Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
00:13 (GMT +7)

Đấu thầu phim Nhà nước, phim tư nhân rộng “cửa”?

Đấu thầu phim do Nhà nước đặt hàng nên duy trì hay bỏ, là một trong những vấn đề đã được đưa ra tại nhiều cuộc hội thảo mang tính chất chuyên ngành. Gần đây nhất, khi lấy ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh, vấn đề này một lần nữa lại nóng lên, thu hút được sự quan tâm không chỉ của giới hoạt động trong nghề mà còn của dư luận xã hội. Theo ông Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, muốn có được một bộ Luật Điện ảnh có tầm nhìn, tính dự báo để không tụt hậu so với thực tế, trước hết nên bỏ phương thức đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Tạo “sân chơi” bình đẳng?

Quan điểm của nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Lưu Trọng Hồng còn được làm rõ hơn khi ông khẳng định: “Phương thức này chỉ có ở Việt Nam, đang đặt nặng về mục tiêu kinh tế, trong khi mục tiêu cơ bản của một bộ phim là chất lượng nghệ thuật”. Cùng quan điểm trên, nhiều nhà quản lý và giới phê bình điện ảnh cũng chỉ ra rằng, trước thực tế phim tư nhân hoàn toàn áp đảo, thậm chí “ẵm” nhiều giải cao tại các kỳ liên hoan phim trong nước, khu vực và quốc tế thì phim do Nhà nước đặt hàng không những không chiếm được giải cao, mà còn không có khả năng lập kỷ lục trong doanh thu phòng vé. Thế nên việc đấu thầu phim Nhà nước là việc nên làm. Nhưng tiếc rằng, đến thời điểm hiện tại, một quyết định dù chỉ mang tính tình thế bao giờ được đưa ra vẫn còn là một ẩn số.

 

Phim “Hai Phượng” đạt kỷ lục phòng vé Việt Nam, gây ấn tượng khi ra thị trường thế giới

Công chúng yêu nghệ thuật thứ bẩy hẳn còn nhớ những bộ phim do Nhà nước đặt hàng từng được giới thiệu với những lời có cánh, đem lại một hương vị mới cho điện ảnh, hay khiến khán giả hào hứng như: Phim “Cát nóng” được đầu tư kinh phí sản xuất 6 tỷ đồng, phim “Những người viết huyền thoại” được đầu tư 10 tỷ nhưng khi ra rạp dù giá vé đã giảm 40 đến 50% vẫn không hút được khán giả. Trước đó phim “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dù được khen ngợi cũng đành ngậm ngùi bước ra khỏi rạp với doanh thu chưa tới 100 triệu đồng. Thất bại này khiến nhà sản xuất thực sự thất vọng.

Công bằng mà nói, từ sau chủ trương xã hội hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, nhiều hãng phim tư nhân đã được hình thành và phát triển. Kết quả, công chúng yêu nghệ thuật có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm những xu hướng làm phim mới, thậm chí thưởng thức những bộ phim nước ngoài được Việt hóa vốn là sản phẩm của quá trình liên kết sản xuất giữa các hãng phim tư nhân trong nước với các hãng phim nước ngoài. Những bộ phim này thường được công chúng đón nhận, thể hiện qua doanh thu phòng vé liên tục đạt mức cao kỷ lục. Điều đáng nói là kinh phí để sản xuất những bộ phim này đều được huy động từ cá nhân các nhà làm phim và những nguồn đầu tư đến từ xã hội hóa. Vì vậy, những “khuôn vàng thước ngọc” hay tư tưởng của bộ phim phải hướng đến vẻ đẹp chân - thiện - mỹ không phải là yếu tố quyết định xu hướng làm phim của các hãng phim tư nhân. Với họ khả năng thu hồi vốn, có lãi mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, những bộ phim như “Hải Nguyệt”, “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư”… không chỉ gây tiếng vang mà còn gặt hái thành công từ doanh thu phòng vé và những giải thưởng điện ảnh danh giá.

Vậy sẽ có người hỏi, họ có hay không quan tâm đến việc đấu thầu phim Nhà nước. Trước tiên xin khẳng định là có. Theo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Chánh Tín, Giám đốc hãng phim Chánh Phương - một hãng phim tư nhân, thì việc đấu thầu phim do Nhà nước đặt hàng chính là cách làm của những người chuyên nghiệp. Điều này rất dễ hiểu bởi từ trước tới nay, các hãng phim tư nhân mới chỉ hợp tác sản xuất phim truyền hình chứ chưa được làm phim điện ảnh bằng kinh phí nhà nước. Nếu tổ chức đấu thầu phim Nhà nước sẽ trở thành cơ hội tốt cho các hãng phim tư nhân. Quan điểm của NSƯT Nguyễn Chánh Tín cũng đồng nghĩa với việc, tới đây lĩnh vực điện ảnh sẽ có một sân chơi thực sự bình đẳng giữa các hãng phim.

Cơ hội “mở” hay “khép” lại một hãng phim

Trung tuần tháng 9, Cục Điện ảnh đã chính thức phát đi thông tin đơn vị này sẽ tiến hành đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách nhà nước trên tinh thần Thông tư liên tịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tài chính nêu rõ “phương thức đầu tư cho các bộ phim này là đấu thầu tuyển chọn nhà sản xuất hoặc đặt hàng sản xuất. Và đối tượng được đầu tư là các cơ sở sản xuất phim (nhà sản xuất) có tư cách pháp nhân, không phân biệt hãng nhà nước hay tư nhân”. Với nội dung nêu trên, rõ ràng Thông tư đã mở ra hướng đi mới cho một nền điện ảnh Việt Nam không còn tồn tại khái niệm bao cấp. Nhà nước ngừng rót tiền cho các hãng phim và tương lai các cơ sở sản xuất phim được cấp phép đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn do nhà nước tài trợ, nếu họ trúng thầu. Về phía Nhà nước, thông qua hình thức đấu thầu, sẽ quản lý và sử dụng nguồn tiền đầu tư một cách có hiệu quả nếu chọn đúng người, giao đúng phim.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết, ông cảm thấy đây là sự chuyển mình rất khó khăn cho hãng phim nơi ông đang làm việc. “Nếu bắt các hãng phim Nhà nước cạnh tranh với các hãng tư nhân, sẽ giống như việc vừa yêu cầu nghiên cứu, thúc đẩy ở tầm vĩ mô lại vừa phải có cái nhà mặt tiền, cái vỉa hè buôn bán để nuôi cái dạ dày”.

 

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại” - phim có kinh phí lên tới 10 tỷ đồng

Vẫn biết điện ảnh là một ngành nghề đặc biệt, và vì thế nên xem nó là một công trình xây dựng đặc biệt đi từ “không” đến “có”, chứ không phải cứ sẵn gạch sẵn ngói xây lên là có thể có được một công trình hoàn hảo mang tính nghệ thuật. Và để có được một công trình hoàn thiện đúng chuẩn ISO thì người thiết kế bản vẽ (trong xây dựng), nhà viết kịch bản (trong nghệ thuật điện ảnh) cần phải theo sát công trình của mình để có thể can thiệp cũng như điều tiết, nên sáng tạo thế nào thì đem lại hiệu quả thiết thực nhất, hay nhất và hấp dẫn nhất. Còn nếu phó mặc cho cộng sự, e rằng tác phẩm có thể sẽ không còn trọn vẹn như ý tưởng ban đầu.

Quay trở lại với những trăn trở của NSND Nguyễn Thanh Vân, trước chủ trương đấu thầu phim Nhà nước, để phần nào chia sẻ và nhìn nhận rõ hơn thực trạng của các hãng phim Nhà nước. Rất có thể, đấu thầu phim sẽ khép lại cơ hội tồn tại của một hãng phim này, nhưng lại mở ra cơ hội mới cho hãng phim khác. Bởi có một thực tế chính là, lâu nay các hãng phim Nhà nước chưa thoát khỏi sự trì trệ của thời bao cấp để thực sự thích nghi với cơ chế thị trường. Với các hãng phim Nhà nước vốn “sẵn nong, sẵn né” để làm phim (do được Nhà nước bao cấp) thì doanh thu thế nào, phim có được công chúng đón nhận hay không, thậm chí lương bổng ra sao cho ê kíp làm phim và nhân viên cũng không mấy quan trọng. Ngược lại, với các hãng phim tư nhân, doanh thu, lương bổng là vấn đề cốt tử của họ. Do đó, đấu thầu phim Nhà nước là một hướng đi mới rộng mở hơn đối với hãng phim tư nhân. Nếu trúng thầu họ sẽ không phải lo về kinh phí, thậm chí kịch bản mà chỉ toàn tâm, toàn ý cho việc sản xuất phim, cho dù đó là những bộ phim về lịch sử, phim cổ trang hay đề tài chiến tranh cách mạng. Điều này hoàn toàn phù hợp với Thông tư liên tịch của Bộ, bởi nói gì thì nói, phim Nhà nước vẫn được coi là dòng “chủ đạo” tạo nên dấu ấn cho phim Việt Nam, bên cạnh việc hướng đến những giá trị nghệ thuật, những tác phẩm này còn phục vụ nhiệm vụ chính trị và góp phần tạo nên hình hài điện ảnh Việt trong từng giai đoạn. Do đó, kinh phí cần dành cho các mảng đề tài giàu tính nhân văn, phim phục vụ chính trị, phim về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao là điều tất yếu. Song để dòng chảy chủ đạo không đứt đoạn cũng rất cần quan tâm đến thị hiếu công chúng và doanh thu phòng vé. Một mặt có thể tạo ra nguồn lực tái phục vụ hoạt động điện ảnh, mặt khác có thể nắm bắt thị hiếu của ông chúng, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài cho hãng phim.

Cần một lộ trình thích hợp để các hãng phim Nhà nước có thể thoát khỏi tư tưởng trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách để thích nghi và chủ động với cơ chế thị trường, là quan điểm của các nhà quản lý. Nhưng thời gian bao lâu và cụ thể là khi nào thì hiện vẫn chưa thể xác định. Song trước sức ép của hội nhập, của sự giao thoa giữa các nền văn hóa khu vực và thế giới, đã và đang đòi hỏi điện ảnh Việt Nam phải có sự bứt phá và đạt đến độ tương đồng về học thuật, kỹ thuật, khả năng diễn xuất.v.v…, để có thể vững vàng bước từ “ao nhà” ra thế giới.

Hiện các hãng phim tư nhân đã và đang hiện thực hóa giấc mơ đưa điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới như phim “Hai Phượng”, không lẽ hãng phim Nhà nước lại chịu lép vế, thậm chí chỉ tồn tại trên danh nghĩa, nếu thực sự không vượt qua được những thách thức của những cuộc đấu thầu phim. Và cuối cùng, để điện ảnh Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”, xây dựng được các tác phẩm điện ảnh thể hiện được cốt cách, bản sắc dân tộc, có lẽ hơn lúc nào hết cần cơ chế chính sách và có sự đầu tư xứng đáng cho đội ngũ những người viết đề tài, để có được những kịch bản hay, những bộ phim đỉnh cao về đất nước, con người Việt Nam. Đây chính là “ẩn số” mà các hãng phim Nhà nước, tư nhân cần phải tìm ra đáp án để tiếp tục hấp dẫn khán giả, kéo họ ra rạp. Điều này không chỉ cho công chúng yêu nghệ thuật biết đến sự tồn tại của mình mà còn là chất “bột” để các hãng phim có thể tạo nên “hồ” trên thương trường điện ảnh và trở thành những luận cứ chính xác cho các nhà làm luật sớm hoàn thành Luật Điện ảnh trong một tương lai gần.

Thiện Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy