Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
16:30 (GMT +7)

Chuyện kể rồi cháu vẫn muốn kể thêm

Vậy là chú đã cất bước về miền xa thẳm. Nhìn bông hoa sen trắng nền đen hình đại diện trên facebook của con gái chú, cháu lặng người. Biết rằng thời khắc ấy rồi sẽ đến, mà vẫn thấy lòng nặng trĩu. Một con người nhiệt huyết là thế, sôi nổi là thế, giỏi giang là thế, cũng đành buông tay chấp nhận quy luật đất trời.

Nhà thơ Hà Đức Toàn (thứ tư từ trái sang) và các đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế năm 1995Nhà thơ Hà Đức Toàn (thứ tư từ trái sang) và các đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế năm 1995
Nhà thơ Hà Đức Toàn (thứ tư từ trái sang) và các đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế năm 1995

 Mười năm làm việc tại cơ quan Hội Văn học nghệ thuật, với cháu, là mười năm vươn lên để trưởng thành. Từ một cô giáo dạy Văn ngơ ngác, nhiều ảo mộng, cháu trở thành một biên tập viên điềm đạm. Sự trưởng thành ấy có bàn tay dìu dắt của chú, mà nhiều lúc, cháu quên chú là thủ trưởng, ngỡ chú như là bậc cha chú trong nhà.

Cháu nhớ những ngày đầu Hội ra đời. Thôi thì khó khăn túng thiếu tứ bề. Nhà không, xe không, gia tài là chục chiếc cặp ba dây và tập bản thảo thơ, văn, nhạc, kịch các tác giả gửi đến. Nhà ở nhờ, xe đi nhờ… gần chục con người vẫn níu vào nhau, cơ quan vẫn rộn rã tiếng cười, tiếng đọc thơ, tiếng bình thơ bình văn rổn rảng.

Chúng cháu chưa bao giờ biết về những khó khăn chú đã vượt qua với vai trò là người đứng mũi chịu sào để Hội tồn tại và phát triển. Câu chuyện với mọi người của chú chỉ là sáng tác, là “đêm qua tao làm bài thơ này, đọc cho chúng mày nghe; tao mới viết xong cái ký này, truyện ngắn này, chữ tao xấu lắm, đánh máy xong đưa mày đọc; mày viết đi, viết nhiều vào, chữ nghĩa nó tự sinh sôi con ạ…”.

 Cháu nhớ thời điểm Báo Văn nghệ ra những số đầu tiên, chú gọi mọi người đến, nghiêm giọng: “Bao tâm huyết của cả tập thể mới có tờ báo, chúng ta phải bán, để bạn đọc thấy giá trị của văn chương nghệ thuật, cái gì bỏ tiền ra mua mới thấy quý. Tôi giao mỗi người bán 70 tờ, trừ nộp lưu chiểu và biếu một số cơ quan ban ngành thì báo căn bản phải được bán hết (mỗi số in 500 tờ), ai không bán được thì trừ lương”.

 Vậy là nhân viên trở thành người bán báo. Cháu cắp chồng báo đi gõ cửa các cơ quan. Có nơi họ miễn cưỡng mua cho một tờ, có nơi từ chối thẳng: “ôi dào, văn thơ có ăn được đâu mà mua”. Hội khi đó còn quá mới, ít người biết, nói gì đến tờ báo của Hội. Trong cái khó lại ló cái khôn, cháu “gõ cửa” Công ty Gang thép, gõ cửa Công an tỉnh (giờ nghĩ lại cũng thấy mình cũng liều) và bán được hết số báo chỉ tiêu. Hình như ngày ấy, bằng việc đi bán báo, chú muốn mọi người cọ xát, “hạ cánh xuống mặt đất” để hiểu làm ra đồng tiền khó khăn thế nào và văn chương không thể xa rời thực tế đời thường.

Mười năm ở Hội Văn nghệ, cháu được kết nạp Đảng, được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ, được cho đi học văn bằng hai (Đại học Báo chí). Mười năm ở Hội, cháu được chú giao tổ chức nhiều chương trình văn nghệ trên truyền hình, làm MC dẫn nhiều cuộc giao lưu thơ - nhạc, tham gia nhiều trại viết, nhiều chuyến đi thực tế sáng tác. Dường như chú muốn cháu cần biết nhiều việc, va đập nhiều để chững chạc hơn.

Cháu nhớ những chuyến đi dài ngày, chú và các văn nghệ sĩ cùng ăn cùng làm với công nhân trồng rừng Bắc Kạn, với công nhân nông trường chè Quân Chu. Cháu nhớ gương mặt ửng hồng, đôi mắt lấp lánh hiền hậu, nhớ điệu cười giòn tan. Chú luôn là tâm điểm vui nhộn giữa đám đông. Vậy mà thơ chú có khi buồn se sắt: “Ăn tết một mình có lẽ mãi cũng quen/ Chẳng buồn, chẳng vui, chẳng bâng khuâng chờ đón/ Người xông đất hình như cũng muộn/ Cứ thế, vu vơ, ăn tết một mình” (Tết của một người cô đơn - 1990). Ở nhiều khúc rẽ cuộc đời, cháu nhớ đến thơ chú như một sự chiêm nghiệm: Em lăn lóc rồi em cao giá/ Em nát tan rồi em lại trắng trinh/ Kịch là thế còn đời thì không nhé/ Chỉ chờ mình một phút sa chân (Đời và kịch -1991)…

Tháng 10 năm 1997, cháu chuyển công tác sang Báo Thái Nguyên. Khi cháu trình bày ý định đó, chú lặng im hồi lâu, rồi chú bảo: “Cháu là người làm việc có trách nhiệm, giao cháu làm việc gì chú cũng yên tâm. Cháu đi chú rất tiếc, nhưng đi được sẽ tốt cho cháu hơn, về thu nhập, về phát triển, cháu sẽ trưởng thành. Vì thế chú đồng ý cho cháu đi.

Tâm trạng chú lúc này giống như lúc con gái chú chào cha mẹ về nhà chồng”. Mấy chục năm rồi, cháu vẫn nhớ câu nói ấy. Vì thế cháu mang tâm thế của đứa con đi lấy chồng, về cơ quan Hội là về nhà “mẹ đẻ”, đón nhận công việc của Hội như việc của mình.

 Nhà thơ Hà Đức Toàn (giữa) và ông Hoàng Văn Pao, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (trái), chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng tôi nhân dịp tôi được nhận Giải C bút ký, do Bộ Lao động và Thương binh trao (năm 1992)
 Nhà thơ Hà Đức Toàn (giữa) và ông Hoàng Văn Pao, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (trái), chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng tôi nhân dịp tôi được nhận Giải C bút ký, do Bộ Lao động và Thương binh trao (năm 1992)

Buồn thay, chưa thong dong tận hưởng cuộc sống hưu trí được bao lâu thì chú ngã bệnh. Nhiều lần đến thăm chú, cháu đề nghị: Chú ơi, chú viết cho cháu đi, trang văn hóa văn nghệ của Báo Thái Nguyên cần những cây bút như chú. Nhưng chú lắc đầu: Muốn viết lắm mà sức khỏe không cho phép nữa rồi cháu ạ. Công việc viết lách nhìn thế mà là lao động nặng đấy. Chú viết một trang là y như rằng hôm sau biết nhau ngay”.

Nhìn mắt chú, cháu thấy hiện lên nỗi buồn mênh mông. Một người đam mê sáng tác, coi viết như cơm ăn nước uống, có thể “múa bút” ở các thể loại như chú, đành chấp nhận buông tay, có lẽ không nỗi buồn nào lớn hơn.

Hôm nay tiễn chú về nơi vô định, cháu mừng vì từ nay chú không còn phải chịu đau đớn nữa. Chú lại làm thơ, viết văn và cười thật tươi trên những áng mây bồng bềnh kia nhé.

Vĩnh biệt chú Hà Đức Toàn quý mến của cháu!!! 

Minh Hằng

8 đã tặng

0

8

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Le nhat****@gmail.com

    Vinh biệt bác kính yêu của cháu

Cùng chuyên mục