Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
09:34 (GMT +7)

Cuộc thi sáng tác văn học (2014 – 2016): Lan tỏa rộng rãi, khai mở những con đường mới (*)

(Trích Báo cáo tổng kết Cuộc thi sáng tác văn học trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên (2014 - 2016) của Ban Tổ chức) 

VNTN - Cuộc thi sáng tác văn học (2014 - 2016) trên Văn nghệ Thái Nguyên, sau hai năm nỗ lực, từ các tác giả dự thi đến Ban Tổ chức, Ban Biên tập, các Ban Sơ khảo, Chung khảo đã làm việc một cách khẩn trương, chính xác, công tâm, đến hôm nay đã thành công tốt đẹp.

Tính từ 20/6/2014 đến 20/5/2016, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 149 truyện ngắn của hơn 70 tác giả, 50 bài kí của 25 tác giả, hơn 1300 bài thơ của 144 tác giả. Một điều đáng mừng là bên cạnh những tác giả hội viên Hội Văn học nghệ thuật, những cộng tác viên quen thuộc trong tỉnh, còn có sự tham gia của nhiều cây bút tỉnh ngoài như Phạm Thuận Thành, Nguyễn Hưng Hải, Phan Xuân Hậu, Triệu Hoàng Giang, Vũ Thị Huyền Trang, Bùi Quang Dũng, Cao Nguyệt Nguyên, Văn Thành Lê, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thanh Huyền, Trần Võ Thành Văn, Lê Quang Sinh, Nguyễn Minh Khiêm… có tác giả tận thành phố Hồ Chí Minh như Trần Huy Minh Phương, tận Đạ Tẻh, Lâm Đồng như Duy Lưu. Đặc biệt là Lê Trung Cường, một tác giả khiếm thị của đất cảng Hải Phòng. Điều đó chứng tỏ sự lan tỏa rộng rãi của Cuộc thi.

 Với sự đánh giá sơ bộ của Ban Sơ khảo, hầu hết các tác phẩm dự thi đều có nội dung phản ánh cuộc sống đang diễn ra hàng ngày hàng giờ cùng những nỗi buồn vui, những chiêm nghiệm, những khó khăn, những lo toan thường nhật của đời sống dân sinh trong tỉnh cũng như toàn quốc. Các tác phẩm dự thi đều có nội dung lành mạnh, một số tác phẩm đã có chất lượng tốt. Kết quả ở vòng sơ khảo đã chọn được 23 tác giả truyện ngắn, 19 tác giả kí, 23 tác giả thơ vào vòng chung khảo.

Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam (bên trái); đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2, bên phải); lãnh đạo Hội VHNT Thái Nguyên trao thưởng cho tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi.

Những dấu hiệu của sự đổi mới truyện ngắn ngay trên nền truyền thống

Tuy cuộc thi không giới hạn đề tài nhưng thông qua các tác phẩm truyện ngắn gửi dự thi, mảng đề tài về nông thôn hoặc liên quan đến nông thôn, đến người nông dân, đến cái gốc “nhà quê”… vẫn là đề tài chủ đạo. Những hình ảnh đậm nét về thôn làng, những nhân vật chân lấm tay bùn trên đồng ruộng, những con người chịu thương chịu khó một nắng hai sương cùng những tâm hồn lãng mạn kiểu đồng quê hoặc tâm lí tiểu nông hẹp hòi, vị kỉ, sự vênh lệch giữa người nông dân và người thành thị, giữa cái chân chất, tĩnh lặng của đồng quê với sự ồn ã, thiên biến khôn lường của kinh tế thị trường luôn tràn đầy trong những tác phẩm của Lê Thế Thành, Phan Thái,  Ngọ Quang Tôn, Nguyễn Thị Sáu, Ngọc Thị Thái, Phạm Thuận Thành, Phan Thức, Đào Nguyên Hải, Vũ Kim Khoa, Nguyễn Hồng Phượng…

Ngoài đề tài về nông thôn, Cuộc thi cũng nhận được nhiều tác phẩm về các đề tài khác như sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, sự băng hoại văn hóa, đạo đức, đặc biệt là đề tài về người lính đã xuất hiện như một mảng sáng.

Trong Cuộc thi này, ta còn nhận ra tiếng nói của các tác giả lứa tuổi trên dưới ba mươi. Những tác giả này đã đóng góp những tác phẩm mang bóng dáng tư duy của thế hệ trẻ, được bộc lộ trong những niềm kiêu hãnh cùng những lỗi lầm và khát vọng của thế hệ mình. Đó là những tác giả trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề như Trinh Nguyên, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Nhật Huy, Phổ Sơn, Trần Thị Nhung, Văn Thành Lê…

Về bút pháp, phần lớn các tác phẩm dự thi đều tuân thủ lối viết truyền thống. Nhiều tác giả đã biết vận dụng tích cực và phát huy được những điểm mạnh của lối viết này, đồng thời, đã có những tìm tòi bước đầu trong kết cấu, xây dựng nhân vật, đa dạng trong giọng điệu, ngôn từ… đó là những dấu hiệu của sự đổi mới ngay trên nền truyền thống, vốn là một điểm mạnh của văn xuôi Thái Nguyên. Truyện ngắn “Đánh thức mùa vu lan” của Nguyễn Thị Sáu, về đề tài cũng như chủ đề không có gì mới. Những chuyện bại hoại về tình mẫu tử đã được phản ánh không quá ít trong những tác phẩm của các nhà văn hiện thực phê phán cách nay gần một thế kỉ. Tuy nhiên, đây là một truyện ngắn thành công nhờ lối viết tập trung vào chủ đề. Các nhân vật chỉ được xây dựng bằng vài nét phác thảo nhưng tương đối sinh động. Trên bình diện lí thuyết, đó chính là cách viết, cách xây dựng nhân vật mang tính đặc trưng của truyện ngắn. Ngoài ra, kết cấu văn bản của truyện cũng chặt chẽ. Với một cây bút truyện ngắn “mới toanh” như Nguyễn Thị Sáu, những ưu điểm nêu trên có thể coi là một thành công đột biến. Trong truyện ngắn “Anh mù” Đào Nguyên Hải sử dụng khá triệt để giọng kể cảm thương, cảm thương ở cả những lúc nói về những chuyện vui tươi, hạnh phúc nhất (của anh Mù). Đào Nguyên Hải đã dựng nên một nhân vật vừa bình thường vừa dị biệt một cách chân thực. Cũng chính từ cuộc đời con người có phần nghịch dị ấy, ta có thể soi vào để hiểu rằng: cuộc đời này, dù có thể không viên mãn nhưng không bao giờ tăm tối. Thành công của Đào Nguyên Hải có lẽ còn ở lời văn nghệ thuật, tạo ra một vẻ đẹp buồn tỏa lan khắp mạch truyện. Những truyện ngắn “Giấc mơ” của Trinh Nguyên, “Cơn mưa” của Phạm Thuận Thành, “Thịt người” của Nguyễn Nhật Huy, “Rác” của Vũ Thị Huyền Trang… mỗi người một vẻ nhưng cũng đều là những đại diện xứng đáng cho sự thành công của Cuộc thi này.

Tuy nhiên, một trong những nhược điểm rất dễ nhận thấy là trong một số truyện ngắn dự thi, các tác giả luôn có tâm lí muốn kể cho xong một câu chuyện mà quên rằng, sự quá câu nệ vào cốt truyện luôn làm giảm giá trị thẩm mĩ của tác phẩm. Một số truyện ngắn chưa thật triệt để trong khai thác những chi tiết có tính nghệ thuật nên truyện thường bị nhẹ.

Sự lên ngôi của kí báo chí

Cũng giống như mảng truyện ngắn, nhìn chung, các tác giả viết kí đều hướng về những đề tài đang được toàn xã hội quan tâm như vấn đề biển đảo, vấn đề công nghiệp hóa nông thôn, vấn đề đổi mới ở miền núi, vấn đề giữ gìn nghề truyền thống… Ngoài ra, các đề tài về văn hóa, đạo lí, hôn nhân, gia đình cũng được phản ánh trong nhiều tác phẩm.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết, đây là cuộc thi kí do Báo Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức. Vì vậy, ngoài việc chấp nhận rộng rãi tất cả các bài kí dự thi mang tính báo chí, đồng thời, Ban Tổ chức luôn mong đợi sự có mặt của các bài kí mang tính văn học. Nhưng một điều dễ nhận ra, cho đến hạn cuối cùng nhận bản thảo, những bài kí như vậy còn hơi hiếm hoi. Nếu như nhà lí luận văn học I- li- a Cô- chen- cô nói: “Kí là thể loại nằm trong cuộc kéo co giữa văn học và báo chí” thì trên bình diện đại trà ở cuộc thi này là sự lên ngôi của kí báo chí. Phần lớn chúng ta thấy sự hiện diện của các yếu tố thông tin trên bài dự thi. Những suy tư, tình cảm, những suy tưởng, những phát kiến chủ quan của tác giả là những yếu tố làm nên giá trị thẩm mĩ lại thường rất hạn chế trong các bài viết. Về thể loại, phần lớn các bài kí dự thi thường chỉ sử dụng các thể phóng sự, ghi chép nghiêng về báo chí mà chưa chú trọng đến các thể tài khác như bút kí, kí sự, tùy bút… là những thể có khả năng nới rộng tầm viết cho các bài kí văn học.

Tuy vậy, nhìn qua danh sách các tác phẩm được Ban Chung khảo chọn giải, đặc biệt là ở những giải cao, chúng ta lại hoàn toàn có thể yên tâm về một dàn giải thưởng với những tác phẩm hầu hết đều đậm tính văn chương. Nếu “Phố xưa” của Minh Hằng là một tiếng thở dài nuối tiếc về những gì tưởng như bé nhỏ đã và đang mất dần trước cuộc đổi mới của chính nơi mình đang sống thì “Một thuở làng xưa” của Lưu Thị Bạch Liễu lại là những hoài vãng về một miền quê thân thuộc. Kí của Minh Hằng và Lưu Thị Bạch Liễu là tiếng nói của trái tim, lấy giá trị thẩm mĩ làm hồn cốt. Đọc “Phố xưa” của Minh Hằng, độc giả thật khó quên hình ảnh chị bán xôi (chị Mùi) cùng mùi hương xôi quấn quýt và lan tỏa trong không gian phố xưa mỗi lần chị “gánh mùi hương ra phố”. Ở đoạn kết, tác giả đã chọn cảnh cây đa cổ thụ chứa nhiều kí ức của người phố rầm rầm đổ xuống làm cho nàng “Mắt Giếng ngây thơ chớp chớp như òa khóc ” quả là sự lựa chọn đắc địa. Gây một hiệu ứng “Những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ” kiểu Vũ Đình Liên. Cùng một phẩm chất như vậy, chúng ta cũng được chứng kiến sự vào giải cao của tác phẩm “Túc tắc nghề vô lăng dây, ga roi” của Đào Tuấn. Tác phẩm của Đào Tuấn đã “bập” vào một đề tài tưởng như ở ngay trước mắt nhưng lại ít có tác giả để tâm, khai thác - nghề xe trâu xe ngựa. Cái được của tác giả là ở những chi tiết mới lạ, bất ngờ. Tuy bài viết chủ yếu mang giọng điệu trung tính nhưng pha chút suồng sã, dí dỏm nên tác phẩm dễ vào lòng người. Còn tác phẩm của Lê Trung Cường chiếm được cảm tình của độc giả bởi bù lại những gì anh không thể quan sát bằng mắt, (tác giả là người khiếm thị) anh đã biết vận dụng “đôi mắt của trái tim” để làm nên giá trị của tác phẩm.

Ngoài ra, các tác phẩm “Người cựu chiến binh viết 2000 lá thư gửi đến thân nhân liệt sĩ” và “Gặp người mang duyên nợ với Soọng cô” của Phạm Ngọc Chuẩn, “Phận rác” của Phạm Văn Vũ… cũng là những bài viết ít nhiều để lại những ấn tượng tốt đẹp trong độc giả.

Với mảng kí, có một điều đặc biệt đáng động viên và quan tâm, đó là sự hiện diện của một dàn tác giả trẻ đang công tác tại cơ quan Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Sự có mặt của họ trong Cuộc thi này vừa là sự thử thách vừa là sự khẳng định. Những cái tên Lê Đình, Đào Tuấn, Quang Khải, Anh Thắng đã và đang được độc giả Thái Nguyên yêu mến và kì vọng.

Sự thành công của các tác giả thơ trẻ

Thơ Thái Nguyên vốn có truyền thống với một đội ngũ đông đảo các tác giả, ít nhiều đã từng có đóng góp với nền thơ cả nước. Ở Cuộc thi này, chúng ta vẫn được gặp những cái tên quen thuộc như Võ Sa Hà, Thế Chính, Phan Thức, Hồ Triệu Sơn, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Anh Đào… Và cạnh đó là sự có mặt của các tác giả trẻ như Nguyễn Nhật Huy, Phạm Văn Vũ, Gia Hân, Doãn Long, Trần Thị Nhung…

Đề tài chủ đạo của các tác phẩm dự thi thơ là những tình cảm về đất nước, quê hương, những mối quan hệ giữa con người với con người. Tuy ở mỗi tác giả sự thành công ở những cấp độ khác nhau nhưng tựu chung đều hướng tới cái đẹp, tinh thần nhân văn cao cả. Cuộc thi cũng đã hội tụ được những tác phẩm về dân tộc và miền núi, với lối viết, cách cảm khá gần gũi với tâm hồn người dân tộc thiểu số như thơ của Hoàng Chiến Thắng, Phùng Thị Hương Ly, Hoàng Anh Tuấn, Châu Linh, Doãn Long, Trịnh Thị Thứ…

Có một điều không thể phủ nhận, cuộc thi của Báo Văn nghệ Thái Nguyên lần này là sự ra quân ào ạt và ngoạn mục của các tác giả cả nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này đã được bộc lộ khá rõ qua kết quả chấm thi của Ban Chung khảo với sự thành công của nhiều cây bút, đặc biệt là những cây bút tuy còn trẻ về tuổi đời nhưng đã tỏ ra khá vững vàng trong nghề nghiệp, làm chủ ngòi bút, dù một số tác phẩm của họ đã ít nhiều chạm đến những vấn đề lớn và nhạy cảm. Những tác giả như Nguyễn Thanh Huyền, Trần Huy Minh Phương, Vi Thùy Linh, Lê Quốc Sinh, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Minh Khiêm… là những minh chứng cụ thể.

Có thể xếp bài “Nỗi oan nàng Mỵ Châu” của Nguyễn Thanh Huyền vào dòng thơ triết luận. Cái sâu sắc của bài thơ nằm trong ý tưởng táo bạo của tác giả, đó chính là một phản biện bằng thơ (với những nếp nghĩ xưa cũ) khi luận về bài học mất nước:

- Nước không mất từ khi Triệu Đà xua quân sang đây/ Mà mất lúc An Dương Vương nhờ nỏ thần thắng giặc/ Chiến thắng lẫy lừng lại gieo mầm bất trắc/ Khi vận nước treo vào cái lẫy nỏ vô tri/  Nước không mất vì nỏ thần Trọng Thủy mang đi/ Mà vì An Dương Vương lơ là cảnh giác/ - Giặc đến sát chân thành còn chuốc rượu cùng nhau/ Đất nước lâm nguy cùng con lên lưng ngựa.

 “Vắt ngược bầu trời” của Trần Huy Minh Phương không có dụng ý mang tới người đọc vẻ loáng bóng của ngôn từ và dường như cũng ít nhiều “quên” cả vần điệu. Bài thơ giống như sự tiếp cận của một truyện ngắn theo lối kết cấu “phân mảnh” của truyện ngắn hậu hiện đại. Cái giá của bài thơ chính là nó đã “găm” vào lòng bạn đọc một sự bất an trong đời sống dân sinh. Và, chỉ bằng hai câu thơ, tác giả đã mặc nhiên đưa ra một lí giải mang tính phổ quát:

lòng cống phố toác miệng chờ mồi/ mà bàn giấy cứ nằm ỳ những công văn, kiến nghị…

Cũng có thể dễ dàng lọc từ những bài thơ của các tác giả như Trần Võ Thành Văn, Vi Thùy Linh, Nhật Huy, Trần Kế Hoàn những dòng, những câu thơ, những thi ảnh gần gũi mà mới lạ như vậy.

Hình như sự thành công của các tác giả trẻ, nhất là các bạn làm thơ trẻ ở tỉnh ngoài chính là nhờ thơ của họ mang được những phẩm chất ấy- những phẩm chất của thơ hiện đại. Hình như sự diễn giải trữ tình miên man, dày đặc, thiếu vắng những khoảng trống thẩm mĩ trong thơ đang là món hàng thứ cấp(?).

Mảng thi thơ cũng để lại một dấu ấn đáng suy nghĩ: Trong mười một giải thơ của cuộc thi, chỉ có hai tác giả Thái Nguyên đoạt giải. Với hiện tượng trên, cộng với những quan sát của giới phê bình và độc giả trong hơn một nửa thập kỉ qua, có thể đưa ra một nhận định thẳng thắn: không ít các nhà thơ Thái Nguyên đang có sự đuối tầm, chưa hòa nhập được với nền thơ toàn quốc. Kết quả cuộc thi như một phép thử, một cách trả lời đối với người làm thơ Thái Nguyên cho câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu trong đời sống thi ca cả nước?

* * *

Tới ngày hôm nay, cuộc thi đã đi hết chặng đường, đã thu hái được những kết quả đáng mừng. Mong rằng, sự khép lại của Cuộc thi sẽ là sự khai mở những con đường mới cho các nhà thơ, nhà văn, nhất là các tác giả trẻ ở Thái Nguyên và các tỉnh bạn.

(*) Tít và các tít phụ do Tòa soạn đặt

Nhà văn Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy