Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
15:20 (GMT +7)

Bức tranh an ninh toàn cầu 6 tháng đầu năm 2017

VNTN - 6 tháng đầu năm 2017 ghi nhận hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song bất ổn xảy ra ở nhiều nước, nhiều khu vực. Bên cạnh sự tồn tại của các thách thức an ninh truyền thống như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng có xu hướng gia tăng, đe dọa đến an ninh, ổn định của nhiều nước. Chính sách chính trị cường quyền của một số nước làm gia tăng lo ngại đối với an ninh của các quốc gia, dân tộc có chủ quyền. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, nơi ASEAN đang tiếp tục những nỗ lực xây dựng Cộng đồng và cũng là nơi các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng. Bức tranh an ninh toàn cầu 6 tháng đầu năm 2017 nổi trội với một số vấn đề sau:

Tiến công khủng bố xảy ra ở nhiều nơi

Tính đến ngày 26/5/2017, trên thế giới đã xảy ra 509 vụ tiến công khủng bố làm 3.358 người chết và bị thương. Trung Đông tiếp tục là nơi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục các cuộc tiến công khủng bố, chủ yếu là ở Irắc và Sirya, điển hình là vụ tiến công khủng bố của IS vào một khu chợ đông đúc, ngay trước trụ sở tòa án Hồi giáo ở thị trấn Azaz, miền Bắc Sirya, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 07/01/2017, làm 43 người chết, chủ yếu là dân thường và hàng chục người khác bị thương.

Người dân Nam Xu-đăng bị nạn đói và dịch bệnh hoành hành.

Châu Âu vốn nổi tiếng là nơi yên bình của thế giới trong nhiều thập kỷ qua, song giờ đây cũng trở thành mục tiêu tiến công của lực lượng khủng bố. Ngày 23/5/2017, IS đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát tại thành phố Manchester, làm 22 người chết và 59 người bị thương. Vụ đánh bom xảy ra ở khu vực sảnh chờ có đông người bên ngoài nhà thi đấu Manchester, nơi buổi biểu diễn của ca sĩ Mỹ Ariana Grande vừa kết thúc.

Đông Nam Á tiếp tục trở thành địa bàn IS nhắm tới vì ở đây cũng có cộng đồng người Hồi giáo rất lớn, trong đó có bao gồm cả một số phần tử Hồi giáo cực đoan. Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, hiện có 05 nhóm khủng bố chính ở Đông Nam Á gồm: Al-jamah Islamiyah (JI), Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (Philippin), Quân đội Kumpulan Mujahidin (Malaixia, Abu Sayap và Quân đội nhân dân mới (Philippin), trong đó, đặc biệt nguy hiểm là nhóm JI, một tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng tại khu vực.

Tiến công quân sự đơn phương

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh thực hiện hàng loạt các hành động quân sự đơn phương, điển hình là cuộc tiến công lực lượng khủng bố Al-Qaeda ở Yemen (29/1/2017); bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria (7/4/2017); ném bom mang mật danh “Mẹ của các loại bom” xuống khu vực căn cứ của Taliban ở quận Achin, phía Đông Afghanistan (13/4/2017).

Vào ngày 29/1/2017, lực lượng tác chiến đặc biệt hải quân SEAL Team 6 thuộc Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt liên quân (JSOC) Mỹ đã bất ngờ đột nhập vào một căn cứ của lực lượng khủng bố Al-Qaeda tại ngôi làng al Ghayil, thuộc tỉnh al Bayda, Yemen. Trong cuộc tiến công này, lực lượng Mỹ có 01 binh sĩ chết; 3 người bị thương và 23 dân thường, trong đó có 8 phụ nữ và 7 trẻ em bị chết, ngoài ra, cuộc tiến công còn gây thiệt hại nặng về vật chất cho các trường học, bệnh viện và nhà thờ Hồi giáo trong khu vực. Mỹ thông báo đã tiêu diệt 14 tay súng Taliban, tuy nhiên, Mỹ bị thiệt hại 01 máy bay V-22 Osprey và 01 binh sĩ bị thương.

Cảnh sát Indonesia phong tỏa hiện trường vụ đánh bom tự sát tại trạm xe buýt ở Kampung Melayu (Jakarta, Indonesia) tối 24/05/2017.

Sáng 7/4/2017, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho hai tàu khu trục USS Ross và USS Poter ở Đông Địa Trung Hải phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một số mục tiêu ở căn cứ Shayrat, tỉnh Homs, Syria, với lý do trả đũa cuộc tiến công vũ khí hóa học của Syria. Mục tiêu tiến công của các tên lửa Tomahawk là các máy bay, trạm xăng, hệ thống phòng không và ra đa, kho hậu cần, đạn dược… Cuộc tiến công diễn ra trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang họp để ra nghị quyết về vấn đề tiến công vũ khí hóa học. Cuộc tiến công hóa học tại Syria mới chỉ đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận chính thức từ các tổ chức quốc tế.

Ngày 13/4/2017, một máy bay MC-130 của không quân Mỹ đã ném quả bom có tên gọi “Mẹ của các loại bom” (MOAB), trọng lượng khoảng 10 tấn, xuống một khu vực thuộc tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Vụ ném bom đã phá hủy một số hang động, kho cất giấu vũ khí đạn dược và tiêu diệt 90 tay súng Taliban. Vụ ném bom có thể được coi là một phần nỗ lực nhằm đảo ngược tình thế của cuộc chiến không mấy suôn sẻ của chính phủ Afghanistan và Mỹ.

Diễn tập quân sự gia tăng trong khu vực

6 tháng đầu năm 2017, chứng kiến xu hướng gia tăng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực. Mỹ tiếp tục phối hợp với các nước đồng minh và các nước trong khu vực tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự, điển hình là cuộc diễn tập mang tên "Hổ mang vàng" (Cobra Gold); diễn tập "Hợp tác sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện trên biển" (CARAT); diễn tập "Đại bàng non" (Foal Eagle) với Hàn Quốc...

Ngày 14/2/2017, tại Căn cứ hải quân Sattahip, Chonburi, Thái Lan đã bắt đầu diễn ra cuộc diễn tập "Hổ mang vàng 2017" (Cobra Gold 2017), kéo dài trong 10 ngày, từ ngày 14 đến 24/2/2017, với sự tham gia của quân đội 29 nước. Tưởng định của cuộc diễn tập năm nay bao gồm: Diễn tập chỉ huy tham mưu; diễn tập thực binh nhằm tăng cường khả năng tương tác đối phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu; thực hiện các dự án hỗ trợ nhân đạo dân sự. Lực lượng Mỹ tham gia diễn tập gồm 3.600 người, thuộc các lực lượng Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến.

Quả bom được mệnh danh là "mẹ của các loại bom"được Mỹ thả xuống Afghanistan hôm 13/4/2017. Nguồn: Interneta

Cùng với diễn tập "Hổ mang vàng", Mỹ còn phối hợp với một số nước trong khu vực tổ chức diễn tập CARAT. Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, Mỹ đã phối hợp với các nước Inđônêxia, Thái Lan, Malaixia, Băng la đét, Brunây, Campuchia, Philippin và Đông Timo tổ chức các cuộc diễn tập riêng... Một số nhà phân tích cho rằng, việc phối hợp tổ chức diễn tập quân sự với các nước trong khu vực được coi là bước đi đầu tiên về quân sự của chính quyền Donald Trump tại Đông Nam Á, đồng thời gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự can dự chiến lược ở khu vực như trước đây.

Từ 01/3 đến cuối tháng 4/2017, Mỹ đã phối hợp với Hàn Quốc tổ chức cuộc diễn tập "Đại bàng non", với sự tham gia của các phương tiện chiến lược hiện đại của Mỹ như tàu sân bay USS Carl Vinson, máy bay tiêm kích tàng hình F-35, máy bay ném bom B-1B và B-52. Cùng với đó, ngày 14/3/2017, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức diễn tập cảnh báo tên lửa kéo, nhằm tăng cường hợp tác ba bên trong việc phát hiện và theo dõi tên lửa của Triều Tiên.

Trên biển Đông, Trung Quốc, Đài Loan gia tăng diễn tập quân sự, cả về tần suất, quy mô và hình thức. Đặc biệt, bất chấp sự chỉ trích của dư luận quốc tế về các hành động quân sự hóa biển Đông, trong thời gian qua, Trung Quốc vẫn liên tục tổ chức các cuộc diễn tập quân sự, có bắn đạn thật, quy mô lớn ở biển Đông. Nội dung chủ yếu của các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc là thực hiện các đòn tiến công và phòng thủ 3 chiều, đổ bộ đánh chiếm đảo bằng tàu đệm khí, đổ bộ đường không với sự tham gia của các thành phần quân, binh chủng. Điều đáng chú ý là Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự ở biển Đông giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, thậm chí có lúc tưởng chừng đứng trên "miệng hố chiến tranh". Ngày 16/4/2017, một ngày sau lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đường đạn tầm trung, tuy nhiên, vụ thử tên lửa đã thất bại do tên lửa phát nổ trong vòng 4-5 giây sau khi phóng. Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang trên đường tới thủ đô Seoul để thảo luận với Hàn Quốc cách đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, trước đó ngày 8/4/2017, Đô đốc Harry B. Harris Jr, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) đã ra lệnh cho cụm tàu tác chiến, bao gồm tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson đang di chuyển từ Singapo sang phía Tây Thái Bình Dương chuyển hướng về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.

Việc công khai thay đổi bất ngờ kế hoạch của cụm chiến đấu tàu sân bay của hải quân Mỹ là một động thái hiếm thấy, nhằm đáp trả hành động phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Động thái này cũng cho thấy sự cảnh giác cao độ và sự gia tăng áp lực trong tương lai của Mỹ đối với Triều Tiên. Cùng với tàu sân bay USS Carl Vinson, hai tàu sân bay khác là USS Ronald Reagan và USS Nimitz cũng đang tiến vào biển Nhật Bản. Việc Mỹ huy động cùng một lúc 3 tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên là điều bất thường, khiến không ít người quan ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, gần đây trước sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên có vẻ dịu đi. Thế giới đang hy vọng về những giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Bất ổn xảy ra ở nhiều nước

Ở châu Phi, nạn đói diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nước, điển hình là ở Nam Xu đăng. Hiện có ít nhất 100.000 người Nam Xu đăng đang trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và hàng triệu người khác có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự. Hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc ở Nam Xu đăng đang bị cản trở. Nam Xu đăng hiện được coi là đất nước nguy hiểm nhất đối với các nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế. Tính đến nay, đã có tổng cộng 82 nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế bị giết hại tại nước này.

Tình trạng bất ổn tiếp tục xảy ra ở Yemen, một quốc gia nghèo nhất khu vực Trung Đông, theo ước tính có 17 triệu trên tổng số 28 triệu người dân Yemen (2017) đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, bên cạnh đó, đất nước này còn là trụ sở chính của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và hàng loạt băng nhóm buôn người tàn bạo. Đặc biệt hoạt động khủng bố và phá hoại của phiến quân Huthis đang gây ra sự hỗn loạn và bất ổn về an ninh ở Yemen.

Ở Đông Nam Á, tình trạng bạo lực liên tiếp xảy ra tại Inđônêxia và Philippin, gây bất ổn về chính trị và an ninh ở những nước này trong thời gian qua. Tối 24/5/2017, hai vụ nổ lớn đã xảy ra tại một bến xe buýt nhanh Tranjakarta ở Kampung Melayu, phía Đông thủ đô Giacacta, Inđônêxia, làm 5 người chết, trong đó có 2 nghi phạm, 3 cảnh sát và 10 người bị thương. Có nhiều dấu hiệu cho thấy những kẻ tiến công đã nhắm vào lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho một cuộc tuần hành qua khu vực.

Từ chiều 23/5/2017, hơn 500 tay súng Maute và một số phần tử Abu Sayyaf, đã gây ra cuộc bạo loạn tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao, sát hại một quan chức địa phương. Cuộc bạo loạn nổ ra sau khi lực lượng an ninh Philippin bao vây một ngôi nhà ở Marawi để lùng bắt thủ lĩnh Isnilon Hapilon của nhóm Abu Sayyaf, kẻ bị Mỹ xếp vào diện phần tử khủng bố nguy hiểm nhất thế giới và treo thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được y. Tính đến nay, đã có hơn 100.000 người dân đã rời bỏ thành phố, 174 người bị thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ, 4 cảnh sát và 89 phiến quân Maute.

Dự báo 6 tháng cuối năm 2017

6 tháng đầu năm 2017 đã đi qua với nhiều kết quả đã đạt được, song hệ lụy của nhiều vấn đề chính trị, an ninh vẫn tiếp tục tồn tại. Tình hình an ninh quốc tế, khu vực 6 tháng cuối năm 2017 tiếp tục diễn biến phức tạp; bức tranh chính trị, an ninh toàn cầu về cơ bản vẫn ổn định, song cục diện thế giới có thể có sự biến chuyển khó lường. Quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung có thể sẽ được cải thiện; quan hệ Mỹ - Triều Tiên có thể đạt được sự tiến bộ do Mỹ có chính sách hòa dịu hơn. Trung Quốc tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề nội bộ, chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2018. ASEAN tiếp tục năm thứ hai xây dựng Cộng đồng, tập trung thực hiện nội dung quan trọng của Tầm nhìn ASEAN 2025 là xây dựng một kiến trúc an ninh bền vững và hiệu quả nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, với vai trò trung tâm của ASEAN được tăng cường, cấu trúc an ninh khu vực 6 tháng cuối năm 2017 dự kiến không có bước phát triển đáng kể.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề biển Đông tiếp tục là thách thức lớn của ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại, nhất là tại các hội nghị cấp cao ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Nhiều vấn đề an ninh mới tiếp tục nổi lên, đòi hỏi các nước phải tăng cường đoàn kết, phối hợp lập trường, củng cố sự thống nhất của khối nhằm đối phó có hiệu quả với những thách thức an ninh chung.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước