Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
09:53 (GMT +7)

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Hán – Nôm

VNTN - Các Di sản Hán - Nôm cổ của tỉnh Thái Nguyên hiện đang nằm rải rác ở các làng, xã trên địa bàn tỉnh và chịu sự tác động bào mòn của thiên nhiên, sự tác động vô tình của con người nên ngày càng bị mai một thất tán. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, tư liệu hóa, nghiên cứu là hết sức cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa trước mắt và lâu dài.

Trang đầu còn lại của Gia phả dòng họ Lưu xã Vân Yên

Di sản Hán - Nôm ở tỉnh Thái Nguyên đang được lưu giữ, bảo tồn như: sắc phong, thần tích do các triều đại nhà nước phong kiến phong cho các nhân vật lịch sử đã có công đánh giặc giữ nước như: Cao Sơn, Quý Minh, Tam Tư Quá Giang, Mạnh Điền Quốc Vương, thời Hùng Vương thứ XVIII, Lý Nam Đế, Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) thời Triệu Việt Vương thế kỷ VI, Phạm Cự Lạng, Chu Đại Liệu thời nhà tiền Lê, Dương Tự Minh thời nhà Lý, Lưu Nhân Chú, Đỗ Cận, Nguyễn Đình Cấu thời nhà hậu Lê, Đỗ Thị Mỹ Mai thời nhà Mạc...

Trong những loại hình di sản Hán - Nôm ở Thái Nguyên có giá trị tiêu biểu có sắc phong và bia đá. Sắc phong là văn bản của các triều đại phong kiến phong cho các vị thần có công với quê hương, đất nước ở từng làng xã trong tỉnh. Văn bia ở tỉnh Thái Nguyên được khắc trên đá, dùng loại chữ Hán Nôm - một trong những loại chữ cổ nhất của dân tộc. Nội dung văn bia phản ánh phong phú nhiều mặt của xã hội như: ghi công lao của các vị anh hùng dân tộc, các vị tướng có công lớn với làng xã, công đức của nhiều người đã có đóng góp vào tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích, tục bầu hậu, bán hậu, mua hậu, gửi giỗ, vào đình, chùa, nghè, miếu, nhà thờ họ; ghi lại những phong tục, tập quán, hương ước, quy ước tốt đẹp trong việc ứng xử giữa các làng, xã của nhân dân các dân tộc ở địa phương. Mỗi sắc phong, bài văn bia là những áng văn, thơ, là chữ viết của nhân dân thời xưa.

Theo kết quả sưu tầm, thống kê mới nhất về di sản Hán - Nôm của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 200 sắc phong, 312 bia đá, 323 đơn vị thần tích - thần sắc, 25 gia phả, 1000 câu đối, 213 Hương ước, có  khoảng 900 cuốn sách cổ của dân tộc về các lĩnh vực như: sách y học, văn học, nho giáo, phong tục, học thuật, tử vi, giáo dục.

Các di sản Hán - Nôm cổ là những di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng thông tin tin cậy, chính xác phản ánh những thời gian, địa điểm, sự kiện, con người cụ thể từ cuối thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn. Chúng ta cần thiết bảo tồn, gìn giữ những di sản quý đó vì nó không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị tìm hiểu về mặt mỹ thuật, nghệ thuật cổ.

Thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện được nhiều việc trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; lập dự án, thực hiện đề tài khoa học thuộc lĩnh vực bảo tồn di sản Hán - Nôm đó là các đề tài cấp tỉnh như: Sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ và phát huy giá trị các Sắc phong, thần tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Thư viện tỉnh Thái Nguyên thực hiện; Sưu tầm, tư liệu hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia cổ trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên do Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) thực hiện. Tại kho Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên sưu tầm lưu trữ, kiểm kê được trên 312 đơn vị tư liệu Hán Nôm là sắc phong, thần tích, gia phả, địa bạ, các giấy tờ hành chính thời phong kiến, in dập được một số thác bản văn bia trên địa bàn phục vụ khai thác tư liệu, nghiên cứu khoa học.

Viện Việt Nam học và Sở VHTT&DL khảo sát sưu tầm Gia phả họ Lưu Nhân Chú ở huyện Đại Từ

Xin lấy một số ví dụ tiêu biểu thuộc về các loại hình di sản Hán - Nôm trên địa bàn như: các sắc phong cho Dương Tự Minh, Thủ lĩnh phủ Phú Lương thời Lý (thế kỷ XII) hay gia phả dòng họ Lưu xã Vân Yên, huyện Đại Từ…

Nội dung gia phả dòng họ Lưu xã Vân Yên, huyện Đại Từ kể về cả một dòng họ gồm 3 cha con là: Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cưống (con rể Lưu Trung) đã có công lớn tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV. Trong đó đặc biệt là Lưu Nhân Chú là một nhân tài xuất chúng có công lao đức độ, đã được vua Lê Lợi có lời ca ngợi đánh giá qua bài chế khen thưởng Lưu Nhân Chú (1427). Lê Thái Tổ đã phong Lưu Nhân Chú là Công thần hạng 2 và ban quốc tính (1428); ban chức Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự (1428) với tước vị Lũng Quốc công, Á Thượng hầu, Nhập nội Tư khấu (1431). Cả gia đình Lưu Nhân Chú gồm 4 đại quan của triều đình gồm Bố là Lưu Trung, em cùng mẹ là Trịnh Khắc Phục và em dể  là Phạm Cuống đều là đại quan “Khai quốc Công thần” nhà Hậu Lê của Lê Lợi và đều được ban họ vua. Trong tâm thức nhân dân người dân Thái Nguyên, hình ảnh Lưu Nhân Chú đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, niềm tự hào dân tộc về một vùng đất đã sinh ra một đấng Anh hùng. Con cháu hậu duệ dòng họ Lưu Văn Yên ngày nay vẫn lưu giữ cuốn Gia phả thực lục dòng họ Lưu của tổ tông truyền lại, coi như một báu vật.

Ngoài các sắc phong còn những văn bia ghi khắc về công lao của danh tướng Dương Tự Minh như: bia đình Quang Vinh (Quang Vinh phúc thần sự lục bi ký); bia chùa Hang thuộc huyện Đồng Hỷ khắc bài thơ Du Tiên Lữ động sáng tác của nhà thơ nổi tiếng  Vũ Quỳnh (thế kỷ XV), Ngô Thì Nhậm có bài Phú đình Diệu Vũ (thế kỷ XVIII), Cao Bá Quát có bài thơ Du Tiên Lữ động văn nhân đàm Thái Nguyên chi cảnh túy hậu thành ngâm, Phan Thanh Giản có bài Thái Nguyên tỉnh thành tảo phát (thế kỷ XIX), bia chùa Hà Châu, chùa Nga My (thế kỷ XVII) ca ngợi cảnh đẹp của di tích và đã phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của người xưa. Những thư tịch Hán -  Nôm trên được viết hoặc khắc theo 3 kiểu chữ cơ bản là chữ chân, chữ hành và chữ thảo trên các chất liệu đá, giấy, gỗ,… Đây chính là nguồn di sản văn hóa thành văn vô cùng quý báu của Thái Nguyên.

Bia đá cổ, dựng thời Lê ghi bản thôn tự sự chùa Giã Trung

Ngày nay, bước vào những di tích cổ ở Thái Nguyên như các đình, đền, chùa, nghè, miếu, nhà thờ tộc họ, nhà cổ,… hầu như chúng ta đều bắt gặp những di sản văn hóa Hán - Nôm. Những văn bia, hoành phi, câu đối, cuốn thư được viết với lối phóng bút mềm mại như thể rồng bay phượng múa hoặc kiểu chữ chân phương sắc sảo, thể hiện ước vọng của người xưa về một cuộc sống ấm no, yên vui, hạnh phúc. Hoặc qua các gia phả, sắc phong, tranh vẽ đã ngả màu theo năm tháng với những nét chữ viết bằng mực nho còn nổi bật trên nền giấy dó ố vàng rất mộc mạc, khiến chúng ta tò mò muốn tìm về cội nguồn của những thư tịch cổ này.

Nhưng có một thực tế đáng buồn, hiện nay nhiều di tích lưu giữ trong mình một khối lượng di sản Hán - Nôm đồ sộ nhưng để giải mã ý nghĩa của nó thật khó khăn bởi số người biết đọc chữ Hán, chữ Nôm còn lại không nhiều, điều này ảnh hưởng đến việc bảo tồn và trùng tu di tích, cũng như phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu về vùng đất và con người Thái Nguyên.

Các tư liệu Hán - Nôm ở Thái Nguyên hiện nay phần lớn đang đứng trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian do chưa có phương pháp khoa học tối ưu để bảo quản. Đa số các sắc phong đựng trong ống tre, hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy dễ bị mục nát, do đó việc bảo tồn lâu dài bằng công nghệ thông tin qua việc tư liệu hóa, số hóa, sử dụng bản mã chuẩn quốc tế là việc làm cấp thiết. Bên cạnh đó cần biên dịch toàn bộ tư liệu Hán - Nôm hiện có ra chữ quốc ngữ để phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ để họ nắm được những nội dung trong tư liệu Hán - Nôm nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc...

Công tác bảo tồn các di sản Hán - Nôm ở tỉnh Thái Nguyên hiện mới được tiến hành ở độ kết hợp nghiệp vụ như lập hồ sơ xếp hạng di tích và không tránh khỏi việc bỏ sót nhiều tư liệu quý. Di sản văn hóa Hán - Nôm ở Thái Nguyên ngày càng bị đe dọa thất tán. Vì thế, việc bảo tồn di sản văn hóa Hán - Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán - Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của các bậc tiền nhân để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, việc bảo tồn không chỉ quan tâm đến quá khứ, quên đi hiện tại và tương lai, mà trái lại, phải tăng thêm sự vững chắc của di sản nhằm phát triển các hình thức biểu hiện văn hóa mới. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán - Nôm ở tỉnh Thái Nguyên sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và những ai có nhu cầu tìm hiểu về vùng đất và con người Thái Nguyên trong tiến trình lịch sử.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy