“Chiếc áo” trụ sở công quyền
VNTN - Nhắc đến đồng phục, ta thường nghĩ ngay đến những bộ trang phục na ná giống nhau về màu sắc, kiểu cách ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… Đồng phục của công trình kiến trúc không phải là chuyện mới mẻ, song nó gây tranh cãi trong dư luận, rằng một công trình đẹp, khang trang có phải là thứ quyết định năng suất lao động, hiệu quả của cơ quan sở hữu công trình ấy?
Sở dĩ đặt ra câu hỏi trên, là bởi cách đây ít ngày, trong buổi giao ban trực tuyến của TP. Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng thành phố cho biết đang tổng hợp ý kiến của các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Ý tưởng được đưa ra trước thực trạng các trụ sở đang không thống nhất về diện tích đất xây dựng, diện tích sàn sử dụng, dẫn đến việc đầu tư xây dựng quá lớn hoặc không thống nhất gây lãng phí trong đầu tư; ngôn ngữ kiến trúc thì cầu kỳ, chất lượng thẩm mỹ thấp và không phù hợp cơ quan công quyền. Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng mới là 483. Theo đó, hình ảnh công trình mới phải thống nhất nhận diện, tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện. Quy mô diện tích đất sẽ tùy theo khu vực, ví như trung tâm đô thị tối thiểu 300 m2, tối đa khoảng 2.000 m2, cao tối đa 6 tầng…
Câu chuyện “đồng phục” trụ sở trở nên “hot” khi nhận sự phản ứng từ chuyên gia kiến trúc. Tiến sĩ Khuất Tân Hưng (đại học Kiến trúc, Hà Nội) cho rằng, sử dụng mẫu chung cho các trụ sở công quyền là điều hết sức phi lý, bởi khu đất khác nhau thì kiến trúc sẽ phải khác nhau. Công trình mang tính đại diện như cơ quan công quyền thì không được làm hàng loạt, bởi nó sẽ là một điểm nhấn trong đô thị hay khu vực nào đó. Nếu làm điểm nhấn, nó sẽ phải mang đặc trưng, mang hơi thở, văn hóa của địa điểm đó; làm “đồng phục” thì bất cập. Các kiến trúc sư phân tích rằng, một công trình kiến trúc phụ thuộc nhiều vào diện tích đất, cửa, hướng…. Xu hướng hiện nay là kiến trúc bền vững, thích ứng với khí hậu, kiến trúc xanh…, nhà nào cũng giống nhà nào thì không xanh được.
Người ta nói đến tính cần thiết, cấp bách của các công trình, trụ sở công quyền. Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều dịch vụ công đã được số hóa, các cơ quan cũng được tích hợp với nhau để làm dịch vụ số, thì thiết kế “phòng ngang dãy dọc” hoành tráng để làm gì? Xét đến yếu tố thực sự cấp bách, bởi chúng ta đang đối mặt với nhiều thứ rất cấp bách hiện hữu, đó là việc bệnh viện quá tải; dân còn nghèo khổ, thiếu điện, đường; trường lớp tạm bợ, nhà tre vách đất dột nát; bội chi ngân sách và đầu tư công lớn…
Minh chứng bất cập, người ta nhắc chuyện cách đây mấy năm, tỉnh Bình Dương tiên phong xây dựng trung tâm hành chính mới, sau đó có thêm Đà Nẵng. Tiếp đến là hàng loạt các địa phương xin xây trụ sở trung tâm hành chính tập trung theo các cơ chế khác nhau như đổi đất lấy hạ tầng (BT), bán đấu giá trụ sở cũ để đầu tư trụ sở mới… Song việc này đã nảy sinh nhiều vấn đề về việc sử dụng vốn đầu tư công, chi thường xuyên dành cho trụ sở mới. Bởi có nhiều tỉnh nhu cầu về trụ sở tập trung không nhiều. Mặt khác, việc bán đấu giá trụ sở cũ không được kiểm soát, dẫn đến sự mất giá của “đất vàng”, gây nên tình trạng tư lợi…
Thêm vào đó, tình trạng khó khăn của ngân sách Nhà nước những năm gần đây cũng khiến Chính phủ, Quốc hội nói/ bàn nhiều đến tiết kiệm chi, ưu tiên đầu tư cho các vấn đề cấp bách. Những Chỉ thị về việc hạn chế xây trung tâm hành chính tập trung, tượng đài, quảng trường, lễ kỷ niệm... của Chính phủ; hay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng đầu tư xây dựng các Khu trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương lần lượt được đưa ra, hẳn đã là những giải pháp tối ưu và cần thiết.
Nhìn lại những lần các địa phương xin đầu tư, xây dựng trụ sở hành chính, thấy không ít con số gây choáng váng. Ví như ở Hải Phòng (10.000 tỉ đồng); Khánh Hòa (hơn 3.000 tỉ đồng); Nghệ An (hơn 2.100 tỉ đồng); Hà Tĩnh (khoảng 2.000 tỉ)... Và gần đây, Hà Giang là địa phương tiếp tục gây bức xúc trong dư luận khi đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trụ sở mới của tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 692 tỷ đồng qua hình thức xây dựng, chuyển giao và cho thuê dịch vụ. Trong khi đó, đây vẫn được coi là địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 74.313 hộ nghèo, chiếm 43,65%, năm 2016 có 7.016 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 38,75% số hộ nghèo… Dự kiến đến năm 2020, Hà Giang mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Suy cho cùng, việc xây dựng trụ sở công quyền dù là bằng hình thức nào đi nữa, thì cuối cùng đó vẫn là tài sản của nhà nước, của người dân. Dành kinh phí ưu tiên cho những việc cấp bách hẳn là đáng làm hơn chuyện mặc “đồng phục” cho trụ sở công quyền!.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...