Chìm đắm cùng không gian Tây Bắc qua nhạc kịch “Đi về phía Mặt trời”
VNTN - Chuyên nghiệp, thăng hoa, chân thật và hấp dẫn, là những điều mà người thưởng thức có thể cảm nhận được qua vở nhạc kịch “Đi về phía Mặt trời” vừa ra mắt khán thính giả Thái Nguyên trong ngày 1/9 tại Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân Gian Việt Bắc.
Được dàn dựng công phu, với gần 100 nghệ sĩ, diễn viên chủ lực của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc, đây là tác phẩm đầu tiên được Nhà hát xây dựng dưới hình thức nhạc kịch. Tác giả, tổng đạo diễn, NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc cho biết: Tất cả 20 ca khúc và nhạc múa trong tác phẩm đều được sáng tác mới, độc quyền do anh viết lời thơ với sự phối khí và dàn dựng âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như: Nhạc sĩ Đức Trịnh, NSND Trọng Đài, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Đức Tân. Và có cả phần sáng tác, phối khí của nhạc sĩ Vũ Quang Trung từ Hoa Kỳ và nhạc sĩ Cao Đình Thắng trở về từ Học viện Âm nhạc Tchaikovsky.
Về phần biểu diễn tác phẩm còn có sự tham gia đặc biệt của NSND Ngô Hoàng Quân - nghệ sĩ cello hàng đầu Việt Nam và sự trở lại sân khấu lớn của NSND Nông Xuân Ái, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc. Các nghệ sĩ vào các vai chính gồm: NSƯT Xuân Tứ trong vai Sạ, NSƯT Hồng Hạt vai Ính, NSƯT Minh Huệ vai Mát, Xuân Hưng vai Bân, La Bình vai Quan Ba...
Bằng sự tâm huyết với nghề và tình yêu với văn học nghệ thuật, NSƯT Lê Khánh Toàn đã chuyển thể từ truyện ngắn “Mường Giơn” của nhà văn Tô Hoài thành vở nhạc kịch “Đi về phía Mặt trời”. Với độ dài hơn 90 phút, tác phẩm đã đưa khán giả về miền ký ức, thấm đẫm chiều sâu văn hóa của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc.
Thập kỷ 30 - 40 của thế kỷ XX, dưới ách cai trị của phong kiến và áp bức của thực dân, người dân các dân tộc miền núi phía Bắc luôn chịu nỗi thống khổ về vật chất và bức bối về tinh thần. Được sự giác ngộ của Đảng, họ đã đứng lên đấu tranh bất khuất giành lại tự do.
Mang đậm chất sử thi “Đi về phía Mặt trời” được dàn dựng thành nhiều chương, cảnh, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc. Qua thanh âm, ca từ, vũ điệu, ánh sáng… tác phẩm đã kết nối người thưởng thức với thiên nhiên và con người Tây Bắc với những truyền thống văn hóa vô cùng tươi đẹp.
“Đi về phía Mặt trời” xoay quanh cuộc sống ở Mường Giơn với nhân vật Sạ - chàng trai người Thái là chồng của Mát (con ông Mờng). Theo phong tục, Sạ ở rể tại nhà vợ.
Cuộc sống của cả gia đình đang diễn ra êm đềm thì giặc Pháp kéo đến. Sợ hãi ông Mờng quyết định rời nhà, di tản cả gia đình sang Mường Lùm. Sạ không đi theo, anh ở lại Mường Giơn để chăn đàn trâu cho nhà vợ. Trong một buổi giặc đi càn, Sạ đã bị giặc Pháp bắn, và mọi người đều cho rằng anh đã chết.
Sống ở Mường Lùm không được, một thời gian sau ông Mờng và gia đình phải quay về nhưng ruộng đất của ông ở Mường Giơn đã bị bọn Tây lấy hết. Mát, bị quan Ba Pháp bắt đi biệt tích.
Chứng kiến cảnh giặc Pháp bắt chị đi, gây bao nỗi lầm than cơ cực cho dân bản, Ính là em gái của Mát rất căm thù. Bí mật liên lạc với cán bộ cách mạng đang hoạt động trong vùng, Ính cùng cả gia đình vận động dân bản không nộp thóc, không hợp tác với bọn giặc.
Dù bị thương nặng nhưng Sạ được cán bộ cách mạng cứu. Anh đã gia nhập vào hàng ngũ mặt trận Việt Minh, cùng trai gái các dân tộc trong vùng đứng lên, đánh đuổi quân Pháp ra khỏi vùng.
Cách mạng thành công, Mường Giơn giải phóng, được gia đình vun đắp, Sạ đã cưới Ính mà không cần ở rể theo tục cũ. Cả Mường Giơn vui mừng hạnh phúc.
“Đi về phía Mặt trời” đã thực sự là món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Mong rằng trong tương lai Nhà hát sẽ tiếp tục có những tác phẩm nhạc kịch hấp dẫn như vậy để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân Thái Nguyên và công chúng yêu nghệ thuật trên cả nước.
Quang Khải
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...