Đánh giá đề thi môn Văn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015, 2016: nên căn cứ vào đâu?
VNTN - Nhiều năm trở lại đây, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nước ta đã tiến hành đổi mới các yếu tố cơ bản trong hệ thống giáo dục, từ Mục tiêu, Nội dung chương trình, sách giáo khoa đến Phương pháp, phương tiện dạy học và Kiểm tra, đánh giá. Đổi mới nội dung, hình thức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi tuyển sinh Đại học, chính là khâu đột phá để nâng cao hiệu quả vận hành của các yếu tố liên quan hữu cơ với nhau trong hệ thống nói trên.
Mục tiêu giáo dục là yếu tố giữ vị trí quan trọng hàng đầu và có tác dụng chi phối các yếu tố khác trong hệ thống. Khi đổi mới Mục tiêu thì Nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng phải đổi mới theo hướng: đảm bảo kiến thức phổ thông cơ bản, toàn diện, hiện đại, kết hợp chặt chẽ lý thuyết với thực hành, chú trọng rèn luyện kĩ năng, và đặc biệt phải tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng tự học, tự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình chiếm lĩnh, vận dụng tri thức. Và khi nội dung chương trình, sách giáo khoa đã được đổi mới thì phương pháp dạy học (PPDH) của giáo viên không thể như cũ, nghĩa là không dạy học theo kiểu thông tin tiếp thụ một chiều, thày nói, trò nghe, như kiểu “mớm” kiến thức một cách thụ động; ngược lại, giáo viên phải sử dụng PPDH tích cực, trong đó thày là người gợi ý, hướng dẫn để học sinh tự tìm tòi, khám phá, tiếp thu tri thức bằng chính cái đầu của mình. Phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi phát huy tính tích cực, chủ động, tinh thần tự lực, sáng tạo tiềm ẩn ở mỗi cá nhân trong quá trình học tập. Điều đó sẽ góp phần đào tạo ra lớp người lao động mới cho xã hội mới.
Tuy nhiên, kết quả học tập của học sinh phải được đánh giá bằng hình thức kiểm tra, thi cử, với quy mô từ nhỏ đến lớn. Chính vì vậy, đổi mới Mục tiêu giáo dục, Nội dung chương trình, sách giáo khoa, Phương pháp, phương tiện dạy học mà không đổi mới Kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là ở các kỳ thi quan trọng, thì hiệu quả của công cuộc đổi mới giáo dục sẽ bị hạn chế rất nhiều, thậm chí không đạt được yêu cầu cần thiết. Bài học được rút ra từ thực tế đổi mới PPDH bộ môn ở các trường phổ thông trong khoảng mười năm gần đây (2002 - 2012) cho thấy: Nhiều nơi, nhiều giáo viên áp dụng PPDH tích cực kém hiệu quả là do sức ì, lực cản của lối dạy - học cũ, khiến cho không ít thày, cô lại phải sử dụng PPDH cổ truyền, thiên về thông tin - tiếp nhận một chiều, chủ yếu áp đặt kiến thức cho học sinh từ người thày, và rốt cuộc, việc Kiểm tra, đánh giá không thể đổi mới theo hướng tích cực, sáng tạo được. Thế là nhiều người đành phải kiểm tra, đánh giá theo lối cũ, tức là thiên về tái hiện kiến thức, buộc học sinh phải học thuộc lòng và thiếu sáng tạo khi làm bài.
Đề thi môn Ngữ Văn THPT quốc gia năm 2015
Trên cơ sở những hiểu biết khái quát về đổi mới GD-ĐT nói chung, đặc biệt là đổi mới Kiểm tra, đánh giá trong mối quan hệ mật thiết với các yếu tố khác, chúng tôi muốn bàn luận cụ thể về việc nên dựa vào đâu để đánh giá đề thi môn Văn trong kì thi THPT quốc gia năm 2015, 2016, nhằm tránh cách đánh giá chủ quan, thiếu căn cứ thực tế.
Cần khẳng định ngay rằng, đề thi môn Văn, kì thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 đã đạt yêu cầu nhất định về đổi mới GD-ĐT ở một khâu quan trọng, có tính đột phá, không gây ra những hệ lụy xấu nào cho đổi mới Phương pháp dạy học cũng như đổi mới Kiểm tra, đánh giá trong nhà trường phổ thông. Nhận xét, đánh giá này của chúng tôi, xuất phát từ những căn cứ sau đây:
I. Căn cứ thứ nhất: cấu trúc đề với những kiến thức cần kiểm tra trong môn Ngữ văn
Hai bộ đề thi đều có cấu trúc hợp lý, trong đó thể hiện được khá đầy đủ những kiến thức Ngữ văn cần kiểm tra: kiến thức về tác phẩm văn chương (có thơ, văn xuôi, thể thơ), kiến thức tiếng Việt (các biện pháp tu từ) và kiến thức Tập làm văn (phương thức biểu đạt và các kiểu bài văn nghị luận). Cụ thể là:
1. Phần đọc hiểu (3,0 điểm)
a/ Đọc hiểu thơ
Ở đề thi 2015, người ra đề yêu cầu thí sinh đọc đoạn thơ dài 20 dòng, trích từ bài Hát về một hòn đảo trong tập Trường Sa của Trần Đăng Khoa, (NXB Văn học, 2014, tr.5). Còn ở đề thi 2016, thí sinh đọc hiểu 5 khổ thơ, với 20 dòng, trích từ bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, in trong Thơ Việt Nam 1945-1985 (NXB Giáo dục, tr. 218).
b/ Đọc hiểu văn xuôi
Ở đề thi năm 2015, đoạn văn đọc hiểu được trích từ bài Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa (sách Bài tập Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 36-37), dài khoảng 400 chữ. Còn đoạn văn đọc hiểu trong đề thi 2016 thì được trích từ Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 31). Đó là lời bàn luận của A. L. Ghec-xen (Nga), dài khoảng 180 chữ, nói về số phận của cái tuyệt đối cá nhân ở con người và hậu quả của nó, bởi lẽ cái tuyệt đối cá nhân ấy đã tách rời cái tôi với cái ta, biệt lập giữa cá nhân với cộng đồng.
2. Phần làm văn (7 điểm)
Tính hợp lý của cấu trúc đề trong phần này được thể hiện ở hai câu, thuộc hai kiểu bài nghị luận đã được học trong chương trình THPT:
a/ Đề làm văn năm 2015
Câu 1 (3,0 điểm) là một đề nghị luận xã hội, chỉ yêu cầu viết ngắn gọn trong 600 chữ, với nội dung bàn về Việc rèn luyện kĩ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức. Vấn đề cần bàn luận này vừa gần gũi, vừa có tính thời sự đối với tuổi học đường hiện nay, do đó người làm bài không bị gò trong khuôn mẫu nào, được tự do sáng tạo, miễn là bài viết đủ luận chứng và có sức thuyết phục.
Câu 2 (4 điểm) là đề nghị luận văn học, yêu cầu thí sinh nói lên cảm nhận của mình về nhân vật người đàn bà hàng chài và bình luận một cách ngắn gọn về cách nhìn cuộc sống, con người của nhà văn qua đoạn đối thoại khoảng 400 chữ, trích từ truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12.
b/ Đề làm văn năm 2016
Cũng có cấu trúc hợp lý, gồm cả hai dạng: nghị luận xã hội và nghị luận văn học quen thuộc với thí sinh.
Câu 1 (3 điểm) yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội ngắn (600 chữ) bàn luận về câu nói có tính triết lý thú vị: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình. Thí sinh có thể vận dụng vốn hiểu biết thực tế cuộc sống của bản thân để tự đưa ra lý lẽ, dẫn chứng trong bài làm, do đó dễ bộc lộ quan điểm riêng, có tính sáng tạo, không bị ai gò ép, áp đặt vào sách vở, tài liệu nào.
Câu 2 (4 điểm), là đề nghị luận văn học, bàn về việc xây dựng tình huống truyện trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, bằng cách đặt câu hỏi nêu vấn đề. Loại câu hỏi này có tác dụng gây hứng thú và phát huy tính tích cực của thí sinh khi làm bài văn bình luận.
II. Căn cứ thứ hai: tính chính xác, khoa học và tính giáo dục của đề thi
- Về tính chính xác, khoa học: Các đoạn thơ, đoạn văn được trích dẫn ở phần Đọc hiểu và Làm văn trong hai bộ đề thi đều có nguồn gốc rõ ràng, chính xác, từ tên tác phẩm, nhà xuất bản, nước xuất bản, năm xuất bản đến số trang, đều đầy đủ, tạo nên độ tin cậy rất cao đối với người thi. Riêng đoạn thơ trích trong bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, có người cho rằng, từ “bùn” trong câu Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa là sai nguyên bản, nhưng sau đó đã được xác minh bằng bút tích của Lưu Quang Vũ do em nhà thơ là Lưu Khánh Thơ cung cấp. Và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố về tính chính xác của chữ bùn này trong câu Đọc hiểu ở đề thi 2016.
Bốn câu hỏi ở phần Đọc hiểu trong mỗi đề, đều có tính gợi ý, gợi mở, định hướng suy nghĩ, phù hợp với quá trình nhận thức của thí sinh. Câu hỏi đi từ hình thức (thể thơ, phương thức biểu đạt, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…), đến nội dung tư tưởng (như: nêu nội dung chính của đoạn trích, bày tỏ cảm nghĩ, tình cảm của người làm bài…). Các câu hỏi Đọc hiểu diễn ra tuần tự, từ cụ thể đến khái quát, phù hợp với phương pháp dạy học Văn hiện đại. Hai đoạn thơ trích trong phần Đọc hiểu đều không có trong sách giáo khoa phổ thông, nghĩa là thí sinh phải tự mình vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu đã tích lũy từ lớp 6 đến lớp 12 mới trả lời tốt được. Đổi mới Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, tự lực, sáng tạo của thí sinh, đã được thể hiện trong chi tiết này.
- Về tính giáo dục: Tận dụng lợi thế của môn Văn, người ra đề thi coi trọng tính tư tưởng, tính giáo dục, dù chỉ thông qua các chi tiết nhỏ. Trích đoạn thơ trong bài Hát về một hòn đảo nhỏ ở tập Trường Sa của Trần Đăng Khoa, sẽ có tác dụng khơi gợi tình cảm yêu mến, khâm phục người lính đảo của tuổi trẻ học đường; đồng thời thầm nhắc họ hãy noi gương các chiến sĩ hải quân kiên cường ấy, sẵn sàng nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Đọc hiểu 5 khổ thơ trích từ bài thơ dài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, chắc chắn lớp trẻ THPT ở tuổi 18, 19 sẽ xúc động, tự hào và càng yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam hơn.
Những đoạn văn trích, những câu nói (như danh ngôn) yêu cầu thí sinh phân tích, bình luận trong phần Đọc hiểu và Làm văn đều có tính giáo dục, bởi tính tư tương, tính triết lý sâu sắc của nó. Ví dụ như, Việc rèn luyện kĩ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức (Đề Làm văn, 2015); Số phận của cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn” (ý chính của đoạn văn Đọc hiểu, 2016). Ở các đề Làm văn về nghị luận văn học, như phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân; Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì tự thân các tác phẩm văn học này đã toát lên tính tư tưởng, tính giáo dục rồi!
Thi THPT quốc gia 2015 tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
...Nội dung đề Đọc hiểu và Làm văn gồm có 10 câu hỏi, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, tương ứng với thời lượng 180 phút để thí sinh làm bài. Những học sinh lực học trung bình, nhờ những câu hỏi nhỏ tương đối dễ và những câu khác, không khó lắm, nếu cố gắng vẫn có thể đạt điểm 5. Còn những học sinh học lực khá, giỏi thì có thể đạt điểm cao hơn (7, 8…). Bởi lẽ, ở đề Đọc hiểu và Làm văn đều có câu mang tính triết lý sâu sắc, việc giải quyết vấn đề đạt đến mức nông, sâu khác nhau là phụ thuộc vào cái “phông” kiến thức của mỗi thí sinh. Ví dụ, đọc hiểu đoạn văn của A. L. Ghec-xen, trong đó có câu: Tại sao cho rằng “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, không có gì đáng thèm muốn”? (đề năm 2016), là không dễ trả lời một cách gãy gọn, mạch lạc đối với thí sinh trung bình, với ba ý: Đó là cuộc sống nghèo nàn; Đó là cuộc sống mong manh và hạnh phúc tạm thời; Nó khiến con người không có khả năng vượt qua những dông tố của cuộc đời. Còn ở câu 1, phần Làm văn, đề 2015 thì từ một truyện ngắn đã học ở lớp 12 - Chiếc thuyền ngoài xa, người ra đề chỉ yêu cầu thí sinh cảm nhận về một nhân vật và bình luận ngắn gọn một khía cạnh trong cách nhìn cuộc sống của nhà văn, như vậy là vừa sức thí sinh và bảo đảm thời lượng quy định…Tính phân hóa trình độ của đề thi môn Văn trong hai kì thi THPT Quốc gia, 2015 và 2016 đã được giới chuyên môn cũng như nhiều người trong xã hội bước đầu chấp nhận.
Dựa vào ba căn cứ đã nêu và lý giải trên đây, chúng tôi đánh giá hai bộ đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015, 2016 đã đạt yêu cầu khá tốt theo hướng đổi mới Kiểm tra, đánh giá ở các kì thi lớn, trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo hiện nay. Ba căn cứ trong bài viết này đều hướng theo một tiêu chí lớn: Đổi mới giáo dục - đào tạo, trong đó đổi mới Kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá. Tuy nhiên, hai bộ đề thi này cũng có những hạn chế nhất định, chúng tôi chưa có điều kiện bàn đến ở đây.
PGS. TS. Nguyễn Huy Quát
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...