Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
12:39 (GMT +7)

Chơi thơ và Thơ chơi

VNTN - Thơ Bút Tre là một hướng phát triển theo điệu nói. Tinh thần của nó là rút lấy cái cốt lõi của văn chương bác học mà trả về hơi thở dân gian tự nhiên, chân chất mà sảng khoái, mộc mạc mà dễ nhớ.


 

Chơi thơ

Tạm xa những vần thơ bác học, những vần thơ nghiêm túc và cả những vần thơ hũ nút để cùng nhau điểm lại thú chơi thơ của người xưa, cái thú đầy thanh tao và trí tuệ, đầy tài hoa và ngẫu hứng.

Bài “Cửa sổ đêm khuya” được viết từ hồi còn nhỏ của Hàn Mặc Tử là một ví dụ:

Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương

Lại cảnh buồn thêm nỗi vấn vương

Tha thiết liễu in hồ gợn sóng

Hờ hững mai thoảng gió đưa hương

Xa người nhớ cảnh tình lai láng

Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng

Qua lại yến ngàn dâu ủ lá.

Hòa đàn sẵn có dế bên tường.

Đọc ngược lại ta có bài thơ khác:

Bên tường dế có sẵn đàn hòa

Lá ủ dâu ngàn yến lại qua…

Hương đưa gió thoảng mai hờ hững

Sóng gợn hồ in liễu thiết tha…

 

Bỏ hai chữ đầu mỗi câu sẽ có bài thơ ngụ ngôn. Rồi lại đọc xuôi, đọc ngược bài thơ đó:

Nguyệt rọi cửa lồng gương

Buồn thêm nỗi vấn vương

Liễu in hồ gợn sóng

Mai thoảng gió đưa hương

Nhớ cảnh tình lai láng

Ngâm thơ rượu bẽ bàng

Yến ngàn dâu ủ lá.

Sẵn có dế bên tường.

 

Bỏ hai chữ cuối câu lại sẽ có một bài khác.

Và lại đọc xuôi, ngược, ta được 6 cách khác nhau.

 

Bài thơ “Vũ trung sơn thủy” của vua Thiệu Trị chỉ có 56 chữ Hán mà có thể đọc đến 64 bài thất ngôn bát cú, 64 bài thất ngôn tứ tuyệt. Nhưng chơi thơ như vua Thiệu Trị là cực khó, đa số các cụ đồ hay chữ thường chơi thơ “thuận nghịch độc” và phổ biến là xướng họa.

Về thơ điệp vận, cụ Nguyễn Khoa Vy có bài thơ “Si tình mà trách mình” điệp phụ âm “đ” như sau:

Độc địa đừng đưa đỗi đớn đau

Đây đà đoán đặng đủ đuôi đầu

Đa đoan đã đắng đời điên đảo

Đeo đuổi đành đi đến đến đâu

 

Nguyễn Bính có bài thơ “Không hẹn ngày về” sau đây:

Anh đi không hẹn ngày về

Chỉ đào ai buộc tóc thề ai chôn

Muốn gì, em muốn gì hơn

Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày

Môi khô vóc liễu thêm gầy

Anh xa, ai kẻ đôi mày cho ai

Thơ không làm trọn một bài

Đàn không gẩy trọn một vài khúc ngâm

Ông tơ lầm lẫn nên nhầm 

Ai cho sum họp, ai làm chia phôi

Chẳng thà đừng kết duyên đôi

Có yêu nhau lắm để rồi xa nhau

Tính năm tính tháng thêm rầu

Ấy hai con én ngang lầu bay bay.

 

Nếu ghép các chữ đầu mỗi câu lại, ta được một thông điệp: gửi cho người con gái có thể là Anh Thơ. Theo “Giai thoại Việt Nam” của Vũ Ngọc Khánh thì tác giả đã được đền đáp và Nguyễn Bính mấy ngày sau không rửa mặt đi từ Bắc Giang về Hà Nội để giữ dấu son trên má.

Một ví dụ khác, đó là thể triệt hạ (mất đuôi) - lối thơ thất ngôn bát cú nhưng câu nào cũng bị bỏ lửng như bị ngắt ở cuối. Tuy vậy người đọc vẫn có thể đoán được:

Thấy gái hồng nhan bỗng chốc mà…

Hỏi thăm cô ấy chửa hay đà…

Hình dung yểu điệu như là thể…

Diện mao thanh tao ngó tưởng là…

Ăn mặc ra tuồng người ở chốn…

Nói năng phải lẽ giống con nhà…

Ước gì ta được mà ta để…

Ta để đem về để nữa ta…

 

(“Gái hồng nhan” - Khuyết danh)

Nếu biết tiếng Pháp bạn có thể thưởng thức bài thơ hỗn hợp hai ngôn ngữ một cách thú vị. Bài thơ kể về tâm sự một thiếu phụ chợ Đông Ba xưa có chồng ở quân đội Pháp, khi quân Pháp thua về nước, hai người ở hai phương trời cách biệt. Bài thơ dài đến 28 câu, xin trích:

“De puis (từ khi) thiếp bén duyên chàng 

Plaisir (thỏa thuê) tính lại nồng nàn 

                                                  mấy khi

Misson (nhiệm vụ) chàng đã fini 

                                              (chấm dứt)

Trách LeCiel (ông trời) khéo bày chi 

                                               lỡ làng…

… Bonhe (hạnh phúc) ai nỡ bẽ bàng…”

 

Từ rất lâu rồi bài thơ “vô ngôn”, chỉ có các tín hiệu biểu cảm của tác giả Ernest Hemingway (Mỹ) đã làm một bài thơ thú vị, khêu gợi tính tò mò giải mã của nhiều người. Bài thơ như sau:

Hemingway là một nhà văn lớn của nước Mỹ, tác giả của “Giã từ vũ khí” (1929), “Chuông nguyện hồn ai” (1940), “Ông già và biển cả”… Ông nhận giải Nobel văn học 1954, ông ít làm thơ nhưng lại có bài đặc biệt này.

Sau đây là một vài nhận xét của một độc giả:

1. Dấu ngoặc kép (thay cho đầu đề) - biểu thị rằng thơ ngày nay lấy tha nhân làm cứu cánh. Dấu ngoặc kép tượng trưng cho sự trích dẫn.

2. Dòng thứ hai mã hóa sự đảo lộn ngữ pháp trong ngôn ngữ thơ hiện đại, dấu chấm than lẽ ra ở cuối lại đưa lên đầu. Dấu hai chấm lẽ ra ở cuối câu thì lại len vào giữa - đó là cú pháp văn nói, vừa kể ý mình vừa pha lời người khác. Dấu phẩy và dấu chấm có giá trị như chuẩn vị trí từ ngữ trong câu. Nếu không có các dấu này thì không có ý niệm về sự đảo lộn trước sau.

3. Hai dấu phẩy chơ vơ ở dòng ba biểu hiện một thứ hành ngôn cắt đoạn, lửng lơ không đầu không cuối, ngụ ý không kết thúc trong ngôn ngữ thơ hiện đại.

4. Câu thứ tư mang dạng “giả cổ điển”, biểu thị một hành ngôn phức hợp, vừa cổ điển. Dấu chấm than đặt cuối biểu tượng - một chủ nghĩa trữ tình truyền thống, một cú pháp kinh điển. Đây là khúc thơ thể hiện khá nguyên vẹn của ngôn ngữ thơ truyền thống mà ta có thể dễ dàng nhận ra. Nhưng nó là giả cổ điển vì vắng mặt thông điệp dưới dạng truyền thống - cái thứ yếu - những dấu chấm phẩy lên ngôi trong một trật tự có vẻ cổ điển.

5. Dòng kết bài thơ, chỉ là một dấu phẩy như nhân vật quan trọng nhất của câu biểu trưng, một hành vi giãn cách mà không phân đôi. Giống như cái mành mành, một đặc trưng của ngôn ngữ thơ hiện đại.

Tất nhiên còn có rất nhiều cách giải mã bài thơ trắng này và các nhà ký hiệu học trên thế giới cũng đã tốn nhiều giấy mực.

Thơ chơi

 

Thơ chơi là cách gọi nhằm nói về các bài thơ vui khi trà dư tửu hậu. Chẳng hạn, kiểu như bài “Vịnh con chó” rất cổ sau đây:

Quanh quanh đằng đít lại đằng đầu

Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu

Khi ngủ với nhau thì phải đứng

 

Quanh năm chẳng được chén chè tàu.

Đây là tác phẩm liên vận của bốn nhà thơ (vườn?) trong lúc ngồi uống trà búp (ngày xưa phải mua của Tàu).

Hoặc có thể kể đến bài “Thửa ruộng ba bờ”. Đây là một bài thơ dài, xin trích:

Thửa ruộng ba bờ cạnh dốc Mông

Từ độ anh đi vẫn bỏ không

Cỏ mọc tùm lum không ai xới

Em mượn thợ cày có được không?

Chồng từ xa thơ về:

Này, này ông nói có nghe không

Ruộng khô để đó mặc kệ ông

Khi nào ông rảnh ông cày cấy

 

Nhược bằng để đó cấm ai trồng

… Khổ cuối:

Thửa ruộng ba bờ cạnh dốc Mông

Vắng anh lắm kẻ đến dòm trông

Anh cứ yên tâm em sẽ giữ

 

Đùa tí cho vui để thử ông

Bài thơ “Con khỉ” của Vũ Hữu Chỉnh sau đây cũng thuộc loại này:

Ta quyết rằng ta tổ giống người

Hỡi đàn con cháu của ta ơi

Người bôi môi má, ta bôi đít

Họ vểnh râu mày tớ vểnh đuôi

Hễ thấy mồi ngon là phải nhảy

Còn hơn đĩ rạc lại choi choi

Ông không lịch sự làm chi hết

 

Hễ ngứa thì ông gãi gãi chơi.

Một trong những hình thức khá nổi bật của “Thơ chơi” là kiểu Thơ Bút Tre. Đầu tiên, kiểu thơ này do nhà thơ Đặng Văn Đăng (1911-1987, quê Phú Thọ) sáng tác theo trường phái dân gian. Phong cách thơ độc đáo, sáng tạo, giàu sức lan tỏa. Từ bút danh một nhà thơ, Bút Tre đã trở thành một dòng (trường phái?) riêng phát triển rất nhanh và rộng, từ Bắc vào Nam. Thi pháp của nó có thể tóm tắt như sau:

a, Lối vắt dòng gãy câu: “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điên Biên trở về”.

b, Lối viết tắt: “Cuối cùng xin nhắc một câu/ Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta” (đầu: hàng đầu).

c, Lối biến tấu thanh điệu: “Liên hoan có một nải chuồi (chuối)/ Ra về nhớ mãi cái b (buổi) hôm nay”.

 

d, Lối biến âm để tạo vần: “Chú về công tác bảo tàng/ Cũng là công việc cách màng (mạng) giao cho”.

Sau phong trào phát triển rộng rãi, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp, cuộc liên hoan văn nghệ nào cũng có thơ Bút Tre, rất nhiều sáng tác của quần chúng tạo không khí cho các cuộc vui văn nghệ, đặc biệt ở tính hài hước, gây cười vui vẻ ở tính sex, nhưng không phản cảm:

- Anh đi công tác Pờ Lây

Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra

Còn em, em vẫn ở nhà

Cửa (nhà) mình em mở kẻ ra người vào

- Liên Xô rất đỗi tự hào

 

Anh Ga-ga-rỉn bay vào vũ tru (trụ)

Thơ Bút Tre là một hướng phát triển theo điệu nói. Tinh thần của nó là rút lấy cái cốt lõi của văn chương bác học mà trả về hơi thở dân gian tự nhiên, chân chất mà sảng khoái, mộc mạc mà dễ nhớ. Vậy nên mới có thơ họa lại, rằng:

Hoan hô đồng chí Bút Tre

Thơ ngang phè phè mà lại hóa hay

Phải chăng trường phái thơ này

Làm cho ai cũng mê say thích nghè (nghe)

Ngày nay cuộc sống bộn bề

Nụ cười thuốc bổ ca vè dân gian

Bởi ai cũng có thể làm

 

Bút tre bút nứa lại càng bút bi

Thậm chí, người ta còn sáng tạo ra cả… Bút Tre Tây:

Một ông người Ốt - tra -lây (Australia)

Một ông đích thị là Tây bán nhà (Tây Ban Nha)

Một ông ở xứ Buôn gà (Bungari)

Cả ba ông ấy đều là con dê (rể)

Cùng nhau có một lời thề

 

Làm con dê cụ không về bên Tây (con rể cụ)

Cứ theo lối viết đó, đã có rất nhiều câu thơ vui vẻ, tinh nghịch, gây ấn tượng cho bạn đọc:

- Không đi không biết Tam Đao (Đảo)

Đi thì không biết chỗ nào mà ngu (ngủ) 

Một giường nó nhét hai cu (cụ)

Thôi thì cố nhịn để chu nhật về (chủ)

- Chồng em thì rất hay lười

Mà em thì lại là người cần cu (cù)

- Làm thơ nên tránh vần ồn

 Kẻo rồi lại đụng cái… hồn chị em

- Vui thay cái phận đàn ông

 Trời sinh ra lại có lông ở mồm

- Tình hình là rất tình hình

 Cho nên ta phải đi trình cấp trên.

 Cấp trên có tính hay quên

 Cho nên ta phải nắm thêm tình hình

- Chợ Đồng Xuân có tiếng đồn

 Có chị bán trứng vịt ... lộn thật to.

...

Trong cuộc sống bộn bề, hãy dành ít phút cho tiếng cười, biết đâu nó góp phần làm giảm thông số tiểu đường, huyết áp đang tràn ngập trong xã hội đồng tiền chúng ta.

Nguyễn Huy Đạt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy