
Góc biếm họa số 7 (2025)

VNTN- Ngày 23/4, tại UBND xã Đông Cao, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP. Phổ Yên phối hợp với Đảng ủy, UBND phường đã tổ chức ra mắt tác phẩm Dân ca hát ví bên bờ sông Cầu và tọa đàm về cố Nhà văn Nguyễn Hữu Khánh.
Dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT tỉnh; lãnh đạo Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT tỉnh); lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Phổ Yên.
Hồi sinh tiếng hát ví và tri ân một đời lặng lẽ gìn giữ văn hóa
Tiếng ví dân ca từng vang vọng bên dòng sông Cầu, do biến đổi của thời gian đã dần mai một, giờ đây “sống lại” trong từng trang sách và những lời tri ân đầy xúc động. Dân ca hát ví bên bờ sông Cầu là tác phẩm cuối cùng của cố nhà văn Nguyễn Hữu Khánh.
Trước khi qua đời vào năm 2020, nhà văn Nguyễn Hữu Khánh đã công bố 12 cuốn sách và hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Dân ca hát ví bên sông Cầu là tác phẩm thứ 13 của ông. Cuốn sách này, dù còn dang dở khi ông nhắm mắt, đã được nhóm nghiên cứu Hội VHNT TP. Phổ Yên tìm thấy năm 2024 và đưa đến tay bạn đọc.
Khi ông mất, bản thảo vẫn còn dang dở, song nội dung đã được ông trình bày công phu, phong phú và khoa học.
Năm 2024, sau nhiều năm nghiên cứu và sưu tầm về hát ví ven sông Cầu, nhóm nghiên cứu thuộc Hội VHNT TP. Phổ Yên đã may mắn tìm thấy bản thảo quý giá này. Nhận thấy giá trị văn hóa sâu sắc mà bản thảo mang lại, đặc biệt với đời sống văn hóa dân gian của cư dân hai bên bờ sông Cầu, nhóm nghiên cứu đã tổ chức biên tập lại và thực hiện thủ tục xuất bản, với mong muốn gìn giữ một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, đồng thời tri ân cố nhà văn Nguyễn Hữu Khánh nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông (4/2020 - 4/2025).
Để có được tư liệu cho cuốn Dân ca hát ví bên sông Cầu, nhà văn Nguyễn Hữu Khánh đã xây dựng lược đồ khảo sát trải dài trên địa bàn huyện Phổ Yên, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Trong hai năm 2015 - 2016, ông rong ruổi bằng chiếc xe đạp cũ đến hơn 10 xã dọc hai bên sông Cầu, gặp gỡ trên 50 người để trực tiếp lắng nghe họ hát, kể chuyện. Song song với đó, ông cũng tìm đọc 11 tài liệu liên quan đến hát ví để làm tư liệu cho bản thảo. Cuốn sách gồm 4 chương và một phần phụ lục, là kết tinh tâm huyết của một đời người dành cho văn hóa dân gian ở quê hương, xứ sở.
Bốn chương của tác phẩm bao gồm: Nguồn gốc, địa bàn và giá trị của hát ví; Hát ví và những đặc điểm của hát ví; Nội dung lời ca trong làn điệu hát ví; Tính nhân văn và quan hệ truyền thống qua hát ví. Đặc sắc hơn cả là phần tái hiện trọn vẹn một canh hát ví bên sông Cầu, như thể đưa người đọc ngược dòng thời gian, trở về những đêm trăng bên bờ sông, nơi tiếng hát đối đáp vang lên giữa đêm trường.
Ngoài ra, cuốn sách còn có ý kiến của nhóm nghiên cứu, sưu tầm, đề xuất cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng hát ví bên sông Cầu; ý kiến của tác giả Nguyễn Hữu Khánh, trong đó ông mong muốn người đọc bổ sung những thiếu sót để tác phẩm hoàn thiện hơn.
Ông Phan Thức, trưởng nhóm sưu tầm, nhấn mạnh: Việc xuất bản cuốn sách nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều đơn vị: Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; thành phố Phổ Yên. Đặc biệt, sự tạo điều kiện về cả tinh thần lẫn vật chất của lãnh đạo phường Đông Cao, nhờ vậy đã giúp công trình đầy tâm huyết này đến tay bạn đọc.
Dự và phát biểu tại chương trình, thay mặt Hội VHNT tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Hội chúc mừng và đánh giá cao việc làm của Hội VHNT TP. Phổ Yên và nhóm tác giả sưu tầm. Nhớ lại hình ảnh của cố nhà văn Nguyễn Hữu Khánh lúc sinh thời, đồng chí bày tỏ: Ông viết lặng lẽ, dành từng giây phút ghi chép, giữ gìn văn hóa dân gian quê hương bằng sự kiên trì hiếm thấy. Không có nhiều tác giả trên địa bàn tỉnh được tổ chức tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp, nên sự trang trọng trong buổi ra mắt tác phẩm và tọa đàm là cách Hội VHNT ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của những người âm thầm neo giữ "hồn quê" cho đời.
Tiếp mạch cảm xúc trong chương trình, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Phổ Yên một lần nữa nhắc lại vai trò của cố nhà văn Nguyễn Hữu Khánh trong việc giải đáp câu hỏi lịch sử tồn tại suốt nhiều thế kỷ, đó là "Quê hương của Vua Lý Nam Đế ở đâu?", đặc biệt là từ sau khi ông nghỉ hưu.
Có thể thấy, dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông chính là loạt bài nghiên cứu công phu về vùng đất Tiên Phong, nơi ông khẳng định là quê hương của Vua Lý Nam Đế. Những trang viết của ông đã góp phần quan trọng vào kết luận của Hội thảo khoa học cấp Quốc gia năm 2012, đem lại niềm tự hào cho người dân quê hương, đồng thời viết thêm trang sử vẻ vang cho dân tộc.
“Ông Ba Nhà” - Cây đại thụ lặng lẽ giữa đời thường
Sinh năm 1934 tại phường Thuận Thành, ông đã gắn bó hầu như cả cuộc đời với vùng đất Đông Cao, Phổ Yên. 30 năm "cắm bản" với ngành giáo dục, có thời gian ông "cõng chữ lên non" tại vùng cao Hà Giang bằng cả trái tim mình.
5 bài tham luận tại buổi tọa đàm như 5 mảnh ghép tái hiện một cách chân thực chân dung cố nhà văn Nguyễn Hữu Khánh – một người kiên định, bền bỉ trên hành trình nghiên cứu và sáng tác văn chương. Từ hình ảnh “ông Ba Nhà”, tức nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử và nhà văn, đến người dành trọn 20 năm nghỉ hưu miệt mài đi tìm quê hương Vua Lý Nam Đế, hay một cây bút thủy chung với đề tài về Bác Hồ, và một trái tim người thầy ăm ắp tình thương với học trò.
Các đại biểu tham dự chương trình không giấu được xúc động khi nghe người bạn của cố nhà văn kể lại những câu chuyện về đạo làm thầy, về tình cảm của nhiều học trò đối với ông. Ông đã âm thầm ghi nhớ và dõi theo hành trình trưởng thành của tất cả những học trò từng dạy, trong đó nhiều người đã coi ông như người cha thứ hai của mình.
Anh Nguyễn Minh Đức, hiện cư trú tại tổ dân phố Phù Lôi, phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên rưng rưng chia sẻ: Mẹ tôi là em ruột bác Khánh. Bác tôi đã mất, nhưng hôm nay được ngồi đây nghe lại những câu chuyện về bác, tôi vô cùng xúc động. Đây còn là vinh dự và niềm tự hào của gia đình, dòng họ chúng tôi. Trong ký ức của tôi, và qua những câu chuyện người lớn thường kể, bác tôi là người luôn có ý chí vượt khó. Dù là dạy học, nghiên cứu lịch sử hay sáng tác văn chương, bác tôi đều làm bằng sự đam mê, tâm huyết và trách nhiệm.
Tác phẩm Dân ca hát ví bên bờ sông Cầu như một dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những câu hát xưa và nhịp sống hôm nay. Hơn nữa, đây còn là di sản tinh thần quý giá từ cố nhà văn Nguyễn Hữu Khánh, một con người cả đời lặng lẽ cống hiến. Ông đã đi xa, nhưng tiếng hát ví, những trang viết và đạo lý làm người, làm thầy ông để lại vẫn còn dư âm mãi. Đó là dư âm của giá trị của văn hóa, của tình yêu quê hương và của một đời sống nghĩa tình.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
1. Đất và Người Thái Nguyên (Tư liệu sử) - 1998
2. Dưới chân núi Cao Phong (Truyện thơ) - 2001
3. Chúa sơn lâm (Truyện thiếu nhi) - 2002
4. Phù đồng Thiên Vương (Truyện thơ) - 2002
5. Chúa sơn lâm (Tái bản) - 2002
6. Anh linh thần nữ (Truyện thơ) - 2004
7. Cuộc gặp gỡ thần kỳ (Truyện thiếu nhi) - 2005
8. Một vài làn điệu dân ca (Khảo cứu) - 2005
9. Vùng đất và con người Phổ Yên xưa (Tư liệu sử) - 2008
10. Từ mười hai con giáp (Truyện dân gian) - 2009
11. Măng rừng Việt Bắc (Tập thơ) - 2011
12. Tấm lòng con dâng Bác (Tập thơ in chung) - 2014
13. Dân ca hát ví bên sông Cầu (Sưu tầm) - 2025
GIẢI THƯỞNG
- Giải B cuộc thi báo chí Thái Nguyên (1999 - 2001)
- Giải C cuộc thi thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh (2007)
- Giải B cuộc thi thơ về xây dựng nông thôn mới Phổ Yên (2013 - 2014)
- Giải Khuyến khích Cuộc vận động sáng tác về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương (2014 - 2015)
- Giải C giải văn học 5 năm (2002 - 2006) của tỉnh Thái Nguyên và một số giải C, giải Khuyến khích khác về văn học
- Huy chương "Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam" (2007).
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...