Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:26 (GMT +7)

Cầu thang trong ngôi nhà sàn của dân tộc Thái ở Điện Biên, Lai Châu

Sinh sống ở vùng biên giới của Tổ quốc, dân tộc Thái ở Điện Biên, Lai Châu có nền văn hóa phong phú và lâu đời. Nói đến văn hóa Thái, không thể không nhắc đến văn hóa nhà sàn. Nhà sàn và cầu thang nhà sàn là biểu tượng đặc thù trong văn hóa , thể hiện sự sáng tạo vô cùng độc đáo và đặc sắc của họ.

Một bản nhà sàn của người Thái

Người Thái có câu “Kho tàng quý báu ở ngay chân cầu thang nhà mình”. Giữa cầu thang và nhà sàn luôn có sự hài hòa, cân đối, tương xứng. Cầu thang có mặt hầu hết trong các sinh hoạt vật chất và tinh thần của đồng bào. Tuy chỉ là những bậc thang gỗ đơn sơ, mộc mạc nhưng lại chứa đầy ý nghĩa, phản ánh hiện thực cuộc sống của người Thái. Tìm hiểu về cầu thang nhà sàn Thái, chúng ta sẽ thấy được các phong tục tập quán, tín ngưỡng, thấy được giá trị thẩm mĩ, giá trị lịch sử và bức tranh kinh tế xã hội của dân tộc này.

Sự tích xưa kể rằng, người Thái ngày trước cũng làm nhà đất để ở, có một năm trời mưa to, nước ngập hết ruộng vườn, nhà cửa. Người Mông chạy lên núi cao, còn người Thái không lên núi mà làm nhà sàn để ở, tránh nước ngập, tránh rắn rết, thú dữ. Từ đó, nhà sàn là nơi người Thái tạo lập gia đình và chống chọi với gió rét. Nó là một chỉnh thể thống nhất giữa tính khoa học, hợp lí và tính mĩ quan.

Nhà sàn của người Thái thường có 2 cầu thang, bắc ở 2 bên đầu hồi ngôi nhà. Một bên cầu thang dẫn lên lan can đi vào cửa chính bên hồi để vào bên trong nhà gọi là “đay quản”. Một bên cầu thang dẫn lên bên nhà có sàn phơi và nơi đặt nước dùng gọi là “đay chan”. Vị trí đặt của cầu thang thường ở phía dưới của ngôi nhà, đối diện với nơi ngủ, vì đồng bào quan niệm: Nếu đặt cầu thang ở phía trên của ngôi nhà thì người đi trên cầu thang như đang dẫm vào đầu những người trong gia đình, dẫn đến người trong gia đình không được khỏe mạnh, thiếu minh mẫn.

Cầu thang nhà sàn dân tộc Thái

Để làm cầu thang, đồng bào phải chọn gỗ rất kĩ càng và có nhiều kiêng kị. Họ không dùng những cây gỗ trôi sông, cây cụt ngọn, cây chết đứng… mà họ sẽ vào rừng đánh dấu gốc, ngọn rồi mới chặt đem về nhà. Khi làm cầu thang, người Thái rất chú ý đầu gốc, đầu ngọn của gỗ, để khi bắc thang vào nhà sàn, gốc thang phải cắm xuống đất, ngọn bắc lên xà nhà. Vì người Thái quan niệm, bắc thang là trồng cây thang, nên gốc phải trồng xuống đất, ngọn vươn lên trời mới sinh sôi, phát triển.

Các bậc cầu thang bao giờ cũng là số lẻ có thể là 5, 7, 9, 11… vì họ quan niệm rằng số lẻ chỉ sự sinh sôi, nảy nở, phát triển còn số chẵn chỉ sự không đầy đủ, không phát triển. Vì thế, số bậc trên cầu thang nhà sàn phải là số lẻ thì người trong gia đình mới mong làm ăn khấm khá, con cháu đầy đàn, khỏe mạnh, còn cầu thang bắc lên nhà mồ, nhà bé (nhà thờ họ ngoại) bao giờ cũng là số chẵn và chỉ có đàn ông mới được lên xuống bằng “đay quản”. “Đay quản” là chiếc thang rất quan trọng dẫn lên gian thờ cúng (gian hoóng), là nơi linh thiêng trong một gia đình. Gian này chỉ có chủ gia đình là nam giới mới được vào, phụ nữ và con rể tuyệt đối không được vào gian này, dù là để dọn dẹp hay chỉ là đi qua. Phụ nữ lên xuống bằng “đay chan”, đây là nơi diễn ra các công việc nội trợ như nấu ăn, may vá…

Trong đời sống văn hóa tinh thần, cầu thang hầu như có mặt trong các phong tục, tập quán như sinh đẻ, nuôi con, mừng nhà mới, cưới xin, ma chay, cúng giỗ… Với đồng bào Thái, khi trong nhà có người vừa mới sinh, người nhà sản phụ thường làm “Ta leo” cài ở chân cầu thang để báo cho mọi người biết, khách lạ không được bước lên nhà. Người cha lấy tre đan một tấm phên cài lá xanh đóng ở chân cầu thang để mong cho em bé được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, tránh vía xấu, vía độc cho em. Khi đứa trẻ vừa mới ra đời, người được bước lên thang đầu tiên phải là người tốt tính, phúc hậu. Nếu không tuân thủ điều cấm kị trên, sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và đứa trẻ. Vì vậy, khi đến nhà người Thái, nếu gặp “Ta leo” ở chân cầu thang, nhất là khi lá vẫn còn xanh, thì chúng ta nên cẩn trọng, vì có thể gia chủ đang có việc gì cần kiêng kị như nhà có người ốm đau, có người vừa mới sinh hay đang làm lễ…

Hết tháng ở cữ, cha mẹ sẽ làm lễ “vắn hình chàng” cho trẻ, trong buổi lễ đó, cũng có mặt của chiếc cầu thang. Người ta lấy một cành dâu tươi bắc lên nhà sàn nơi người mẹ nằm sinh để làm cái cầu thang tượng trưng và đọc bài cúng để cầu mong cho trẻ không ốm đau. Khi bé trưởng thành, cầu thang chứng kiến những bước đi đầu tiên, đánh dấu sự cố gắng nỗ lực của em. Mỗi một bậc cầu thang còn là sự thể hiện tình yêu thương, lo lắng của người mẹ dành cho con.

Cầu thang còn là nơi hẹn hò của các chàng trai và cô gái Thái, là nơi cô gái chờ đợi người yêu. Mỗi bậc cầu thang lúc này như một cung bậc tình yêu đôi lứa, chứng kiến bao mối tình đẹp đẽ, thơ mộng, thủy chung.

Trong cưới xin, cầu thang cũng giữ một vai trò quan trọng trong các khâu dạm ngõ, ăn hỏi gửi rể, lễ cưới, lễ tạ ơn... Đặc biệt có nơi, gia đình nhà gái quy định năm ở rể dựa theo số bậc cầu thang lên nhà. Khi về bên nhà chồng, cô dâu phải lên nhà bằng cầu thang “đay chan”, khi bước lên thang, hai vợ chồng không được đặt chân vào bậc đầu tiên và bậc thang cuối cùng, mà phải bước qua để lên nhà. Làm như vậy sau này mối quan hệ giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng được hòa thuận. Nếu cô dâu hoặc chú rể đã qua một đời vợ/chồng thì khi bước lên nhà, cô dâu phải dùng chân đá cái bung đựng tro bếp bay xuống dưới đất, rồi mới được vào nhà. Điều đó có nghĩa là, tình cảm của người chồng/vợ với người vợ/chồng trước đã nguội như tro, phải đá tung đi thì cặp vợ chồng mới này mới được hạnh phúc. Trong quá trình ở nhà chồng, cô dâu không được xuống “đay quản”, không được vào gian thờ tổ tiên, không được ngồi ở đầu cầu thang.

Trong tang ma, với quan niệm “trần sao âm vậy”, người Thái cho rằng người sống cần có cầu thang để lên nhà sàn, vì vậy người chết cũng phải có. Tuy nhiên, người sống và người chết không thể đi chung một cầu thang. Để phân biệt cầu thang dành cho người sống và cầu thang cho người chết, đồng bào quy định về số bậc trên mỗi loại. Cầu thang dành cho người sống bao giờ cũng là bậc lẻ, cầu thang cho người chết là bậc chẵn. Vì vậy, nếu trong nhà có người chết, gia đình phải làm thang ma để đưa quan tài người chết từ trên nhà sàn xuống đất để đưa ra rừng ma. Thang đưa ma thường được làm từ gỗ hoặc tre đan buộc vào nhau thành một giàn rộng, chắc chắn, để những người khiêng quan tài cùng đi xuống được. Thang ma phải do các con rể, cháu rể làm. Vị trí bắc cầu thang ma có sự khác nhau giữa các vùng. Có vùng, thang ma bắc thẳng cửa hai bên đầu hồi nhà, nếu người chết là nam giới, cầu thang được bắc thẳng cửa bên quản, nếu người chết là nữ thì bắc thẳng cửa bên chan. Ở vùng khác, khi trong nhà có người mất, đồng bào phá bức vách ở phía dưới của ngôi nhà để làm cửa đưa ma. Khi chôn cất xong người mất, con rể, cháu rể… của người mất về phá thang đưa ma, dựng lại vách nhà và dọn dẹp nhà cửa. Khi chôn người chết ở rừng ma, người Thái thường làm nhà mồ và có cầu thang được bắc thẳng vào cửa nhà mồ.

Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, ma cầu thang được người Thái rất coi trọng. Ma này trú ngụ ngay trong cầu thang, chuyên canh giữ cầu thang và có trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ những người trong gia đình, không cho ma lạ lên nhà làm hại mọi người. Vì vậy, khi lên nhà mới, phải đọc bài khấn ma trước khi lên nhà và phải dậm chân vào bậc cầu thang ít nhất ba lần để gọi ma cầu thang lên giới thiệu chủ nhân của ngôi nhà. Hoặc khi nhà có giỗ, phải cắt tiết con vật được cúng giỗ, đem ít máu bôi vào chân cầu thang để cho ma cầu thang ăn. Làm như vậy thì ma cầu thang mới cho những linh hồn người chết được gia chủ mời về ăn giỗ lên nhà. Đồng bào kiêng kị việc đâm, chém vào cầu thang vì điều đó sẽ làm cho ma cầu thang tức giận, không bảo vệ gia đình nữa, các thành viên trong gia đình có thể bị ốm đau, tài sản sẽ bị mất mát.

Những phong tục tập quán về cầu thang của người Thái không chỉ là niềm tin thiêng liêng trong tín ngưỡng mà còn là khát vọng được sống bình an, hạnh phúc, thịnh vượng trong sự thương yêu đùm bọc của mọi người, trong sự chở che của thần linh, trời đất. Đồng thời chúng phản ánh lối sống, cách nghĩ, truyền thống đạo lí, những chuẩn mực đạo đức của đồng bào. Ngày nay, đời sống kinh tế - xã hội phát triển và có nhiều thay đổi, những tín ngưỡng về cầu thang tuy không còn nguyên vẹn như trước nhưng nó vẫn đọng lại trong tâm thức mỗi người bởi những giá trị nhân đạo, giá trị giáo dục rất lớn, đó là bài học phải biết ơn, coi trọng, bảo quản những vật dụng dù là bình thường nhất.

Đoàn Thanh Huế

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy