Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
05:36 (GMT +7)

Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”*

VNTN - Từ Canada, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Quyên gửi về Văn nghệ Thái Nguyên một công trình đặc sắc của ông – chuyên luận về hiện tượng trường ca Việt Nam. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu hết sức công phu, có hệ thống, trên một bình diện khảo cứu theo chúng tôi là rộng nhất từ trước tới nay về thể loại trường ca trong văn học Việt Nam.

 Đây là bản tác giả dành riêng cho Văn nghệ Thái Nguyên, rút gọn và cập nhật từ tham luận Hội thảo "Thế hệ nhà văn sau 1975" tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2016.  

Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng cảm ơn lời chúc đầy thương mến của ông - “Chúc Văn nghệ Thái Nguyên  thêm khởi sắc của một diễn đàn văn nghệ tầm vóc không chỉ toàn quốc như đang là, mà còn vươn tỏa tới cộng đồng người Việt toàn cầu…” và xin giới thiệu công trình đặc sắc này đến quý bạn đọc. Bài sẽ được đăng tải làm 2 kỳ để bạn đọc tiện theo dõi.

 

Nhà thơ Đỗ Quyên

Tên thật: Ðỗ Ngọc Thủy

Sinh tại Hà Nội (1955); Định cư tại Canada (1996)

Tốt nghiệp (1977) và giảng dạy (1977-1988) ngành Vật lý hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội; Cộng tác viên khoa học Viện Dubna, Nga (1988-1990); Làm báo ở Ðức (1990-1996), ở Úc (2004-2008); ở Canada (1996-2010); Học bổng khoa học nhân văn Rockefeller 2001-2002, Trung tâm William Joiner, Mỹ.

Sáng tác chính: thơ, tiểu luận, truyện, phỏng vấn.

Tác phẩm đã xuất bản:

“Nhìn cây thấy rừng”; Phỏng vấn, NXB Văn Nghệ, California 1997

“Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000”; (In chung) Văn Mới, Los Angeles 2000

“26 Nhà thơ Việt Nam đương đại”; Tuyển tập thơ (In chung) Tân Thư, California 2002

“Một thời để nhớ”; Tuyển tập thơ (In chung) Người Việt Hải Ngoại, Vancouver, 2006

“Thơ kể - Poetry Narrates”; Tuyển tập thơ (In chung) Lao Động, Hà Nội 2010 và Tân hình thức, California 2010

Đến sự hiện đại hóa thơ Việt 

từ “trường phái trường ca Việt”*

(kỳ 1)

 “Từ thời niên thiếu, tôi đã có ham muốn mãnh liệt hơn hết thảy:

sắp xếp được tất cả những dữ kiện vào các định luật phổ quát nào đó”

(C. Darwin)

“Mang cái nhớ đi qua tháng ngày

Viết trường ca để lại mai sau”

(Đình Thu)

 

1. Mở đầu

“Hiện tượng trường ca Việt Nam”, khái niệm và nội hàm, từ năm 1980 đến nay đã được quan tâm trong nhiều nghiên cứu, phê bình, hội đàm, hội nghị về thơ Việt Nam hiện đại nói chung và về trường ca nói riêng(1). Nhưng đến nay, vẫn dường như nhiều tiếng-vỗ-của-một-bàn-tay(2)?

Cột mốc “sau 1975” đã, đang và sẽ là cột đỉnh trên đường biên chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống Việt Nam chừng nào đất nước mang hình chữ S của chúng ta còn bị lâm trận hoặc bị đe dọa, ám ảnh bởi chiến chinh.

Theo thiển ý, trong hơn một thế kỷ qua của thời kỳ văn học Hiện đại bắt đầu từ khoảng những năm đầu tiên của thế kỷ XX, mốc lịch sử “1975 - Tổ quốc thống nhất” có ý nghĩa toàn diện hơn cả (về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, hệ giá trị mĩ học, phục vụ thời cuộc…) và nhất là phạm vi ảnh hưởng (tính quốc tế hóa), so với 4 mốc còn lại: 1932 - Thơ mới; 1945 - Cách mạng mùa Thu; 1954 - Đất nước chia đôi bởi Hiệp định Genève.

Và, cũng chính từ sau năm 1975 dòng trường ca Việt Nam phát triển đến độ sung mãn nhất của nó, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật, từ tư duy thể loại đến ảnh hưởng văn học.

Xét về cả lịch đại lẫn thời đại, mốc văn học của giai đoạn lớn 40 năm, từ sau 1975 đến thời điểm hiện tại, đã tương đối nhất quán khi được chia thành 3 giai đoạn nhỏ: 10 năm hậu chiến (1975 - 1986); 10 năm Đổi mới (1986 - giữa những năm 1990); 20 năm hậu Đổi mới (giữa các năm 1990 - hiện nay).

Và, dòng trường ca Việt Nam thăng hoa trong giai đoạn đầu, phân hóa và đa dạng trong hai giai đoạn sau.

Nội dung chính ở bài này tuy được trải rộng khoảng 90 năm từ thời Thơ mới 1932 - 1945, nhưng thực chất, hiện tượng trường ca Việt Nam có vùng hoạt động trong vòng 40 năm 1960 - 2000: thời điểm lịch sử 1975 ở quãng giữa với khoảng 15 năm trước và 20 năm sau đó. Tức là từ khoảng năm 1960 (miền Bắc ổn định trong đường lối Xã hội Chủ nghĩa và chuẩn bị nhập cuộc chiến(3), miền Nam sắp vào giai đoạn chiến tranh trên quy mô lớn) đến khoảng năm 2000 (giai đoạn hậu Đổi mới chuẩn bị thành tựu).

Dấu mốc 1960 có được do chúng tôi chọn 3 điểm khởi phát của hiện tượng trường ca Việt Nam; đó là tác giả Văn Cao với tác phẩm Những người trên cửa biển - 1956; Hoàng Cầm, Tiếng hát người quan họ - 1956; và Thu Bồn, Bài ca chim Chơ Rao - 1962.

Về phạm vi và địa lý văn học: Mọi khu vực sinh hoạt và sáng tác thơ ca tiếng Việt, từ trung tâm, chính thống đến tất cả ngoại vi, phi chính thống. Thế nhưng, họ - các tác giả và tác phẩm trường ca xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975 - là những “chính chủ” đã làm ra và đang quyết định hiện tình trường ca Việt Nam. Đó là lý do thuyết phục nhất khiến bài viết được hình thành sau hơn một thập niên tìm hiểu.

2. Những lời bất cập về trường-phái-nhóm trong thi ca Việt hiện đại và đương đại

Theo một số hướng chính của tiến trình văn học và nghệ thuật Đông Tây kim cổ, sẽ không khó để rút ra vài điểm thường gặp ở các chủ nghĩa, trường phái, khuynh hướng, trào lưu tiêu biểu.

Chúng tôi muốn đúc kết ở 6 điều kiện sau đây với một trường phái, khuynh hướng, trào lưu văn nghệ: 1. Số lượng nhất định các văn nghệ sĩ (thường có một người đứng đầu, đại biểu) cùng theo đuổi một khuynh hướng tư tưởng hoặc phương pháp hành động riêng biệt (qua một loại tuyên ngôn nào đó); 2. Cơ sở lý thuyết, lý luận cùng các phản biện để thể hiện tư tưởng qua thực hành; 3. Phương tiện truyền bá (báo chí, diễn đàn, dư luận); 4. Không gian địa lý và thời gian trình diễn tác phẩm quan trọng; 5. Chịu sự cạnh tranh, sức ép, đàn áp của khuynh hướng, hệ tư tưởng, mỹ học khác; hoặc ảnh hưởng từ cuộc canh tân, cách mạng, cải tổ của thời đại, xã hội, của nền văn nghệ đó; 6. Tạo dấu ấn trong lịch sử văn nghệ ở phạm vi nào đó bằng quan điểm, tác phẩm, nhân vật, sự kiện điển hình.

Văn hóa nào cũng có thơ ca làm tinh hoa. Mà thi ca là triết học cất cánh, bay vào hoặc bay ra trái tim người. Từ lâu chúng ta thường an phận văn hóa Việt không có luận thuyết theo quan niệm phương Tây. Dẫu thế, thơ Việt từ sau thời Thơ mới tới thời hiện đại rồi hậu hiện đại, cũng đôi lúc lấp lánh các ánh sáng lạ, dự phần soi tỏ bầu trời thơ ca nước nhà.

Trước 1975, cả hai khuôn viên văn nghệ nổi tiếng là nhóm thơ Bình Định 1936 - 1945 (đưa tới trường thơ Loạn) và nhóm Sáng Tạo 1956 - 1965 đều không là các tập hợp văn học về thi pháp có tính cách mạng mỹ học như hai nhóm Xuân Thu Nhã Tập 1939 - 1942 (lý thuyết và thực hành) và nhóm Dạ Đài (với tuyên ngôn Tượng trưng 1946, được Hội thảo quốc tế 2006 của Viện Văn học Việt Nam xem xét - có lẽ lần đầu tiên - như một thi phái Việt chưa kịp thực hành).

Sau 1975, có hai khuynh hướng nhóm - phái tập thể có ý thức, gây ảnh hưởng mạnh nhất như là “trường thơ” và có một khuynh hướng cộng đồng vô thức.

Từ năm 2000 đến nay, nhóm thơ Tân hình thức Việt với nhà thơ Khế Iêm đứng đầu đã gây tiếng vang đáng kể (tụ điểm từng là Tạp chí Thơ ở California, ba năm nay là Báo Giấy và Câu lạc bộ thơ Tân hình thức). Mới nhất, như một xác nhận tương đối chính thức về học thuật và dư luận, đó là Hội thảo “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” do Tạp chí Sông Hương (Huế) tổ chức vào năm 2014. Như thế, bằng trường phái Tân hình thức Việt, có thể nói không e ngại, lần đầu tiên lịch sử văn học Việt được chứng kiến một trào lưu thi ca có lý thuyết rất bài bản, có diễn đàn sôi nổi, có thời gian thử thách, có ảnh hưởng dư luận và nhất là có thực hành với một số tác giả, tác phẩm thành công trong và ngoài lãnh thổ quốc gia. Tức là, ít nhất đến thời điểm này, trường phái Tân hình thức Việt đã rất đạt ở gần như 5 điều kiện đầu trong danh sách 6 điều kiện nêu trên cho một trường thơ; điều kiện thứ 6: khắt khe mà nói cũng là đạt (tất nhiên cũng cần thẩm định của thời gian). Trong môi trường lý luận, phê bình và sáng tác văn nghệ Việt lâu nay chưa có tập quán trường phái, đây là bước chuyển đổi lớn. Theo cảm nhận riêng, hạn chế của loại hình thơ này là ở chỗ - về bản chất thi ca và hình thức trình bày (viết, đọc) - nó khó có thể tham dự như là “chính thi” trên nền thơ Việt, nếu như nhận thức và thực hành về ngôn ngữ, cú pháp tiếng Việt vẫn như hiện nay.

Ra đời 2001, nhóm thơ Mở Miệng tạo tiếng tăm cùng tai tiếng trên nhiều báo chí, trang mạng văn nghệ thời 2003 - 2006; còn lác đác nhưng chủ yếu ở các vấn đề ngoài thơ tới khoảng 2010; về sáng tác và hoạt động văn học kể như đã (tạm) ngưng, và rộ trở lại trong dư luận ngoài sáng tác trong các năm 2013 - 2014. Ý nghĩa của nhóm thơ này hiển lộ mạnh bạo ở giá trị thời cuộc, tính văn hóa chính trị và thái độ phản biện văn nghệ - xã hội; về giá trị nghệ thuật (tính văn học, chất thơ) thì ít được tán đồng trong dư luận chung, còn cần đến sự lên tiếng của thời gian.

Cũng từ khoảng năm 2000, một khuynh hướng mang tên Hậu hiện đại, được thực hiện ở văn học Việt, nhất là thơ và tiểu thuyết, với ngót cả trăm tác giả, dịch giả, phê bình, nghiên cứu gia từ ngoài nước tới trong nước. Cả ở trung tâm lẫn ngoại vi, khuynh hướng Hậu hiện đại Việt vẫn chưa được đông đảo giới sáng tác, phê bình và độc giả nhìn nhận đàng hoàng, như một dòng văn - học - thật. Họ coi đó như các cách dị ứng xã hội bằng chữ nghĩa, phá lối văn chương truyền thống, chuẩn mực. Gọi chung, một thứ giả - văn - học. Xã hội Việt, văn học Việt chắc còn dai dẳng đeo đẳng với các điều kiện Hậu hiện đại 10 - 15 năm nữa.  

Trong 4 nhóm - trường thơ Việt Nam xứng danh nhất (nhóm thơ Bình Định với trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài và nhóm Tân hình thức) thiển nghĩ rằng, nhóm Xuân Thu Nhã Tập đến nay duy nhất có lý thuyết thơ hài hòa Đông Tây và thực hành đủ thuyết phục về chất - thơ. Nhưng trên thực tế vẫn bị xem là không thành quả: trái thơ Xuân Thu Nhã Tập hậu thế khó ăn nổi, chỉ ngắm và tôn thờ. 

Cũng trong hơn 15 năm qua, chưa kể giới phê bình, nghiên cứu mà cả dư luận chính thống và đại chúng hầu như chưa “ghé mắt trông coi” tới một đôi khởi xướng, nghiệm các cách thức làm thơ Việt mà chưa/không được trở thành “trường phái” hoặc trở nên có lý luận của một số tác giả độc lập. Như “Lý thuyết Cấu” của nhà thơ Khải Minh; các phương cách, kỹ thuật mới về “Thơ phụ âm” của nhà thơ Đặng Thân; về “Thơ thực hiện” của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt; và như của một số nhà thơ khác mà hầu hết đều mang vác các yếu tố hậu hiện đại.

Chúng ta cần có những chương trình nghiên cứu hệ thống và thực dụng về các hướng đi mới - lạ - khác của thơ ca Việt Nam mà trước đây nó chưa đi hết, đến nay nó chưa đi tới. 

Cuối cùng là về một vầng chói sáng trong thơ Việt, lan tỏa trên văn đàn nửa thế kỷ nay, nhưng chưa ở đâu chính thức nêu nó thành danh, định nó nên vị: Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam!

3. Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”: nhận thức và thực hành

Không gì rõ ràng như nhà nghiên cứu văn học người Mỹ Rosmarin khẳng định: “Thể loại được định danh một cách tiện ích nhất là một công cụ giải bình, là cách hữu lý và uy lực nhất để minh định giá trị của một văn bản văn chương.”(4)

Tìm hiểu dòng thơ trường ca Việt với quan niệm thể loại như một thi pháp, cảm hứng chủ đạo như một phương pháp, chúng tôi tâm đắc với nhận định có tính phát hiện từ nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn rằng, “về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến giờ”!(5)

Qua nhiều năm quan tâm và với 7 năm nay, sau luận điểm “trào lưu trường ca Việt Nam như là một trường phái sáng tác”, các danh sách tác giảtác phẩm trường ca Việt Nam mà chúng tôi đưa ra đã được cập nhật liên tục trên nhiều trang mạng.

Ngay sau khi khảo cứu công bố, nhà nghiên cứu văn học Trần Thiện Khanh đã có lời dẫn: “Trường ca là một thể loại có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tư duy thơ Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, sự quan tâm đến nó, cả ở phương diện văn học sử lẫn lý luận thể loại lại có phần muộn mằn, lẻ tẻ. Cho đến nay [2010] mới chỉ có Tuyển tập trường ca (Nxb Quân đội Nhân dân, 1997) là cung cấp được cho độc giả một cái nhìn tập trung về văn bản thể loại này. Trong Lời nói đầu của tuyển tập đó, các tác giả biên soạn nhận định: “Trường ca là thể loại chiếm tỉ lệ nhỏ, (…) mười trường ca được tuyển chọn trong cuốn này (…) là những trường ca tiêu biểu cả về nội dung lẫn hình thức cũng như bối cảnh lịch sử tác phẩm ra đời”. Như vậy số lượng trường ca được chú ý ở đây còn ít, lại chủ yếu là các trường ca sáng tác trong khoảng 30 năm, tính từ Bài thơ Hắc Hải (1955) của Nguyễn Đình Thi đến Gọi nhau qua vách vúi (1987) của Thi Hoàng. “Vùng trường ca” đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống, cần có người tâm huyết lục khảo lại, chọn tuyển công phu hơn, nhất là thể hiện được cái nhìn khái quát, công bằng hơn nữa về diễn tiến của thể loại này..(6)

Mục tiêu của chúng tôi là từ nhận thức và thực hành sáng tác qua một hệ thống tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam kể từ thời Thơ mới đi đến sự khẳng định rằng, trong quá trình hiện đại hóa thơ Việt, trường phái trường ca Việt là không thể thay thế.

Nếu theo 6 điều kiện cho một trường phái, khuynh hướng, trào lưu nói chung vừa nêu trên thì, một cách tương đối, dòng trường ca Việt hơn 50 năm qua gần như không đạt 2 điều kiện đầu (lại là 2 điều kiện tiên quyết), rất tốt qua 2 điều kiện giữa, và ở 2 điều kiện cuối phải nói là… tuyệt vời!

Hãy nhìn nhận sự phát triển thể loại trường ca Việt Nam đã diễn ra một cách khác thường và đa dạng tới mức hóa thân thành một “thi pháp chung”! Hãy đánh giá cảm hứng trường ca Việt Nam tuôn trào rất chủ quan về sáng tạo nghệ thuật nhưng có định hướng theo thời thế giống một “phương pháp chung”! Chúng ta sẽ dễ bề thể tất 2 điều kiện đầu mà bù đắp bằng 2 điều kiện cuối.

Bà đỡ cho trường phái trường ca Việt? Ấy là sự thúc bách của thời đại, là trách nhiệm của thi sĩ - chiến sĩ, thi sĩ - công dân. Ấy là cái sinh tử của chiến tranh (1960 - 1975), là cuộc đổi đời nghệ thuật (giai đoạn hậu chiến và Đổi mới 1975 - 1995 và khoảng đầu của hậu Đổi mới khoảng năm 2000).

Ai trong chúng ta không tự hỏi: Đã từng có nền văn học nào trên thế giới mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội - đất nước như dòng trường ca chiến tranh Việt Nam 1963 - 1975 và hậu chiến 1975-1986 không?

3.1. Quan niệm về tính trường ca và việc lập danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam

 

Đây đang là cơ sở cho một đề tài không dễ dàng - bởi hẳn là lần đầu tiên - đề cập khái niệm “tác gia trường ca Việt Nam” và phân loại, nhận định có hệ thống, toàn diện loại hình này trong văn học Việt Nam hiện đại.

Theo thống kê đang có, về số lượng, từ thời Thơ mới tới nay (cập nhật 10/5/2017), là 460 tác giả Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương, với tổng số khoảng 1205 tác phẩm gọi chung là “trường ca hiện đại” (thường gọi tắt ­“trường ca”).

Một cách tương đối, có thể xem Huy Thông là tác giả trường ca Việt Nam đầu tiên với tác phẩm nổi tiếng Tiếng địch Sông Ô ra đời năm 1935, còn tác giả mới nhất là Phạm Vân Anh với tác phẩm xuất bản mới nhất là Sa mộc (NXB Lao Động, tháng 9/2016).

Các yếu tính của thể loại để phân biệt trường ca giữa các tác phẩm thơ khác luôn là nan đề trong cả sáng tác lẫn lý luận văn học đương đại, ở Việt Nam và trên thế giới. Thơ trường ca, cùng với tiểu thuyết, là hai hình thức nghệ thuật ngôn từ có sự tổng hợp thể loại; đến mức “quên” thể loại!

Với dòng thơ trường ca Việt hiện đại và đương đại của hơn ngàn tác phẩm lớn nhỏ được sinh hạ từ gần nửa ngàn tay bút theo nhiều quan niệm, đề tài, phong cách, thế hệ thì lý giải của nhà lý luận văn học người Nga Tynhianov thật thích đáng: “Hãy thử định nghĩa khái niệm trường ca, tức một khái niệm về thể loại. Tất cả mọi cố gắng đưa ra một định nghĩa thống nhất đều không đạt được. (…) Thể loại không được nhận ra, nhưng dù sao trong nó vẫn còn giữ được những yếu tố đủ để cái gọi là không phải trường ca là một trường ca. Và sự đủ này - không phải những thứ thuộc nền tảng, hay những nét lớn riêng biệt, mà là những cái thuộc thứ hạng, dường như chúng phải thế và dường như chúng không định tính cho thể loại. Cái cần để thể loại được coi là thể loại, trong trường hợp này, là độ lớn”.(7)

Nhà thơ Đỗ Quyên (thứ 3 từ trái sang) cùng nhà thơ Y Phương, Tiến sĩ Chu Văn Sơn, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Nguyễn Anh Nông tại Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2010.

Không ai khác, chính nhà trường ca Việt Nam đầu tiên của thời hiện đại, trong báo cáo tại hội nghị khoa học như là lần đầu tiên về trường ca ở Việt Nam được tổ chức tại đại học lớn nhất quốc gia, cũng nhìn nhận rằng “độ dài của trường ca là một yếu tố thuận. Độ dài góp phần cấp trọng lượng cho chất tráng của thi ca”.(8)

Phải chăng nhờ tự mang trong mình sự bất định thể loại, trường ca đã là một trong những Đứa Con kỳ khôi - già xưa nhất, tươi lạ nhất và hoành tráng nhất - của Người Mẹ Văn Chương?

Bằng quan niệm mới về thể tài, và trong sự cẩn trọng thông lệ cho một công việc phân định không thể tránh được độ bấp bênh nào đó, nay đề nghị một số tiêu chí, khi thành lập danh sách, cũng như phân loại tác giả, phê bình tác phẩm.

Với trường ca, và các loại hình tương tự (sử thi, anh hùng ca, ngâm khúc, diễn ca, trường thi…), thường không khó lắm để nhận dạng qua cấu trúc và dung lượng, dù được viết theo khuynh hướng nào: cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại. Riêng với thơ dài có tính trường ca - điểm mới của khảo cứu này(9) - quả là không dễ định vị! Chúng tôi cho rằng tác phẩm Sầm Sơn trường hận của tác giả Nam Trân là bài thơ dài có tính trường ca được viết sớm nhất, vào năm 1932, trước khá lâu so với bài trường ca Việt Nam đầu tiên của thời hiện đại là Tiếng địch Sông Ô kể trên. Đến nay, trong tổng số 460 tác giả, có 329 tác giả trường ca và 131 tác giả thơ dài có tính trường ca: trung bình mỗi tác giả đã viết hơn 2,5 tác phẩm có tính trường ca. Những con số biết nói, vừa có ý tượng trưng vừa mang nghĩa cụ thể!

Ở đây, “trường ca” và “thơ dài có tính trường ca” bao gồm các loại hình văn vần - trừ truyện thơ và kịch thơ - mang dung lượng lớn với phương thức tự sự hay trữ tình, cấu trúc có hoặc không có cốt truyện, câu chuyện.

Trong các sáng tác đó, tính trường ca được thể hiện hài hòa qua: a) Thể tài: mang tinh thần và nội dung không của từng cá thể hay giữa các cá thể, mà thuộc về giá trị chung - đất nước, quê hương, nhân loại, dân tộc, cộng đồng - trong một chủ đề nhân văn có ý nghĩa xã hội rộng lớn. (Đây nên được xem như kim chỉ nam về tư duy thể loại trên bản đồ nghệ thuật thơ có tính trường ca); b) Chất liệu hiện thực: trạng thái nhân thế và trạng thái sử thi có thể độc lập hoặc hoán chuyển; c) Cảm hứng:­ ấn tượng chấn động, cảm xúc cao sâu; d) Giọng điệu, tư duy thẩm mĩ: mạnh hoặc nhanh, hùng ca hoặc bi ai hoặc hài hước, với chủ đích lôi cuốn với thái độ chủ quan; e) Cấu trúc và thủ pháp: sử dụng một số hình thức, kỹ thuật của “trường ca chuẩn tắc” (chương, khúc, đoạn, pha trộn thể loại, đa ngữ điệu, cân bằng các giá trị đối lập); f) Dung lượng: Khoảng 750 chữ trở lên (có thể ít hơn, tùy ý nghĩa từng bài).

Và biên khảo này mạnh dạn dùng một tên gọi mới, không thuộc về thể tài mà với ý biểu tượng, như một sự vinh danh: Tiểu trường ca (10). Đó là các thi phẩm có: Dung lượng hơn một bài thơ bình thường (tùy theo ý nghĩa từng bài, có trường hợp đặc biệt); Thi pháp mang tính trường ca; Tác giả đã quen thuộc; Và nhất là, từng tạo tiếng vang trong dư luận xã hội và môi trường văn học, mang dấu ấn thời đại, lịch sử…

Trong bài Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm (thông tin về đường dẫn ở dưới bài này) có toàn văn các danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam; nay cập nhật 10/5/2017:

Danh sách số 1: 460 tác giả và 1205 tác phẩm trường ca và thơ dài Việt Nam.

Danh sách số 1a: 460 Tác giả trường ca và thơ dài Việt Nam. Danh sách số 1b: 329 Tác giả trường ca Việt Nam.

Danh sách số 1c: 131 Tác giả thơ dài có tính trường ca Việt Nam. Danh sách số 1d: 1177 Tác phẩm trường ca và thơ dài Việt Nam.

Danh sách số 2: Những bài thơ như là “tiểu trường ca” Việt Nam (Phác thảo: 113 tiểu trường ca Việt Nam với 82 tác giả).

Ước tính, tất cả có khoảng 2000 nhà thơ Việt Nam hiện đại, trong khi số tác giả trường ca và thơ dài khoảng 400 tác giả. Chúng ta rút ra được tỷ lệ vàng 1/5 cho số các thi sĩ sáng tác theo phong cách trường ca trên tổng số các nhà thơ nói chung. Như là một thi duyên: bàn tay có 5 ngón tay thơ thì người Việt mình dành 1 ngón cho thơ trường ca!

Lại phải tự hỏi: Hiện tại trên thế giới liệu có nền thơ ở một quốc gia nào khác, của một dân tộc nào khác, có tỷ lệ các “nhà trường ca” cao và lạ như ở Việt Nam?

(hết kỳ 1)

Đỗ Quyên

---------

* Đây là phiên bản rút gọn từng tham luận tại Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” - Đại học Văn hóa Hà Nội, 28/4/2016. Sau đó bản toàn văn đã đăng trên nhiều trang mạng (như nhavantphcm.com.vn, viet-studies.info, chimvie3.free.fr).

Trong tham luận này nhiều phần được tu chỉnh từ 5 bài sau:

1- Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt, Tham luận “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài” 4-10/1/2010; Tạp chí Sông Hương số 257-7/2010, tapchisonghuong.com.vn 30/7/2010;

2- Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc hậu hiện đại Việt, vanchuongviet.org 21/12/2009;

3- Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm (cập nhật trên nhiều báo mạng trong 6 năm qua; như: vanhoanghean.com.vn 4/10/2011, vanvn.net 27/9/2012, vietvan.vn, khoavanhoc.edu.vn 18/3/2015, vanviet.info 28-29-30/4/2015);

4- Muốn thơ mình: chuẩn mực của phóng túng và phóng túng của chuẩn mực (Thơ đến từ đâu - Nguyễn Đức Tùng, Nxb Lao Động, 2009, phần Đỗ Quyên; Kệ Sách eBook, 2012; bản cũ: talawas 8/8/2006).

5- Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt hậu Đổi mới (Tham luận Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” - Hà Nội 28/4/2016).

Lời xin lỗi và tri ân:

Thành thật cáo lỗi về thiếu sót, nhầm lẫn chắc chắn sẽ có, chúng tôi cảm tạ những cộng tác của nhiều tác giả và độc giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, phê bình, nhà thơ, văn hữu: Trần Thiện Khanh, Trần Quốc Minh, Khế Iêm, Mai Văn Phấn, Nguyễn Tiến Hải, Trần Anh Thái, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Anh Nông, Diêu Lan Phương, Đặng Tiến Huy, Duy Phi, Hoàng Thư Ngân, Nguyễn Hữu Quý, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Anh Tuấn, Từ Nguyên Tĩnh, Hàn Thủy, Đỗ Minh Tuấn, Nhật Tuấn, Vũ Ngọc Dung, Nguyễn Hoàng Đức, Mai Bá Ấn, và nhà phê bình Văn Giá đã gợi ý, thúc đẩy bài tham luận này.

Chú thích - trích dẫn - thư mục chính:

(1) Một số sự kiện văn học dành riêng cho trường ca ở Việt Nam:

• Các năm 1980 - 1983 có nhiều cuộc hội thảo về trường ca. 1980: Hội thảo về Trường ca của báo Văn Nghệ; 1981: mục Trao đổi về trường ca xuất hiện trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; 1982: Tạp chí Văn Học số đặc biệt 6/1982 đăng lại nhiều tham luận từ các nhà nghiên cứu văn học về trường ca; 1983: Hội nghị khoa học về Trường ca (có lẽ lần đầu tiên?) của Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; 2005: Cuộc thi sáng tác trường ca với đề tài “Bác Hồ của chúng ta” do tuần báo Văn Nghệ phát động. (Xem Nguyễn Thị Liên Tâm, Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2009, zbook.vn 9/12/2013).

• Năm 2009: Toạ đàm về trường ca của Trần Anh Thái tại Viện Văn học Việt Nam về tuyển tập Trường ca Trần Anh Thái, Nxb Hội  Nhà Văn, 2008.

• Năm 2010: Hội thảo về trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng của Thái Hải do UBND thành phố Đồng Hới tổ chức.

(2) Công án thiền “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” với lời nhắc: nếu vẫn chưa nghe được tiếng của một bàn tay thì tất cả chỉ là vô ích.” (bachhac.net).

(3) Toàn bộ tác phẩm Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu, được xem như bài thơ dài có tính trường ca, cũng góp phần xác định cột-mốc-khoảng-1960 của hiện tượng trường ca Việt Nam không chỉ ở nghệ thuật thi ca mà còn qua nội dung bao quát xã hội và con người miền Bắc lúc đó.

(4) Cohen, R.; Hướng mở cho nghiên cứu thể loại, Trần Hải Yến dịch, phebinhvanhoc.com.vn 4/4/2013.

(5) Chu Văn Sơn; Thanh Thảo với trường ca; nguvan.hnue.edu.vn 22/3/2011.

(6) Trần Thiện Khanh; Đỗ Quyên và Trường ca Việt Nam, PV Toquoc.vn, vanhocquenha.vn 13/9/2010; x. vietvan.vn.

(7) Tynhianov, Iu.; Hiện tượng văn học, Đào Tuấn Ảnh dịch, Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 12-2005, phebinhvanhoc.com.vn 23/5/2012.

(8) Phạm Huy Thông; Trường ca, báo cáo tại Hội nghị khoa học về Trường ca tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1983; Tạp chí Văn Học, 1-1983 (x. Nguyễn Thị Liên Tâm; bđd).

(9) Về tương quan giữa thơ dài và trường ca: Nguyễn Thị Liên Tâm (bđd) đã tổng kết ý kiến của giới phê bình, nghiên cứu, trong đó bài của Mã Giang Lân có lẽ, cho tới nay, là tìm hiểu căn bản nhất. Hy vọng sớm có một tiểu luận riêng tương xứng với ý nghĩa tiên quyết của vấn đề, song cũng không hy vọng tìm ra “tiếng nói cuối cùng” cho quan hệ thơ dài và trường ca hiện đại. Bởi tính bất-định-thể-loại của cái gọi là trường-ca đã quyết định tất cả!

(10) Như vậy, về dung lượng và nội dung ở đây phân biệt 3 loại sáng tác thơ Việt Nam có tính trường ca trong thời hiện đại: “trường ca”, “thơ dài có tính trường ca” và “tiểu trường ca”. Rất thú vị khi đã vô tình na ná với cách mà thi hào người Nga S.A. Esenin từng tự đặt tên riêng để gọi các thi phẩm của mình: “thơ”, “trường ca nhỏ” và “trường ca lớn”. (x. Từ “Toàn tập S.A. Esenin đến “Bách khoa thư Esenin”, Blog nguyentrongtao 12/6/2015, cafesangtao.vn).

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy