Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
23:59 (GMT +7)

Khi người Nùng thương nhau

Khắp núi rừng Việt Bắc, từ lâu, tiếng sli, tiếng lượn cất lên ở đâu là ở đó có người Nùng thương nhau. Họ không cầm giấy để xem, không cần đàn để đệm, có chăng vài người cầm cây sáo làm duyên. Người tài hoa, ý nhị thể hiện trong từng câu đối đáp. Những cuộc sli, buổi lượn kéo dài bao lâu, không ai nhớ được, chỉ biết rằng: “Đêm ốm dài, đêm sli ngắn”.

Ông Hứa Văn Bóng, người Nùng Phàn Slình quê ở xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho hay, khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, ông đã theo các anh trong bản đến các cuộc hát sli vào những đêm trăng. Khi đã thuộc điệu hát, tìm được cách ứng đáp khéo léo thì ra phiên chợ, tìm gặp các tốp chị em mặc áo chàm xanh, chỉnh trang lại tác phong đứng đắn mới dám cất tiếng chào hỏi: "Nì à… soong hàu… Nả mấu hăn cần, nự phức hin. Ljàng slương so tụng, pền mí pền. Xo chào ti phát tèo lỏ mấư. Ti mì lo mấư phjải xinh dìn." (Bạn ơi... hai ta…Nhìn thấy người da trắng xinh. Mình muốn xin chào, có được không. Xin chào thì phát con đường mới. Sẽ có con đường đi đến cùng).

Người Nùng thương nhau từ câu hát sli, điệu lượn dài thâu đêm không có nhạc cụ đi kèm và hoàn toàn ứng tác

Tiếng đáp ngọt ngào cất lên, cuộc sli chuyển sang trò chuyện, hỏi thăm quê quán, gia cảnh, công việc hàng ngày. Núi rừng đẹp như tranh vẽ với chim muông, hoa lá. Bản làng được tô điểm với ánh trăng, bến nước. Dường như, vạn vật đều có hồn, được hai bên gửi gắm lời ướm hỏi, tình cảm ẩn trong đó nên người thông minh mới nhận ra. Chợ phiên đâu phải chỉ để bán mua? Có khi chúng bạn đang vui nửa chừng thì trời đã chuyển về chiều. Hai người vội vã giã từ kẻo sương mù nhanh lấp lối dài. Câu sli vương vấn trong đầu, đưa bước chân họ qua con đèo vắng cảm thấy nhẹ bẫng theo gió mây, ánh mắt trao nhau dần đầy thành nỗi nhớ để trằn trọc khôn nguôi. Phiên sau gặp lại, họ hát sli từ sớm sương đến tròn trăng, chén rượu hết men còn say đối đáp. Họ chuyển sang xưng hô: “Có ljàng ới”, “noọng slao ơi” và dần xích gần nhau hơn.

Không biết đã từ bao giờ, những nhánh người Nùng đến mảnh đất Thái Nguyên sinh sống, lập bản. Nhóm Nùng Cháo chủ yếu ở huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ. Nhóm Nùng Phàn Slình di cư từ huyện Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn xuống các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ. Nhóm Nùng Inh, Nùng An, Nùng Giang từ Cao Bằng vượt đèo Giàng, đèo Gió đến Phú Lương thì dừng chân lập bản, số còn lại tỏa sang huyện Võ Nhai rồi xuống huyện Phú Bình. Họ đem theo văn hóa của cha ông làm phong phú thêm đời sống tinh thần đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Họ tỏ tình bằng câu lượn, hẹn ước kết thành đôi.

Bà Hoàng Thị Hiến, ở khu vực Gang Thép (thành phố Thái Nguyên) đã hơn 60 tuổi, dù sinh sống ở thành phố đã nhiều năm nhưng bà vẫn mê đắm câu lượn Hà Lều. Tiếng ì, ì, à lều à lế như tiếng suối chảy êm đềm bên căn nhà sàn. Càng về khuya, không gian càng tĩnh lặng, cuộc lượn càng keo như mật mía. Bà Hiến bảo: Khi cất tiếng hát, tôi lấy khuỷu tay chống, bịt một tai để tập trung nghe giọng bạn mình cùng hát có thành bè thấp, bè cao hòa âm hợp lý chưa để tự điều chỉnh sao cho thành dòng chảy. Hát quyện lấy nhau, lựa lời đối đáp, giữ hơi thở cho câu từ bay lên da diết đến quên cả thời gian. Câu Lượn Hà Lều đẹp như người thương, khi lưu luyến chia tay để về nhà còn dặn: "Pỉ pay khoăn nhằng dú thang sàn. Bâư mạy tốc dá dan noọng nớ" (Anh đi, hồn ở lại cuối sàn, lá rụng đừng giật mình em nhé!)

Mỗi cặp có 2 câu, mỗi câu có 10 chữ, lượn Hèo Phươn được người Nùng An đối đáp trong ngày hội Thanh Minh, sau buổi quai bễ lò rèn, lúc nông nhàn. Hơn 30 năm rời quê Cao Bằng đến vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp, người Nùng An ở làng Quảng Hòa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã có cuộc sống ổn định, giàu có. Ông Nông Văn Thòn (SN 1957) tự hào chia sẻ: Bà con vẫn giữ được những mái nhà sàn, nghề rèn nông cụ, cưới hỏi, tang lễ, các ngày tết trong năm và làn điệu dân ca của dân tộc mình. Người già vẫn kể cho cho con cháu rằng ở quê, có đôi trai gái là Thanh và Minh yêu nhau say đắm, họ bị ngăn cấm bởi những hủ tục lạc hậu. Tuyệt vọng nên đôi trai gái đã tìm đến cái chết để có thể mãi mãi ở bên nhau. Lễ hội Thanh Minh ngoài cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, bà con còn mong lứa đôi thủy chung, gắn kết, hạnh phúc.

Người Nùng hát sli ở chợ tình, gặp gỡ và hỏi thăm người xưa

Duyên phận được ví như một dòng sông, đến một hẻm núi hay vượt ghềnh đá thì chia đôi ngả, có nhánh chảy ngược không thể tìm đến cửa biển, nhánh còn lại hợp dòng mới, trong đục cũng đành cặm cụi đổ về xuôi. Người Nùng thương nhau cháy hơn hoa chuối rừng, nhưng cũng không ít mối tình dang dở. Ai cũng buồn với huyền thoại Khau Vai (Hà Giang) của chàng trai Nùng và cô gái Giáy, để mỗi năm một ngày, bao trái tim thổn thức từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn lại không hẹn mà ngược gió lên miền đá giăng thành, đắp lũy tìm lại bóng hình xưa. Có người không gặp thì ngồi chờ hóa đá. Có người gặp lại không nói nên lời, nước mắt không đủ cho ba trăm sáu mươi tư ngày vất vả lo toan. Mối tình xưa vẫn như than âm ỉ.

Không riêng gì Khau Vai, mà ở Lạng Sơn có rất nhiều chợ hát sli khác nhau, như chợ tình Pác Khuông ở Bình Gia, chợ Tân Thành Hữu Lũng, Hội Háng Đắp ở Lộc Bình… chợ hát sli Háng Pỉnh. Cao Bằng có chợ Háng Toán ở Tổng Cọt (huyện Hà Quảng), Bắc Kạn có chợ Xuân Dương (huyện Na Rỳ), Bắc Giang có chợ tình xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn,…Thái Nguyên có hội Oóc pò (ra đồi) ngày xuân gặp gỡ. Mang theo hình ảnh người thương, các ông, các bà đến chợ, ngồi đợi bạn hát sli, hát lượn. Họ tin câu hát của lòng mình như màu chàm không phai. Câu hát hóa giấy ném vào lửa không cháy, thành cá lội ngược thác để gặp lại bạn cũ.

Khi gặp lại người thương, những mái đầu điểm bạc, bao gương mặt gió sương vẫn dành cho nhau những lời hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm cuộc sống thường ngày, đôi khi cũng lẫn câu trách cứ, tiếc nuối. Trước khi ra về, họ chúc nhau bằng tiếng hát: "Hết kin nhằng hun hỉ, pình an. Chàu mì cỏi chứ thâng chài đuổi" (Làm ăn được vui vẻ, bình an. Giàu thì nhớ đến anh nhé (Lời bài then của cố nhạc sỹ Đinh Quang Khải) hay: “Mai này cách xa còn nhớ mãi. Dù không chung sống cũng chung thời. Để ta mãi mãi còn luyến lưu”. (Sli Só sình)

Dân ca Nùng mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng. Ngày nay, bản có nhiều thay đổi, nhưng bà con vẫn nỗ lực giữ gìn các bài dân ca truyền thống của dân tộc mình để những làn điệu hát dân ca này vẫn mãi được lưu truyền ở vùng Việt Bắc.

Kỳ Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy