Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
04:36 (GMT +7)

Chabbi Chabbi – nỗi khắc khoải phận người

(Đọc bài thơ Chabbi Chabbi của Quang Dũng trong Mắt người Sơn Tây,

Nxb. Nhã Nam & Hội Nhà văn, H.2012)

VNTN - 1. Hình như mọi thi sĩ tài năng, khi hiện hữu giữa cuộc đời đều có một cõi thơ riêng, một thi giới riêng, ở đó chất chứa những suy tư của thi nhân về con người, cuộc sống và rõ nhất là nỗi trăn trở về thân phận con người mà nhà thơ Quang Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, sinh thời Bùi Giáng - một “quái kiệt” trong thi đàn dân tộc, khi đọc thơ Quang Dũng đã có cảm nhận khá tinh tế: “Thơ Quang Dũng hiện ra tại chỗ chênh vênh bát ngát và thê thảm nhất trong sử lịch con người. Nó chỉ đạm nhiên và thống thiết khơi rộng khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đề được nhận định và tìm lời giải đáp”(1). Bùi Giáng đã không sai khi xác quyết một đặc điểm thơ Quang Dũng mà qua sự sàng lọc bởi thời gian nó đã chứng tỏ giá trị vĩnh hằng: thơ Quang Dũng mang màu hiện sinh rõ nét, cho nên nó luôn khơi gợi cho bạn đọc suy tư về thân phận con người trong cõi nhân sinh đầy trắc ẩn, vô thường - và có lẽ đây cũng chìa khóa để lý giải vì sao thơ Quang Dũng ra đời trong khí quyển của những năm kháng chiến nhưng vẫn mang một phẩm chất mỹ cảm riêng, độc đáo, kỳ lạ, không bị lẫn vào dàn đồng ca của thơ ca cùng thời, và tạo được sức truyền cảm lạ lùng, quyến rũ tâm hồn bao thế hệ bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua.

2. Trong tinh tuyển Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng (Nxb.Nhã Nam và Hội Nhà văn, H.2012) bên cạnh những bài thơ đã đi vào tâm cảm của độc giả nhiều thế hệ và ngự trị trong tâm thức họ như một tượng đài thơ ca bất tử như: Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Mây đầu ô,… thì Chabbi Chabbi là một trong những bài thơ mang vẻ đẹp ẩn tàng, thể hiện những khắc khoải của Quang Dũng về thân phận con người mà ở đó không chịu sự chi phối của bất cứ một hệ lụy nào của các thể chế xã hội ngoài sự chi phối của những giá trị nhân bản trong cách nhìn nhận về con người. Vì vậy, đây cũng là một thứ tượng đài khác, tượng đài về phận số con người trong khói lửa của chiến tranh cần được thức nhận trong suy tư người đọc.

Với tám mươi câu thơ dài, ngắn, tiết tấu khác nhau - Chabbi Chabbi thống thiết vang lên như một bản bi ca lạ và độc. Nó lạ bởi đối tượng mà nhà thơ quan tâm là người lính bên kia chiến tuyến, là “kẻ thù” của cộng đồng dân tộc, và trong “tâm lý đám đông” họ là những người đáng bị “nguyền rủa”, bị “trả thù” chứ không phải “tiếc thương”; nó độc bởi tư tưởng của bài thơ không cộng hưởng được với dàn đồng ca một giọng của thơ ca đương thời, nó là bài thơ khác giọng. Nhưng có lẽ cũng chính vì khác giọng nên bài thơ đã vượt thoát được sự trói buộc khuôn mẫu của thơ ca một thời, vươn đến tầm tư tưởng nhân văn, nhân bản sâu sắc mang tính phổ quát của thi ca nhân loại.

Trong Chabbi Chabbi là sự lắng sâu âm hưởng trầm buồn của nỗi niềm khắc khoải phận người qua hình ảnh những người lính Âu Phi - những con người bị bủa vây bởi muôn vàn bi kịch của đời sống: chiến tranh, chia ly, cái chết, nỗi cô độc và sự lãng quên.

Có thể tạm chia bản bi ca Chabbi Chabbi thành hai tiểu khúc: 40 câu đầu là cái nhìn của nhà thơ về kết thúc bi thương mà những người lính Âu Phi (trong đó có anh lính Chabbi) phải gánh chịu như những nạn nhân của cuộc chiến; 40 câu sau là những suy tưởng về thân phận lưu đày của con người qua hình ảnh nấm mộ Chabbi nơi đất khách quê người.

Ở tiểu khúc thứ nhất, âm chủ là giọng kể chậm, trầm, buồn, hiện thực diễn ra trước mắt người đọc phủ màu u ám, thê lương của sự chết, tất cả như một sự phi lý của kiếp người ám ảnh tâm thức thi nhân: Ngày đầu tiên hòa bình trở lại/ Trên đường về quê hương/ Tôi đã dừng chân/ Bên một nghĩa địa dài/ Nơi yên nghỉ/ Cả một tiểu đoàn lính giặc/ Mồ cao mả thấp ngổn ngang/ Trắng loáng những cây chữ thập…

Thời gian và không gian được xác định rõ ràng: “Ngày đầu tiên hòa bình trở lại” và “Bên một nghĩa địa dài”. Ngày chiến thắng trở về quê hương, là một người lính đã trải qua những năm tháng dài chinh chiến, lẽ ra cũng như bao người lính khác, Quang Dũng phải hòa điệu hát vang khúc khải hoàn. Nhưng với trái tim nhạy cảm của một thi sĩ, ông không vô tâm mải mê hân hoan trong chiến thắng mà đã lặng lẽ dừng chân nơi nghĩa trang của “một tiểu đoàn lính giặc” để suy ngẫm về những được mất của thân phận con người sau cuộc chiến. Lời thơ với những hình ảnh đầy sức ám gợi, không thể không đánh thức những ưu tư trong lòng bạn đọc: Nghĩa địa mùa thu đìu hiu, ám màu tang tóc: “cỏ nằm trong nước ngập mồ hoang” lẫn “Cái tiếng ễnh ương/ Làm khúc nhạc lữ hành/ Nhoi nhóp trên bãi mộ…”; bởi, bên dưới những ngôi mộ kia là thân xác con người. Họ là những nhân vị “có chức tước - quê hương”, có gia đình, vị trí xã hội, có một cái tên. Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả, để rồi họ chỉ còn hiện hữu là những nấm mồ hoang lạnh, tàn tạ sau cuộc chiến. Chỉ bằng một vài nét chấm phá, Quang Dũng đã phác họa đậm nét một hiện thực nghiệt ngã: chiến tranh gắn liền với mất mát, đau thương, những cái chết vô nghĩa và phi lý.

Trong lúc nhiều nhà thơ cùng thời vì nhiều lý do khác nhau không nói đến cái chết trong thơ mình, hoặc có nói đến thì cũng oai hùng hóa về cái chết thì trong thơ Quang Dũng, ta bắt gặp nhiều lần ông nhắc đến cái chết; cái chết trong thơ Quang Dũng như một thảm họa mặc định của chiến tranh, cái chết mang đầy nỗi ưu lo về phận người: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất…(Tây Tiến); Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Những xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi cũng có thằng em còn bé dại/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông…(Đôi mắt người Sơn Tây); Người bạn kia/ Đã không còn gặp lại/ Thân nằm trên một đỉnh Trường Sơn/ Rừng núi chiều nay/ Sương trắng mỏi mòn/ Trăng lặn sau mồ chiến sĩ… (Trên đường chiều thứ bảy).

Như vậy, trong suy niệm của Quang Dũng, chiến tranh luôn mang lại đau thương vô hạn cho con người mà cái chết là tận cùng nỗi đau thương đó. Tuy nhiên không phải cái chết trong chiến tranh mới đem lại đau thương mà trong quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh mọi cái chết đều là phi lý vì nó đều đem đến cho con người nỗi đau thân phận. Người chết là đi vào giấc “ngủ quên đời” nhưng người sống mang theo vết thương đau dai dẳng nhức nhối khó có thể chữa lành… Nỗi đau phận người dồn nén khiến thơ Quang Dũng nhiều khi bỗng chùng xuống và trở nên ngột ngạt, điều đó lý giải vì sao không gian trong Chabbi Chabbi và ở một số bài thơ khác lại u uẩn đến thế! Mặc dù cuộc chiến đã qua nhưng ông vẫn không thể thoát khỏi những ám ảnh của nó, nhà thơ thấm thía nỗi đau của kiếp người: “Ai biết được bây giờ/ tâm sự của những người/ ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng/ vào đáy hộp nữ trang...”(Đường chiều thứ bảy), ông rùng mình trước hình ảnh: “Cha già phơi áo rách/ Mẹ trông ngõ ngày dài/ Thương con thành hổ báo/ Thương một người con trai” (Nhớ bạn).

Cái chết thường khiến lòng người xót xa, thương cảm, nhưng còn xót xa hơn khi cái chết đến như một định mệnh đối với người trẻ tuổi. Đến phần sau của bài thơ, Quang Dũng bỗng chuyển điểm nhìn, từ tầm nhìn rộng, bao quát về những ngôi mộ cao thấp lớn nhỏ lô nhô trong “nghĩa địa dài” chuyển sang cái nhìn thu hẹp, cận cảnh. Nhà thơ đặc biệt chú ý đến ngôi mộ có “tấm bia đen/ ghi mấy dòng chữ trắng/ Chabbi Chabbi/ Trong tiểu đoàn Âu Phi/ Đã hy sinh cho nước Pháp”.

Thơ là tiếng gọi sâu thẳm của cõi vô thức và tâm linh kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của thi nhân, thơ Quang Dũng là sự kết tinh linh diệu của những phẩm tính này. Trước bia mộ của người lính Âu Phi có “tên như một bài thơ đẹp”, nhà thơ mường tượng, hình dung đây là người lính “tuổi còn xanh, mắt còn tha thiết”, và tiếp đó ông tự vấn lòng mình về anh lính Chabbi: Còn bao giờ về tới quê hương/ Có phải quê ở bờ sông Nin/ Hay là nơi trăng sáng/ Trên bãi cát dài bóng cây “bao báp”/ Trai gái nhảy bamboula/ Theo nhịp trống gợi hồn sa mạc/ Chabbi Chabbi/ Có bao giờ qua biển/ Để về với đất trời bên ấy… những câu hỏi dồn dập ùa đến trong tâm tưởng của thi nhân nhưng không có câu trả lời, chỉ thấy ẩn hiện đằng sau câu chữ là nỗi xót xa cho số phận hẩm hiu của người lính trẻ đến từ một nước Âu Phi xa xôi nào và đã chết thảm nơi đất khách quê người. Từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Chabbi trở thành kẻ bị lưu đày nơi viễn xứ mà không thể có ngày trở về quê hương, xứ sở; Người lính viễn chinh ra đi mãi mãi để lại sau mình sự ngóng trông, chờ đợi vô vọng của những người thân yêu… Đó là nỗi nhức nhối, thương tâm đối với một kiếp người: Hỡi mẹ nghèo ơi!/ Thôi cũng đừng mong/ Món tiền lương của Chabbi dành dụm/ Đổi bằng xương máu nằm đây…

Đọc bài thơ Chabbi Chabbi, tôi cứ liên tưởng đến bài thơ Đêm đại dương của Victor Huygo. Trong Đêm đại dương, cũng bằng trí tưởng tượng bay bổng phong phú, Victor Huygo hình dung cái chết bi thương của những người thủy thủ chìm sâu dưới đáy đại dương. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài thơ rất nhiều lần Victo Huygô nhắc tới mấy chữ như là một điệp khúc: Rồi chẳng ai còn nhớ, chẳng ai nhớ dáng hình anh nữa, chẳng còn ai biết đến tên anh nữa, hát điệu buồn ai nhớ anh đâu... Bi kịch bị lãng quên là bi kịch đau đớn nhất với những người thủy thủ. Bởi họ ra đi không để lại một dấu vết gì: không nấm mộ, không nhà mồ, không một lời trăn trối... Còn ở Chabbi Chabbi của Quang Dũng, người lính trẻ Âu Phi dẫu có một nấm mồ nhưng là nấm mồ hương tàn, khói lạnh nơi đất khách quê người. Cái chết âm thầm, vô nghĩa, “không một tiếng vang” của Chabbi và bao người lính khác vùi thân nơi viễn xứ cũng không thể tránh khỏi bi kịch bị lãng quên. Không một ai ở quê hương bản quán của Chabbi có thể biết anh ở đâu và số phận thế nào…thời gian chỉ càng làm tăng thêm sự lãng quên trong lòng người, cái tên Chabbi rồi cũng sẽ chìm theo ký ức mà thôi!... Có thể nói bài thơ Chabbi Chabbi đã khái quát được sự bi thảm của thân phận những người lính viễn chinh “đã hy sinh cho nước Pháp” trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và rộng hơn là thân phận bọt bèo của con người bị cuốn vào vòng xoáy những cuộc chiến tranh - đó là bi kịch của thân phận lưu đày, của cái chết, của sự cô độc và sự lãng quên...

Cuộc đời quân ngũ, trải nghiệm nhiều gian lao, vất vả, hiểm nguy, bệnh tật, chết chóc, hơn ai hết Quang Dũng thấu hiểu và cảm nhận được sâu sắc sự mong manh của phận người trong chiến trận. Chính vì lẽ đó, nên với Quang Dũng, dù là anh bộ đội cụ Hồ trong Tây Tiến hay người lính Chabbi đến từ Âu Phi xa xôi trong đội quân đánh thuê của Pháp, khi sống mỗi người có một cuộc đời khác nhau nhưng khi chết họ luôn để lại những nỗi xót thương đối với tha nhân vì họ đều là những con người nhỏ nhoi trong mênh mông vô tận của cõi nhân sinh đầy bất an này. Điều thương cảm của nhà thơ Quang Dũng ở đây có lẽ bắt nguồn từ chủ nghĩa cảm thương sâu sắc đầy tính nhân bản của người Việt Nam: nghĩa tử là nghĩa tận. Không ai nỡ đối xử tệ bạc với người đã mất cho dù đó là kẻ thù của mình khi sống. Chabbi Chabbi của Quang Dũng là hiện thân sinh động của tư tưởng nhân văn cao đẹp, bắt nguồn từ trong truyền thống đối nhân xử thế vô cùng tốt đẹp của dân tộc. Vì lẽ đó, những giá trị văn hóa này đồng thời cũng thuộc một hệ giá trị tư tưởng, nó cần được khẳng định trong thơ bài thơ Chabbi Chabbi nói riêng và thơ Quang Dũng nói chung.

3. Vũ Quần Phương khi tiếp nhận thơ Quang Dũng đã cho rằng: “Quang Dũng mang một tạng cảm xúc độc đáo, rộ lên trong ba bốn năm những bài thơ đủ làm nên tên tuổi một tài năng. Nhưng lúc rộ lên lại không cộng hưởng được với thời cuộc…”(2). Quả đúng như vậy! Quang Dũng là gương mặt thơ hiếm hoi mang một tư duy thẩm mỹ và nhân văn độc đáo. Nằm trong dòng chảy của thơ ca kháng chiến nhưng Chabbi Chabbi cũng như một số bài thơ khác của Quang Dũng mang một phong vị khác hẳn. Quang Dũng làm thơ không phải là để tụng ca, để tuyên truyền, mà ông làm thơ để trải lòng mình, để nói lên những trăn trở của mình về thân phận con người qua những số phận mà ông bắt gặp trên hành trình thiên lý của đời mình. Là một người lính nhưng cũng là một nhà thơ, Quang Dũng luôn nhìn mọi vấn đề qua con mắt riêng của mình, trình bày những suy cảm của mình với một lối tư duy độc lập, vì vậy thơ của ông bao giờ cũng thấm đẫm một ý vị nhân sinh rất Quang Dũng - vừa phóng khoáng, tài hoa, vượt lên mọi khuôn phép, nhưng cũng vừa lãng mạn, nhân ái và giàu mỹ cảm. Ngay ở khúc bi ca Chabbi Chabbi dù là cảnh tượng thê lương, não nùng của nghĩa trang và cái chết, dù là nỗi khắc khoải cho phận người bèo bọt, hẩm hiu… nhưng âm vang cuối cùng của nó vẫn là lời an ủi, chia sẻ, cảm thông vút lên trong sự giao cảm giữa người với người. Thế nên, Chabbi có thể bị lãng quên trên chính quê hương anh bởi nấm mộ của anh đang miên viễn nằm lại ở một nơi xa xứ nhưng anh sẽ sống trong lòng một người Việt Nam qua những vần thơ da diết của ông - đó là nhà thơ Quang Dũng.

Chabbi Chabbi vì thế mãi mãi tồn sinh với đời và thơ Quang Dũng, bởi đây là sự kết tinh của tài hoa độc đáo và bản lĩnh nghệ sĩ. Từ sâu thẳm trong cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ, của hình ảnh thơ là khát vọng mang tầm văn hóa nhân loại: hãy để mỗi con người khi đã sinh ra trên cõi đời được sống làm người hạnh phúc, đừng khiến họ trở thành nạn nhân oan nghiệt của chiến tranh và những điều phi lý! Cơn “chấn thương” tinh thần của tác giả - một người lính trong đoàn binh Tây Tiến cùng những khắc khoải về thân phận con người trong Chabbi Chabi giúp bạn đọc thấu hiểu hơn quan niệm nhân sinh của Quang Dũng, để từ đó thêm trân trọng tài năng, đức độ của ông và chia sẻ, tri âm sâu sắc cùng ông những khắc khoải khôn nguôi của một đời cầm bút: Vi vút nỗi mình ai thấu nhẽ/ Chao ơi tri kỷ ở ngàn phương/ Ðêm đêm gió cuốn từng cơn nhớ/ Từng trận sầu tư lướt thướt đường… (Buồn êm ấm).

(1), (2). Quang Dũng, Mắt người Sơn Tây, Nxb. Nhã Nam và Hội Nhà văn, H.2012. tr.9,224

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy