Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:24 (GMT +7)

Chú ý thẩm mỹ của nhà thơ đương đại

Chú ý thẩm mỹ là giai đoạn khởi đầu cho quá trình hình thành cấu trúc thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo. Chủ thể trong không gian đương đại có xu hướng chú ý vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống cá nhân, bản thể, những vấn đề có tính phổ quát của nhân loại, giống loài, giới tính, dân tộc tính, những hiện diện mang giá trị nhân văn hoặc phản nhân văn, những sự kiện tự nhiên, xã hội, chính trị, văn hóa có khả năng tác động đến con người trong tư cách là một cá thể sống gồm cả phần tự nhiên và văn hóa (E. Morin). Cùng với những chú ý này, chủ thể sáng tạo cũng không ngừng tra vấn những di sản từ quá khứ, những diễn ngôn đã và đang kiến tạo thế giới, những quyền lực chi phối trật tự, cấu trúc lịch sử xã hội,… Một điều cần phải ý thức ngay ở đây là, thi sĩ, với tư chất của mình, dường như mọi sự kiện của đời sống, lịch sử, hiện tại và những dự tưởng về tương lai,… đều có thể được thu vào trong trường chú ý của họ.

Chú ý thẩm mỹ trả lời cho câu hỏi: thi sĩ chú ý đến cái gì trong đời sống mà anh ta đang hiện diện? Lý Trạch Hậu trong Bốn bài giảng mỹ học cho rằng: “Chú ý thẩm mỹ không trực tiếp liên hệ và cũng không quá độ nhanh tới suy nghĩ logic, ý nghĩa khái niệm mà dừng lại lâu hơn ở bản thân cấu trúc hình thức của đối tượng, đồng thời từ đó mà phát triển các chức năng tâm lý khác như sự tham gia của hoạt động tình cảm, tưởng tượng”. Có thể nói, chú ý thẩm mỹ trở thành giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành kinh nghiệm thẩm mỹ của chủ thể. Và vấn đề ngay lập tức xuất hiện ở đây chính là chú ý thẩm mỹ của thi sĩ đương đại cũng có những nét khác biệt với các giai đoạn trước. Trong hình dung có tính đối sánh, chú ý thẩm mỹ của thi sĩ thời Thơ mới hướng vào bên trong, khai thác thế giới nội cảm của cái tôi cá nhân, nhiều khi biệt lập giữa cá nhân với cộng đồng. Nói cách khác là thi sĩ Thơ mới đi tìm mình. Trong khi, thi sĩ đương đại vừa tìm mình vừa đi tìm tha nhân, vừa khám phá hành trình trở lại thế giới của cái tôi cá thể vừa phóng chiếu sự chú ý của mình đến thế giới, nhân loại. Kết quả của quá trình tìm mình, thi sĩ thấy con người cá nhân sinh động, phong phú vốn bị khước từ, đồng hóa suốt lịch sử mỹ học trung đại. Quá trình tìm mình và tìm kiếm tha nhân của thi sĩ đương đại vừa thấy con người cá nhân (vốn cũng không trùng khớp với con người cá nhân Thơ mới) vừa thấy được những hình thái sinh động của sự sống từ tha nhân, từ thế giới “phi nhân”. Một vấn đề nảy sinh từ đây: Cái tôi Thơ mới luôn cảm thấy cô đơn - bởi nó chỉ thấy nó. Trong khi, cái tôi bản thể trong thơ đương đại lại mang cảm trạng cô độc - thấy mình, thấy tha nhân, nhưng luôn bị mặc cảm chia cắt, ngăn trở, chối bỏ - đóng kín như là một trạng thái khách quan hoặc xuất phát từ chính khả năng mở của thế giới mà con người đương đại chưa kịp trang bị khả năng thích ứng, bất lực. Khủng khiếp hơn nữa, con người đương đại thấy cô độc chính khi đối diện bản thân mình, thấy xa lạ với chính mình: Nhưng jao lưu với ai. Thoạt, tìm mãi không ra. Soi gương cũng không thấy. Anh lại “đi xa ra fố nửa jờ”. Về - Thấy! Vội lấy jấy bút ra jao lưu hẳn với người không quen. Không quen có một mùi hương vị. Hương vị từ lâu không thấy ở quen. Thèm cái mùi không quen này! Tưởng chừng như khát. Thư “Tôi thèm quá! Thèm cái không quen. Tới với tôi đi người không quen ạ người ơi! Thiết tha- khẩn khoản - van nài - S.O.S” (Ô Mai - Đặng Đình Hưng). Thế giới đang kiệt quệ trong sự cô độc, thiếu vắng sự liên kết, thông tỏ đã tác động rất lớn đến chú ý thẩm mỹ của Đặng Đình Hưng. Trong những điều kiện ngày càng tối ưu của việc kết nối, có thể nhận ra những mối liên hệ ngày càng rộng lớn, chằng chịt, đồng thời cũng nhận ra những bi kịch đến từ việc con người bất lực trước cánh cửa của tha nhân. Thi sĩ là người nhạy cảm, hơn ai hết, họ thấy rõ những cô độc của đời sống đương đại:

Hôm qua, tôi ghé αlfa

αlfa không có nhà

Ồ gặp nhau rồi, sao vẫn cứ li

một nắm hột khuya rắc vào Bến lạ

Đời jì

Sao cứ đi đi, những cái vali cứ về Bến lạ!

(Bến lạ - Đặng Đình Hưng)

Chú ý thẩm mỹ trong cấu trúc tinh thần của con người đương đại không chỉ là những điều thuộc về hình thức của đối tượng. Rộng lớn, sâu xa và siêu hình hơn, đó là toàn bộ hiện hữu ở chiều kích của sự tri nhận, cảm biết, hữu hình và vô hình, tự nhiên và xã hội,… Sự chú ý vào phần bản năng, tự nhiên, giống loài, giới tính, tâm linh, vô thức, sự phản tư, thức tỉnh, những tưởng tượng, phi lý, phi luân… đã cho thấy quá trình bù đắp vào đời sống của con người bản thể vốn từng bị thiếu khuyết, bị che lấp, tước đoạt, bị kết án, loại trừ từ những quy ước quyền lực, hợp thức (chân lý - tri thức - đạo đức - luân lý - văn hóa,…):

Chị xanh xao nhẹ nhõm trên bàn đẻ

Mặt cô đỡ rạng rỡ nâng trên tay

Một vì sao

Tôi giật mình ngoảnh lại

Gặp chị đang cất giấu

Niềm vui hoang thai

(Người sáng tạo - Dư Thị Hoàn)

Người đọc thơ đương đại có thể nhận ra trong những sáng tác của các tác giả thời kỳ này, chất sống - chất thơ đã được nới rộng, khơi sâu bởi sự xuất hiện, tái sinh hay biến mất của các hệ giá trị:

Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất

Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

(Đò Lèn - Nguyễn Duy);

Ấu thơ biến mất cùng những bóng ma

Những ham muốn thời trẻ trung cũng mất

Điều gì kia không chảy cùng sông?

(Tuổi bốn lăm ngồi cạnh sông - Nguyễn Bình Phương)

Cần phải nói tới một chú ý thẩm mỹ có tính truyền thống trong thơ Việt Nam, đó là Tổ quốc. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Tổ quốc luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong tâm thức con người. Tuy nhiên, sau 1975, tổ quốc lại được chú ý từ góc độ giá trị vĩnh hằng, không gắn với các giá trị thuộc về vương triều hay thể chế chính trị. Trong tâm thức con người đương đại nói chung và thi sĩ nói riêng, sự quan tâm đến vấn đề Tổ quốc được định nghĩa là tình yêu thương, sự gắn bó, bảo vệ bất chấp máu xương, cái chết. Những hiến dâng này không vì lợi ích của vương triều hay sự chi phối của một hệ tư tưởng nào. Đất nước, Tổ quốc là lãnh thổ, văn hóa, văn hiến, là trầm tích của ngàn năm gây dựng, đắp bồi bởi nhân dân lao động:

Đất nước này là đất nước của nhân dân

Đất nước của ca dao, thần thoại

(Mặt đường khát vọng -

Nguyễn Khoa Điềm);

Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi

Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời

(Những người đi tới biển - Thanh Thảo)

Sự phân hóa thành nhiều khuynh hướng, nhiều thể nghiệm, khả năng kiến tạo chân dung nghệ thuật một cách độc đáo vừa là nhu cầu vừa là khế ước của hiện hữu thơ ca. Chú ý thẩm mỹ do đó cũng khó có thể được bao quát hay xâu chuỗi một cách toàn diện. Trong một nghiên cứu về Ba khuynh hướng vận động của thơ Việt Nam đương đại, chúng tôi bước đầu phân tích những động hướng của thơ trên bình diện nội dung, mỹ cảm, hình thức nghệ thuật (khuynh hướng bảo lưu truyền thống, cách tân trên cơ sở kế thừa truyền thống, cách tân). Từ ba khuynh hướng này, chưa hoàn toàn bao quát được đối tượng, nhưng có thể nhận thấy hướng chú ý của các chủ thể sáng tạo. Chú ý thẩm mỹ trong không gian đương đại vừa mang đặc tính tự nhiên vừa mang đặc tính văn hóa, không biệt lập với các “phổ niệm” (N.V. Stankevic) của cộng đồng, dân tộc, thời đại. Các thi sĩ đương đại có thiên hướng chú ý đến những khía cạnh của đời sống vốn bị khuất lấp, chưa được chú ý trong thơ ca các giai đoạn trước. Điều này cũng là một tất yếu trong những điều kiện cho phép của lịch sử xã hội. Cũng cần nói thêm, sự thay đổi của chú ý thẩm mỹ cũng có nguồn gốc từ chính sự thay đổi của lớp công chúng mới, thị hiếu mới và bản thân cảm quan nghệ thuật, cảm niệm triết học mới về đời sống, nghệ thuật của chủ thể sáng tạo. Người đọc sẽ nhận ra, trong thơ hôm nay, những biểu hiện muôn hình sắc của đời sống dân sự, của không gian mở, đa hệ thống, không loại trừ các thể nghiệm. Cùng với những đối tượng vốn được xem là mỹ, thơ nói chung và văn học, nghệ thuật hôm nay chú ý cả đến cái xú, cái ác, cái tục, cái bất toàn, bề sau, mặt trái, thiểu số, ngoại biên, phi chính thống, phi trung tâm,… Cái nhìn giải thiêng, giải cấu trúc đã đem đến những hình dung khác về những di sản của quá khứ, kiến tạo những thực tại mới khác với quy ước, những quan niệm mới về thơ làm lật nhào lý thuyết thể loại. Từ góc độ này, trong sự khách quan cần thiết, không thể không nhắc đến những thực hành sáng tạo của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, Từ Huy, Trần Nguyễn Anh, Đặng Thân, một số nhóm thơ trong nước qua hình thức tự xuất bản (photocopy), các nhà thơ hải ngoại,… Từ sự chú ý của các tác giả này, chúng ta nhận ra đòi hỏi khẩn thiết về tính hợp thức của những “nghịch luận” (T. S. Kuhn) như là trạng thái sống động của xã hội dân sự, của nền thơ ca tự do.

Tư chất nghệ sĩ tạo nên nền tảng, thiên hướng cho chú ý thẩm mỹ. Chú ý thẩm mỹ tạo nên dưỡng chất cho cảm hứng. Cảm hứng nảy sinh trên cơ sở một thái độ, phản ứng của chủ thể trước đối tượng quy chiếu từ kinh nghiệm thẩm mỹ sẵn có. Thông thường, cảm hứng thẩm mỹ là kết quả của một sự tác động gây nên trạng thái hưng phấn do bị kích thích, thách thức, đe dọa, phủ định dẫn đến mê say, vui sướng, tự hào, hạnh phúc, hờn giận, lo âu, sợ hãi, chán chường, mai mỉa,… Sự thúc ép một cách không thể cưỡng lại được khiến thi sĩ có nhu cầu “cấp cho nó một biểu hiện nghệ thuật”. Với quan niệm này, Hegel đã nhấn mạnh đến đối tượng mà chủ thể quan sát, để ý và rung động. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng, bản thân mỗi con người, mỗi nhà thơ đã mang sẵn những kinh nghiệm thẩm mỹ, tri thức, văn hóa, các hệ giá trị nhất định. Bởi thế, chú ý thẩm mỹ làm nảy sinh cảm hứng không hoàn toàn là sản phẩm biệt lập, đột khởi. Sự tham gia của các hoạt lực khác đến từ trí não cộng với những rung động sâu xa của trái tim, những điều kiện ngoại cảnh thuộc về thời đại, văn hóa, quốc gia, thể chế,… đưa chủ thể tiến đến chiếm lĩnh một cách nghệ thuật nhất, đa dạng nhất đối với những dữ kiện của đời sống, làm nên tính sinh động của thơ ca, nghệ thuật.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy