Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
22:41 (GMT +7)
Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”

Đội ngũ các nhà văn - chiến sĩ, những người đã kiến tạo một mảng văn xuôi giàu tính lịch sử, giàu bản sắc văn hóa trong đời sống văn học tỉnh Thái Nguyên

Đội ngũ các nhà văn - chiến sĩ, những người đã kiến tạo một mảng văn xuôi giàu tính lịch sử, giàu bản sắc văn hóa trong đời sống văn học tỉnh Thái Nguyên
Tác giả tham luận: Nhà văn Phan Thái, Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhiều thanh niên nam nữ từ nhiều miền quê Thái Nguyên cầm súng lên đường. Thời quân ngũ, một số người đã cầm bút sáng tác văn học. Khi trở thành cựu chiến binh, niềm say mê sáng tạo tiếp nối mạch nguồn cảm xúc giúp các cây bút khẳng định mình và quy tụ dưới mái nhà chung Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Thế hệ các nhà văn từng mặc áo lính viết về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng không chỉ làm cho đời sống văn học Thái Nguyên thêm phong phú mà còn từng bước đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng người đọc. Các tác giả cũng góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn khi gửi tới độc giả những thông điệp giàu tư tưởng nhân văn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Việc tái hiện lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào và kiêu hãnh của đất nước, trong đó có mảnh đất và con người Thái Nguyên thông qua tác phẩm văn học cũng là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo. Sự kỳ diệu của cuộc sống trong các giai đoạn lịch sử qua góc nhìn trung thực, lạc quan hiện lên với những lát cắt tinh tế. Mỗi tác phẩm văn học cũng thực sự là một công trình nghệ thuật được xây dựng bởi ngôn từ, hình tượng nghệ thuật và cảm xúc của tác giả. Các công trình nghệ thuật đã góp phần làm đẹp thêm khu vườn văn chương của tỉnh nhà trong sự nghiệp đổi mới.

Tuy đi qua chiến tranh, trong quá trình sáng tác, các tác giả cũng vẫn dày công tìm hiểu bổ sung tư liệu, nắm bắt cập nhật thông tin, những nét đặc trưng của văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc. Nhiều tác giả sống, chiến đấu cùng nhân dân các làng bản, hoặc bản thân là người dân tộc thiểu số, nên phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làn điệu dân ca, dân vũ từ ngàn xưa hình thành bản sắc văn hóa của từng dân tộc được quan tâm khai thác làm cho tác phẩm thực sự ấn tượng.

Trong sáng tạo văn học, vốn sống là yêu cầu cần thiết, kỹ năng viết và khả năng sáng tạo là yếu tố quan trọng. Trưởng thành từ những chiến sĩ, hầu hết đã qua lửa đạn chiến tranh, một số người tham gia đội quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn, các tác giả đã không ngừng rèn luyện, bằng khả năng liên tưởng độc đáo, luôn tìm tòi đổi mới để có sự bứt phá, đa dạng về đề tài, bút pháp tạo nên giọng điệu riêng trong một tâm thức mới và điểm nhìn mới.

Hình tượng nhân vật trong mỗi giai đoạn lịch sử được tái hiện chân thực, đa chiều, lối biểu đạt bằng ngôn ngữ trần thuật sinh động với đầy đủ mọi trạng thái từ hình ảnh đến yếu tố tâm lý, cả mặt tiêu cực lẫn tích cực, cả chủ quan lẫn hiện thực khách quan, đối xử công bằng, công tâm với lịch sử.

Nhiều nội dung mà trước đây còn là vấn đề nhạy cảm như mất mát đau thương, bi kịch xã hội cũng được các tác giả bước đầu thể hiện. Chất kiêu hùng, tinh thần quả cảm của người lính trận là mạch cảm xúc chủ đạo. Những nhân vật đi qua chiến tranh từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thậm chí cả những người ở phía đối diện với bao ẩn ức nghiệt ngã thời hậu chiến phần nào đã được đề cập.

Bên cạnh một số lượng tác phẩm lớn in báo và tạp chí, các tác giả đã cống hiến cho văn học tỉnh nhà và văn đàn cả nước hàng chục đầu sách. Hầu hết các tác phẩm đều được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Nhiều cuốn sách được các nhà lý luận phê bình văn học giá cao và đoạt giải thưởng của trung ương, địa phương.

Lớp đàn anh của văn nghệ sĩ - chiến sĩ là cố nhà văn Lê Thế Thành, nhà văn Ma Trường Nguyên, Nguyễn Khánh Hạ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Thế Thành là phóng viên báo Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ, phụ trách Tòa soạn báo Quân khu 9, trước khi nghỉ hưu là Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Ông nổi tiếng với nhiều truyện ngắn, bút ký phóng sự phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh, những cống hiến hy sinh của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, tiêu biểu là tập truyện “Những cánh đồng và những dòng sông”.  

Ma Trường Nguyên có trên mười cuốn tiểu thuyết đậm màu sắc văn hóa dân tộc Tày. Nội dung tiểu thuyết và các nhân vật của ông thường là những con người của quá khứ nên xuất hiện nhiều phong tục cổ của người dân tộc như tục lệ ma chay, cưới hỏi, cúng then, lễ hội cầu mùa… Vì vậy, tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên giống như những “bức tranh lịch sử miền núi” với bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Đơn cử như lễ hội “Nàng trăng” trong tiểu thuyết “Trăng yêu”, “Gió hoang” đã được ông phản ánh một cách kĩ lưỡng, phong phú và sáng tạo. Trong các tiểu thuyết “Mũi tên ám khói”, “Gió hoang”, “Rễ người dài”… cũng xuất hiện nhiều tập quán của người Tày. Nếu chú tâm hơn nữa, ông có thể làm cho tiểu thuyết của mình trở thành tiểu thuyết phong tục.

Nguyễn Khánh Hạ, ra trận trong những năm tháng cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất, ông có 8 năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ và là một chiến sĩ trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn mùa Xuân 1975. Là người đa tài, hoạt động cả trong lĩnh vực thơ, nhiếp ảnh. Văn xuôi của Nguyễn Khánh Hạ chủ yếu là bút ký, phóng sự, truyện ngắn về một thời hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các tác phẩm của ông làm người đọc ám ảnh trước ngồn ngộn hiện thực cuộc sống, đầy ắp diễn tiến của cuộc chiến và thấm đẫm nhân tình thế thái.

Phạm Quý có nhiều truyện ngắn về quân đội, thanh niên xung phong trong và sau chiến tranh chống Mỹ cùng một số truyện ngắn mang bản sắc văn hóa ở nông thôn miền Bắc và trung du như: “Nhịp rung giường tầng”, “Chuyện thường ngày của lính”. Nội dung các truyện ngắn luôn ca ngợi tình đồng đội, cách sống vị tha, giàu lòng thương yêu của các chiến sĩ trong thời bình. Truyện ngắn “Đêm không ngủ” nói lên sự ân hận của một chiến sĩ khi nói dối trung đội trưởng mẹ ốm để được về tranh thủ. Trong khi chính mẹ trung đội trưởng ốm nặng mà anh vẫn tận tình đưa chiến sĩ ra xe. Anh dành áo mưa cho chiến sĩ về mà mình bị ốm do bị mưa lạnh. Truyện ngắn “Hoa ngọc lan” là một truyện ngắn xúc động về thanh niên xung phong thời chống Mỹ gợi lại một giai đoạn lịch sử đã qua. Ngoài ra, Phạm Quý cũng có một số truyện ngắn nêu bật bản sắc văn hóa ở nông thôn, đơn cử như “Hồn quê” mong tìm lại những điều tốt đẹp đã mai một ở nông thôn trong cuộc sống hiện đại.

Đào Nguyên Hải viết về nhiều đề tài nhưng tác phẩm đáng chú ý nhất của anh là tiểu thuyết “Apsara dưới trăng”, là cuốn sách nói về những anh lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K (Campuchia). Tiểu thuyết cơ bản tuân thủ bút pháp hiện thực. Tuy kết cấu tuyến tính nhưng có sự pha trộn, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, sự đảo lộn về thời gian, thậm chí một số chương đoạn gần với kĩ thuật ghép hình (montage) của điện ảnh, nên cuốn sách trở nên linh hoạt, sinh động. Truyện ngắn “Vật kỉ niệm bình thường” cũng là một tác phẩm quan trọng trong đời viết của anh. Một câu chuyện tình yêu trong chiến tranh, nhẹ nhàng như cơn gió nhẹ thoảng qua nhưng cứ vương vấn mãi trong lòng người đọc.

Chi hội Văn xuôi đi trải nghiệm, thực tế tại Di tích thành Cổ Loa (năm 2023). Ảnh: Quang Khải
Chi hội Văn xuôi đi trải nghiệm, thực tế tại Di tích thành Cổ Loa (năm 2023). Ảnh: Quang Khải

Các tác phẩm của Bùi Thị Như Lan đều lấy không gian và nhân vật là người miền núi và dân tộc ít người. Điểm nổi trội của nhà văn là luôn biết biến không gian thực tại thành không gian nghệ thuật, như trong “Hoa mía”, “Tiếng kèn pí lè”, “Hoa dẻ trắng”…. Bùi Thị Như Lan không bó hẹp trong “những câu chuyện cũ, những nhân vật quá khứ”, nhân vật của chị thường là những con người của thời hôm nay (Hoa mía, Hoa sưa đỏ, Chuyện tình Phia Bjooc …). Nếu bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm của Ma Trường Nguyên mang dấu vết xa xưa thì Bùi Như Lan lại có cái nhìn của cuộc sống mới, màu sắc mới của miền núi thời hiện tại.  

Trong các cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng, Phan Thái tái hiện một không gian văn hóa lịch sử từ thời phong kiến như các cuốn “Linh Sơn tử chiến”, “Thanh gươm và cây tính tẩu”, “Thái Nguyên hiệu quân sứ”, đến thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ như các cuốn “Bình minh máu”, “Nắng phía sau mặt trời”. Không dừng lại ở việc phản ánh các “câu chuyện lịch sử”, “danh nhân lịch sử”, những tác phẩm của Phan Thái có những nhận định, kiến giải lịch sử trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử bao gồm sự kiện, nhân vật, phong tục tập quán…

Tác phẩm “Nhật ký cô văn thư” của Ngọc Thị Kẹo là cuốn đầu tiên viết về Đại đội Thanh niên xung phong 915. Cuốn sách đã phản ánh một cách khá chân thực cuộc sống lao động, chiến đấu của Đại đội 915 Anh hùng. Từ cuốn sách này, bạn đọc Thái Nguyên và cả nước có thể hiểu đầy đủ hơn hình ảnh những chiến sĩ TNXP một thời của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. “Nhật kí cô văn thư” cũng là cuốn sách giàu bản sắc văn hóa dân tộc nhờ những nét văn hóa đặc trưng từ các thôn bản miền núi, từ cuộc sống và tâm hồn các đội viên TNXP trẻ mà tác giả đã khéo léo đưa vào tác phẩm.

Đỗ Dũng với tư cách là một chiến sĩ có những tác phẩm tiểu thuyết, hồi ký, bút ký đầy ắp sự kiện, hình ảnh những trận chiến khốc liệt, sự hy sinh anh dũng và tình đồng chí đồng đội, tình bạn. Tiêu biểu trong số các tác phẩm đề tài chiến tranh của Đỗ Dũng là tiểu thuyết “Trung đoàn 165”.

Dương Mạnh Việt nhiều năm là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Cuốn truyện ký “Ký ức Sầm Nưa” và nhiều bài viết thể hiện trung thực cuộc kháng chiến, tình cảm đoàn kết quốc tế của nhân dân các bộ tộc Lào và các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.  

Phan Thức có 2 tiểu thuyết lịch sử: “Thượng thư Đỗ Cận” viết về danh nhân văn hóa trong thời kỳ phong kiến và “Lửa thiêng” viết về phong trào cách mạng trước năm 1945. “Lửa thiêng” chính là ngọn lửa cách mạng trên vùng đất Tiên Phong, đánh dấu một giai đoạn hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là cuốn tiểu thuyết có giá trị lịch sử, nhất là lịch sử địa phương - phường Tiên Phong và thành phố Phổ Yên. Các giai đoạn lịch sử với những tìm tòi công phu được tác giả tái hiện qua từng chương sách.

Ngoài ra, các nhà văn - chiến sĩ như Nguyễn Minh Sơn, Trần Chín, Ngọc Thị Lan Thái, người ít, người nhiều, đều có những trang viết về chiến tranh khá thành công.

Những kết quả của mảng văn xuôi cho thấy đội ngũ sáng tác có đầy đủ năng lực sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm văn học ở mọi đề tài, thể loại khác nhau.

Sáng tác văn học phụ thuộc chủ yếu vào tài năng và nhiệt huyết của mỗi tác giả. Tôi tin thời gian tới, các tác giả văn nghệ sĩ - chiến sĩ sẽ tiếp tục phát huy bản chất của những người từng là “Bộ đội cụ Hồ”, nêu cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, duy trì cảm hứng sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm văn học có chất lượng hơn nữa, đóng góp với nền văn học nước nhà và xây dựng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vững mạnh toàn diện về mọi mặt.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy