Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:26 (GMT +7)

Đọc văn chương và những khả năng của đối thoại

VNTN - Chúng ta dần phải thừa nhận rằng, không có gì nằm ngoài diễn ngôn, hay nói cách khác, diễn ngôn tạo nên tất cả. Khi đó, việc đối diện tác phẩm văn chương hiển nhiên luôn là những cuộc đối thoại. Đọc văn chương là tham gia vào một cuộc giao tiếp với rất nhiều các khả năng kết nối.

Lẽ thường, việc đọc tác phẩm văn chương nói riêng hay thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nói chung, công chúng thường để cho cảm xúc, suy tư của mình trôi theo dòng cảm xúc, sự kiện trong tác phẩm. Đa phần là như thế. Điều đó cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, khi việc đọc được hình dung một cách bài bản, có tính chuyên nghiệp, hướng đến việc hình dung đầy đủ hơn sự hiện diện của tác phẩm nghệ thuật trong đời sống, chúng ta buộc phải đặt ra cho mình nhiệm vụ: Đối diện với tác phẩm và những khả năng đối thoại từ việc đọc.

Đối diện với tác phẩm văn chương không đơn thuần là việc đọc con chữ, đọc văn bản, theo dõi sự kiện, cảm xúc trong tác phẩm. Mà thực chất, chúng ta đang đối diện với một thực tại có tính toàn thể (total). Một tiểu thuyết hay truyện ngắn, bút ký, tản văn, bài thơ,… trước khi là một tác phẩm văn chương, một hiện tượng nghệ thuật, nó là một hiện tượng xã hội. Bởi vậy, đối diện tác phẩm văn chương trước hết chúng ta phải đối diện với thực tại xã hội bao quanh nó.

 

Một tác phẩm ra đời hàm chứa trong nó những dữ kiện xã hội liên quan đến thời đại, dân tộc, quốc gia, tôn giáo, thể chế (hoàn cảnh rộng), liên quan đến tác giả với các mối quan hệ mật thiết xung quanh con người tiểu sử của anh ta (hoàn cảnh hẹp). Vì vậy, khi cầm trên tay cuốn sách của một nhà văn nào đó, việc cần thiết là hình dung về thời điểm ra đời cùng những tồn tại có thể liên quan thuộc về xã hội - hoàn cảnh.

Cũng là bài thơ Từ ấy của Tố Hữu, ra đời năm 1938, người đọc có lẽ sẽ hình dung ngay về bối cảnh cuối những năm 1930, về không khí cách mạng, không khí văn chương, các khuynh hướng văn học, về tiểu sử Tố Hữu,… để thấy được việc bài thơ ra đời, ở thời điểm đó có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân tác giả, với không khí cách mạng và những động thái của văn chương. Tương tự như thế, việc tái hiện, soi chiếu lại hoàn cảnh rộng những tác phẩm của Trần Dần viết những năm 60 (thế kỷ XX), được xuất bản sau đó hơn ba mươi năm khiến chúng ta hình dung được tầm vóc, bản lĩnh nhà văn của Trần Dần - người được gọi là “Thủ lĩnh trong bóng tối” (Phùng Ngọc Kiên). Như vậy, đối diện với hoàn cảnh rộng là cơ hội để chúng ta xác định rõ vị trí, tầm vóc, giá trị của tác phẩm ở thời điểm nó ra đời cũng như trong dòng chảy lịch sử văn học.

Không những thế, việc một tác phẩm ra đời, do nhà xuất bản nào ấn hành, in bao nhiêu bản, ai biên tập, liên quan đến sự kiện xã hội - lịch sử - văn hóa nào cũng là những tham chiếu hữu ích cho việc đọc. Một kinh nghiệm trong nghiên cứu văn học đã từng được biết đến đó là xem xét vị trí của một bài thơ khi nó được đăng báo. Bài thơ đăng ở trang bao nhiêu, vị trí nào, đăng cùng với những tên tuổi nào, được minh họa ra sao… cũng cho thấy giá trị của nó đối với tờ báo cũng như ý đồ của những người làm biên tập khi quyết định cho tác phẩm xuất hiện. Câu chuyện này dẫn chúng ta trở lại với việc quảng bá cho tập Thơ thơ của Xuân Diệu khi sắp sửa ra đời. Nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực văn đoàn, hai tờ báo Phong hóa, Ngày nay là những thế lực báo chí mạnh mẽ nhất hồi những năm 30 (thế kỷ XX) đã có một chiến lược rầm rộ, với việc đăng thơ, đăng quảng cáo cho tập thơ này một cách hết sức trang trọng. Điều đó đã từng bước đưa Xuân Diệu trở thành ngôi sao mới của Tự lực văn đoàn khi Thế Lữ dần đã mất đi vầng hào quang quyến rũ tầng lớp thị dân và những người trẻ tuổi đầy mơ mộng, khao khát ái tình.

Một tác phẩm văn học là một diễn ngôn, bởi vậy nó luôn tiềm chứa khả năng đối thoại. Và, phải khẳng định rằng, bất kỳ diễn ngôn nào, sự hiện diện của nó cũng nhằm hướng đến sự giao tiếp, đối thoại. Ngay khi tiếp cận một tác phẩm, bản thân diễn ngôn đó đã tạo lập các khả năng đối thoại với quá khứ - lịch sử, đối thoại với các diễn ngôn trước đó, cùng thời, hé lộ những dự báo - vẫy gọi đối với tương lai. Việc đọc, vô hình trung đã đưa người đọc bước chân vào một cuộc đối thoại với rất nhiều tiếng nói. Không những thế, bản thân tác giả, các nhân vật, các sự kiện, các motif, thủ pháp trong tác phẩm,… cũng đặt người đọc vào tình thế buộc phải đối diện với những gì đã và đang diễn ra.

Chúng ta không thể đọc một tác phẩm viết về chiến tranh ra đời sau 1975 mà không có những liên hệ đến những tác phẩm cùng đề tài đã ra đời trước đó. Chiến tranh trong văn học trước và sau 1975 có gì giống và khác nhau? Chiến tranh trong văn chương và chiến tranh như là một thực tại xã hội, một biến cố lịch sử có những vênh lệch thế nào? Thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh có khác với các nhà văn trẻ viết về chiến tranh hiện nay không? Rõ ràng, chiến tranh trong cách tiếp cận và thể hiện của Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai khác với Bảo Ninh. Rồi sau đó, chắc rằng thế hệ những người viết trẻ tuổi hơn như Đinh Phương, Kim Hòa, Trịnh Sơn, Huỳnh Trọng Khang,… cũng sẽ khác Bảo Ninh, Chu Lai, Lê Minh Khuê.

Cũng như thế, khi đọc tiểu thuyết viết về nông thôn, một mạch đối thoại chắc sẽ hiện diện đó là: nông thôn trong tiểu thuyết trước 1945, 1945 - 1975, sau 1975… Các vấn đề của nông thôn, nông dân, nông nghiệp có lẽ sẽ lần lượt hiện ra khi chúng ta đối diện với những chuyển động của đề tài này trong lịch sử thể loại. Chắc chắn, với người đọc Việt Nam, hình dung về nông dân, nông thôn, nông nghiệp sẽ đặt ra những đối thoại hết sức hữu ích, khiến cho hành động đọc luôn luôn là sự truy vấn hay đối chứng giữa những thực tại, những kinh nghiệm. Dĩ nhiên, thực tại nghệ thuật không đòi hỏi phải khớp như in vào thực tại (khách quan), nhưng chúng ta gần như không thể tránh được những liên hệ ấy trong quá trình tiếp cận văn bản nghệ thuật.

Đối diện tác phẩm văn chương còn là một cơ hội để thực hiện các khả năng đối thoại văn hóa với cộng đồng và cá nhân. Rõ ràng, khi tiếp cận tác phẩm, chúng ta đã tiếp cận với một văn bản văn hóa thu nhỏ, nơi đan dệt các truyền thống, lịch sử, ngôn ngữ, nhu cầu, thị hiếu hay các diễn biến vi mô khác thuộc về cá nhân. Bởi vậy, những ám ảnh vô thức, những góc mờ khuất, những thông điệp ẩn giấu, qua đặc trưng phản ánh gián tiếp của diễn ngôn nghệ thuật mới có cơ hội dần hé lộ. Người đọc với khả năng của mình (lý luận văn học gọi là tầm đón đợi) sẽ chủ động thực hiện cuộc đối thoại ấy.

Chẳng hạn, khi đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, chắc chắn sẽ hiện ra những đối thoại về cái kỳ ảo, huyền bí, kỳ dị, về không gian Linh Sơn, Linh Nham, Thái Nguyên, về những nhân vật dị dạng, về cái chết hay về giấc mơ, những bám đuổi ráo riết trong trí tưởng của tác giả,… Tương tự như thế, khi đọc Bảo Ninh, với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, không thể không tạo lập những liên tưởng, những đối thoại với thời đại, cuộc chiến tranh, con người trong và sau cuộc chiến… Ở đó, có văn hóa cộng đồng, hệ giá trị của thời đại, dân tộc và có cả trải nghiệm văn hóa của bản thân chủ thể kiến tạo diễn ngôn. Do vậy, đọc văn chương, không gì khác là một cuộc đối thoại liên văn hóa, liên chủ thể.

Đối diện một tác phẩm văn chương còn là quá trình đối diện với truyền thống mỹ học, với kinh nghiệm thẩm mỹ của cộng đồng và bản thân chủ thể đọc. Do vậy, sẽ không khó hiểu khi có tác phẩm được hoan nghênh ở cộng đồng này nhưng lại bị phê phán ở cộng đồng khác, người đọc khác. Sự va chạm của các kinh nghiệm thẩm mỹ rõ ràng là một cuộc đối thoại lớn của văn chương nghệ thuật.

Nhiều người đọc không thể chịu nổi sự phức tạp trong một trăm trang đầu của tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ của William Faukner, nhưng với nhiều người khác, đó lại là một cuốn thú vị về kỹ thuật tiểu thuyết. Ở ta, từ đầu thế kỷ XX, việc Xuân Diệu không chịu nổi thơ Hàn Mặc Tử hay Hoài Thanh thấy mệt lả khi bước vào thế giới Điêu tàn của Chế Lan Viên cũng là điều dễ hiểu. Ở đó, dường như những giao tiếp thẩm mỹ đã không thực hiện được. Hố giao tiếp là một khái niệm mà lý luận văn học đã lường trước trong quá trình tiếp cận các diễn ngôn nghệ thuật. Thời Thơ mới (1932 - 1945), Xuân Diệu đã bàn đến loại Thơ khó. Những trường hợp như Baudelaire, Mallarme, Valery ở Pháp hay Hàn Mặc Tử, Bích Khê, thơ nhóm Xuân Thu nhã tập, Dạ đài ở Việt Nam… quả đã tạo nên những hố giao tiếp quá lớn, khiến nhiều người đọc e ngại, phải dừng bước. Thơ Việt Nam đương đại với những tên tuổi như Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn… cũng đặt ra nhiều thử thách đối với các khả năng giao tiếp.

Tuy nhiên, như lý thuyết tiếp nhận chỉ ra, những chân trời luôn được vẫy gọi. Một văn bản sẽ không trở thành tác phẩm nghệ thuật nếu quá trình đối thoại, giao tiếp không diễn ra. Nói cách khác, đọc là quá trình cấp nghĩa cho văn bản, cho ký hiệu. Bởi thế, ngừng cấp nghĩa hay không đối thoại, không được đọc tức là văn bản chưa được sống đời sống của tác phẩm. Trong tình thế đó, đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, có những diễn ngôn, những phạm trù mĩ học không dành cho hiện tại.

Đối diện tác phẩm văn chương cũng chính là đọc sự đọc của tác giả - nhà văn. Diễn ngôn của nhà văn tạo nên nhà văn, do vậy, đọc tác phẩm là tiếp cận toàn bộ con người nghệ sĩ, cá tính, tư tưởng, phong cách, thị hiếu, tri thức của nhà văn đó. Người ta vẫn hay nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ việc đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng những nghiên cứu mới nhất về quá trình sáng tạo Truyện Kiều của Nguyễn Du đã cho thấy ông đọc rất nhiều sách truyện, sử liên quan đến các nhân vật Thuý Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến,… cùng với tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân trước khi viết Đoạn trường tân thanh. Sự đọc của nhà văn chính là tri thức, văn hoá của chủ thể kiến tạo diễn ngôn, là cơ sở để tạo lập các đối thoại, giao tiếp với người đọc. Vốn tri thức nông hay sâu, đa chiều hay đơn điệu, trải nghiệm phong phú hay hời hợt,… đều hiện ra trong tác phẩm. Do vậy, từ đối thoại mà chúng ta hình dung ra nhà văn, con người và công việc sáng tạo của anh ta.

Đối diện tác phẩm văn chương trong tính chất tự thân của hành động đọc, sau mọi quy chiếu, thực ra là đối diện chính mình. Người đọc, thông qua trung gian là văn bản, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm tự ngã. Tất cả mọi vang động của đời sống, lịch sử, xã hội, văn hóa, thẩm mỹ, có cơ hội được đối thoại hay không phụ thuộc vào tầm vóc, khả năng cũng như nhu cầu của chủ thể đọc. Ở đó, thông qua trung giới là tác phẩm văn chương, thực tại nghệ thuật trong tính toàn thể của nó đối thoại với thực tại trong kinh nghiệm của chủ thể đọc. Đời sống của tác phẩm vì thế sẽ không ngừng được tái sinh, được kiến tạo. Mỗi lần đọc, mỗi lần đối diện tác phẩm là một lần chúng ta cấp nghĩa cho văn bản, làm nên thân phận và hành trình của tác phẩm.

Tuy nhiên, như đã nói, để tìm kiếm chính mình trong hành động đọc, đối diện tác phẩm văn chương là một đối diện toàn thể. Điều đó có thể không phải là ý thức thường trực đối với người đọc, nhưng hẳn là nó đã diễn ra trong mỗi chúng ta khi tiếp cận tác phẩm văn chương nghệ thuật.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy