Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
19:17 (GMT +7)

Phụ nữ Việt cực xấu tính... trên phim

Khi tập sau cùng kết thúc phim truyền hình “Trạm cứu hộ trái tim” của VFC- VTV với cái kết mở, nhưng vẫn để lại dư vị vừa ngậm ngùi vừa chua xót với những thân phận phụ nữ trong phim. Và đây cũng không phải chỉ là tiếng thở dài cá biệt về thân phận phụ nữ với bộ phim này, mà ở nhiều phim khác trong “vũ trụ phim VTV”.

Với mong muốn giữ gìn, phát huy và xây dựng những phẩm chất tốt đẹp vừa mang nét truyền thống của phụ nữ Á Ðông hòa quyện với phong cách hiện đại ngày nay, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng và triển khai Ðề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (giai đoạn 2010 - 2015), trong đó giữ lại 2 phẩm chất “trung hậu, đảm đang” không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại và bổ sung 2 phẩm chất “tự tin, tự trọng” để xây dựng hình ảnh đẹp của người phụ nữ thời nay là: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, với ý nghĩa khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ Việt trong thời kỳ mới.

Nhưng xem loạt phim trên sóng giờ vàng VTV1 - VTV3 trong năm 2023 và 2024 thì xem ra phụ nữ Việt Nam hiện tại đã không được đề cao những đức tính theo “8 chữ” này. Hơn thế, khi xem phim, chỉ thấy phụ nữ Việt nhiều tính xấu quá, còn không thì lại nhu nhược, yếm thế, bất hạnh, bi thương, thua thiệt nhiều mặt trong xã hội.

Những cảnh drama cãi chửi nhau thường xuyên được sử dụng trong phim truyền hình Việt
Những cảnh drama cãi chửi nhau thường xuyên được sử dụng trong phim truyền hình Việt

Phụ nữ xấu quá nhiều trong phim chính luận - tâm lý gia đình - “chữa lành”

Điểm một số phim lên sóng giờ vàng các ngày trong tuần của VTV1 - VTV3 từ 2023 - 2024 ở các dòng phim từ chính luận, phim gia đình đến phim “chữa lành”: Dưới bóng cây hạnh phúc, Nơi giấc mơ tìm về, Làng trong phố, Gia đình đại chiến - Mùa 2, Đừng nói khi yêu, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Món quà của cha, Chúng ta của 8 năm sau, Gia đình mình vui bất thình lình, Đừng làm mẹ cáu, Không ngại cưới chỉ cần một lý do, Cuộc chiến không giới tuyến, Hành trình công lý, Biệt dược đen, Lỡ hẹn với ngày xanh, Những nẻo đường gần xa, Chúng ta phải hạnh phúc, Mình yêu nhau bình yên thôi, Gặp em ngày nắng, Người một nhà, Sao Kim bắn tim Sao Hỏa…

Một cảnh trong phim “Thương ngày nắng về”
Một cảnh trong phim “Thương ngày nắng về”

Trong số các phim này có những phim đoạt giải Cánh diều Vàng, giải VTV Awards 2023, nhưng ngay cả chính các phim đoạt giải đó, hình ảnh người phụ nữ trong phim nếu không xấu tính thì cũng rất đáng thương. Phụ nữ xấu thì y như xấu hết các tính xấu phụ nữ, từ tham lam, ganh tị, hóng hớt soi mói nhiều chuyện, đến tìm cách vu vạ, nhẹ thì nói xấu, nặng hơn thì âm mưu hãm hại, cướp tình, đoạt của… Phụ nữ tốt tính thì đa phần khổ sở vất vả, nếu không nghèo túng thì cũng bị tình phụ làm mẹ đơn thân, hay dù có gia cảnh tốt nhưng là loại phụ nữ bạc nhược hèn kém, chịu xỉ vả, chịu đau khổ, chịu nhục để tồn tại…

Trước đây vài năm, dòng phim gia đình VTV đã có một loạt phim đưa hình ảnh mẹ chồng, em chồng rất xấu, toàn kiểu mẹ độc ác, kém văn hóa, hành hạ con dâu, thiên kiến, cô em chồng thì vừa kém trí lại nanh nọc, luôn tìm cách hãm hại chị dâu, gia đình như một địa ngục, con dâu luôn bị tra tấn hành hạ tâm lý… bị nhiều khán giả phản ứng.

Ví dụ như trước đây với phim “Thương ngày nắng về”, dòng phim gia đình, đoạt giải phim truyền hình Toàn quốc lần thứ 41 (3/2023), chúng ta thấy gì? Một vai Liên xuất hiện không nhiều nhưng vì một sự nhầm lẫn mà bị chồng người khác trùm chăn đánh, hay chính chồng của Liên thì thì ngang nhiên đi với “tiểu tam”. Rồi thì cô con gái tên Thương bị chồng bỏ vì ngoại tình, lại bị bạn trai ôm tiền trốn, phải tự tử… Và khi nghe bà Hiền chì chiết, chỉ trích con dâu, cô chị chồng buông lời những lời cay độc với em dâu thì xem ra thân phận phụ nữ trong phim thật đáng thương cho cả người tốt, người xấu.

Cảnh trong phim “Hành trình công lý”
Cảnh trong phim “Hành trình công lý”

Hiện tại, thì ngược lại, mẹ chồng hiền thì con dâu hỗn, hoặc mẹ chồng nàng dâu hiền đến nhu nhược, thì con trai lại “mèo chuột” làm ăn bất minh, phụ tình vợ, phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ… Như trong phim chính luận “Hành trình công lý”, nhân vật Phương- một luật sư từng rất xuất sắc  nhưng phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình con cái, để rồi chồng ở ngoài làm ăn tự do ngoại tình và dính nghi án giết người, một người có học, mặt bằng tri thức cao, cũng “con nhà”, mà sao trong phim thành thê thảm, chồng thì như thế, rồi muốn bỏ chồng cũng không xong, trở về tình cũ thì bị ghen tuông, con cái cũng thành một gánh nặng, thêm áp lực mẹ chồng… Sao mà lận đận lao đao đến thế?

Rồi dòng phim “chữa lành” như các phim “Đừng làm mẹ cáu”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, nhưng xem ra cái phần “chữa lành” chưa đủ “đô”, nên xem hết phim, dù kết phim là “happy end”, sao vẫn cứ trĩu nặng với thân phận phụ nữ Việt, mà lại còn là phụ nữ trẻ. Người làm gái lỡ thì, người làm mẹ đơn thân muốn có cuộc sống hạnh phúc rất đáng được hưởng thì gặp đầy trắc trở, đầy chông gai. Rồi những kẻ “tiểu tam” thì giống như không có việc gì làm, suốt ngày chỉ nghĩ cách hãm hại hay tìm phương kế quyến rũ “chồng người ta”. Phim “Gia đình mình vui bất thình lình” đoạt giải ấn tượng VTV Awards 2023, nhưng nửa đầu thì vui vẻ, tưởng chừng ba nàng dâu rất hạnh phúc trong một gia đình chỉ thấy vui, nhưng rồi càng về sau, thì kẻ chồng ngoại tình kẻ bị bệnh hiểm nghèo… Hay trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”, tưởng rằng một phim thanh xuân trong trẻo, đầy năng lượng của người trẻ, nhưng rồi các cô gái càng lớn, càng đầy mâu thuẫn phức tạp, tự làm khổ mình, để khi xem phim, cảm giác lòng thù hận của nữ nhân vật chính như muốn đạp đổ cả thế giới. Phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, người thiếu phụ có chồng - bị xem là đã chết ngoài biển, đã nai lưng cùng mẹ chồng cố gắng suốt 5 năm trời để trả nốt số nợ của người chồng, nhưng khi hết nợ thì thấy chồng mình đang sống hạnh phúc với người phụ nữ khác, có gì bi thảm hơn số phận nghiệt ngã?

Có lẽ biên kịch và đạo diễn cố tình tạo drama “phụ nữ xấu”?

Phim gần nhất vừa kết thúc “Trạm cứu hộ trái tim”, có lẽ là một phim mà phụ nữ Việt bị “dìm” đến tối đa. Kẻ thì ác đến tận cùng, thù hận đến dai dẳng từ đời mẹ sang đời con, từ nhỏ cho tới lớn, người thì nhu nhược đến thảm hại, bị chèn ép ức hiếp từ mẹ đẻ đến chồng và cả “tiểu tam” mà không có sự phản kháng nào. Xem phim mà tự hỏi liệu ngoài đời có loại phụ nữ đó không? Loại phụ nữ như bà mẹ thù hận chồng và con gái ruột đến gần hết cuộc đời? Hay người đàn bà chịu kiếp chồng chung vì “đại sự” là cùng trả thù chồng? Rồi một cặp mẹ con cũng rất “ác chiến" - mẹ thì đánh con rể cũ thương tích, con gái thì vì hận thù - mối hận chỉ vì hồi bé xíu bị cầm nhầm đôi giày múa ballet, rồi không học múa được mà “nuôi” hận tới 20 năm, trả thù bằng cách “giật chồng”, bắt cóc con, thậm chí âm mưu giết người.

Hình ảnh trong “Phim Sao Kim bắn tim sao Hỏa”. Ảnh: VFC
Hình ảnh trong “Phim Sao Kim bắn tim sao Hỏa”. Ảnh: VFC

Và phim mới nhất đang chiếu trên VTV3 “Sao Kim bắn tim sao Hỏa” khắc họa những vấn đề của hôn nhân hiện đại thông qua cuộc sống của những cặp vợ chồng nơi thành thị. Đặc biệt là của ba cô bạn thân, từ nông thôn lên thành phố. Tưởng chừng qua những cố gắng nỗ lực, họ sẽ có cuộc sống viên mãn, nhưng rồi hôn nhân hạnh phúc của họ đều trong nguy cơ tan vỡ vì chồng “nhạt tình”, “ngoại tình”…,

Phải chăng biên kịch cố tình tạo drama để câu rating? Đạo diễn cũng xuôi theo tình tiết, và cố đẩy tình tiết đến bi kịch tận cùng, bất chấp những logic hay những đạo lý làm người theo đạo đức truyền thống? Nhưng cũng từ phim, thấy rõ ràng biên kịch và đạo diễn tùy tiện đẩy nhân vật theo cảm tính cá nhân, nên tạo ra những người phụ nữ Việt đều dị dạng và khiếm khuyết cả tâm hồn - tinh thần - nhân cách.

Trông mình ngẫm người, cùng lúc trên một số nền tảng số, một số phim dòng phim “chữa lành”, phim “gia đình”, phim “nữ quyền” của nước ngoài như “Đi đến nơi có gió”, “Câu chuyện hoa hồng”, “Nữ hoàng nước mắt”, “Cõng anh mà chạy”…, là những phim đứng trong các top xếp hạng chỉ số rating cao. Những phim, mà qua nội dung, thấy toàn những người trẻ tích cực, có thể vượt qua số phận làm chủ cuộc đời mình, không những thế, những nhân tố tích cực từ họ lan tỏa, tạo thành ảnh hưởng đến giới trẻ không chỉ với quốc gia của phim mà còn với giới trẻ toàn cầu bởi những thông điệp cuộc sống, thông điệp về môi trường, thông điệp về hạnh phúc, tình yêu… Đặc biệt các nhân vật nữ trong phim, mỗi người có một số phận, éo le có, trắc trở có, thua thiệt có…, nhưng rồi họ không cần phải mưu mô hay có những “kỹ xảo”, “thủ thuật” gì để đi tìm hạnh phúc của họ, mà là tự bản thân, làm chủ bản thân, hiểu bản thân cần gì, để mang đến cho mình những tốt đẹp nhất có thể, họ trở thành nhân tố “chữa lành” đầy thuyết phục?

Cảnh trong phim Nữ hoàng nước mắt  của Hàn Quốc.  Ảnh: tvN
Cảnh trong phim Nữ hoàng nước mắt của Hàn Quốc. Ảnh: tvN

Vâng! Khi nào phim Việt- các nhà biên kịch, các đạo diễn cho phụ nữ Việt được “sáng”, được “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, với ý nghĩa khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ Việt trong thời kỳ mới?...

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy