Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Có cách mạng tôi mới thành công nhân Gang thép

Ông là Trần Trọng Thể, quê ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Quê ông nằm phía trong đê của con sông Trà Lý, cách Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm nổi tiếng của Thái Bình chỉ hơn 3km.

***

Hàng ngày, nghe cậu giáo con cụ Chánh ngồi gẩy đàn ở cửa sổ. Tiếng đàn vang lên những âm điệu lạ lùng… Tôi muốn sang xem, mà… thày tôi bảo: “Đừng có sang, chó nhà cụ Chánh dữ lắm. Dẫn mày sang, thấy tao, cụ ấy lại đòi nợ. Thôi ở nhà con ạ, xem làm gì, mày sinh ra không phải để cầm đàn, mà cầm cái này này…” - thày tôi chỉ vào cái cuốc ở góc vườn.

Ông Trọng Thể (chụp năm 1990): Ảnh: V.T
Ông Trọng Thể (chụp năm 1990): Ảnh: V.T

Những kỷ niệm của thời gian khó đang ùa về. Ông say sưa kể tiếp: Mấy năm sau, biết cháu thích đàn, chú rể tôi có cây đàn ghi-ta phím lõm để đệm hát cải lương, chú bảo bán chịu cho, trả tiền dần, giá bốn trăm rưỡi tiền Cụ Hồ... Tôi sướng quá, ôm đàn về nhà được mấy hôm, bu tôi bảo:Tao nghe mày gẩy cũng thấy hay hay, nhưng tiền đâu mà trả. Thày mày thì mất rồi, nhà thì Tây nó đốt, em Thản còn phải đi ở… Thôi, đàn địch làm gì, trả chú!”.

Một hôm chú đến đòi tiền. Không có tiền trả, chú lấy lại đàn. Tôi khóc! Không phải khóc vì đói nghèo, mà vì nhớ đàn. Tôi buồn! Tôi xin đi Công trường Gang thép mãi tận Thái Nguyên…

Dạo ấy là cuối năm 1959, chúng tôi tập trung ở thị xã (Thái Bình). Đoàn xe cắm cờ nối nhau đưa chúng tôi ra phà Tân Đệ, trên đường xe lắc như xóc ốc, chúng tôi cứ bám ghì người vào xe, dựa vào nhau để tránh va lắc mạnh, rồi cùng nhau hát… Mệt, gối vào nhau ngủ… quên đói. Lúc tỉnh dậy, xe vẫn lắc, nhìn hai bên đường toàn cảnh lạ... không giống làng mình…

Bỗng xe dừng, một tấm biển bằng gỗ đề năm chữ “Khu Gang Thép Thái Nguyên”. Đó là cổng chính Công trường khu Gang thép. Đối diện bên kia đường, một ngôi nhà lá có biển cũng ghi năm chữ: “Đồn Công an Lưu Xá”. Trước mắt chúng tôi là những quả đồi, những đống sỏi, đống cát san sát như bát úp. Tôi cười chỉ vào những đống sỏi cát bảo cậu La-Ghít, cùng quê lên công trường: “Việc của chúng ta đấy, bao giờ “xơi” hết những đống sỏi cát kia và “nuốt” hết những quả đồi trước mặt, “bê” nhà máy đặt vào đó, xong cho các ông về…”. Cậu La-ghít da đen bóng, làm nổi bật hàm răng trắng lóa, hăm hở: “Lúc đó có cả nhà hát, có sân bóng chuyền… vui phải biết nhỉ” (!?)

Lúc chúng tôi đến chưa có nhà máy, nhưng ở trung tâm khu Tây đã có nhà hát chứa hàng vạn người, chỗ ngồi xây gạch, sân khấu có mái che hẳn hoi… Hôm công trường ra quân, chúng tôi bổ nhát cuốc đầu tiên xuống ngọn núi Măng, san nền, sau này là nhà máy Ôxy. Lúc ấy cơ giới còn ít, chủ yếu thi nhau gánh 4 sọt, 6 sọt, chạy băng băng trên sườn đồi, trước khi hạ gánh đất xuống còn thi xem ai ca được câu xàng xê: “Người đó không ai xa lạ, chính là ta đã nuôi hoàng tử từ khi chiến tranh chớm nở, lúc đó hoàng tử còn oa oa ba tiếng khóc chào…ơ…ơ…đời!”. Phải ca liền một mạch, không được nghỉ lấy hơi. Thế mà nhiều cậu vẫn ca được. Rồi trưa hôm 31/8/1960, trời nắng nóng, tôi đóng bộ tuồng “Thái sư” áo, mão, cân đai bộn người, đi diễu hành mừng ngày khởi công Khu Gang thép, nóng vã mồ hôi mà không dám cởi.

Tôi yêu thích hoạt động văn nghệ, hay được phân công trực máy tăng âm điện, cầm đàn ngồi đó, anh chị nào lên hát là cứ “phằng… phằng…” đệm theo. Chèo và Cải lương thì được. Ca mới thì phải đến anh Quý “ắc-coóc-đê-ông”... Sau này anh ấy hay đệm cho vợ là cô Hà, danh ca nhiều kỳ hội diễn; sau có Phạm Thương Phan, thợ nguội sửa chữa xưởng Cơ khí có giọng nam trung, vợ là Bích Hảo - nhân viên Phòng Thiết kế, giọng nữ cao… Ngoài ra còn có kỹ sư Cảnh đóng kịch giỏi, lấy vợ là Diệp diễn viên múa, làm ở Phòng Tài vụ. Riêng tôi là thợ hàn điện, nhạc công, vợ là Kim Liên, thợ đường ống, diễn chèo.

Bọn trẻ con ngày ấy biết tôi làm văn nghệ, vui tính, chúng hay trêu. Tôi đặt một câu bắt chúng phải học thuộc: “Trọng Thể - Kim Liên, diễn viên hát chèo, sống lâu để làm Gang thép”, đứa nào không thuộc bị “ăn” beo tai… Con gái đầu của vợ chồng tôi ra đời đúng ngày ra mẻ gang đầu (29/11/1963), mặc dù rất yêu Gang thép, nhưng tên con gái chẳng nhẽ đặt là Gang hay Thép, đều không hợp, tôi đặt tên là Hồng Thúy. Khi con trai thứ hai ra đời, tôi mới đặt tên là Thép – nhà báo Trần Thép đấy. Bây giờ nhiều đứa đã vào làm Gang thép, hoặc đi làm các nơi và trưởng thành nhiều mặt. Chả biết còn đứa nào nhớ những câu chuyện này không (?!).

Lao động và ca hát là lẽ sống của tôi, mấy chục năm vẫn thế. Ngày ấy tôi có chiếc sáo (gọi là cái địch). Không ngờ chiếc sáo nhỏ lại vang tiếng một thời. Cái thời các hội nghị lớn nhỏ ở khu Gang thép đều cần có văn nghệ nghiệp dư đến diễn phục vụ lúc giải lao, chiếc sáo được phát huy rất tốt. Rồi cái sáo lại được theo đội văn nghệ đi đón Đoàn đại biểu thanh niên Poóc-Tô-Ri-Cô đến thăm Công trường Khu Gang thép v.v..

Sau này, Khu Gang thép Thái Nguyên có bài hát “Nhớ ngày Bác Hồ về thăm khu Gang thép”, nhạc Đặng Trần Xuân, lời thơ Nguyễn Đức Thiện. Mỗi khi nghe đài hay xem biểu diễn bài hát này, ngay câu mở đầu cứ làm tôi xúc động ghê lắm: “Từ thân kiếp nô lệ/ Từ tăm tối lầm than/ Được đứng lên làm người/ Người Công nhân Gang thép…ớ hờ ớ…”.

Nhà ông Trọng Thể có 3 anh em trai (hàng trước) và đều rời quê lên làm công nhân Gang thép. Bức ảnh chụp tại đám cưới của con trai út, ông Thể ngồi giữa. Ngoài cùng bên phải (hàng trước) là ông Thản; ngoài cùng bên trái (hàng sau) là con trai Trần Thép; thứ tư từ phải sang (hàng sau) là con gái cả Hồng Thúy – những người được nhắc tên trong bài viết.
Nhà ông Trọng Thể có 3 anh em trai (hàng trước) và đều rời quê lên làm công nhân Gang thép. Bức ảnh chụp tại đám cưới của con trai út, ông Thể ngồi giữa. Ngoài cùng bên phải (hàng trước) là ông Thản; ngoài cùng bên trái (hàng sau) là con trai Trần Thép; thứ tư từ phải sang (hàng sau) là con gái cả Hồng Thúy – những người được nhắc tên trong bài viết.

Lên Gang thép từ ngày còn Công trường, cũng san đồi, gánh đất, sau làm công nhân qua các xưởng Hàn Tán, Phòng Kiểm tra kỹ thuật, rồi làm Công đoàn chuyên trách, sau sang xưởng Xây lò Công nghiệp, Sửa chữa xe máy (chuyên sửa chữa lớn ôtô, máy mỏ của Gang thép) rồi ông về hưu. Tưởng được nghỉ, nhưng văn nghệ vẫn chọn ông, bạn thơ vẫn rủ ông… và bao giờ câu cửa miệng của ông cũng vẫn là… “Tôi rất biết ơn cách mạng; làng xóm, gia đình tôi đã mở mày mở mặt, nhờ có cách mạng tôi mới thành người Công nhân Gang thép đấy!”.

  • ***

Ông mất vào giữa tháng 2/2006 sau một cơn tai biến mạch máu não đột ngột. Tôi có may mắn được hoạt động cùng với ông trong một thời gian khá dài và được nghe ông kể rất nhiều chuyện về Khu Gang thép. Vốn là người ham viết lách, những chuyện ấy tôi đều ghi lại rất cẩn thận. Hy vọng câu chuyện này sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về những người công nhân Gang thép và là những cư dân đầu tiên của thành phố Thái Nguyên anh hùng.

Đào Thành Lạng

(Long Biên, Hà Nội)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục