Đẳng cấp
VNTN - Đẳng cấp là một khái niệm đã có nhiều định nghĩa, nhưng là một khái niệm dường như ít có sự thống nhất cao, thậm chí có cả sự vênh lệch về cách hiểu. Nhiều người hiểu khái niệm này một cách thiếu chính xác, phiến diện hoặc sa vào tình trạng a dua. Hiện nay, có không ít người coi những người lắm tiền nhiều của, mua sắm những tiện nghi đắt giá, xa xỉ là những người “đẳng cấp”. Người có xe sang, biệt phủ sang trọng chẳng hạn, đều là những người trong diện “đẳng cấp”. Còn người sống trong mức độ kinh tế thấp hoặc bình thường như mọi người thường bị coi là không có “đẳng cấp”… Tất nhiên không ai phản đối chuyện giàu sang cũng là một tiêu chí để phân biệt đẳng cấp. Ngữ nghĩa của từ đẳng cấp thực ra cũng đơn giản (theo chữ Hán đẳng là bậc, cấp vẫn là cấp theo nghĩa thuần Việt). Như vậy có thể hiểu, đẳng cấp là cấp bậc. Nhưng phẩm chất về cấp bậc ở đây không chỉ nói về chuyện tiền bạc, của cải. Đẳng cấp còn thể hiện cả về nghề nghiệp, chuyên môn, sự hiểu biết về văn hóa, các kỉ lục về thể thao, văn học nghệ thuật… Những người là tỉ phú, sành điệu trong việc sử dụng các tiện nghi đắt tiền (vì có điều kiện), nhưng vỗ ngực tự nhận mình là đẳng cấp cao thì đã chính xác chưa, nhất đó lại là những kẻ do tham nhũng, chụp giật hoặc may mắn mà giàu có. Ngược lại, những người có tài năng lớn, có vị trí, uy tín cao trong giới chuyên môn nhưng hoàn cảnh không được hanh thông, may mắn nên thường khó khăn trong cuộc sống thì có coi họ là những người thuộc đẳng cấp cao không? Buồn thay là trong thế giới kim tiền hôm nay, người ta chỉ lấy đời sống vật chất làm thước đo nên nhiều giá trị bị đảo lộn. Những bất cập như vậy thường kích thích, cổ xúy một xu hướng làm giàu bằng mọi giá, kể cả mưu hiểm kế hèn (để vươn lên địa vị “đẳng cấp cao” trong xã hội). Đấy là chưa kể đến chuyện hiện nay rất nhiều người trẻ hiểu lệch lạc về nội hàm đẳng cấp. Đã thấy những quan niệm đáng ngại khi nhiều bạn trẻ coi xu thế sành điệu về thời trang, điệu nghệ trong các vũ trường, siêu thị, các quán bar… là đẳng cấp. Hài hước thay, có người còn phấn đấu hút xì gà cho… đẳng cấp. Còn nếu như không biết những thứ ấy thì liền bị quan niệm là nhà quê, thuộc đẳng cấp thấp. Buồn nhất là có những bạn trẻ, các bậc phụ huynh cố bằng mọi giá dành cho con cái một suất du học chỉ để chứng tỏ mình là đẳng cấp. Văn hóa về vật chất cũng hết sức cần thiết nhưng đâu phải là cái duy nhất để nói về đẳng cấp. Ngay như một vài diễn viên khá nổi tiếng nhưng cũng không hiểu thật đầy đủ về từ này. Có người từng ca ngợi giọng hát của ca sĩ A, ca sĩ B là “giọng hát đẳng cấp”, thậm chí có diễn viên tự nhận trang phục mình mặc khi biểu diễn là “bộ cánh đẳng cấp”. Thật kì dị! Điều đó là sự biểu hiện một tầm văn hóa thấp. Đẳng cấp là hình thức của phân tầng xã hội, nhưng phải là sự bộc lộ mang tính đỉnh cao về nhiều mặt, nhất là phải được sự tâm phục khẩu phục thực sự của công chúng chứ đâu là vài cái mẽ bề ngoài. Một giáo sư, một nhà chính trị uyên bác, một nhà văn… Được đồng nghiệp mến mộ, phục về tài năng, nhiều người nhắc đến thì họ chính là những người thuộc đẳng cấp cao, trong khi có thể họ không nhiều tiền lắm của. Alex Ferguson đã nói rất chính xác: “phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Tất Thịnh cũng phát biểu một câu rất đáng lưu ý: “Đẳng cấp là những bậc thang giá trị được định vị trong xã hội có khả năng hướng tới văn minh”, hoặc: “Người có đẳng cấp phải là người có thể cống hiến, làm cho mọi người được hưởng lợi, được khai sáng… từ đó tôn vinh và ngợi ca, như tấm gương của nhân cách”. Ngoài ra, khái niệm đẳng cấp còn được đi đôi với sự lịch lãm, tế nhị… Những người thuộc đẳng cấp cao thường không thể là những kẻ thô lỗ, coi đồng tiền là tất cả hoặc vênh vang kiêu ngạo. Văn hóa chính là một yếu tố cực kì quan trọng khi xác định một người có hay không có phẩm chất của một người ở đẳng cấp cao.
THÁI VĂN0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...