Để trở thành chính quyền thông minh
VNTN - Thời gian gần đây, báo chí liên tục đề cập đến một số địa phương trong nước đạt được kết quả rất khả quan trong cải cách thủ tục hành chính, bằng việc sử dụng ưu thế của công nghệ thông tin. Tính đến hết tháng 10 năm 2018, cả nước có 30 tỉnh, thành phố triển khai dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên mạng xã hội. Một trong những bước đi cụ thể trên hành trình trở thành Chính quyền thông minh.
Một trong những địa phương đi đầu thực hiện mô hình chính quyền thông minh là tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 9 dự án thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Đà Nẵng cũng là địa phương quyết liệt xây dựng mô hình này. Từ năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có 430 điểm phát wifi miễn phí phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng.
Biểu hiện thiết thực của chính quyền thông minh là áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, đơn giản hóa giao dịch giữa chính quyền và người dân, nhằm phục vụ công dân.
Ở nước ta, người sử dụng Zalo (mạng xã hội nội địa Việt Nam ra mắt vào năm 2012) ngày càng đông. Tính đến tháng 8/2018, mạng Zalo có 80 triệu người dùng, đứng thứ 2 sau Facebook và ngang bằng với Youtube. Mỗi ngày ứng dụng Zalo giúp người dùng chuyển đi khoảng 900 triệu tin nhắn, 50 triệu phút gọi, 45 triệu hình ảnh. So với Facebook, mạng Zalo có độ bảo mật cao hơn; tốc độ gửi tập tin và hình ảnh nhanh chóng mà ít tốn bộ nhớ; giao diện đơn giản, dễ sử dụng… Năm 2018 được coi là năm “bùng nổ” của việc chính quyền đưa ứng dụng mạng Zalo vào nhiều mặt của cuộc sống.
Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt tính năng theo dõi tình trạng kẹt xe, ngập nước thông qua hình ảnh từ 685 camera giao thông trải dài khắp các tuyến đường trong thành phố. Từ hình ảnh quan sát được, Zalo còn tự động gửi tin nhắn đến cho người tham gia giao thông nếu có thông tin mới về tai nạn giao thông gây kẹt xe, cấm đường, đường đang thi công…
Đặc biệt, nhiều địa phương đã triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo. Đến nay các tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi... đã chọn Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.
Từ tháng 7/2018, người dân tỉnh Bắc Ninh có thể tra cứu và nhận thông báo nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo. Các thủ tục gồm: Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký sử dụng đất, giấy phép xây dựng, đăng ký bổ sung hộ tịch, sổ hộ khẩu, kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại… Ở tỉnh Bình Thuận, khi đến nộp hồ sơ tại nơi đăng ký dịch vụ công, người dân sẽ nhận được biên nhận điện tử trên Zalo để dễ dàng tra cứu tiến độ xử lý, nhận kết quả hồ sơ ngay tại nhà.
Như vậy ban đầu, ứng dụng Zalo giúp người dân theo dõi kết quả giải quyết và tương tác với bộ phận làm thủ tục để bổ sung thông tin (nếu cần). Nhưng ngày 4/11/2018 mới đây, tỉnh Tây Ninh đã công bố triển khai thành công dịch vụ làm thủ tục hành chính trực tuyến trên Zalo ở cấp cao hơn. Theo mô hình này, khi người dân cần làm một số thủ tục như: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký lập hộ kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký thuế, cấp phiếu lý lịch tư pháp…, thì họ chỉ cần ngồi nhà chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu, chụp lại bằng điện thoại và gửi qua Cổng hành chính công của tỉnh trên Zalo. Khi hồ sơ giải quyết xong, người dân sẽ nhận được thông báo (cũng qua Zalo), mang theo giấy tờ gốc đến cơ quan nhà nước để đối chứng, nhận kết quả và đóng lệ phí (nếu có). Việc làm của tỉnh Tây Ninh được dư luận đánh giá cao bởi đã giảm được phiền hà gần như tuyệt đối cho người dân.
Ứng dụng mạng xã hội Zalo vào giải quyết các thủ tục hành chính đã góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, làm “vô hiệu hóa” việc sách nhiễu, hành dân của một bộ phận cán bộ làm việc trong các cơ quan công quyền. Đây cũng là bước tiến dài về cải cách thủ tục hành chính phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên việc bảo mật thông tin trong Zalo khi ứng dụng vào dịch vụ hành chính công cũng là vấn đề rất cần được quan tâm. Bởi mỗi ứng dụng đều có những điểm yếu, những rủi ro tiềm ẩn. Chúng có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong tương lai do các yếu tố: hệ thống mạng bị lỗi, bị mã độc, hoặc do lỗi con người trong quá trình vận hành…
Chính quyền thông minh chỉ có được khi bộ máy lãnh đạo của chính quyền đó, đặc biệt là người đứng đầu phải thông minh và dám tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, người đó phải thấm nhuần quan điểm đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Chính quyền thông minh ắt sẽ kết nối với doanh nghiệp và công dân thông minh. Từ đó, xã hội chuyển động và dần hình thành một quốc gia thông minh.
Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên chưa có tên trong danh sách các địa phương ứng dụng mạng Zalo nói riêng, mạng xã hội nói chung, vào dịch vụ hành chính công. Đây cũng là điều đội ngũ lãnh đạo của tỉnh đang quan tâm và giải quyết.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...