Thứ bảy, ngày 26 tháng 04 năm 2025
16:39 (GMT +7)

Cẩn trọng với thủ đoạn dán đè mã QR để chiếm đoạt tiền

Tội phạm trên không gian mạng ngày càng xuất hiện phương thức thủ đoạn tinh vi. Mới đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều phương thức như lừa lấy mã OTP và dán chồng đè mã QR code để chiếm đoạt tiền của người dân…

Cẩn trọng với thủ đoạn dán đè  mã QR để chiếm đoạt tiền
Người dùng cần kiểm tra kỹ trước khi thực hiện thao tác quét QR. Ảnh minh họa

Vừa mới đi chợ về đến nhà chưa kịp xử lý các túi thức ăn thì tôi thấy điện thoại reo réo rắt. Chị bán thịt bò giọng sang sảng: Em kiểm tra lại xem tài khoản chuyển tiền chưa nhé, chị chưa nhận được đâu.

Chưa kịp trả lời thì chị bán thịt bò tắt phụt điện thoại. Tôi gọi lại thì toàn thấy thuê bao. Sốt ruột, tôi kiểm tra lại biến động số dư tài khoản. Rõ ràng tài khoản đã báo trừ 500 nghìn đồng, mà tên người nhận cũng đúng là tên chị bán hàng. Tôi cất gọn túi thịt bò vào tủ lạnh, lấy xe máy phi ra chợ hỏi trực tiếp xem sao. Đến nơi, không chỉ tôi mà mấy chị khách hàng cũng đang chìa điện thoại ra giải thích. Mọi người nhìn vào tên tài khoản mới ngạc nhiên, tên thì đúng mà họ thì lại sai. Nhìn xuống mã QR dán chặt ở mép bàn mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra ai đó đã dán đè mã QR khác lên mã QR của chị bán thịt bò. Lúc bấy giờ chị bán thịt bò như mới sực tỉnh. Cả buổi sáng bán hàng, mọi người chuyển khoản xong là giơ điện thoại báo đã chuyển, thấy tên mình nên cũng yên tâm. Lúc vãn khách, mở điện thoại thì không thấy mã nào chuyển đến. Chị vội vã gọi cho khách hàng nhờ kiểm tra lại thông tin, đồng thời báo công an xã, hi vọng lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt. Chỉ trong chốc lát mà gần chục triệu tiền hàng không cánh mà bay vào tài khoản khác. Chị bán thịt bò cứ ngồi bần thần, buồn bã.

Nhìn vẻ mặt buồn rầu của chị bán hàng mà tôi thấy cũng tội. Chỉ một chút sơ suất mà bị chiếm đoạt số tiền khá nhiều. Tôi quét lại mã QR “thật” của chị bán thịt bò, kiểm tra thật kĩ thông tin lại lần nữa rồi chuyển khoản. Tôi bảo chị: Nếu lấy lại được số tiền thì trả lại em còn không thì thôi chị nhé. Khổ thân, lần sau cẩn thận hơn chị ạ.

Chị bán hàng khẽ gật đầu cảm ơn. Có lẽ đây cũng là bài học lớn đối với việc kinh doanh của chị. Thời đại công nghệ số, mọi thứ thật tiện lợi nhưng đồng nghĩa với đó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tôi lên xe trở về nhà mà cứ nghĩ vẩn vơ. Hy vọng công an sớm vào cuộc xử lý tìm ra kẻ gian, không thì còn biết bao nhiêu người bị mắc lừa nữa.

Thực tế, việc thanh toán phí mua bán, dịch vụ bằng mã QR code, chuyển tiền qua mạng đã trở nên phổ biến hiện nay. Các mã QR thường được dán công khai trên tường, mặt bàn, hoặc đặt ở các khu vực khách ăn uống... Điều này vô tình tạo kẽ hở cho kẻ gian có thể dán đè mã QR khác lên để trục lợi. Đây là thủ đoạn mới nên nhiều người chưa phát hiện được. Do đó, rất cần cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền để người dân biết được, kiểm tra lại nơi dán mã QR code của mình tại cơ sở kinh doanh, tránh mất tiền oan.

Được biết, ngoài việc lừa đảo qua thủ đoạn dán chồng đè mã QR code, trước đó xuất hiện tội phạm dùng app chỉnh sửa ảnh chụp chuyển khoản tiền giao dịch thành công, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, khi phát hiện mã QR lạ, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an. Hiện, một số chủ cửa hàng đã sử dụng loa thông báo chuyển khoản (hay còn gọi là loa ting ting), là thiết bị phát thông báo tự động bằng âm thanh khi có giao dịch chuyển khoản thành công. Chỉ cần đầu tư vài trăm nghìn tiền thiết bị ban đầu, sẽ giúp chủ tài khoản biết được tiền đã chuyển đến chưa, số tiền là bao nhiêu mà không cần phải nhìn vào điện thoại, vừa đỡ mất thời gian kiểm tra, vừa hạn chế được rủi ro do lừa đảo.

Qua những vụ việc trên, người dân cần nâng cao cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo qua mạng. Cụ thể, để phòng tránh tình trạng đối tượng xấu dán đè mã QR để chiếm đoạt tiền, thiết nghĩ các cá nhân, hộ kinh doanh nên dán mã QR tại vị trí nhất định, dễ dàng quan sát, quản lý, cần thường xuyên rà soát các mã QR tại cơ sở của mình nhằm kịp thời phát hiện và gỡ bỏ mã QR giả mạo. Khách mua hàng thanh toán bằng mã QR cần kiểm tra kỹ thông tin về chủ tài khoản, số tài khoản, khi được bên bán hàng xác nhận thì mới chuyển tiền. Khi phát hiện có mã QR giả mạo cần báo ngay với cơ quan Công an để xử lý.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy