Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:25 (GMT +7)

Đôi điều về tên tự,tên hiệu và… nickname

VNTN - Trong cuộc sống, đôi khi người ta thường gọi nhau bằng những cái tên khác với tên do bố mẹ đặt cho, hoặc khác với tên trong giấy khai sinh. Những tên gọi như vậy cũng là một biểu hiện của văn hóa nhân loại. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà chúng được đặt. Vậy phía sau những tên gọi ấy ẩn chứa điều gì? Trong chiều dài lịch sử, những cách gọi tên như vậy có sự kế thừa và tiếp biến hay không? Có gì tương đồng và dị biệt?

Người xưa thường dùng tên tự, tên hiệu thay cho tên thật (tên do cha mẹ đặt cho, khi người còn sống thì gọi là danh - khi người qua đời thì gọi là húy) của mình trong cách xưng hô sinh hoạt cũng như trong trước tác văn chương. Theo nhóm tác giả Lê Trí Viễn, “Tự là tên chữ, tên đặt lúc đã thành niên để biểu thị đức tính lí tưởng mà mình chuộng, do đó còn gọi là biểu tự. Tên chữ thường gồm 2 chữ, có liên quan tới chữ đặt tên (danh) về mặt ý nghĩa, do đó thường lấy từ trong sách” [1,150] và hiệu là “một hay nhiều tên khác để biểu thị một ý nghĩa gì đó, đặt một cách tự do hơn tự, lấy từ một địa danh của quê hương hoặc từ một thú vui tật xấu của mình. Hiệu như vậy có thể gồm nhiều chữ, như: Hải thượng Lãn ông, Hồng sơn liệp hộ.v.v..” [1,150].

Trong văn học trung đại Việt Nam, hầu hết các tác gia đều có tên tự và tên hiệu. Chẳng hạn, tác giả của Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ, có tự là Tùng Niên, hiệu là Đông Dã tiều. Nguyên nhân từ đâu, Phạm Đình Hổ lại có tên tự và tên hiệu đó? Nguyên tên của ông là chữ 琥 hổ trong từ 琥珀 hổ phách nghĩa là nhựa của cây tùng, cây bách lâu năm chảy ra ngưng kết lại, cho nên ông lấy tự là 松年 tùng niên (cây tùng sống lâu năm). Trở lại với cuộc đời của Phạm Đình Hổ, ông sống vào cuối thế kỉ 18 khi đất nước loạn li, nhà Lê suy yếu và sụp đổ, nhà Tây Sơn cầm quyền, không bao lâu sau nhà Nguyễn làm chủ đất nước. Trong thời đại biến động như vậy, cũng như không ít những sĩ phu thời đó, ông chọn cho mình con đường ở ẩn. Phạm Đình Hổ về quê sống cuộc đời cơ hàn và dạy học, nên ông lấy hiệu là Đông Dã tiều (người tiều phu ở Đông Dã). Như vậy có thể thấy, việc lựa chọn tên tự, tên hiệu của các tác gia văn học thời trung đại Việt Nam có ý nghĩa riêng, và những chữ được chọn rất cẩn thận mang ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt vào đó.

Tên tự có chức năng gọi thay danh của các tác gia. Nguyễn Du có tên tự là Tố Như, thay vì gọi thẳng tên do cha mẹ đặt, bạn hữu, người quen có thể gọi bằng cách ghép họ với tên tự, hoặc tên hiệu như Nguyễn Tố Như, hoặc chỉ gọi tên tự. Nguyễn Văn Siêu có tự là Tốn Ban, bằng hữu có thể gọi là Nguyễn Tốn Ban... Cách gọi này thể hiện sự tôn trọng người đang được nói đến. Ngược dòng lịch sử, có thể nhận thấy rằng cách gọi tên này đã xuất hiện từ thời cổ đại trong lịch sử Trung Quốc. Để tôn trọng các học giả, các nhà tư tưởng lớn, người đời thường không gọi trực tiếp họ tên thật mà dùng công thức “họ + Tử” (Tử có nghĩa là thầy) hoặc gọi họ bằng công thức “họ + tên tự”. Chẳng hạn, Khổng Khâu, tự Trọng Ni, được người đời gọi là Khổng Tử hoặc Khổng Trọng Ni; Mạnh Kha, tự Tử Dư, thường được người đời gọi là Mạnh Tử hoặc Mạnh Tử Dư… Đến cuối thời Hán, hình thức gọi tên này càng phổ biến hơn nữa. Có thể nhận thấy điều này qua bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trong đó các nhân vật xưng hô với nhau bằng cách gọi tên tự của nhau, chẳng hạn Tào Tháo có tự Mạnh Đức, Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, Quan Vũ tự Vân Trường, Chu Du tự Công Cẩn, Trương Phi tự Dực Đức, Bàng Thống tự Sĩ Nguyên... Cách gọi tên tự các nhân vật như vậy cũng không ngoài lí do tôn trọng lẫn nhau và những tên tự này cũng liên quan không ít đến danh [2].

Về tên hiệu, tên gọi này thường đi kèm với danh của những người được nhắc đến theo công thức “hiệu + họ tên”. Khảo sát qua bộ tiểu thuyết Thủy hử của Thị Nại Am, có thể thấy toàn bộ 108 vị anh hùng (cả những nhân vật có thật hoặc hư cấu) đều có tên hiệu, tên này có thể do người đời đặt cho hoặc do cá nhân tự đặt. Chẳng hạn, Tống Giang vì việc nghĩa, hay giúp đỡ người khác nên được ví như cơn mưa kịp thời, nhân đó người đời gọi là Cập thời vũ (cơn mưa kịp thời), và cụ thể hơn là Cập thời vũ Tống Công Minh. Hoặc Lỗ Đạt, khi vào chùa được ban pháp hiệu Trí Thâm, nhân vì có hình xăm bên cánh tay và vai nên người đời gọi là Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm. Nhân vật Sử Tiến có hình xăm 9 con rồng ở sau lưng nên người đời gọi là Cửu văn long (hình vẽ chín con rồng). Tương tự các nhân vật khác cũng vậy, chẳng hạn Ngọc kì lân Lư Tuấn Nghĩa, Thần hành thái bảo Đới Tung, Trí đa tinh Ngô Dụng, Báo tử đầu Lâm Xung, Nhập vân long Công Tôn Thắng... Cách gọi tên hiệu và họ tên này giúp người đọc thấy được những đặc điểm, tính cách của người được nói đến. Trong xã hội Việt Nam thời trung đại hầu hết các danh sĩ đều có tên hiệu, có những tác gia có nhiều tên hiệu, thậm chí cả biệt hiệu. Lê Hữu Trác có hiệu là Hải thượng Lãn ông, Nguyễn Bỉnh Khiêm có hiệu Bạch Vân cư sĩ hoặc Tuyết Giang phu tử, Nguyễn Du có tên hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng sơn lạp hộ. Nguyễn Văn Siêu có hiệu là Phương Đình, Cao Bá Quát có hiệu là Chu Thần, Nguyễn Khuyến hiệu là Quế Sơn, Trần Tế Xương hiệu là Mộng Tích và Tử Thịnh, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm có hiệu là Thương Sơn và Bạch Hào Tử, Tuy Lý Vương Miên Trinh có hiệu là Tĩnh Phố và Vi Dã lão nhân, Nguyễn Tư Giản có hiệu là Vân Lộc và Thạch Nông... Khi gọi tên hiệu các nhân vật này, người đời thường gọi bằng công thức “hiệu + công” hoặc cụ thể hơn “hiệu + họ + công”, cũng có thể gọi bằng công thức “hiệu + họ tên”, với những nhân vật nổi tiếng đôi khi chỉ gọi bằng hiệu. Chẳng hạn: Vân Lộc công (ông Vân Lộc, chỉ Nguyễn Tư Giản), Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Hà Đình Nguyễn Thuật, Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp; Vi Dã lão nhân hoặc Bạch Hào Tử... Và gọi tên như vậy cũng thể hiện sự tôn trọng người được nhắc đến [3].

Trải qua một chặng đường dài lịch sử, hiện nay trong xã hội vẫn đang tồn tại hiện tượng gọi tên phụ đi kèm với tên chính, đó là “nickname”. Theo từ điển Oxford English dictionary, “nickname” được định nghĩa là “một cái tên hài hước hoặc phổ biến được đưa ra để thay thế cho tên thật của một người”. Từ điển bách khoa mở Wikipedia định nghĩa: “nickname là một cái tên được thêm vào sao cho phù hợp với một người, địa danh... với mục đích thể hiện sự yêu mến, bông đùa, giễu cợt” [4]. Trên con đường giao lưu và tiếp biến văn hóa, nickname du nhập vào Việt Nam với tên gọi là “biệt danh” hay “biệt hiệu”. Hiện tượng này trước đây từng xuất hiện trong giới xã hội đen mang tính chất rùng rợn, chẳng hạn: Hùng đầu gấu, Long đen, Thái dao lam, Tâm lé, Quang chột... Cách đặt biệt danh này một phần cũng được người đời dựa vào tính cách, đặc điểm ngoại hình của nhân vật được nhắc đến để gọi tên theo công thức “tên + biệt danh”.

Hiện nay với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, kết nối toàn cầu, giới trẻ được tiếp xúc nhiều với văn hóa thế giới, hiện tượng sử dụng nickname trở thành phổ biến và lan tràn. Sẽ không bất ngờ khi mở trang xã hội facebook, người truy cập sẽ thấy một loạt những cái tên nửa tây nửa ta như: Trang cherry, Lan ruby, Sơn paris, Nam kool, Hạnh sino, Kenny Sang, Hòa Minzy, Vân navy, Hoàng Yến chibi... hoặc những cái tên khác có vẻ thuần Việt hơn như: Dung dịu dàng, Mai đanh đá, Hương đỏng đảnh, Thanh thật thà, Thảo may mắn... Thậm chí trong giới trẻ còn có những nickname hoàn toàn không nhắc đến tên thật của mình như: Yanbi, Mr.T, Big dady, Emily, Justa Tee, Suri, M - TP...

Việt Nam là một quốc gia có sự giao thoa và tổng hòa văn hóa. Với lịch sử nghìn năm Bắc thuộc thêm vào đó là nghìn năm gồng mình chống lại đế quốc Trung Hoa gìn giữ chủ quyền, văn hóa Việt Nam đã ảnh hưởng không ít từ quốc gia láng giềng này. Do đó không lạ khi cách đặt tên tự tên hiệu của các tác gia văn học Trung đại Việt Nam có nét tương đồng với cách đặt tên tự, tên hiệu của các tác gia văn học, các nhân vật lịch sử của Trung Hoa. Đến cuối thời Trung đại sang thời kì cận - hiện đại, văn hóa Việt Nam ảnh hưởng mạnh từ văn hóa Pháp và văn hóa châu Âu, cách đặt nickname có lẽ cũng ảnh hưởng từ việc giao thoa văn hóa này. Như vậy trên cơ sở ảnh hưởng từ văn hóa phương Đông và sự giao thoa của văn hóa phương Tây có thể thấy việc đặt tên tự, tên hiệu cũng như đặt nickname là hình thức của văn hóa, có thể tạm gọi là văn hóa đặt tên.

Xem xét lại các tên tự, tên hiệu của người xưa, rõ ràng mỗi chữ dùng để gọi tên đều mang những ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa đó có thể xuất phát từ danh, hoặc thể hiện một tính cách nào đó, một khát vọng, mong muốn nào đó của người được nhắc đến. Và người đời khi gọi tên tự hoặc hiệu của một người là để kiêng húy với thái độ kính trọng người đó. Nét văn hóa này, cả Việt Nam cũng như các nước đồng văn phương Đông đều đồng nhất. Còn với nickname, khi gán cho một đối tượng nào đó, cũng có thể biểu đạt một đặc điểm, tính cách của đối tượng đang được nhắc đến nhưng với thái độ bông đùa, vui vẻ, thậm chí còn mang tính giễu cợt khiến cho người được gọi bằng nickname đó không hài lòng.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, Việt Nam cũng như các nước khác đều rất phổ biến hiện tượng dùng nickname. Đặc biệt khi công nghệ thông tin phát triển với sự xuất hiện của những mạng xã hội như: facebook, zalo, youtube, Twitter... văn hóa đặt tên nickname lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Như trên đã nói, khi đăng nhập facebook, đọc báo mạng, mỗi người sẽ không lạ khi thấy xuất hiện những cái tên như: Trang cherry, Sơn paris, Nam kool, Hạnh sino, Mai đanh đá, Hương đỏng đảnh, Thanh thật thà, Yanbi, Mr.T, Big dady,... Nhưng những tên gọi ấy có ý nghĩa gì?

Sẽ rất mất thời gian và công sức khi đi tìm hiểu ý nghĩa của từng tên gọi như trên. Nhưng khi xét một vài ví dụ chẳng hạn cái tên Sơn Paris, có thể thấy Paris là thủ đô nước Pháp đồng thời cũng là tên một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, một chàng trai được mệnh danh là “đẹp trai nhất trần gian” và cũng là người có tác động sâu xa gây ra cuộc chiến thành Tơ-roa thần thánh. Gắn từ Paris vào tên của người được gọi là Sơn, người đọc sẽ được hai kết quả như sau: nếu dùng chữ Paris theo nghĩa thứ nhất thì gắn với cái tên Sơn, theo tiếng Hán có nghĩa là núi, vô nghĩa; nếu dùng từ Paris theo nghĩa thứ hai, có thể thấy người gọi tên Sơn kia có phần ngạo mạn thái quá khi cho mình là người đẹp nhất trần gian, cũng không có ý nghĩa gì được gọi là xem trọng. Tương tự với nhiều cái tên khác, cũng mập mờ hoặc rất khó để hiểu được ý nghĩa, thậm chí còn không thể hiện được sự bông đùa, nên có thể chưa hẳn những tên gọi đó đã thuộc về khái niệm nickname, do đó sự tiếp nhận cách gọi tên từ văn hóa phương Tây ở đây phải chăng là chưa trọn vẹn? Và một sản phẩm kế thừa chưa trọn vẹn, đồng thời không có được nét riêng thì khó lòng tồn tại bền lâu được.

Có lẽ không nên đánh giá cách đặt tự, hiệu hay cách gọi nickname, nét văn hóa nào có giá trị hơn, có sự đồng điệu và tiếp biến hay không? Người viết bài này cũng xin không bình luận, phán xét rằng người xưa sâu sắc hay giới trẻ hời hợt . Song có một điều không thể phủ nhận: phía sau những cách đặt tên, gọi tên là những tầng văn hóa, tri thức. Có đi vào sâu những tên gọi, cách gọi tên đó mới thấy văn hóa của nhân loại còn rất nhiều điều lí thú.

Chú thích:

[1] Lê Trí Viễn (chủ biên) (1987), Cơ sở Ngữ văn Hán Nôm tập IV, Nxb Giáo dục, H.

[2] Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Na, cách gọi tên tự như vậy là một hiện tượng kiêng húy.

[3] Người viết xin không đề cập đến vấn đề bút danh của các nhà văn, nhà thơ.

[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Nickname

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy