Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:22 (GMT +7)

Điện ảnh Việt Nam lại lỡ hẹn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 2024 kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN)- cụ thể là phim truyện điện ảnh, đã lỡ hẹn và “mắc nợ” với sự kiện lịch sử mang tầm thời đại này. Và tiếp theo, kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève ký kết 21/7/1954- 21/7/2024, cũng như sự kiện gần trăm ngàn cán bộ cách mạng, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, cho đến Giải Cánh Diều lần thứ 21- 9/2024, không có một phim truyện điện ảnh nào về đề tài này.

Đúng dịp toàn quốc chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm Thống nhất đất nước, 80 năm Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học, Nghệ thuật với đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/4/2024. Rất nhiều bản tham luận về điện ảnh nhắc đến các thành tựu về phim ĐAVN, nhưng gần như không có bản tham luận nào đề cập đến việc quá thiếu vắng những phim đề tài các sự kiện lịch sử các mạng: Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, Toàn quốc kháng chiến, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, Hiệp định Genève và việc phân định giới tuyến hai miền Nam - Bắc ở vĩ tuyến 17, việc chuyển quân - tập kết từ miền Nam ra Bắc… Phải chăng ĐAVN đã bỏ qua đề tài sự kiện lịch sử này? Hay vì không có biên kịch nào đủ tầm, đủ tâm để có kịch bản phim? Hay đây là đề tài không có khả năng thị trường nên không nhà sản xuất nào - kể cả Nhà nước quan tâm?

70 năm chỉ vỏn vẹn có 3 phim về đề tài giới tuyến

Là phim “Chung một dòng sông” - 1959, “Trên vĩ tuyến 17” - 1965, “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm” - 1972. Chỉ có một phim về nhân vật là cán bộ “tập kết”, phim “Chị Tư Hậu”- 1962, dựa vào câu chuyện nguyên mẫu của một cán bộ Nam bộ tập kết, được nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức) viết thành truyện ký “Một chuyện chép ở bệnh viện”, nhưng lại nói về cuộc kháng chiến chống Pháp, không nói gì đến sự kiện “tập kết” năm 1954 và cuộc sống của những người tập kết ở miền Bắc.

“Chung một dòng sông” là phim điện ảnh hiếm hoi chiếu chính thức vào ngày 20/7/1959, đúng dịp kỷ niệm 5 năm sự kiện ký kết Hiệp định Genève
“Chung một dòng sông” là phim điện ảnh hiếm hoi chiếu chính thức vào ngày 20/7/1959, đúng dịp kỷ niệm 5 năm sự kiện ký kết Hiệp định Genève

Một con số quá khiêm tốn đến mức gần như là khoảng trống vắng đầy khiếm khuyết trong suốt 65 năm qua tính từ phim truyện ĐAVN đầu tiên năm 1959. Mà buồn hơn, phim thứ ba “Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm”, được sản xuất từ năm 1972, tính đến năm 2024 này cũng đã qua 52 năm. Và từ đó đến nay không còn phim điện ảnh nào khác về đề tài “Hiệp định Genève”, “Giới tuyến”, “Tập kết”.

Phim “Chung một dòng sông” tái hiện cuộc chiến tranh Việt Nam và sự chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc bởi sông Bến Hải - cầu Hiền Lương - vĩ tuyến 17, theo Hiệp định Genève 1954. Phim của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1959, được xem là phim truyện điện ảnh cách mạng Việt Nam đầu tiên của ĐAVN, do hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam (lúc đó lấy tên là Phạm Hiếu Dân), kịch bản của Cao Đình Báu, Đoàn Xuân Tùng.

Ban đầu đề cương kịch bản mang tên “Đôi bờ”, rồi sửa thành “Tình không giới tuyến”, sau cùng mang tên “Chung một dòng sông”. Phim được công chiếu chính thức vào ngày 20/7/1959, đúng dịp kỷ niệm 5 năm sự kiện ký kết Hiệp định Genève. Phim được trao tặng Bông Sen Vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần 2/1973.

“Chung một dòng sông” diễn tả câu chuyện của Hoài và Vận yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Vận là du kích, Hoài là người chở du kích qua sông. Khi hòa bình lập lại, hai người làm lễ cưới, thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu đã bị cảnh sát bờ Nam không cho lên bờ. Và mối tình của hai người từ đây bị chia cắt, ngăn cản. Mặc dù bị ngăn trở quyết liệt bởi quân đội Sài Gòn, nhưng dòng sông không thể tách chia đôi lứa, một lần, Hoài đánh lạc hướng cảnh sát bờ Nam, vượt qua con sông chia cắt đến bờ Bắc, gặp lại người yêu. Nhưng chỉ gặp để khẳng định tình yêu chung thủy, Hoài quyết định trở về bờ Nam quê hương để cùng mẹ và dân làng tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược và chia cắt đất nước…

Thông qua số phận cụ thể của Hoài và Vận, phim phản ánh hiện trạng lịch sử đất nước thời điểm đó. Phim cũng vạch trần những hành động đàn áp người dân vi phạm Hiệp định của chính quyền Sài Gòn bên bờ Nam, đồng thời nêu cao tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh của quần chúng đòi thống nhất nước nhà. Hạnh phúc của Hoài và Vận gắn liền với vận mệnh của dân tộc.

Phim “Trên vĩ tuyến 17” của Hãng phim truyện Việt Nam hợp tác với Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) sản xuất năm 1965, đạo diễn Lý Thái Bảo và Nhất Hiên, kịch bản Hoàng Tích Chỉ. Đặc biệt, các diễn viên phim là của khóa 1 Trường Điện ảnh Việt Nam vừa tốt nghiệp. Phim đã quay trong 7 tháng với khá nhiều gian nan, có lúc giữa lằn ranh sinh tử, vì nhiều cảnh quay ngay giới tuyến, bị quân đội Sài Gòn tìm cách phá. Phim đã đoạt giải Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - 1970.

Ngoài “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm” hơn 50 năm qua không còn phim điện ảnh nào về đề tài “Hiệp định Genève”, “Giới tuyến”, “Tập kết”
Ngoài “Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm” hơn 50 năm qua không còn phim điện ảnh nào về đề tài “Giới tuyến”, “Tập kết”...

Phim lấy bối cảnh sông Bến Hải - sông giới tuyến - vĩ tuyến 17, và cuộc đấu trí giữa Công an vũ trang của ta với cảnh sát chính quyền Sài Gòn ở bờ Nam. Nhiệm vụ được giao cho hai chiến sĩ trẻ là hàng ngày đi dọc bờ sông phía Bắc, kiểm tra bảo vệ ranh giới, chuyển thương binh, chuyển thông tin giữa hai bờ Nam Bắc. Hàng tuần, hai bên sẽ trao đổi người để kiểm tra xem bên nào vi phạm Hiệp định. Qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, hai chiến sĩ của ta đã cảm hóa viên đồn trưởng bờ Nam. Trong phim cũng cho biết những cuộc tranh chấp, rất nhỏ như những vết sơn trên câu Hiền Lương, hay việc gìn giữ lá cờ của ta không bao giờ vắng bóng để động viên khích lệ niềm tin về cuộc chiến đấu đòi thống nhất đất nước cho bà con bờ Nam.

Phim “Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm” - Hãng phim truyện Việt Nam, sản xuất năm 1972, đạo diễn Hải Ninh, kịch bản Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh. Phim đoạt Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần 2 - 1973. Được biết kịch bản phim viết trong 5 năm, dựa theo một nguyên mẫu có thật, một cô bí thư Đảng ở làng Cát, Gio Linh, Bến Hải, Quảng Trị.

Dài gần 3 tiếng đồng hồ và được thực hiện trong giai đoạn quân đội Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, “Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm” có tầm vóc của một thiên sử thi đồ sộ. Phim tái hiện cuộc sống của bà con hai bờ Nam - Bắc sau Hiệp định Genève, đặc biệt là cuộc đấu tranh sinh tử của bà con bờ Nam khi Luật 10/59 của chính quyền Sài Gòn đàn áp nhân dân, đàn áp cách mạng. Là cuộc đối đầu giữa nhân dân làng Cát ven biển Gio Linh, thuộc bờ Nam sông Bến Hải, do một nữ bí thư chi bộ trẻ lãnh đạo - chị Dịu, chống lại quân đội Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam, điển hình và đại diện là Trần Sùng, Trưởng đồn cảnh sát.

Sản xuất năm 1962, đoạt giải Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1963, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, phim “Chị Tư Hậu” thật ra chỉ “đi qua” nhân vật là một cán bộ miền Nam tập kết, chứ không phải đề tài tập kết. Nhân vật kể lại cuộc đời mình, những năm tháng từ một “bà đỡ vườn”, có chồng là Việt Minh, trong một trận càn của thực dân Pháp vào làng biển quê chị, chị bị làm nhục, định trầm mình tự tử, nghe tiếng con khóc, chị thức tỉnh, nhận ra trách nhiệm - nghĩa vụ người mẹ. Chồng chị hay tin về thăm nhà, cảm thông tai nạn của vợ, động viên chị, sau đó anh lại ra mặt trận, rồi hy sinh. Chị nén đau thương quyết chí tham gia du kích, cùng đồng đội đánh giặc trả thù cho chồng.

Đợi đặt hàng hay các nhà làm phim nên có ý thức với đề tài lịch sử?

Nhắc lại, trong Hội thảo khoa học “Văn học, Nghệ thuật với đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 25/4/2024, đã có một số ý kiến đề cập đến việc thiếu vắng rất nhiều đề tài mang dấu ấn các sự kiện lịch sử, các chiến dịch có tính chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh đưa tới những chiến thắng mang tính quyết định…

Và minh chứng hiện thực nhất, ĐAVN “thua” và “kém” khi cả nước rầm rộ tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thì ĐAVN vẫn mang những phim về Điện Biên Phủ cách đó cả mấy chục năm ra chiếu. Không có một phim điện ảnh nào về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ý kiến của nhà biên kịch khá nổi tiếng, từng là chức sắc của Cục Điện ảnh, Hội ĐAVN đã gây nhiều phản ứng, bà nói: “Nhà nước không đặt hàng thì sao chúng tôi làm phim”. Qua cách nói của bà, có thể hiểu, các biên kịch, các nhà sản xuất phim vẫn còn phụ thuộc vào đặt hàng của Nhà nước khi làm phim về những đề tài này.

Poster của phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối”
Poster của phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”

Hàng năm, thậm chí cách 4 - 5 năm hướng tới kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, trong các văn thư triển khai chương trình sáng tác văn học nghệ thuật nói chung, ĐAVN nói riêng của các Hội nghề nghiệp và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đều có đề cập đến chủ đề - đề tài chiến tranh cách mạng, tinh thần yêu nước, các sự kiện lịch sử cách mạng… Nhưng có lẽ bản thân các nhà biên kịch không mặn mà với các đề tài này, nên đã “né” hết. Và kết quả là, hiện tại kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ không có phim điện ảnh mới. Cũng như không có phim về 70 năm Hiệp định Genève 1954, phim về đề tài “giới tuyến”, phim về lực lượng “tập kết” từ trong Nam và ra sinh sống, học tập, trưởng thành, thành đạt…

Không thể đổ lỗi vì Nhà nước không đặt hàng, hay vì làm phim đề tài này không có “thị trường”. Nếu nói thẳng ra, như một “viên thuốc đắng”, các biên kịch phim ĐAVN hiện nay phần đông đều thiếu tâm với đề tài, và nhiều người thiếu tầm - thiếu kiến thức về lịch sử, không đủ hiểu biết về các sự kiện đó, nên không thể viết ra một kịch bản hay - tiền đề cho phim.

Hy vọng 50 năm kỷ niệm Ngày Thống nhất đất nước, sẽ có nhiều phim về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Hiện tại, rất trông mong phim truyện điện ảnh “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”- kịch bản và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đang trong thời gian hậu kỳ, sẽ ra mắt dịp 30/4/2025. Phim diễn tả cuộc chiến dưới lòng đất của quân và dân Củ Chi dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là về trận càn “Cedar falls”- Bóc vỏ trái đất, chiến dịch lịch sử của Mỹ. Phim là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính Giải phóng, nhưng trên hết vẫn là nghĩa vụ và sự hy sinh vì Tổ quốc.

Hà Diệu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy