Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
23:57 (GMT +7)

Thắng cảnh đền, chùa Cao Báng – một dải non thiêng

Trên núi Cao Báng tại xóm Bờ La, xã Tân Kim, huyện Phú Bình có một ngôi chùa và đền, nên người dân thường gọi là Núi Chùa Cao Báng hay Núi Cao Báng. Núi có độ cao 257m so với mực nước biển, là điểm cao nhất của huyện Phú Bình. Núi gồm nhiều ngọn, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và bí ẩn. Nhờ có địa thế hiểm yếu nên quần thể này đã trở thành một danh thắng nổi tiếng, từng vang bóng một thời, được ghi vào sử sách như một dải non thiêng.

Tình cờ phát hiện

Ông Lâm Văn Điểm (70 tuổi), dân tộc Nùng, người sinh ra trên đất xóm Bờ La, xã Tân Kim, huyện Phú Bình kể: Cách đây khoảng hơn hai chục năm, người Mán ở địa phương đem thuổng đi đào hang tìm thú rừng về ăn. Lên sườn Núi Cao Báng, tình cờ đào vào một cái hang nhỏ, phát hiện ra một cổ vật bằng đá. Họ chẳng biết đó là vật gì, thấy lạ, hay hay, đem về nhà cất giữ. Ông Điểm bèn đi hỏi cán bộ văn hóa huyện, cán bộ văn hóa huyện lại giới thiệu lên cán bộ văn hóa tỉnh. Ông khăn gói quả mướp lên gặp cán bộ Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn khảo sát lấy nước Giếng Cô Tiên trên núi Cao Báng

Nhìn mấy tờ giấy bằng vở học sinh ông dán nối với nhau, trong đó có chép một số dòng chữ Hán Nôm chưa trọn vẹn đầy đủ của một văn bản nên chúng tôi đã đề nghị ông Điểm để lại tài liệu đó, tiếp tục nghiên cứu. Sau khi đối chiếu với lời kể, tư liệu của ông Điểm cung cấp cho Bảo tàng và theo đề nghị của các cơ quan chức năng của xã Tân Kim, di tích Đền, Chùa Cao Báng ở xóm Bờ La, xã Tân Kim được bổ sung vào Danh mục Di tích lịch sử văn hóa của huyện Phú Bình.

Thời gian sau có các chuyên viên ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm về Sở Văn hóa - Thông tin công tác đã tới núi Cao Báng sưu tầm tư liệu văn khắc Hán Nôm ở địa phương. Được các đồng chí lãnh đạo huyện, phòng Văn hóa - Thông tin giúp đỡ nhiệt tình, sau khi dùng các nguyên vật liệu in dập cổ vật, các cán bộ mới cho biết đó một nửa Cây hương đá cổ đã bị gãy đôi. Một nửa ông Điểm đang lưu giữ ngoài ra còn một nửa ở trên núi Cao Báng. Các cán bộ của viện Hán Nôm đã in dập nửa còn lại ở trên núi Cao Báng khớp nối với nửa kia mới dập ở dưới nhà ông Điểm thì đúng là toàn văn của Cây hương đá cổ có cách đây gần 300 năm tuổi đã hiện hữu tại mảnh đất có dấu tích Đền, Chùa Cao Báng. Và ông Điểm là một trong những người góp phần tìm ra cổ vật ấy.

Cao Báng - Một dải non thiêng

Từ chân núi Cao Báng đi lên là đất đá lớm chởm, mấp mô, có đoạn dốc thẳng đứng. Đứng trên đỉnh núi cao nhất phóng tầm mắt ra, nhìn thấy cả một vùng rộng lớn của huyện Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình và huyện Yên Thế (Bắc Giang). Tại đây xưa kia cỏ cây mọc rậm rạp, nhiều cây sim, mua, guột, nay được thay vào là cây keo tai tượng, cây mỡ một màu xanh mướt. Núi ngày xưa có tên là Đột Sơn, trên núi có di tích là đền và chùa. Đền có tên là đền Cổ Linh hoặc đền Đột Sơn và chùa Đột Sơn. Thông qua những tài liệu, biết rằng người xưa đã cho đây là một trong những ngọn núi thiêng của huyện Tư Nông (huyện Phú Bình), là nơi có di tích từ thời nhà Lê. Chùa thờ Phật, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được đưa vào sách địa chí. Ngọn núi này cao nhất ở địa phương, đền chùa ở đó có từ thế kỷ XVIII.

Đường lên đền, chùa Cao Báng

Kết quả khảo sát cho thấy: dấu tích đã được ghi chép trong một số cuốn sách như: Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí, Từ điển Thái Nguyên và Lịch sử Đảng bộ xã Tân Kim.

Một trong số di vật còn sót lại đó là cây hương đá cổ trên đó có khắc chữ Hán Nôm cho biết nội dung ghi công đức của một số người huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, phủ Hạ Hồng, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương công đức xây dựng chùa Cao Báng. Đá khắc bia lấy ở núi Kính Chủ (Hải Dương), cây hương lập ngày lành mùa Đông năm Nhâm Dần đời vua Lê Bảo Thái năm thứ 3 (1722).

Dấu tích nền chùa cổ được kiến thiết từ cao xuống thấp theo kiểu chùa Thượng - Trung - Hạ, bình đồ hình chữ nhật. Đường lên chùa chia ra 2 phía trái và phải. Chùa Thượng cao nhất có kiến trúc 3 gian tiền đường, sử dụng nhiều vật liệu đá. Trên nền chùa Thượng có 4 cột đá có ngõng lắp, một số tảng đá là chân kê, bàn thờ không còn nguyên vẹn nằm rải rác tại khu vực nền chùa. Hiện tại trên nền chùa xưa đã được dựng tạm ngôi nhà thờ Phật. Đằng sau chùa Thượng, phía bắc có 6 bụi tre gai, có 1 giếng nước nhỏ nằm dưới chân núi gọi là Giếng Cô Tiên, nơi nhân dân lên vãn cảnh chùa thường lấy nước dùng. Giếng nằm ở cạnh đường lên núi, cách chân núi khoảng 400m, cách đền Hạ 1.600m. Giếng hình tròn, lòng giếng được kè bằng đá và gạch hình chữ nhật. Nước tự nhiên chảy từ khe núi ra trong veo, mát lạnh.

Tương truyền, xưa kia Mẫu Liễu Hạnh công chúa là con Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế ở trên trời khi cùng 7 nàng Tiên bay từ trên trời xuống thấy nơi đây cảnh đẹp mê đắm lòng người, lại có dòng nước mát các nàng đã xuống đây vui chơi và tắm mát ở Giếng Tiên này. Vì Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh thương dân ở đây quanh năm vất vả mà chưa có cuộc sống no đủ nàng đã xin phép Vua Cha Ngọc Hoàng cho đầu thai vào làm con một nhà thường dân, tình nguyện ở lại nơi đây giúp dân làm lụng, sản xuất ra nhiều của cải làm cho dân có cuộc sống thịnh vượng, khang thái. Để tưởng nhớ công ơn của Bà nhân dân địa phương đã lập đền thờ Bà trên núi Cao Báng. Còn Đền Giếng nằm cạnh Giếng Cô Tiên thờ thần Long Mạch, Thủy thần và ông Hổ, vừa duy trì, bảo tồn nguồn nước trong lành, vừa gìn giữ bản sắc dân tộc của địa phương.

Năm 2021, lãnh đạo huyện Phú Bình phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tiến hành một cuộc khảo sát. Đoàn khảo sát đã được đẫm mình trong không khí trong lành, hưởng gió lành của đất trời non thiêng để tìm hiểu, nghiên cứu về núi, đền, chùa Cao Báng.

Hiện nay, dấu tích của đền Trung chỉ còn nền chùa bị cây cối và cỏ mọc phủ lên. Đền Hạ là công trình lớn hơn cả, đền này thờ Mẫu. Hiện còn đá tảng, chân kê, bia đá, bàn thờ bằng đá có soi gờ chỉ. Bởi di tích đền và chùa Cao Báng đang, đã bị xuống cấp qua thời gian và trải qua 2 cuộc kháng chiến. Khu vực đền, chùa Cao Báng còn là nơi trú quân của nghĩa quân Đội Giá trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1918 như trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Tân Kim và các nhân chứng địa phương kể lại: Vào cuối năm năm 1918, sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo tan rã, ở huyện Phú Bình có ông Đội Giá (Dương Văn Giá) người làng Úc Sơn, huyện Phú Bình đã theo ông Đội Cấn và ông Lương Ngọc Quyến đứng lên lãnh đạo binh sĩ Thái Nguyên khởi nghĩa đánh Pháp.

Sau khi khởi nghĩa thất bại ông cùng với một số lính đồng hương lui về ẩn náu tại miền núi Kim Đĩnh, trong đó có khu vực núi Cao Báng. Tại đây ông đã cho quân đào giếng, trồng tre quanh chân núi Cao Báng nhằm cố thủ, duy trì sức chiến đấu với quân thù. Song, lực lượng mỏng không thể chiến đấu với thực dân Pháp có quân đông, trang bị súng tây hiện đại. Cuối năm 1918, thực dân Pháp đã tổ chức bao vây tấn công truy quét nghĩa quân Đội Giá, trong trận này chúng đã bắt được ông và các binh linh, chúng đã đầy ải ông Đội Giá sang nước ngoài xa xôi, biệt tích từ đó.

In dập Cây hương đá (bia cổ) sưu tầm tư liệu di tích có niên đại thời nhà Lê Bảo Thái thứ 3 (1722)

Lễ hội Đền, Chùa Cao Báng diễn ra vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán cùng ngày với lễ hội di tích đền, đình, chùa Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình. Dần dần đã thành nếp, nhân dân địa phương và khách thập phương biết đến lễ hội, tới chiêm bái ngày càng đông. Tuy các công trình đang có tại núi Cao Báng còn là nhà tạm, khuôn viên cũng còn khiêm tốn nhưng cũng đủ giúp khách hành hương lên đền, chùa lễ bái. Các cột gỗ, mái lợp tôn màu đỏ tươi xa xa, hoà lẫn với màu xanh của cây rừng, trở nên gần gũi thân thương. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về từng đoàn người về đây leo núi, khám phá, thăm quan đền, chùa. Mùa hè, từng đoàn nam thanh, nữ tú lại kéo nhau về leo núi, thưởng ngoạn phong cảnh non xanh, nước biếc nơi đây.

Kỳ vọng ngày mai

Hiện nay, mô hình quần thể di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối đã trở thành một tuyến thăm quan du lịch nổi tiếng ở huyện Phú Bình. Lãnh đạo huyện Phú Bình đã trao đổi ý tưởng với lãnh đạo Sở VHTT&DL để sớm lập dự án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối và Đền - Chùa Cao Báng gắn với phát triển du lịch Phú Bình giai đoạn 2021 - 2035, tầm nhìn đến 2040. Việc thực hiện Quy hoạch sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài tỉnh, tạo thành tour tuyến du lịch lịch sử - tâm linh - sinh thái, gắn kết công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch bền vững. Khi được đầu tư tôn tạo, nhất định quần thể di tích sẽ thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài tỉnh, tạo được nguồn thu, tạo việc làm nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Bình.

Được sự ủng hộ, khuyến khích và các ý kiến đóng góp của ngành VHTT&DL tỉnh, huyện Phú Bình đã quyết tâm cao thực hiện dự án này. Ngày 21/9/2021, UBND huyện Phú Bình đã ra văn bản số 346/TTr-UBND gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối và Đền - Chùa Cao Báng gắn với phát triển du lịch Phú Bình giai đoạn 2021 - 2035, tầm nhìn đến 2040. Đồng thời, lập hồ sơ xếp hạng di tích Đền, Chùa Cao Báng là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp Tỉnh. Ngày 13/10/2021, UBND tỉnh đã có văn bản số 4961/UBND–KGVX đồng ý chủ trương cho UBND huyện Phú Bình lập Quy hoạch.

Ông Lâm Văn Điểm (70 tuổi) dân tộc Nùng, người góp công phục dựng lại đền, chùa Cao Báng

Trong nội dung quy hoạch dự kiến của UBND huyện Phú Bình sẽ mở rộng trong phạm vi diện tích khoảng chừng trên 35 ha, với nhiều hạng mục, ưu tiên về hạng mục di tích sẽ được tôn tạo trên cơ sở di tích gốc. Nhiều hạng mục về cơ sở vật chất, từ các bãi đỗ xe, nhà nghỉ đến các dịch vụ, không gian, khuôn viên, cảnh quan, các khu chức năng phục vụ nhằm bảo tồn, gìn giữ và khai thác phát huy di sản văn hóa của địa phương. Đồng thời sẽ kết nối với các điểm tham quan như du lịch Hồ Kim Đĩnh, Cụm Đình - Đền - Chùa Cầu Muối và các di tích tiêu biểu của huyện Phú Bình.

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” - tất cả việc làm, công quả của những người khai phá, phục hồi phát hiện ra vẻ đẹp linh thiêng huyền bí của Non thiêng Cao Báng, thiết nghĩ chắc chắn sẽ dẫn tới thành công. Bởi như một chân lý, có cơ sở tốt, con người tốt, sự quyết tâm, dự định toàn tâm, toàn ý, ắt sẽ đi tới thành công.

Chúng tôi rất hy vọng, dõi theo và tin rằng ý tưởng táo bạo, dù khó khăn đến mấy nhưng trên cơ sở nền là sức mạnh đồng lòng nhất trí của người dân nhất định sẽ trở thành hiện thực. Vùng núi khó khăn xã Tân Kim, huyện Phú Bình sẽ phát triển lên một tầm cao mới. Non thiêng Cao Báng từ một khu rừng hoang sơ sẽ trở thành khu du lịch sinh thái trong tương lai.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy