố gây căng thẳng quan hệ giữa hai nước. Cuối tháng 6/2017, Mỹ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm vũ khí tiến công ngoài tầm hỏa lực liên quân AGM-154, ngư lôi hạng nặng MK 486AT và các linh kiện, phụ tùng bảo đảm cho các hệ thống ra đa báo động sớm trên không; đồng thời cảnh báo áp dụng thuế quan phổ cập đối với thép của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.

Trung Quốc lên tiếng phê phán chính sách Triều Tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nghiêng về trừng phạt Triều Tiên và gây sức ép với Trung Quốc, đồng thời phản ứng mạnh mẽ đối với việc Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và cho rằng, hệ thống này đe dọa an ninh của Trung Quốc và không có tác dụng gì trong việc giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc còn chỉ trích việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đơn phương đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đặt câu hỏi rằng làm sao những nỗ lực của Trung Quốc có thể đem lại kết quả nếu như trong lúc Trung Quốc cố gắng dập lửa, nước khác lại đổ dầu vào lửa; và trong khi Trung Quốc thực thi nghị quyết của Liên hợp quốc về Triều Tiên, nước khác lại gây phương hại cho lợi ích của Trung Quốc!

Một số dự báo

Trước những diễn biến phức tạp diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, các nhà phân tích dự báo một số kịch bản có thể xảy ra:

Mỹ thực hiện "đòn đánh phủ đầu" đối với Triều Tiên

Một "đòn đánh phủ đầu" đối với Triều Tiên có thể là một lựa chọn của Mỹ. Theo đó, phương án này sẽ là cú đánh bất ngờ vào các cơ sở quân sự của Triều Tiên, nhằm phá hủy khả năng tiến công của Triều Tiên. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể dự đoán trước. Hiện nay, Triều Tiên triển khai các trận địa lửa ngầm trên khắp đất nước, khoảng 8.000 khẩu pháo và nhiều trận địa tên lửa gần khu vực phi quân sự, có khả năng bắn 300.000 đạn pháo và tên lửa sang phía Nam trong giờ đầu tiên nếu Bình Nhưỡng bị tiến công. Do đó, "cú đánh bất ngờ" của Mỹ khó có thể đạt được hiệu quả, Triều Tiên có thể đánh đòn trả đũa rất tàn khốc. Do đó, phương án này khó có khả năng xảy ra vì nếu chiến tranh xảy ra, sẽ bất lợi cho cả hai bên. Triều Tiên không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ bằng một cuộc chiến tranh, ngược lại, Mỹ thừa biết "đòn đánh phủ đầu" của Mỹ sẽ dẫn đến hành động trả đũa nhằm vào 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, gây nhiều thương vong, trong đó có binh sĩ và công dân Mỹ. Trung Quốc cũng tuyên bố, nếu Mỹ thực hiện "đòn đánh phủ đầu" đối với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ đứng vể phía Triều Tiên. Thêm vào đó, Mỹ không muốn mạo hiểm trước khả năng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên hướng đến lục địa Mỹ. Vì thế, những tuyên bố cứng rắn của ông Donald Trump có thể là bước đi nhằm buộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un trở lại bàn đàm phán.

Người dân Triều Tiên tuần hành ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong Un. (Ảnh: Yonhap)

Thực hiện răn đe cứng rắn đối với Triều Tiên

Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và các đồng minh còn quá mềm mỏng trước Triều Tiên, để nước này liên tục khiêu khích quân sự mà không bị "trừng trị". Chính sách răn đe mạnh mẽ sẽ sử dụng vũ lực vừa phải nhưng ở dưới mức tiến công toàn diện kiểu phủ đầu. Ví dụ lần thử tên lửa đường đạn hoặc thử hạt nhân tiếp theo của Triều Tiên sẽ được đáp trả bằng ném bom vào khu vực thử vũ khí. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không có gì bảo đảm Triều Tiên sẽ phân biệt được sự khác nhau giữa 2 khái niệm. Một khi leo thang quân sự nổ ra, sẽ rất khó để ngăn chặn và nguy cơ về chiến tranh toàn diện trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Phương án này cũng ít có khả năng xảy ra.

Gia tăng áp lực kinh tế đối với Triều Tiên

Triều Tiên vốn đã bị cô lập về kinh tế trong nhiều năm qua, đặc biệt sau lệnh trừng phạt được Liên hợp quốc thông qua ngày 5/8. Việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ phía Trung Quốc, nhưng nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng nghiêm ngặt, có thể dẫn đến sự sụp đổ của Triều Tiên. Đây là điều Trung Quốc không mong muốn. Một số chính khách Mỹ kêu gọi trừng phạt các công ty Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp "ăn miếng trả miếng" đối với Mỹ, làm cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo trừng phạt kinh tế sẽ làm cho Triều Tiên thay đổi, bởi Triều Tiên luôn chủ trương phát huy tính tự lực tự cường.

Tiếp tục đàm phán 6 bên

Hiện nay, Triều Tiên không có dấu hiệu muốn trở lại cuộc đàm phán 6 bên (với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga), đã chấm dứt dưới thời Tổng thống Obama. Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán với điều kiện Triều Tiên phải ngừng các cuộc thử tên lửa và chấp nhận mục đích đàm phán là nhắm đến việc loại bỏ hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Đương nhiên, Triều Tiên chưa sẵn sàng đồng ý. Trong khi Mỹ lo ngại nếu chính thức công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân có thể ảnh hưởng đến việc thực thi Công ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và tạo tiền lệ xấu để các nước khác noi theo.

Ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un

Ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng là một phương án của Mỹ và Hàn Quốc. Gần đây, Hàn Quốc đã thành lập lữ đoàn đặc biệt để làm nhiệm vụ này. Nhưng đây cũng là phương án rất mạo hiểm. Kim Jong Un là một trong những nhà lãnh đạo được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới và kể cả khi ông bị ám sát, không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ có lãnh đạo mới với những chính sách tương tự hoặc thậm chí tham vọng hơn. Hơn nữa, phương án này cũng có thể dẫn đến chiến tranh toàn diện.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước