Chung nỗi cô đơn
Trước mắt tôi hiện diện hai tác phẩm nghệ thuật dành cho thị giác: Tác phẩm đầu tiên đã quá nổi tiếng là bức tranh “Lại điểm 2” của Fyodor Reshetnikov vẽ năm 1952. Tác phẩm thứ hai là một bức ảnh (còn chưa rõ tác giả) tôi vô tình thấy trôi nổi trên trang facebook mà nhà văn Y Ban đã đăng từ ngày 10/7/2020.
Thật khiên cưỡng và khó khăn, khi so sánh một bức họa đã in vào chương trình cho một nền giáo dục tiên tiến - với một bức ảnh còn vô danh trong môi trường giáo dục vẫn đang miệt mài thử nghiệm,… Nhưng tôi lại cho rằng: niềm vui, ước mơ và cả nỗi tủi hờn của tuổi thiếu nhi, tuổi học trò thì ở mọi nơi chốn đều giống nhau. Bởi thế những tác phẩm văn học như “Không gia đình” của Hector Malot hay “Túp lều bác Tôm” của Harriet Beecher Stowe được các em trên khắp mọi quốc gia chào đón, đồng cảm và yêu thích.
Tôi không đi sâu để nói về bức hoạ “Lại điểm 2” nữa. Đã có quá nhiều những nhà phê bình mỹ thuật phân tích về ý nghĩa nhân văn của tác phẩm rồi. Tôi chỉ xin bạn đọc hãy một phút nhìn sâu vào bức ảnh mà nhà văn Y Ban đã khẽ khàng hỏi: “Em không được giấy khen phải không?”. Câu hỏi mà nữ văn sĩ đặt ra cho một bức ảnh chụp cả lớp, lại đúng vào giờ cuối cùng của năm học. Người chụp từ bàn của giảng viên và chắc hẳn đó là cô giáo chủ nhiệm. Cô chụp cảnh cả lớp nâng trên tay tờ giấy khen, như cốt để lưu lại thành tích hiển nhiên của thày trò trong một năm cật lực phấn đấu… Nhưng kìa: Ánh mắt người xem lại hướng vào một cậu học trò như đang cố thu mình lại. Song dù cố gắng mấy, thì cậu cũng không thoát được bị chụp hình chung. Khi cả lớp có giấy khen giơ lên, thì tay cậu lại không biết để làm gì... Sự khác biệt tựa tích truyện của con cừu đen trong đàn cừu trắng. Chú cừu chẳng thể tự đổi màu lông cho mình, bơ vơ lạc loài ngay khi còn đứng ở trong bầy.
Bức ảnh không có tựa đề, cũng không thấy tên tác giả. Người ta có thể nhận ra trong cái khoảnh khắc bấm máy đắt giá của cô giáo ba kiểu gương mặt nổi bật đầy khác biệt của lớp học. Đầu tiên là những khuôn mặt bừng sáng như tờ giấy khen trên tay của những học sinh nhất loạt hướng lên bục giảng. Khuôn mặt thứ hai không nhìn về phía cô giáo, mà ngạo nghễ quay sang cậu bạn ngồi cùng bàn đang buồn thiu ngay bên phải của mình. Khuôn mặt thứ ba không nhìn lên bục giảng, dường như không thấy đám bạn cùng lớp đang hân hoan tận hưởng niềm vui được nâng niu thành tích cá nhân - cậu lại hướng ánh mắt về phía cửa ra vào, một chân co một chân duỗi: thể hiện bản tính hiếu động và cả sự phản kháng ngấm ngầm. Thứ cậu đang mong ước, đang khát đợi lúc này là tiếng trống trường cuối cùng của năm học cất lên. Lúc ấy cánh cửa kia sẽ được mở ra, cậu hẳn là người đầu tiên vọt ra khỏi lớp, sẽ xuống cầu thang hai bậc một lần bước, lướt qua cổng trường bằng nhịp chạy thật nhanh, cốt để giấu những giọt nước mắt tủi hờn văng theo gió…
Là phụ huynh người Việt, ai cũng đã biết cái gì sẽ chờ cậu ở nhà: Một không khí nặng nề của cả gia đình trong bữa tối. Rồi cậu sẽ không được hiện diện trong buổi tôn vinh của dòng họ cho những học sinh xuất sắc trong năm. Cậu cũng không được Ủy ban nhân dân phường sở tại trao quà. Và tệ hại hơn khi cơ hội để được tuyển vào lớp chọn cho năm học kế tiếp đã khép chặt…
Trở lại với tác giả (còn vô danh) của bức ảnh. Ở góc độ chuyên môn về nhiếp ảnh, tôi thầm kính phục sự nhanh nhạy để chớp được cái cơ hội có một không hai mà mọi phóng viên ảnh đều ao ước. Cũng không phải vô tình, mà điểm mạnh của bức ảnh lại nhấn vào cậu học sinh không nhận được giấy khen. Ngày kết thúc năm học có lẽ đã khiến cô giáo chủ nhiệm tự thấy không được trọn vẹn. Chính khuôn mặt buồn tội nghiệp, thơ ngây của đứa học trò đã làm cô như mắc nợ với cuộc đời. Và sau cú nhấn chụp, chắc sẽ kéo theo giọt nước mắt của nỗi lòng trắc ẩn… Đồng cảm với bối cảnh mà người giáo viên chủ nhiệm đã san sẻ, nhà văn - nhà giáo Y Ban (tác giả của “I am đàn bà…”) đã thốt lên lời động viên bé: “Chỉ cần thành một người tử tế. Người tử tế nhiều việc làm lắm bé ơi”.
Xem một bức ảnh, mà khiến người ta phải nhìn rộng ra tính nhân văn ở các “phong trào” khen thưởng của ngành giáo dục và cả xã hội Việt Nam hôm nay. Lợi ích nằm ở đâu, nếu như đã để tổn thương chỉ một tâm hồn thơ trẻ?
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...