Thứ tư, ngày 16 tháng 04 năm 2025
03:10 (GMT +7)

Thiết thực tôn vinh những tác phẩm văn học nghệ thuật trong 50 năm qua

VNTN- Ngày 15/4, Tỉnh ủy Thái Nguyên sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết 50 năm thành tựu văn học, nghệ thuật (VHNT) Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025). Đây là dịp để vinh danh các tác phẩm, tôn vinh các văn nghệ sĩ, trí thức Thái Nguyên tiêu biểu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đồng thời cũng là để nhìn nhận, đánh giá quá trình hoạt động của nền VHNT Thái Nguyên trong suốt 50 qua.

Múa: “Những bông đỏ của rừng” - tác phẩm của NSND Lê Khình được vinh danh trong dịp này
Tác phẩm múa "Những bông đỏ của rừng” của NSND Lê Khình là 1 trong 50 tác phẩm được vinh danh trong dịp này

Chặng đường 50 năm tự hào của nền văn học nghệ thuật

Thực hiện Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) về tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền văn học, nghệ thuật Thái Nguyên 50 năm sau ngày đất nước thống nhất với những hoạt động cụ thể như: Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Đường chúng ta đi”; Hội thảo khoa học với chủ đề: “Văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025): Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”…

Đặc biệt, ngày 15/4 sẽ diễn ra Hội nghị Tổng kết 50 năm thành tựu văn học, nghệ thuật Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025) để tôn vinh các văn nghệ sĩ, trí thức Thái Nguyên tiêu biểu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; vinh danh các tác phẩm, công trình văn học VHNT tiêu biểu, xuất sắc giới thiệu về đất và người Thái Nguyên trong giai đoạn 1975 - 2025 có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Nói về sự kiện này, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi hội tụ của thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã kết tinh thành những giá trị sâu sắc về văn hóa, con người và lịch sử Việt Nam. Với tinh thần “mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”, 50 năm qua, từ sau ngày giải phóng đất nước 1975 đến nay, các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã nối tiếp nhau kiến tạo nên một nền văn học, nghệ thuật mới, thực sự phát triển cả về đội ngũ lẫn chất lượng và số lượng tác phẩm, đa dạng về phong cách, mang những giá trị đặc sắc và ghi nhiều dấu ấn trong nền văn học, nghệ thuật cả nước. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật không chỉ phản ánh đời sống người dân, những nét văn hóa đặc sắc của riêng Thái Nguyên mà còn tái hiện vẻ đẹp đa dạng của thiên nhiên, lịch sử, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của đất và người Thái Nguyên. Từ đó, góp phần không nhỏ đưa tỉnh nhà ngày một phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

VHNT từ 1975 đến nay vẫn phát triển theo dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn gắn bó với dân tộc”; tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới. Bên cạnh đó còn phản ánh sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều góc cạnh đời thường của con người, làm phong phú và sâu sắc hơn chủ nghĩa nhân văn của VHNT hôm nay.

Trong 50 năm qua, từ sau giải phóng đất nước 1975 đến nay, những nhà văn, chiến sĩ, những nghệ sĩ, chiến sĩ thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau của Hội VHNT tỉnh đã có nhiều sáng tạo, cống hiến, góp phần quan trọng tạo nên một đời sống VHNT phong phú, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc.

Với những đóng góp hết sức to lớn như vậy, có thể nói việc tôn vinh các văn nghệ sĩ, trí thức Thái Nguyên tiêu biểu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; vinh danh các tác phẩm, công trình văn học VHNT tiêu biểu, xuất sắc là một hoạt động hết sức ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Qua đó, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thái Nguyên đối với nền VHNT, các thế hệ văn nghệ sĩ của tỉnh nhà.

Trách nhiệm, kĩ lưỡng trong công tác lựa chọn

Sẽ có 50 tác phẩm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật tiêu biểu Thái Nguyên (1975 - 2025) của 50 nhóm tác giả/ tác giả được vinh danh lần này. Tác phẩm, công trình thuộc các chuyên ngành, lĩnh vực: Văn học; Âm nhạc; Múa; Nhiếp ảnh; Mỹ thuật; Kiến trúc; Sân khấu; Điện ảnh - Truyền hình; Lý luận phê bình văn học nghệ thuật ; Văn nghệ dân gian, được xuất bản, công bố từ năm 1975 đến nay. 50 tác phẩm được chọn lọc kĩ lưỡng từ hàng nghìn sáng tạo, là kết tinh tinh thần - trí tuệ - cảm xúc của các thế hệ nghệ sĩ Thái Nguyên. Trong đó có 35 tác giả và nhóm tác giả được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, 15 tác giả được truy tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vì những đóng góp quan trọng vào nền văn học nghệ thuật Thái Nguyên giai đoạn 1975 - 2025.

Một số tác phẩm văn học được vinh danh dịp này
Một số tác phẩm văn học được vinh danh dịp này

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh - cơ quan tham mưu đề xuất để lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu để vinh danh cho biết: Hội VHNT, các đơn vị liên quan và những người tham gia lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu đều cảm thấy vinh dự, xúc động và ý thức rõ tầm quan trọng của công việc này nên luôn nâng cao ý thức trách nhiệm.

Việc tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học. Thành phần tham gia lựa chọn, giới thiệu gồm các chi hội chuyên ngành, hội thành viên và toàn thể hội viên Hội VHNT tỉnh.

Đối với các chi hội chuyên ngành: Hội viên gửi đề xuất đến lãnh đạo chi hội. Lãnh đạo chi hội tổng hợp, lựa chọn và đề xuất 10 tác phẩm tiêu biểu của chuyên ngành mình và có thể giới thiệu tác phẩm của các chuyên ngành khác rồi tập hợp gửi về Hội VHNT tỉnh.

Đối với các hội thành viên : Lãnh đạo các hội lựa chọn và đề xuất 10 tác phẩm VHNT tiêu biểu gửi về Hội VHNT tỉnh.

Sau khi nhận được kết quả đề xuất từ các chi hội chuyên ngành và các hội thành viên, Ban Thường vụ Hội và Hội đồng nghệ thuật của Hội VHNT đã họp xét và thống nhất danh sách 50 tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học nghệ thuật Thái Nguyên giai đoạn 1975 - 2025 gửi Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Cuối cùng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ngành rồi trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Tác phẩm ảnh
Tác phẩm ảnh "Nền Tổ quốc" của tác giả Đào Ngọc Long - Huy chương Vàng Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất 1996 - 2000 là một trong 50 tác phẩm được vinh danh

Một trong số những tiêu chí được ưu tiên lần lượt là: Các tác phẩm được giải thưởng cao của trung ương như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; Các tác phẩm sâu sắc có ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài; Các tác phẩm đoạt giải thưởng của các Hội chuyên ngành trung ương; Các tác phẩm đoạt giải của địa phương…

Nhà thơ Thúy Quỳnh chia sẻ: Con số 50 có thể chỉ mang tính chất tượng trưng, trên thực tế thì số lượng tác phẩm của các thế hệ văn nghệ sĩ đã đóng góp cho nền VHNT tỉnh Thái Nguyên còn lớn hơn rất nhiều. Qua các tác phẩm sẽ thấy được bề dày cống hiến của các thế hệ văn nghệ sĩ. Thật xúc động khi qua các tác phẩm chúng ta được trở lại ký ức của những năm tháng đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước ; trở lại những giai đoạn, thời kỳ khác nhau từ nền kinh tế khó khăn của thời hậu chiến, chuyển qua thời kỳ đầu đổi mới đến tiến trình hội nhập ngày hôm nay… Và suốt chặng đường đó, VHNT đã luôn đồng hành với đất nước, nhân dân và để lại những dấu ấn sâu sắc. Qua đây, chúng ta còn thấy được sự kế thừa, tiếp nối của các thế hệ văn nghệ sĩ. Có những tác giả đã miệt mài sáng tác suốt từ những năm 1975 đến nay và có những tác giả trẻ với những tác phẩm, công trình mới được sáng tạo thời gian gần đây.

Những giá trị tiêu biểu mãi được lưu danh

Trong số 50 tác phẩm tiêu biểu được vinh danh lần này, đặc biệt nhất có thể kể đến các tác phẩm đã giành được các giải thưởng danh giá của trung ương của 5 nghệ sĩ gồm:

NSND Lê Khình với 2 tác phẩm Múa “Những cô gái Phiêng Hào và Những bông đỏ của rừng” - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2023.

Cố NSƯT Vương Thào với các tác phẩm “Múa Lên nương; Múa trống Dao; Múa cầu mưa; Múa Gậy Tiền”  - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2001.

Cố Nhà văn Vi Hồng với tiểu thuyết “Đất bằng”, tập truyện dài “Đường về với mẹ chữ” - Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.

Cố nghệ sĩ Hứa Tử Hoài với các tác phẩm điêu khắc “Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao”; “Bên bếp lửa”; “Tuổi thơ”; “Bi hùng”; Sloong Sli”; “Ác mộng” - Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

Cố Nhạc sĩ Đỗ Minh với 2 ca khúc “Đảng là người mẹ hiền”; “Chiều biên giới” – Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

NSND Lê Khình là người duy nhất trong số 5 tác giả còn sống và ông vẫn đang miệt mài cống hiến. Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn tham gia biên đạo những tác phẩm đang nung nấu. Bên cạnh đó, ông vẫn luôn theo dõi các thế hệ kế tiếp sự nghiệp để giúp đỡ bằng cách chỉ bảo, đóng góp ý kiến trong sáng tác, đào tạo.

NSƯT Hoàng Thiện Thực (Chi hội trưởng Chi hội Múa, Hội VHNT tỉnh) bày tỏ: Tôi được biết về NSND Lê Khình từ những năm 1994 khi làm diễn viên múa tập sự tại Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc. Ông là đồng nghiệp đồng thời là người thầy mà tôi luôn cảm mến và kính trọng. Ông tiếp cận nghệ thuật múa cũng như biên đạo, dàn dựng các tác phẩm đều rất cẩn trọng, tỉ mẩn. Ông yêu múa dân gian dân tộc vô cùng, coi nó như máu thịt không muốn pha trộn ngôn ngữ múa đương đại vào. Nhiều người ở tuổi của ông và trẻ hơn cũng đã về ở ẩn để hưởng tuổi già, tuy nhiên ở ông vẫn còn những đam mê khát vọng được cống hiến, những ý tưởng sáng tạo như mạch nguồn không bao giờ ngưng chảy.

Dù đang gặp đôi chút vấn đề về sức khỏe nhưng NSND Lê Khình phấn khởi chia sẻ: Hoạt động vinh danh của tỉnh lần này vô cùng ý nghĩa đối với bản thân tôi, ý nghĩa hơn bất kì các giải thưởng nào bởi nó thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự nhân văn của Thái Nguyên đối với VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ, là động lực để thúc đẩy các thế hệ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, cống hiến.

Việc vinh danh, truy tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với những cố văn nghệ sĩ đã mang lại niềm vui, niềm tự hào lớn đối với gia đình họ.

NSƯT Đỗ Quang Đại, con của cố nhạc sĩ Đỗ Minh xúc động chia sẻ: Thật vinh dự khi cha tôi đã mất 28 năm rồi nhưng vẫn được tỉnh nhà nhớ đến và ghi nhận. Có lẽ bản thân ông dưới suối vàng cũng sẽ cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc.

Tiếp nối nghiệp nhạc sĩ của cha, dịp này, những ký ức lại ùa về. Ông Đại chia sẻ: Cha tôi luôn hiền lành, giản dị và hết lòng vì mọi người. Ông là người thầy đầu tiên đưa tôi đến với âm nhạc. Vào khoảng năm 1973 ông là Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, ông có mở lớp nhạc lí cho cán bộ của Ban và tôi đã theo học cùng các cô các chú. Tôi thường được ông đèo trên chiếc xe đạp Thống Nhất - tài sản quí giá nhất của gia đình đến cơ quan ông để học nhạc. Ngày đó, hai bố con chỉ ước nguyện mua được chiếc piano cũ để sáng tác, nhưng cũng không làm được. Ông vẫn sáng tác trên cây đàn ghi ta gỗ dây sắt. Với sức làm việc, sáng tạo gấp mấy lần người khác, thế là hàng trăm tác phẩm đã ra đời. Tôi cũng cố gắng phấn đấu theo ông nhưng cảm thấy bóng ông quá rợp mình khó có thể vượt qua được nên thiết nghĩ bản thân cần phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa.

Có thể khẳng định, việc vinh danh các tác phẩm, tôn vinh các văn nghệ sĩ, trí thức Thái Nguyên tiêu biểu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong 50 năm (1975 – 2025) là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự động viên, khích lệ lớn đối với các văn nghệ sĩ để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho nền VHNT của Thái Nguyên ngày càng phát triển rực rỡ hơn.

5 nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên có tác phẩm được vinh danh đã giành được những giải thưởng lớn của trung ương:

Cố nhà văn Vi Hồng (1936 -1997)
Cố nhà văn Vi Hồng (1936 -1997)

Ông nguyên là giảng viên Khoa Văn, sau được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên). Ông đã cho xuất bản 8 tập truyện và 6 tập sách về sưu tầm nghiên cứu truyện cổ dân tộc Tày – Nùng. Ngoài ra ông còn có gần 30 công trình nghiên cứu khoa học về sli lượn dân ca nghi lễ người Tày – Nùng Việt Bắc.

Trong lĩnh vực đào tạo, Vi Hồng là người có công phát hiện, khơi dậy, động viên, nâng đỡ nhiều người lớp sau trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là nhà thơ Y Phương, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Cao Duy Sơn… Ông đã đạt nhiều giải thưởng về văn học: Ủy ban dân tộc Chính phủ trao giải thưởng năm 1985 (tác giả có quá trình tham gia sáng tác văn học về đề tài miền núi); Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1993 - 1994; Giải Ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam 1995…

Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Tác phẩm được vinh danh: Tiểu thuyết “Đất bằng”, tập truyện dài "Đường về với mẹ chữ” – Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.

 

Cố Nhạc sĩ Đỗ Minh (1926 - 2008)
Cố Nhạc sĩ Đỗ Minh (1926 - 2008)

Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Ông là tác giả ca khúc ca ngợi Đảng bất hủ, đặc biệt là bài “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” - bài hát nằm lòng thế hệ người Việt Nam.

Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Tác phẩm được vinh danh: Ca khúc “Đảng là người mẹ hiền” và “Chiều biên giới” – Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

 

Cố NSƯT Vương Thào (1934 - 2012)
Cố NSƯT Vương Thào (1934 - 2012)

Ông nguyên là Giám đốc Đoàn Ca, Múa dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc). Nghệ sĩ Ưu tú Vương Thào tham gia công tác tại Đoàn từ năm 1956. Đến năm 1961 tham gia lớp Biên đạo Múa tại Triều Tiên. Từ năm 1966, ông vừa là lãnh đạo Đoàn vừa là Biên đạo Múa.

Trong suốt quá trình công tác, ông đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm, được nhiều Đoàn sử dụng, mang tính lan toả mạnh mẽ; được giới chuyên môn đánh giá cao cùng với sự mến mộ của bạn bè trong nước và quốc tế.

Ông nhận được rất nhiều huy chương Vàng, Bạc trong các kì hội diễn toàn quốc. Với những cống hiến lớn lao đó cho nền nghệ thuật Múa dân tộc, năm 2001 ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật.

Tác phẩm được vinh danh: Các tác phẩm “Múa Lên nương; Múa trống Dao; Múa cầu mưa; Múa Gậy Tiền" - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2001.

 

Cố nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài (1942 – 2008)
Cố Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài (1942 – 2008)

Tốt nghiệp khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1961 - 1971), ông trở về công tác tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và là một trong số những hội viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên. Năm 1980 ông được kết nạp vào Hội Mĩ thuật Việt Nam.

Ông là tác giả dân tộc thiểu số đầu tiên đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001).

Tác phẩm được vinh danh: Tác phẩm điêu khắc "Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao"; “Bên bếp lửa”; “Tuổi thơ”; “Bi hùng”; Sloong Sli”; “Ác mộng” - Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

 

NSND Lê Khình (1934)
NSND Lê Khình (1934)

Ông nguyên là Phó trưởng Đoàn Ca, Múa dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc). Ông đã dàn dựng trên 200 tác phẩm múa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu… trong đó có những tác phẩm đỉnh cao của múa truyền thống được Huy chương Vàng, Bạc, Bằng khen… tại các kỳ hội diễn.

Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988, NSND năm 1997, Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022.

Tác phẩm được vinh danh: Tác phẩm Múa “Những cô gái Phiêng Hào” và “Những bông đỏ của rừng” - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2023.

A.T

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy