Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:35 (GMT +7)

Đình Giã Thù và chùa Di – Công trình văn hóa đặc sắc thời nhà Nguyễn

Tại tổ dân phố Giã Thù, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) còn gìn giữ được quần thể di tích đình Giã Thù và chùa Di có niên đại cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Khu di tích cổ kính này đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đi từ thành phố Thái Nguyên xuôi theo Quốc lộ 3 theo hướng từ Thái Nguyên về Hà Nội khoảng 30km đến phường Ba Hàng, rẽ trái đi 10km đến UBND phường Tiên Phong, rồi đi khoảng 2km là đến khu di tích.

Sắc phong cho thờ Dương Tự Minh, niên đại Thiệu Trị thứ 6 (1846) tại đình Giã Thù.

Đình Giã Thù và chùa Di đều thờ Dương Tự Minh còn gọi là Đức Thánh Đuổm hoặc Cao Sơn Quý Minh. Nhân dân tổ dân phố Giã Thù cũng như nhân dân từ thượng Đu Đuổm đến hạ Lục Đầu giang đều có lập đình, đền, miếu thờ ông để ghi nhớ những cống hiến lớn lao của ông trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, đồng thời coi ông là thành hoàng bảo vệ dân làng. Việc này minh chứng cho truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Đình Giã Thù được xây dựng trên một quả đồi, mặt ngoảnh hướng Tây, phía trước là cánh đồng Di. Đình có diện tích khoảng 80 m2, thiết kế hình chuôi vồ, mái lợp ngói mũi, với đầu đao vút cong. Trên đường bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên mảnh tường phía trước đình trang trí bức bích họa “bạch mã”. Đặc biệt phần tường “bít đốc” hậu cung đình còn lưu giữ được mảnh đắp nổi hình tượng hổ phù (con vật linh thiêng) dữ tợn, uy nghiêm - một nét đặc trưng phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Sân đình làm bằng vữa xi măng có bờ bó, hai bên sân dựng 2 gian nhà tảo xá dùng làm nơi khánh tiết trong các ngày lễ hội, phía trước mặt là ao và 2 giếng đình (tượng trưng mắt rồng) có từ lâu đời, hiện vẫn được người dân trong làng sử dụng.

Đình Giã Thù

Gian tiền tế dài 12m rộng 6m, chính giữa là một nhang án khá đồ sộ, mặt trước của nhang án chạm khắc đề tài dân gian truyền thống: kỳ lân hà đồ, lưỡng long tranh châu, rùa đội cuốn thư, cá chép hóa rồng… Mỗi bức chạm đều có nét đẹp riêng, được đặt trong những ô vuông nhỏ, trang trí diềm hoa thanh thoát. Trên nhang án đặt bát hương cổ màu da lươn, quai trạm trổ rồng cùng các cỗ đài đựng đồ lễ… đôi lọng đặt tương xứng hai bên, dưới nhang án có giá trị đặt bộ bát bửu (gồm kiếm, long đao…).

Kiệu Bát cống (thế kỷ XIX) tại đình Giã Thù

Trong hậu cung có bộ vì kèo lối “con chồng kẻ đón”. Đây là nơi thờ chính với thượng cung cao khoảng 1,8m, trên bày một phù kiệu chạm khắc rồng phượng, sơn son thếp vàng, 1 bình hương gốm cổ chạm khắc rồng, hộp đựng sắc phong. Cạnh đó là một cây quán tẩy là hình đầu phượng, phía dưới có chạm tứ linh, tứ quý, một lá sen để đựng nước “tẩy uế”. Toàn bộ cây quán tẩy còn lành lặn, sơn son thếp vàng, hình tượng dây hoa và linh vật liên kết hài hòa, uyển chuyển, thể hiện trình độ tài hoa của nghệ nhân xưa. Ngoài những hiện vật tiêu biểu trên, hậu cung đình còn nhiều đồ thờ khác.

Chùa Di được xây dựng trên một gò đất “khum khum gọng vó” của cánh đồng Di sát bờ đê Hà Châu. Chùa quay hướng Tây (theo quan niệm truyền thống là hướng Tây Trúc - đất Phật). Chùa có một gian Tiền đường khánh thành năm 2003 dài 12 m, rộng 6,5m, xây trên nền móng cũ. Trước đây là nhà Tiền đường to, rộng với cột lim và phiến đá kê chân cột hoành tráng, nhưng năm 1947 đã phá đi không cho Pháp lợi dụng để tấn công cướp phá.

Mái chùa lợp ngói mũi, với các đầu đao vút cong như cánh diều thanh thoát, trên bờ nóc đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”, kết cấu vì kèo mái theo kiểu “con chồng đòn kê”, phía trước mái hiên đắp nổi 3 chữ “Cổ Di tự”. Sân chùa có diện tích khoảng 60 m2, đặt một cây hương sát bờ bó sân. Trước cửa vào thượng điện có hai câu đối cổ ghi: “Từ môn hoằng độ khởi tam giới/ Phật đạo quảng thùy thanh vạn duyên” (có nghĩa: Cửa chùa này lòng sâu xa được mở ra từ cõi tam giới/ Phật đạo quảng đại, rộng lớn cũng vô cùng thiện duyên).

Thượng điện là nơi thờ chính đặt tượng pháp, có 3 gian, bộ vì kèo thể thức đơn giản. Toàn bộ khung nhà dồn trọng lực lên trên hai hàng cột đá cao trên 2 m, đường kính 30 cm (gồm 8 chiếc còn khá nguyên vẹn, có khắc ghi tên tuổi người cung tiến). Phật điện bài trí 11 tượng pháp, đặt ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế, rồi đến Thích ca, Bồ Tát và tượng Ngọc Hoàng cùng một số đồ thờ khác…. Hai bên Phật điện chùa đặt một tấm bia cổ hai mặt, có tên: “Trí hậu thiên bi” (Bia ghi nhớ đặt hậu) niên đại Minh Mệnh thứ 3 (1823) ghi tên tuổi của người hảo tâm đóng góp tiền của cho chùa được bầu làm hậu Phật. Bên phải nhà chùa dựng một nếp nhà nhỏ - Hậu đường làm nơi thờ Mẫu, trên ban thờ cao 90cm có đặt tượng Mẫu Thượng Thiên chùm lụa tía, hai bên là tượng công đồng nhỏ. Với diện tích 12 m2 nhà tảo xá phần nào hơi hẹp để làm nơi chuẩn bị lễ, cơm chay cho phật tử, con nhang khi vào chùa. Tuy quy mô không lớn, thiếu các hạng mục như: Tam quan, tòa thiêu hương, nhà hành lang… Nhưng với khuôn viên gọn gàng, xung quanh là đồng ruộng, không gian thoáng đãng đúng là chốn tu tiên. Đặc biệt chùa còn lưu giữ một số hiện vật có văn tự cổ, đó là: 8 cột đá, trong đó 1 cột ghi khá rõ họ tên người công đức và niên đại ngày rằm tháng 10 năm Bính Thân (1776) soạn văn dựng cột đá vào thế kỷ XVIII.

Đình Giã Thù thờ danh tướng Dương Tự Minh, một danh nhân lịch sử dưới thời nhà Lý đã có công đánh đuổi giặc giã phương Bắc, bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt. Đình Giã Thù là di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng gắn với tục thờ thành hoàng làng của người Việt, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần, một trung tâm lễ hội của dân làng Giã Thù và xã Tiên Phong nói riêng, thành phố Phổ Yên nói chung.

Điểm nổi bật nhất của Khu di tích Đình Giã Thù, chùa Di là kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Vào thời gian này nhân dân đã công đức tu bổ lớn. Đình được đại tu phần kiến trúc. Dấu vết kiến trúc đó thể hiện ở trên di tích là hình dáng kiến trúc ngôi đình, các đầu đao, lá mái, lưỡng long chầu nguyệt, đầu đốc hậu cung đình còn trang trí mặt hổ phù rõ sắc nét, đây là đặc trưng của phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn. Trong đình còn có các Sắc phong mang niên đại thời nhà Nguyễn như 3 sắc phong thời Thiệu Trị năm thứ 6 (1846) phong cho làng thờ Dương Tự Minh và Diên Bình Công chúa. Đây là mốc mang tính dấu ấn về sự kiện của di tích không thể bỏ qua. Tại chùa Di còn được nhân dân công đức tu bổ chùa cả phần hệ thống kiến trúc, tượng Phật sau đó có lập bia đá ghi lại bia mang tên Mãi Hậu thiên bia (Bia bán hậu Phật) niên đại Minh Mạng thứ 2 (1823).

Chính diện di tích Chùa Di

Cụm di tích Đình Giã Thù và Chùa Di là nơi thờ các vị thần có công với quê hương đất nước, nơi thờ Phật, thờ Mẫu theo truyền thống dân gian là công trình văn hóa tiêu biểu của nhân dân địa phương, là hình ảnh, là nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Các di tích này mang đậm nét dấu ấn của kiến trúc thời nhà Nguyễn, mang dấu ấn dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) trị vì, niên đại di tích nằm trong khung thời gian trấn Thái Nguyên được đổi thành tỉnh Thái Nguyên.

Đình Giã Thù cùng với chùa Di tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa, là một trong những công trình văn hóa tín ngưỡng còn lại nguyên vẹn không nhiều ở tỉnh Thái Nguyên. Chính vì những giá trị và ý nghĩa đó, Đình Giã Thù và chùa Di đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống nhân dân hiện nay.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy