KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)
Cách đây 70 năm, địa ngục lòng chảo Điện Biên Phủ - góc nhìn từ những cựu binh Pháp (Kỳ XIV)
(Tiếp theo và hết)
Kỳ XIV – Paris sau ngày thất thủ của Điện Biên Phủ
Ngày 7/5/1954, với việc bắt sống tướng Christian de Castries và lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 17 giờ đánh dấu sự kết thúc của trận chiến kéo dài 56 ngày đêm (1) tại Điện Biên Phủ đồng thời đánh dấu kết thúc của cuộc chiến tranh Đông Dương. Tất cả mọi hoạt động chiến sự dường như đã dừng lại cùng với lệnh ngừng bắn. Lịch sử bắt đầu một trang mới.
Trên thực tế đó chỉ là tình huống xảy ra trên sân khấu chính trường, bởi phía lệnh ngừng bắn, tiếng súng vẫn vang lên, và cuộc tháo chạy của lực lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn Đông và lính lê dương mới chỉ bắt đầu.
“Vào lúc 5 giờ chiều tại Nghị viện, ngài Laniel (2) thông báo trại cố thủ thất thủ. Lúc này đang là 1 giờ sáng ngày 8 tháng 5 tại Đông Dương”.
Trên đây là trích đoạn cuốn sách “Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ” của Jean Pouget. Chỉ huy J. Pouget (1920 - 2007), một phóng viên báo chí từng được đào tạo bài bản tại học viện quân sự Saint - Cyr. Ông trở thành chỉ huy quân đội khi tuổi đời mới 35, nhưng lại không chọn đi theo sự nghiệp quân đội đến cuối cùng. Sau những ngày tháng hỗn loạn của cuộc chiến Điện Biên Phủ, Pouget tiếp tục được điều sang Algéria tiến hành cuộc chiến thực dân tại đó. Nhưng chính tại Algéria, với kinh nghiệm đã trải qua ở Điện Biên Phủ, Pouget đã chỉ ra “chỉ có sự bình đẳng hoàn toàn và chân thành giữa người châu Âu và người Hồi giáo mới có thể cứu được Algéria thuộc Pháp”.
Để nhất quán với niềm tin của mình, Pouget cùng với những đồng đội trẻ tuổi của mình thành lập nhóm cùng với người Hồi giáo Algéria, chỉ huy Khelifa, tham gia vào cuộc biến động ngày 13/5/1958 giải phóng Algéria. Theo Yves Courrière (3), Pouget “có lẽ là một trong những người giữ vai trò quan trọng nhất trong vụ biến động ngày 13 tháng 5”. Sau sự kiện này, Pouget đã từ bỏ sự nghiệp quân nhân và trở thành một nhà báo, nhà văn. Ông từng là phóng viên thường trú của tờ Le Figaro trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trở lại với sự kiện ngày 7/5, chỉ vài giờ sau khi Paris tuyên bố “Điện Biên Phủ thất thủ”, đồng loạt các báo từ trung ương đến địa phương dành trọn nội dung trong ngày đưa tin và phân tích tình hình chiến sự. Trên tờ Le Figaro, tờ nhật báo ra ngày 8/5/1954, tác giả Pierre Brisson với bài “Sự hi sinh” được đăng ở cột đầu tiên của trang nhất đã viết: “Chúng tôi chết vì cha ông chúng tôi đã nói dối chúng tôi. Những người lính Điện Biên Phủ chết vì chúng ta đã tự lừa dối mình”.
Ở Paris dường như trận chiến đã kết thúc với kết quả của một Điện Biên Phủ thất thủ. Nhưng với Điện Biên Phủ, đây mới chỉ là mở đầu cho một kết thúc mà “kết quả đã được báo trước”.
***
Đêm ngày 7 rạng ngày 8 tháng Năm
18:20
Cứ điểm cuối cùng Lily của Claudine đã bị chiếm giữ.
Isabelle (Hồng Cúm) xác nhận bằng tin nhắn mã hóa về sự sụp đổ của phòng lưu trữ trung tâm chiến sự. Đài phát thanh Việt Minh trên tần số của GONO (Trung tâm chỉ huy) thông báo Điện Biên Phủ thất thủ và kêu gọi Hồng Cúm đầu hàng.
20:50
Nhiệm vụ Albatros chuẩn bị thi hành.
Một chiếc B-26 ném bom tỉnh lộ 41 tiếp cận Điện Biên Phủ để trinh sát. Không còn hỏa lực bắn lên của lực lượng phòng không Việt Minh.
Khu vực trung tâm chiến sự im ắng.
Không có thông tin từ phía đông Nậm Rốm, Đại tá Lalande vẫn tìm cách thoát ra theo hướng đông cho đơn vị. Nhưng lối thoát trở nên khó khăn trong đêm tối giữa những chiến hào lầy lội và phải vượt qua mạng lưới thép gai để cập bến bên kia sông Nậm Rốm trên cánh đồng lúa. Những âm thanh của cuộc giao tranh ở phía nam vọng lại.
Cát Bi: 4 chiếc C-119 chở đầy lương thực và thuốc men luôn trong tình trạng sẵn sàng cất cánh.
23:00
Đội đầu tiên rời Isabelle. Qua sóng điện đàm, đại tá Lalande nhận tin của đội phía tây. Đại tá ra lệnh gom những phần tử còn lại với hy vọng có thể tạo ra ổ kháng cự cuối cùng. Nhưng quân Việt Minh của Trung đoàn 57 đã có mặt.
Nửa đêm
Mất hoàn toàn liên lạc điện đàm với Isabelle. Một đội truyền tín hiệu được lực lượng không quân hỗ trợ đã tình cờ nghe được nhiều cuộc trò chuyện bằng tiếng Việt trên tần số SCR 300. Khi chúng tôi gọi đến SCR 300 để liên hệ với Hồng Cúm, một giọng nói Việt Nam đã trả lời “Các anh muốn gì?”.
Không có liên lạc vô tuyến với khu trung tâm, tôi không kích hoạt bất kỳ hoạt động đom đóm nào nữa vì ánh sáng sẽ có hại hơn là hữu ích đối với các đơn vị của chúng tôi, những người đang cố gắng trốn thoát.
Đại tá Lalande có kế hoạch tái thiết một hệ thống phòng thủ mà không có vũ khí hạng nặng do đã bị phá hủy. Nhưng đã quá muộn, bộ binh Việt Nam đã có mặt tại các điểm hỗ trợ, liên lạc và chỉ huy đã mất, thương binh đang chờ được chăm sóc.
Thứ Bảy ngày 8 tháng Năm
01:00
Lalande nhìn thấy một sĩ quan Pháp đang tiến về phía khu vực được bao quanh bởi những người Việt đang vẫy cờ trắng. Trung úy Tymen tiến lên: Bị kẹt giữa quân Việt Minh và nguy cơ bị các phần tử thiện chiến của Hồng Cúm bắn vào, tôi không cảm thấy tự tin cho lắm. Hai cây số trở nên dài vô tận. Cuối cùng tôi đã được một lính lê dương nhận ra và quân Việt Minh bắt đầu chiếm đóng Hồng Cúm.
Sau một hồi thảo luận, Đại tá Lalande ra lệnh ngừng bắn. Ngay trước khi phá hủy đài liên lạc của mình, Đại tá cảnh báo Hà Nội.
01:50
Máy bay chỉ huy nhận được tin nhắn cuối cùng từ Hồng Cúm: “Lối ra đã lỡ - Dừng - Không thể liên lạc với mọi người được nữa - Dừng và kết thúc”.
Ngay sau đó Lalande cùng những đồng đội cuối cùng bị bắt sống.
Bình minh
Sau khi uống một ngụm cà phê với các bác sĩ và Geneviève De Galard (4), cha Heinrich và Trung úy bác sĩ Rivier (với sự ủy quyền của Việt Minh) cùng các y tá leo lên Éliane mang về Đại úy Trapp và Bailly, cùng với Trung úy Datin. Cha Trinquant thuộc DBLE 13 cùng với cha Guéry thực hiện nhiệm vụ tương tự trên Claudine.
12:30
Thả dù lương thực, thuốc men trên Điện Biên Phủ và Hồng Cúm: 13 tấn thuốc và 1 ngày lương thực.
Máy bay chỉ huy bay qua Điện Biên Phủ báo cáo “Không có hoạt động mặt đất, không có DCA (Hệ thống phòng không của Việt Minh)”.
10:30 ở Paris
Cờ Việt tung bay trên Điện Biên Phủ
12 giờ trưa ở Paris
Chính phủ nhận được thông báo.
Cách hiện trường thảm họa 12.000 km, ở Sidi Bel Abbès, những người lính lê dương trẻ của của Đại đội 1 Nước ngoài đã tập trung trên bãi duyệt binh đứng dọc hai bên đường danh dự có tượng đài tưởng niệm chiến tranh. Cố kìm nén cảm xúc, Đại tá Gardy đọc một thông cáo báo chí ngắn gọn nhưng bi thảm.
Điện Biên Phủ vừa thất thủ. Chúng ta cùng nhau tôn vinh sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh lịch sử này. Chúng tôi sẽ trao vũ khí cho những lá cờ đã biến mất trong trận chiến.
Một phút im lặng. Rồi ông cất giọng to hơn như đang đọc báo cáo: Đơn vị 1 và 3 của ĐB 13, Đơn vị 3 của REI 3, Đơn vị 1 của REI 2, Đơn vị 1 và 2 Lính dù Nước ngoài…
Lại là một phút im lặng.
16:45 chiều tại Paris
Nghị viện được Joseph Laniel thông báo tình hình Điện Biên Phủ.
Hai giờ sau khi tuyên bố Điện Biên Phủ thất thủ ở Giơnevơ, Molotov thông báo với các nhà ngoại giao của chúng ta rằng không có gì cản trở việc khai mạc hội nghị về Đông Dương.
Tối ngày 8/5/1954, khi thông báo về cuộc bại chiến được chính thức công bố, Joseph Laniel, người đứng đầu Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng René Pleven đi đến quảng trường Etoile (Ngôi sao). Những người biểu tình không nhường đường cho họ. Họ đến để phản đối chính sách từ bỏ được thực hiện ở Đông Dương. Sau đó, một người đàn ông xuất hiện trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cho ngài Bộ trưởng một cái tát cùng một nhận xét cay đắng rằng nếu phải nói về một thất bại chính trị thì Điện Biên Phủ chính là thất bại đó.
***
Sáng ngày 8/5/1954. Nước Pháp tỉnh giấc với tin tức chấn động của cuộc chiến bại. Trên khắp các mặt báo dù là báo cánh hữu hay cánh tả, tin tức được in trang đầu “Điện Biên Phủ thất thủ - Điện Biên Phủ est tombé”. Dĩ nhiên, mỗi tờ báo sẽ đưa thông tin trên quan điểm chính trị của mình.
Nếu như tờ Le Parisien – Người Paris chủ yếu ca ngợi “lòng dũng cảm” của những người lính Pháp trong trận đánh, tờ Le Courrier - Tin tức lại khẳng định với bài “Tuyên bố của ngài Laniel ở Nghị viện: thất bại của Điện Biên Phủ sẽ không thay đổi gì trong cuộc đàm phán ở Giơnevơ…”, thì tờ L’humanité - Nhân đạo lại có bài viết của tác giả Jean Coin với tiêu đề “Sau tám tuần chiến đấu đẫm máu, Điện Biên Phủ thất thủ” cùng dòng sa pô về tình hình Đông Dương “Sẽ là một tội ác nếu không bắt đầu ngay các cuộc đàm phán ở Giơnevơ về lệnh NGỪNG BẮN Ở ĐÔNG DƯƠNG!”.
Với tư tưởng này J. Coin đã viết như sau:
“Điện Biên Phủ rơi về tay Quân đội Việt Nam. Trong khu rừng bị bom napalm thiêu rụi, sự im lặng đã quay trở lại dù sẽ không bao giờ còn được như xưa. Điện Biên Phủ, trung tâm của trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến này, cũng sẽ nghĩa trang lớn nhất của cuộc chiến. Sự sụp đổ của pháo đài cho thấy sự kiêu ngạo điên rồ của các kế hoạch tái chiếm vào thời điểm mà người dân đang tự mình giành lấy chính nghĩa độc lập của mình.
Thất bại này gióng lên hồi chuông báo tử cho “Kế hoạch Navarro” đã hao tổn sau rất nhiều kế hoạch khác được giới thiệu như những kế hoạch chiến thắng, từ những chiến dịch dối trá mà từ đó những dòng sông máu đã sinh ra.
Cuộc chiến tranh bất công này là một cuộc chiến vô ích.
Không có ưu thế về vũ khí nào có thể ngăn chặn thất bại dành cho những sĩ quan giàu kinh nghiệm nhất với các đơn vị lớn được hỗ trợ bởi máy bay ném bom ồ ạt.
Bom napalm không xoa dịu được cơn đói khát của quê hương. Không có gì và không ai có thể bắt cả một dân tộc nổi dậy phải quỳ gối. Cuộc chiến đã chôn vùi lực lượng và của cải của quốc gia một cách không cần thiết vì những lợi ích không phải của Pháp, khiến chúng ta suy yếu và tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống trị của Mỹ, đồng thời khiến chúng ta bất lực khi đối mặt với một nước Đức đầy thù hận. Đây chính là một cuộc chiến mà kết quả thua cuộc đã được báo trước. Vậy mà những người gây ra tình huống này lại không thể nhận thức được điều đó. Chúng ta lại nghĩ đến thông điệp cuối cùng của tướng De Castries, người mà theo như cảm nhận của tôi đã hoàn toàn bất lực trước thảm kịch diễn ra ở Điện Biên Phủ: “Họ ở đó, chỉ cách vài mét. Họ xâm nhập khắp nơi…”.
Vùng đất đau thương đã bị trầy xước bởi rất nhiều bàn tay lạnh cóng đặt lên lại là một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Đây là lý do tại sao quân viễn chinh không thể đánh bại được họ.
Những người ngã xuống Điện Biên Phủ có lẽ sẽ vẫn còn sống nếu Chính phủ Laniel không bác bỏ nhiều lần lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và coi đó như dấu hiệu của sự yếu kém - mặc dù bản thân họ cũng có cùng mong muốn. Chiến thắng của Việt Nam là minh chứng cho điều này, vì mong muốn chân thành đạt được hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập.
Lợi ích của nước Pháp đòi hỏi phải ngăn chặn cuộc tàn sát mà chính sách xâm lược của Mỹ có xu hướng mở rộng ra toàn bộ châu Á và toàn thế giới. Do đó yêu cầu lệnh ngừng bắn phải được ký kết ngay lập tức. (…).
Tiếng nói của nhân dân ta phải vang xa hơn thì hòa bình mới thắng lợi”.
Cuộc chiến của những người lính viễn chinh tại Điện Biên Phủ đã dần khép lại.
(Hết)
Quyên GAVOYE
Kỳ XIII: Điện Biên Phủ thất thủ
----------
(1) Một số tài liệu của Pháp ghi là 57 ngày đêm.
(2) Joseph Laniel (1889 - 1975), nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1953 – 1954), tương đương với chức vụ Thủ tướng hiện nay.
(3) Yves Courrière (1935 - 2012) nguyên phóng viên báo chí.
(4) Geneviève de Galard: Người được mệnh danh “thiên thần của Điện Biên Phủ”. Năm 1954, G. de Galard đến Đông Dương. Sau vụ tai nạn máy bay, G. de Galard bị mắc kẹt trong địa ngục của trại cố thủ Điện Biên Phủ. Trong gần hai tháng, cô y tá trẻ người Pháp đã điều trị và cứu trợ, dưới lòng đất, với sự tận tụy và dịu dàng cho hàng trăm binh sĩ. Và sau đó, sau thảm họa quân sự, khi mọi chuyện đã kết thúc, cô tuyên bố sẽ từ chối hồi hương chừng nào tất cả những người bị thương chưa được hồi hương. Hành động này đã biến Geneviève de Galard trở thành một huyền thoại sống. Quân đội trao huy chương, giới truyền thông ca ngợi cô và các chính trị gia sử dụng hình ảnh của cô và vô tình biến cô thành công cụ để truyền bá những vấn đề tư tưởng trong cuộc chiến tranh lạnh và phi thực dân hóa.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...