Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
04:28 (GMT +7)

Đời sống như là truyện kể

(Đọc Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

VNTN - Kể xong rồi đi kết thúc một cách thản nhiên: “Về rồi kìa! Ừ! Nghe vừa uể oải, vừa như rất hài lòng, lại vừa như cho xong đi”. Không có nhiều dữ kiện để người đọc liên tưởng đến cái chết, mặc dù, lần trở lại toàn bộ câu chuyện, trước khi “Về”, cái chết dường như ám ảnh, giăng mắc, bao trùm không gian truyện kể. Kì thực, cái chết chỉ là một chiêu nghi binh, một lớp nguỵ trang để từ đó những câu chuyện khác của đời sống được kể ra.

Kể xong rồi đi là trạng thái ở giữa của “Thỉnh thời đến, triệu thời về”. Khoảng giữa ấy, có thể là gì khác nếu không phải cõi nhân sinh. Thế nên, “Kể” đã đặt mình vào vai trò của một ám dụ về sự sống. Sống, tức là kể câu chuyện của riêng mình - Kể xong rồi đi. Tiểu thuyết này, như thế, xoay quanh cấu trúc tự sự: Đến - Ở (sống/kể) - Về (đi) với trục lõi là “Sống”.

Người đọc có thể nhận ra không khí bao trùm tiểu thuyết là cái chết (cận kề cái chết). Cái chết của rất nhiều người, nhiều trạng thái, nhiều kiểu. Nhưng, không vì thế mà cái chết trở thành nhân vật chính, thành lõi tự sự của tiểu thuyết. Nguyễn Bình Phương chỉ mượn cái chết để nói cái sống. Nếu chết là “Về”, xuất hiện là “Đến”, thì “Kể” mới là tinh thần chủ đạo của cuốn tiểu thuyết. Những câu chuyện được kể chính là những cuộc đời, thân phận, con người. Chưa dừng ở đó, người đọc buộc phải thừa nhận những câu chuyện khác được kể từ phía “phi nhân” (non human): loài vật, sự vật. Mỗi một tồn tại, hiện diện là một câu chuyện, tự kể hoặc được người khác kể lại. Câu chuyện của người (đại tá, Phong, gia đình Phong, Thảnh, Khuất, Hoành, Lĩnh, Vân, Lanh, Tuyết, Xiển, ông Văn, Ngọ, Rồ chồng, Rồ vợ, ông Khang, Hòa, Tuyên, sáu mươi tư tù binh, các bác sĩ…); câu chuyện của vật (Phốc, Sáo đá, bông hoa, cái cây, con đường, nghĩa trang, chiếc xe tang, cột cây số, đám mây, cơn mưa, nắng, lửa, bộ quân phục hay thường phục, cuốn sách, dao, súng)… lần lượt hiện ra từ những quan sát, mô tả, cảm nhận và đánh giá khác nhau. Mỗi người, mỗi vật là một câu chuyện được kể ở khoảng giữa của “Đến” và “Về”. Chính thái độ tỏ ra thản nhiên trước “Đến” và “Về” đã phô bày một cách rõ nét quan điểm về sự sống - “Ở”. Dường như, không quá quan trọng sự đến, cũng không hoang mang, hãi sợ gì lúc ra đi (về). Điều quan trọng hơn là ở lại ra sao? Người đọc sẽ không khó để lần ra manh mối những câu chuyện, đã kể xong (đại tá, mẹ và em Phong, ông Khang, sáu mươi tư tù binh…) hoặc đang kể. Dù kể xong hay chưa, những câu chuyện đều không có gì quá đặc biệt, khác thường hay kỳ dị (so với những tác phẩm trước của Nguyễn Bình Phương). Vấn đề ở đây là cách kể và thái độ của con người trước những câu chuyện, của mình, của người khác. Ông đại tá đã được kể như thế nào? Sau khi bị đột quỵ, ông nằm bất động trên giường bệnh. Câu chuyện của ông được những người xung quanh ông (Phong, các con ông, bạn bè, đồng đội) kể lại. Phong tự thuật đời mình. Người ta đánh giá - kể về Phong. Chuyện của Phốc do Phong cảm nhận và kể. Các con ông đại tá vừa tự kể vừa được kể qua Phong và người khác. Các nhân vật khác cũng vừa tự kể, vừa được kể từ sự chứng kiến của nhân vật liên quan. Các sự vật, hiện tượng trong tác phẩm đều mang những câu chuyện nhuốm màu tâm trạng của người quan sát, người kể.

Kể xong rồi đi xoáy đến một luận điểm rất quan trọng của lý thuyết diễn ngôn: Không có gì nằm ngoài diễn ngôn. Mở đầu tác phẩm, lời đề từ là một hoài nghi: Chắc gì mây đã bay. Đề từ này chất vấn trở lại những diễn ngôn về mây. Đương nhiên. Nhưng, đó chính là thái độ hoài nghi trước những diễn ngôn mà chúng ta có thể được biết. Mọi thứ, dường như không phải như những gì đang hiện ra. Ông đại tá hóa ra chỉ là đại úy. Vì tướng mạo của ông mà người ta gọi ông là đại tá, mãi thành quen nên ai cũng tưởng ông là đại tá thật. Ông từng quát vào mặt người lính của mình: “Muốn trẻ con nó trưởng thành thì phải biết nói dối nó”. Những kẻ đang sống hóa ra lại là những kẻ đang chết, thậm chí đã chết về mặt nhân tính, đạo đức. Không hoài nghi sao được: “Không có lồng, chưa chắc con chim đã hót”; “Thời này nó ngược củ tỏi thế, vẻ ngoài càng xú uế thì bên trong lại càng chất lượng. Lợn béo chưa chắc lòng ngon”. Các chất vấn thản nhiên, lạnh lùng khiến cho những điều phi lí, bất thường trở nên bình thường. Thế đấy, hoài nghi là tâm thức của chủ thể trong quá trình chứng kiến, kể - cũng là quá trình sống. Từ sự hoài nghi như thế, những câu chuyện được kể bị tước đi những lớp vỏ bọc, để hiện nguyên hình. Ông đại tá thực ra cũng không hoàn toàn tốt đẹp. Mấy đứa con của ông cũng cơ hội, tráo trở, tàn nhẫn, vô cảm. Những người khác, không bị dị dạng về nhân thể, cũng méo mó, kiệt quệ về nhân tính… Đời sống là một ảnh tượng hoang vu, cằn cỗi.

Hình thức nói chuyện giữa Phong và Phốc, chính là một phản đề của giao tiếp. Có thể nói rằng, Phốc là một cái cớ để những câu chuyện của Phong, về Phong và những người khác được kể. Nhưng, đằng sau hình thức (giả) giao tiếp này lại là một câu chuyện về tình trạng mất đi của tiếng nói - sự giao tiếp giữa con người. Phốc có thể chỉ là một sự phân thân, một hình thức ngụy trang để đối thoại. Thực ra, đây chỉ là cuộc độc thoại của Phong. Chúng ta nhận ra, Phong khá khó khăn trong việc giao tiếp với những người khác. Đúng hơn, Phong không tìm thấy niềm tin, tình cảm của con người trong giao tiếp với con người. Phong nhớ nhiều đến Lĩnh, nhưng không gặp được. Mẹ và em Phong đã chết trong cơn hỏa hoạn. Ông đại tá, người thân thiết nhất bây giờ nằm bất động trên giường bệnh. Không có nhiều sự kết nối mang tính người để Phong có thể nhập vào, kể câu chuyện về con người. Phong trở nên lạnh lùng, thậm chí nhiều lúc tàn nhẫn, khoái cảm trước cái chết. Đối thoại giữa các nhân vật, trong đó có cả Phong gợi lại không khí của Kẻ xa lạ (A. Camus). Trong gia đình đại tá, trong cuộc sống xung quanh, Phong cảm nhận được thân phận của mình. Các con của đại tá xem Phong là kẻ không liên quan, như Phốc (con chó), như Xiển (Osin). Phong tìm đến Phốc, nhớ đến Lĩnh như là một cứu rỗi hay níu kéo phần tốt đẹp nào đó trong nhân tính của mình. Bản thân Phong đã là một biểu tượng bởi những hiện diện trên thân thể và nhân tính. Mắt Phong bị lác, cũng như những dị dạng nơi người khác, phô bày một thực tế bị lệch lạc, méo mó. Lệch lạc mà hóa ra lại chính xác. Chẳng phải thế ư, khi vì mắt lác, Phong vô tình chỉ ra số vàng được giấu dưới giếng. Câu chuyện đôi mắt lác, nói lên sự mâu thuẫn, nghịch lý giữa góc nhìn, hướng nhìn, đối tượng được nhìn và bản chất của thực tại. Nếu như “nhân cách con người là ở đôi mắt” thì với đôi mắt lác của Phong, quả thật “đéo biết đâu mà lần”. Thành ra, dị tật đã tố cáo những che giấu, tạo dựng của mọi người xung quanh. Trong một hình dung phổ quát hơn, bệnh tật, cái chết, lắm khi lại là một cơ may cho con người, để tách mình ra khỏi những đồng hóa phi nhân tính, để hi vọng kiến tạo một giá trị bù đắp, vượt lên những tàn khuyết của thân thể, của đời sống.

Như đã nói, giữa “Đến” và “Về” là “Ở”. Câu chuyện “Ở” là câu chuyện về cách con người cùng vạn vật tồn tại trong thế giới. Thỉnh thời đến, triệu thời về, vậy nên, mỗi hiện diện hay biến mất đều có nguyên do của nó. Không lộ ra tư tưởng nhân quả, và dường như bác bỏ tính ngẫu nhiên của những trật tự, Kể xong rồi đi phô bày một cuộc sống trần trụi như là hệ quả của những tương quan nào đó có thể lý giải được hoặc không. Không như những tiểu thuyết trước đây, đậm màu sắc huyền thoại, dị kỳ, Kể xong rồi đi là một cõi hoang cằn, trần trụi. Không khó để chỉ sự trần trụi, lạnh lùng trong lời kể, lời thoại, các chi tiết, tình huống của tác phẩm. Đến cả Phong, dù có vẻ như luôn day dứt, đau khổ vì sự tàn nhẫn, sự dửng dưng xa lạ của người đời, nhiều khi cũng phải thỏa hiệp, cũng thốt ra những lời nói, những hành động tàn nhẫn không khác những người khác: “Tớ rất ngạc nhiên là tại sao Ngọ không dùng dao mà lại dùng súng. Dùng súng thì nhanh gọn, hẳn rồi, nhưng dùng dao sẽ êm ngọt hơn, đúng chưa Phốc?”; “… tớ nhìn thấy những con kiến li ti quẩn quanh, bế tắc đi lại ngay đầu mũi giày của mình. Thật kín đáo, tớ hình dung tớ sẽ miết giày dọc theo hàng kiến. Phốc ơi, Phốc ơi, thịt da tan nát nháo nhào thành một vệt nâu sẫm huy hoàng”; “Tớ bảo cứ lên hẳn cầu rồi thả xuống sẽ nhanh hơn, nếu lần xuống mép sông vừa dễ bị rắn cắn lại vừa dễ dẫm phải kim tiêm và cứt”… Dĩ nhiên, có thể biện hộ về một sự ngụy trang hay vờ như tàn nhẫn, để “lẫn vào đám đông” của Phong. Nhưng, không thể không nhận ra, ẩn sau sự dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm của con người là một thông điệp về thực trạng đời sống. Chẳng thế, Kể xong rồi đi làm lộ ra một quan niệm, một lối ứng xử: “Dao sắc thì phải cất kín”; “Một quả tim to lớn chả có ích gì ở đời này”. Có như thế mới tồn tại, mới yên ổn được. Phải như vậy không? Cần hoài nghi, nhưng, từ bản chất, thích nghi đã là một sự tha hóa. Phong có thể nào sống thật với mình? Ai nhận ra bi kịch từ những đối thoại của Phong và Phốc? Ai kể? Phong kể. Ai nghe? Chó nó nghe. Như thế có xúc phạm con chó không? Con người phải thấy đau xót, thậm chí nhục nhã vì đã kể câu chuyện của mình một cách tệ hại như thế. Bức ảnh tưởng tượng mà Phong chụp qua cuốn sách, “không có tí bóng dáng gì của Lĩnh” (một hoài vọng đẹp đẽ), dĩ nhiên, cũng không có Phong. Một bức ảnh đầy đủ, nhưng lại thiếu tất cả. Thiếu tính người, tình người, thế nên, thời buổi này “thương nhau cũng khó thật”. Cái chết của nhân tính làm cho con người chỉ là những hình nhân vô cảm. Dù có giao tiếp, có tỏ bày, họ vẫn cứ xa lạ. Trong cảm thức xa lạ như thế, giọng điệu cay nghiệt, thái độ dửng dưng, lạnh lùng là điều không tránh khỏi. Những hoài vọng về nhân tính, cái đẹp vẫn có thể nhận thấy trong câu chuyện của Phong với Lĩnh, Phong với Phốc. Nhưng, hình như đó chỉ là những hiện diện vắng mặt - những hiện diện làm người ta nhận ra đầy đủ, trọn vẹn sự thiếu vắng.

Cách kể, như đã nói, chính là câu chuyện mà Nguyễn Bình Phương quan tâm trong Kể xong rồi đi. Các nhân vật có cách kể của họ. Người kể chuyện có cách kể của riêng mình. Bản thân tiểu thuyết này cũng trả lời về cách kể - lối viết của Nguyễn Bình Phương ở đây. Sự dửng dưng trong lối kể phát huy hiệu quả rất lớn khi buộc con người phải chất vấn lại nhân tính, thái độ, cách sống của mình. Trước cơ thể héo tàn và cái chết đang đến gần của đại tá, sáu mươi tư tù binh bị “giải quyết” bằng dao, một tiểu đội trúng bom, bốn người lính trong ngôi miếu, cái chết của ông Khang, trước những méo mó, dị dạng của con người, các nhân vật trong tiểu thuyết bày tỏ một thái độ vô cảm đến mức đáng kinh ngạc. Sự vô cảm vừa là một loan báo về hiện thực đời sống, cũng từ đó đánh động đến nhân tính của người đọc. Kể xong rồi đi, như thế, không khác gì những lời buộc tội trong bản cáo trạng dành cho con người.

Xoay quanh những câu chuyện ở cõi nhân gian trần trụi, Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương được đầu tư khá kĩ về mặt cấu trúc. Chúng ta không khó để lần ra các mạch chuyện trong cấu trúc tự sự như đã nói ở trên. Tuy nhiên, đằng sau vẻ mạch lạc ấy lại hiện hình một trật tự khác, một cấu trúc khác. Đó là cấu trúc của sự bất định. Kể xong rồi đi là một siêu diễn ngôn về kể. Mà, trong thực tế, con người chỉ có thể nghe, hình dung ra từ lời kể những câu chuyện, những thực tại, có tính tương đối, được quy ước. Do đó, ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Bình Phương đã khôn khéo cài một câu đề từ: “Chắc gì mây đã bay”. Ngôn ngữ tạo ra thế giới. Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu, được quy ước, có tính võ đoán. Đồng thời, trong quan điểm của triết học ngôn ngữ, hệ thống kí hiệu này luôn tiềm ẩn những nguy cơ phản bội, xuyên tạc. Do đó, các nhân vật trong tác phẩm, người đọc sẽ không bao giờ có thể tiếp cận được với bản chất của đối tượng. Đơn cử, trường hợp đại tá, toàn bộ cuộc đời ông được kể lại bởi Phong và một vài người khác. Ông đại tá không thừa nhận, cũng không thể phủ định, đính chính. Nhiều câu chuyện khác trong Kể xong rồi đi cũng không được minh xác. Tính chất mơ hồ, bất định của chuyện kể có thể được xem như một ẩn dụ về đời sống mà Nguyễn Bình Phương đã đặt vào cấu trúc truyện kể tưởng như rất mạch lạc, rạch ròi. Dẫu vậy, người đọc không khỏi có cảm giác, cái mơ hồ vẫn chưa thực sự đạt đến tầm mức như những gì ta đã biết trong các sáng tác trước đây của Nguyễn Bình Phương.

Những câu chuyện trong Kể xong rồi đi có thể không còn mới mẻ, thậm chí ta nhận ra thấp thoáng trong Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp. Lối kể dửng dưng, thái độ lạnh lùng với giọng điệu giễu nhại, miệt thị cũng không hẳn là một đặc sản của Nguyễn Bình Phương. Điều đáng nói ở tiểu thuyết này chính là luận đề về “sống đời” mà tác giả đã duy trì một cách xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Sống đời hay Chủ nghĩa hiện sinh gọi là “hiện hữu”, là quá trình con người thực hiện “phác đồ người” (Martin Heidegger) của mình. Từ Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương nêu lên vấn đề hiện hữu một cách giản dị, nhưng rất trúng. Sống là kể câu chuyện về mình, xong rồi đi. Thản nhiên, trần trụi mà chạm đến mạch lõi của nhân sinh cũng là ý niệm, tư tưởng của tác giả. Dù là uể oải, hài lòng hay cho xong đi, dù ai kể, ai nghe, ai đến, ai về, những câu chuyện vẫn còn đó trong lời bởi sự sống đang tiếp diễn. Nhưng, liệu rồi có xong được không? Chắc gì đi đã xong?

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy