Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
09:37 (GMT +7)

Chuyện nghề giúp việc gia đình

VNTN - Cuộc sống hiện đại khiến phụ nữ có nhiều thứ phải quan tâm, gánh vác ngoài xã hội. Nghề giúp việc gia đình phát triển, như một sự chia sẻ nỗi vất vả của những người phụ nữ. Ngày nay, quan niệm “con sen, người ở” bị đối xử bạc đãi, khinh rẻ như thời phong kiến đã dần bị loại bỏ, nhưng sự phân hóa giàu nghèo, cùng những cách biệt về trình độ văn hóa, lối sống…, vẫn tạo nên những khoảng cách giữa chủ nhà và người giúp việc.


“Ôsin” - nghề giúp việc nhà

Bắt nguồn từ bộ phim Nhật Bản nổi tiếng mang tên Oshin trình chiếu ở Việt Nam năm 1994, khái niệm “ôsin” đã đi vào đời sống ngôn ngữ người Việt để chỉ người làm nghề giúp việc nhà, ngắn gọn, dễ gọi chứ không phải mang ý nghĩa kỳ thị như nhiều người vẫn nghĩ.

Ngày nay, người phụ nữ tham gia hoạt động tích cực trong các lĩnh vực xã hội, gánh vác đủ mọi việc không thua gì cánh nam giới. Vì vậy nhu cầu ôsin trở thành yếu tố cần thiết để họ có thể làm tròn trách nhiệm chăm sóc gia đình trong khi vẫn có thể phấn đấu cho sự nghiệp, công việc. Bởi tính chất công việc thiên về nội trợ - thứ mà từ lâu đã bị “gán mác” chỉ dành cho phụ nữ, nên ôsin hầu hết là nữ. Có nghĩa là, để người phụ nữ trong gia đình có thời gian bước ra ngoài xã hội lại cần có người phụ nữ khác thay thế họ đứng trong căn bếp.

Với nghề ôsin, tuy không phân biệt tuổi tác nhưng độ tuổi phổ biến nhất là khoảng 40 - 60. Những người chọn nghề ôsin thường xuất thân từ nông thôn. Với mức lương trên dưới ba triệu đồng một tháng, cơm nuôi, công việc là dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, chăm sóc người già hoặc trẻ nhỏ..., nếu so với những công việc nặng nhọc ở quê thì có phần nhẹ nhàng, ổn định hơn. Nghề ôsin không đòi hỏi bằng cấp nhưng lại đòi hỏi cao về phẩm chất như: thật thà, trung thực, chăm chỉ, tự giác, không tham lam..., đặc biệt là tôn trọng việc riêng của gia chủ. Về kỹ năng làm việc, họ phải biết sử dụng thành thạo, bảo quản an toàn những thiết bị hiện đại, như máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi… cùng nhiều thiết bị tiện nghi phục vụ sinh hoạt khác của người thành phố.

Hiện nay, nhu cầu về ôsin ở thành phố Thái Nguyên ngày càng nhiều, thậm chí cung không đủ cầu. Tuy nhiên, Thái Nguyên lại chưa có trung tâm đào tạo giúp việc chuyên nghiệp, mà đơn thuần chỉ là cầu nối giữa người giúp việc với những gia đình có nhu cầu. Số lượng gia chủ tìm đến trung tâm việc làm để thuê ôsin ít hơn là qua đường môi giới “miệng” ăn hoa hồng hoặc người quen giới thiệu. Không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, công việc tưởng đơn giản nhưng áp lực lại lớn, cùng sự “lệch pha” trong mối quan hệ hàng ngày khiến ôsin và chủ có khá nhiều mâu thuẫn, dù sống chung trong một mái nhà.

Để người phụ nữ trong gia đình có thời gian bước ra ngoài xã hội thì lại cần

người phụ nữ khác thay thế họ đứng trong căn bếp.

Nỗi niềm gia chủ

Kinh doanh hàng ăn uống khiến vợ chồng anh Nguyễn Văn Tân (phường Quán Triều) bận bịu cả ngày. Không có thời gian chăm sóc cho mẹ đã hơn 80 tuổi nên vợ chồng anh Tân quyết định thuê ôsin. Không phải lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chỉ mỗi chăm sóc, bầu bạn với cụ, nhưng những người giúp việc đến đều không ở nổi, chỉ bởi bà cụ hay lẫn lại khó tính. Anh chị phải lặn lội về quê, tìm mãi mới có người quen nhận lời chăm cụ. Chưa kịp mừng, vừa chăm cụ được mấy hôm, ôsin đã đặt thêm một đống điều kiện khiến anh chị “hoa mắt chóng mặt”. Không đáp ứng nổi, anh chị đành nói khéo rồi gửi tiền tàu xe và thanh toán tiền công cho “người quen” về quê.

Không chỉ khó tìm ôsin chăm sóc người già, mà tìm ôsin chăm bà đẻ, con mọn cũng khó, bởi phải vất vả hơn nhiều so với ôsin giúp việc nhà thông thường. Chị Trần Hồng Hạnh (phường Đồng Quang) từ ngày bụng bầu mấy tháng đã phải hỏi thăm tìm dần người giúp việc. Thế mà sát ngày sinh, chị mới tìm được bà Trần Thị Minh đã gần 60 tuổi. Ngoài lương thỏa thuận 4 triệu đồng một tháng (cao hơn so với mức lương giúp việc trung bình), bà Minh còn đưa ra điều kiện chỉ làm từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, không ngủ lại nhà chủ, nhưng ăn đủ 3 bữa: sáng, trưa, tối. Hết giờ, trở về nhà bà có thể ngủ luôn vì các khoản tắm rửa, gội đầu đều làm cả ở nhà chủ. Chị Hạnh tâm sự: “Người giúp việc không chịu ngủ lại, may con ngoan không quấy đêm mình mới đồng ý, chứ như nhà khác đời nào họ chịu”. 

Chị Trương Thị Thảo (phường Quang Trung), con khóc dạ đề khiến chị và người giúp việc hơn hai tháng không có lấy một ngày ngủ ngon giấc. Ông bà nội ngoại ở xa, chồng đi làm biền biệt, những ngày ở cữ, chị Thảo chỉ biết trông cậy vào chị giúp việc tên Lý (40 tuổi). Đêm nào con cũng quấy, hai người phải thay nhau bế con dỗ dành cả đêm. Có bận chị Lý ốm nặng, chị Thảo lại rơi vào trạng thái mê man (triệu chứng này chị bị sau khi mổ đẻ, kéo dài đến hơn hai tháng mới hết). Con nằm bên khóc ngặt nghẽo mà chị Thảo không tài nào mở mắt ra bế con được. Chị Lý ốm nằm ngoài nghe thấy tiếng bé khóc nhưng cũng không dậy nổi. Chị Thảo nhớ lại: “Hai chị em chỉ biết rớt nước mắt nằm nghe tiếng con khóc đến khản cả cổ. Cái ngày đầu tiên sau đúng hai tháng mười ngày con không quấy đêm, tôi và chị giúp việc đã ôm nhau khóc vì sung sướng. Sau hôm đó, chị Lý lấy lương rồi xin nghỉ vài hôm, xong chẳng thấy lên nữa. Có lẽ vì hai tháng chăm con tôi chị thấy vất vả và mất sức quá.”.

Việc tìm ôsin không dễ nên nhiều khi gia chủ phải nhẫn nhịn để giữ chân ôsin. Như chị Thảo, sau vụ chị Lý nghỉ, phải tìm gấp một người giúp việc khác. Làm được ba hôm người đó xin ứng tiền về nhà có việc. Hơn một tuần sau mới lên nhưng cuối tháng cứ bắt tính lương từ ngày đầu đến làm. Rõ ràng là vô lý, nhưng vì đang ở thế bí cần người nên chị Thảo đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Thuê người giúp việc, gia chủ được nhàn chân tay nhưng cũng phải bận lòng bởi vô số chuyện. Nhà có con nhỏ lại bận kinh doanh nên chị Hoàng Ngọc Linh (phường Gia Sàng) thuê bà giúp việc đã ngoài 50 tuổi nhưng nhanh nhẹn, tháo vát. Bà ăn rất ít, mỗi bữa chỉ một bát cơm nhưng lại thích hoa quả. Chị kể: “Mua cân dâu tây hôm trước, hôm sau bà giúp việc đã nhắc “nhà hết dâu tây rồi nhé!”. Hôm bữa, mua cân nho Úc gần 400 nghìn, hai hôm sau sờ tủ đã thấy hết nhẵn”. Chị thở dài: “Mấy lần cũng định nói, xong lại thôi. Sợ đụng chạm đến miếng ăn, người ta lại tự ái”. 

Hết thời gian nghỉ đẻ, đi làm cả ngày sợ bố mẹ chồng già cả phải chăm cháu vất vả nên chị Đặng Linh Nga (phường Đồng Quang) mới thuê ôsin. Nhưng từ ngày có người giúp việc, tiền điện nước, tiền ga trong nhà cứ tăng vù vù. Xót ruột, mẹ chồng chị Nga tranh làm hết việc của ôsin, đến khi mệt người, lại nói con dâu “lười biếng, thừa tiền thuê ôsin” khiến mẹ chồng nàng dâu sinh ra mâu thuẫn. Nhưng phiền phức hơn cả là chị ôsin vì rảnh rỗi nên thường hay “buôn” chuyện với hàng xóm khiến “việc trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”, thậm chí chuyện mâu thuẫn của chị Nga với mẹ chồng cũng bị mang ra làm đề tài tán gẫu. Quá ngán ngẩm, chị Nga đành cho ôsin nghỉ và cũng chẳng dám thuê người nữa.

Dù phần đa gia chủ chưa hài lòng với người giúp việc, nhưng cũng không thiếu những mỗi quan hệ tốt đẹp giữa nhà chủ và ôsin. Hiền lành, đảm đang, nấu ăn ngon lại khéo sắp xếp mọi việc nên chị Bùi Thị Huệ (Đại Từ) được gia đình chị Hà Lệ Quyên (phường Gia Sàng) quý mến, coi như người nhà. Chị Quyên chia sẻ: “Nhà trước giờ cũng thuê nhiều giúp việc, nhưng chị Huệ là người gắn bó lâu nhất, cũng gần 3 năm rồi. Chị làm việc gì cũng khéo, lại tâm lý biết được tính cách của từng người trong nhà. Vợ chồng mình giận nhau, chị còn ở giữa giúp hai vợ chồng làm lành. Nhiều khi thấy như mình có thêm chị gái vậy!”. Còn chị Huệ cũng tâm tình: “Gia đình chị Quyên đối xử với mình tốt lắm. Một năm mua mấy bộ quần áo; Tết đến được thưởng thêm 1 tháng lương cùng đồ ngon ăn Tết; sinh nhật con cũng được quà; bố mẹ, chồng con đau ốm xin nghỉ đều được đồng ý. Lần chăm con gái đẻ, mình nghỉ tới 2 tháng mà nhà chị Quyên cũng không thuê người khác, vẫn đợi mình xuống làm. Nên nói thật, đây như ngôi nhà thứ hai của mình vậy”. 

Tiếng lòng ôsin

Có vào nghề mới hay, làm ôsin biết bao nỗi khổ chẳng biết tỏ cùng ai. Vì nhiều lí do nhưng chung quy lại vẫn là cần tiền mà điều kiện kinh tế khó khăn họ mới chấp nhận làm nghề này. Thay vì chăm sóc bố mẹ, chồng con họ lại phải đi “hầu” thiên hạ, nên nhiều khi cũng tủi lòng.

Nay đã 10 năm, Bà Minh (trước ở Tuyên Quang) nhớ lại lí do đến với nghề. Ông bà hiếm muội, mãi năm 42 tuổi bà mới có được một mụn con. Nhưng vì nợ nần, bà phải dứt lòng để con gái mới 7 tuổi cho chồng ở nhà, một thân một mình xuống Thái Nguyên làm ôsin. Mỗi tháng chỉ được về một lần, ngày đó lại chưa có điện thoại nên nhiều đêm nhớ chồng, nhớ con, bà Minh chỉ biết nằm khóc. Lần nào về, chủ cho tiền tàu xe, ăn uống bà đều chắt bóp dành tiền mua quà, khi thì bộ quần áo mới, hộp bánh... cho con, khi thì đôi dép, cái áo cho chồng... Nhưng vẫn không bù được nỗi thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhiều lần đứa con nhỏ cứ ôm ghì lấy mẹ, khóc không cho đi. Đêm đến, tiếng con khóc gọi mẹ đi cả vào giấc ngủ khiến bà khổ tâm vô cùng. Đó là lí do giờ chuyển nhà xuống Thái Nguyên, bà chỉ nhận làm giúp việc ngày mà không ngủ qua đêm, bởi bà muốn dành chút thời gian cho gia đình, để đêm đến cô con gái được ôm mẹ ngủ, dù giờ con đã 17 tuổi rồi. 

Phải chấp nhận rời xa gia đình, sống với những người xa lạ, người giúp việc may mắn thì tìm được gia chủ tốt, được đối đãi như người trong nhà, làm tốt còn được nhà chủ yêu quý, được thưởng hoặc cho quà cáp mang về… Nhưng sẽ buồn lòng và khó gắn bó khi họ gặp gia chủ có sự phân biệt đối xử chủ - tớ nặng nề.

Ôsin chăm sóc người già, bà đẻ, con mọn vất vả hơn nhiều so với ôsin giúp việc nhà thông thường.

 Bà Lê Thị Quy (Định Hóa) vẫn chưa quên “cơn ác mộng” đi giúp việc vừa qua. Vì quá khó khăn nên dù mới mổ cắt bỏ khối u chưa được bao lâu, bà Quy đã xuống thành phố xin làm giúp việc. Gia đình nhà chủ kĩ tính lại khắt khe. Bà không được ăn chung cùng chủ, chỉ khi nào họ dùng xong bữa, còn “cơm thừa canh cặn” bà mới được ăn; không được tắm bình nóng lạnh mà phải đun nước tắm (mỗi lần chỉ được một siêu nước con); phải giặt quần áo bằng tay (dù có máy giặt) để lấy nước giặt lau nhà, thậm chí lau cả 4 tầng sàn cũng phải lau bằng tay; ăn xong không được nghỉ trưa mà phải làm việc luôn... Công việc quá sức nên thử việc được một tuần, bà bị đau vết mổ, xin về nhưng nhà chủ không chịu trả lương. May được người giúp việc hàng xóm cùng quê cho 20 nghìn để đi xe bus về.

Không biết từ khi nào, người giúp việc luôn bị cho là những con người thấp kém, tham lam, hay trộm cắp vặt và có tư tưởng “giật chồng” người khác dù thực tế không phải vậy và nhiều khi họ còn là nạn nhân.

Lại nói về trường hợp chị Huệ, không chỉ được lòng nhà chủ, chị còn được cả hàng xóm nhà chủ quý mến. Có đồ gì ngon, quần áo còn đẹp mà không mặc đến chị hàng xóm đều đem cho; có tâm sự gì cũng kể chị nghe... Thỉnh thoảng, lúc rảnh, chị ấy lại thuê dọn nhà, chị có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng một lần chị sang dọn nhà, chị hàng xóm lại bị mất vàng. Dù không nói thẳng, nhưng chị ấy đem chuyện nói với mọi người, ngầm nghi cho chị Huệ. Sau chuyện đó, hai người không còn thân thiết nữa. “Sống gần 3 năm rồi, nếu mình có tính ấy, nhà chị Quyên đã đuổi lâu rồi chứ không còn giữ lại đến bây giờ. Nhưng thực lòng thấy buồn lắm, rõ ràng mình không lấy mà người từng thân thiết như thế lại nghĩ sai cho mình”, chị Huệ trải lòng. 

Gạt chuyện buồn bị nghi oan sang một bên, chị Huệ tiếp tục giãi bày chuyện nghề. Chị nhớ lại ngày đầu tiên đi làm ôsin cách đây gần 10 năm. Ngày ấy, chị mới 30, chân ướt chân ráo xuống thành phố, nhận làm giúp việc cho một gia đình hai ông bà già. Ngày đầu thử việc, bà chủ ân cần gọi chị vào phòng riêng. Bà vuốt tóc chị mà nói: “Bà thương con. Con còn trẻ đẹp thế này thiếu gì chỗ làm. Bà thì yếu, ông lại phải cái tính trăng hoa. Trước giờ bao nhiêu người giúp việc ông đều ngủ cả”. Hiểu ý bà, chị xin nghỉ làm luôn. 

Nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Huệ, gặp được bà chủ hiểu chuyện. Mới 29 tuổi đã có 7 năm trong nghề, chị Phạm Thu Thủy (Đồng Hỷ) tâm sự: “Có lần, bà chủ đi vắng, đám trẻ con đi chơi, mình làm việc nhà, ông chủ cứ sán lại đòi giúp, rồi mượn cớ đụng chân đụng tay, mình hoảng quá vội xách làn đi chợ, cứ loanh quanh mãi đến trưa, nhà có người mới dám về”. Rồi chị ngậm ngùi: “Lần khác, mình suýt bị bà chủ đánh ghen chỉ vì ông chủ gắp thức ăn cho mình đấy”.

Hỏi về nguyện vọng, những người ôsin đều mong muốn gặp được gia chủ tử tế, thấu hiểu và tôn trọng họ. Không có hợp đồng lao động, chỉ là thỏa thuận miệng, ôsin không được hưởng các quyền lợi như đóng bảo hiểm, nghỉ ngày lễ tết… Họ chỉ mong được chủ cho nghỉ những ngày cha mẹ ốm, chồng con đau và ngày quốc tế lao động 1/5, vì ngày đó tôn vinh những người lao động, mà ôsin thì cũng là nghề lao động chân chính.

***

Pháp luật ta đã thừa nhận người giúp việc gia đình cũng được hưởng quyền và nghĩa vụ theo Bộ Luật Lao động 2012. Như vậy, ôsin cũng là người lao động bình thường. Họ bỏ sức để san sẻ nỗi vất vả cho những người phụ nữ trong gia đình bận việc xã hội, cũng là một hình thức cống hiến sức lao động cho sự phát triển chung của xã hội. Họ xứng đáng được tôn trọng, đối xử bình đẳng như bao ngành nghề lao động vinh quang khác.

* Tên nhân vật trong bài đã có sự thay đổi.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục