Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
11:11 (GMT +7)

Bán đứt tác phẩm của nhạc sĩ: lợi ích và rủi ro

Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023, do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 14/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm rõ hơn vấn đề lợi ích và những tiềm ẩn rủi ro từ việc bán đứt tác phẩm của nhạc sĩ. Đây là lần thứ hai, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phối hợp với Công ty Meta thực hiện chương trình, nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả - quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số.

Sóng gió chuyện “Bản quyền”

Câu chuyện bản quyền âm nhạc vốn không mới, nhưng chưa khi nào có dấu hiệu hạ nhiệt. Chúng ta vẫn chưa quên truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội lại có dịp ồn ào trước việc không thể nghe được phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào trên sân Bishan (Singapore) tối 6/12/2022 khi theo dõi trên YouTube đã làm nóng bầu dư luận xã hội với những tranh cãi trái chiều về bản quyền tác phẩm. Sự kiện chỉ thực sự lắng xuống khi các cơ quan chức năng có những giải thích rõ ràng, cụ thể việc gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước là hiến tặng phần “nhạc và lời”, và nếu tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi do một đơn vị khác sản xuất thì phải có sự đồng ý của họ.

Bán đứt tác phẩm của nhạc sĩ: lợi ích và rủi ro
Khách mời tham dự thảo luận bàn tròn trong hội thảo

Trên thực tế, việc hiểu rõ những phân định về việc hiến, tặng tác phẩm âm nhạc với những người ngoại đạo không phải chuyện dễ, nhưng để hiểu tường tận và thực thi có trách nhiệm về công tác bản quyền với những người hoạt động nghệ thuật nói chung cũng chưa hẳn đã được thực hiện một cách nghiêm túc, nếu như không muốn nói là tình trạng “xài chùa” vẫn xảy ra khá phổ biến. Chính vì vậy việc “cha đẻ” của những đứa con tinh thần phải tìm - nhờ đến sự can thiệp pháp lý để đòi quyền lợi cho mình xảy ra ngày càng nhiều hơn về số lượng và tần xuất. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam viết tắt VCPMC được kỳ vọng có thể chấm dứt tình trạng “xài chùa”, “cầm nhầm” tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, những vụ kiện, tranh chấp mà VCPMC đứng ra bảo vệ quyền lợi cho tác giả, tác phẩm thời gia qua vẫn còn khá khiêm tốn và còn nhiều điểm nghẽn về luật pháp cần phải được lãm rõ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi những tranh chấp về bản quyền tác phẩm đã được hiến, tặng trên không gian số vẫn còn khá mới mẻ.

Nhiều chuyên gia, nhà phê bình lĩnh vực âm nhạc cho rằng, khi đã có danh sách những tác phẩm âm nhạc được hiến tặng thì việc theo dõi, phát hiện sử dụng, phát tán tác phẩm trên không gian mạng là hoàn toàn khả thi, từ đó tiến hành thu phí tác quyền. Tuy nhiên, câu chuyện về bản quyền giữa nhạc, lời và bản ghi lại là câu chuyện đặt VCPMC vào tình thế nan giải, và câu chuyện bản quyền trong trường hợp cụ thể này phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng.

Mới đây, có vụ kiện tác quyền giữa VNG và TikTok. Vụ kiện liên quan đến vi phạm bản quyền dân sự được cho là lớn nhất từ trước tới nay trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Cụ thể, VNG cáo buộc có hơn 11 triệu video trên TikTok có chứa các đoạn nhạc được cắt từ Zing. Ngoài ra 150 bản ghi Zing bị TikTok sử dụng trái phép để đưa vào các video lan truyền trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài yêu cầu TikTok  ngừng vi phạm, VNG còn đòi bồi thường số tiền hơn 221,5 tỷ đồng.

Tiếp đến chương trình “Người ấy là ai”, Vie Channel  đã  khởi kiện Spotify AB đã vi phạm bản quyền khi phát tổng cộng 19 tập chương trình “Người ấy là ai”, ước tính thiệt hại số tiền là 7,25 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 19 bài hát của chương trình “Rap Việt” bị Spotify AB vi phạm bản quyền, ước tính thiệt hại là 2,28 tỷ đồng…

Công ty Cổ phần Vie Channel chính thức nộp đơn khởi kiện Công ty Spotify AB đến Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vì vi phạm nghiêm trọng bản quyền “Rap Việt” và “Người ấy là ai” với đề nghị Công ty Spotify AB phải viết thư xin lỗi và bồi thường tổng số tiền thiệt hại là 9,53 tỷ đồng.

Sau vụ kiện của Vie Channel, một nhạc sĩ nước ngoài đã gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh bồi thường thiệt hại vì vi phạm bản quyền. Cụ thể, MV của nam ca sĩ trẻ phát hành có phân cảnh quay sử dụng một đoạn nhạc nền ngắn lấy từ ca khúc của nhạc sĩ nước ngoài mà chưa xin phép. Nhóm làm MV phải đối diện đơn kiện với số tiền đòi bồi thường lên tới 850 triệu đồng, đi kèm yêu cầu xóa vĩnh viễn MV vi phạm khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ mà công chúng có thể tiếp cận và phải công khai xin lỗi tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hay câu chuyện của ca sĩ trẻ Jack gần đây sử dụng hình ảnh của ngôi sao bóng đá Messi cho MV ra mắt trở lại, cũng khiến đời sống âm nhạc một lần nữa dậy sóng. Sự mập mờ trong thông tin của các bên liên quan, sự thiếu hiểu biết về công tác bản quyền đã đưa đến một kết thúc không có hậu đối với những người trong cuộc.

Làm rõ ranh giới bản quyền trên không gian số

Đã có nhiều hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường việc thực thi pháp luật (cụ thể là công tác bản quyền) đối với các sản phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, trên thực tế độ trễ của Luật Sở hữu trí tuệ đã làm cho nhiều hạng mục (điều khoản) của luật chưa sát thực tế. Đặc biệt là công tác bản quyền sẽ được thực thi thế nào đối với những sản phẩm âm nhạc được phối khí từ những tác phẩm đã được “hiến, tặng' trên không gian số.

Đây cũng là chủ đề chính của Hội thảo “Âm nhạc trong môi trường số” nhằm làm rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan khi sử dụng các sản phẩm âm nhạc hoàn toàn mới có nguồn gốc từ những tác phẩm đã được “hiến, tặng” trên không gian số.

Trên thực tế, việc bán đứt tác phẩm hay chuyển quyền sử dụng không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên những hiểu biết có tính chất pháp lý về quyền định đoạt tác phẩm nói trên thì không phải ai cũng biết. Tại hội thảo, đại diện các tổ chức, đơn vị quản lý, phát hành đã làm rõ những khái niệm liên quan đến bản quyền và chỉ ra những rủi ro mà cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm sẽ phải đối mặt trước việc “bán đứt” hoặc chuyển quyền sử dụng tác phẩm trên không gian số. Ông Mai Thanh Huy - Chuyên viên Pháp chế của VCPMC cho biết: Việc bán đứt tác phẩm chính là việc chuyển giao quyền sở hữu đối với quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản. Trong trường hợp này, tác giả sẽ mất quyền sở hữu, vĩnh viễn mất quyền hưởng lợi, khai thác, kiểm soát đối với các quyền tác giả đã chuyển nhượng; Chỉ còn được bảo vệ đối với các quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm nếu đã chuyển nhượng); Bên nhận chuyển nhượng sẽ có toàn quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng, khai thác và hưởng lợi từ tác phẩm, quyền tác giả của tác phẩm mà không cần hỏi ý kiến tác giả và không phải phân chia các khoản lợi nhuận thu được; hoặc tiếp tục chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác các quyền tác giả này. Vì vậy, người sáng tạo không nên chuyển nhượng quyền tác giả nếu như họ vẫn muốn được bảo toàn quyền sở hữu đối với tác phẩm, cũng như giữ lại được quyền và lợi ích xứng đáng cho mình.

 Còn chuyển quyền sử dụng, là việc cho phép sử dụng có thời hạn đối với các quyền nhân thân ví dụ như: đặt tên tác phẩm, quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản. Bên nhận chuyển giao quản lý, khai thác, bảo vệ đối với các quyền tác giả với tư cách là chủ sở hữu. Bên nhận chuyển giao có thể trả một số tiền cố định hoặc theo số tiền mà bên nhận chuyển giao thu, khai thác được trong thời gian chuyển giao. Trong trường hợp này, người sáng tạo sẽ không nắm giữ quyền sở hữu trong thời gian chuyển giao.

Chính vì vậy, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích của người sáng tạo là một nhu cầu bức thiết và phải được thực hiện một cách bài bản.

Hiện, liên minh Châu Âu đã có các quy định chống “bán đứt” quyền sở hữu tác phẩm, tuy nhiên những rủi ro pháp lý vẫn có thể xảy ra. Do vậy, trong từng trường hợp cụ thể, lời khuyên của các chuyên gia chính là “Người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường cho công việc của họ”. Hiện tổ chức CMOs đã và đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trên phạm vi toàn cầu để có thể thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ quyền của người sáng tạo trên toàn cầu. Đồng thời khởi xướng phong trào “Nhạc của bạn - Tương lai của bạn” để tuyên truyền cho người sáng tạo về quyền lợi của họ, sức ảnh hưởng trong quá trình đàm phán và hậu quả tiềm ẩn của việc “bán đứt” tác phẩm. Thay vào đó, là lời khuyên cho những người sáng tạo rằng, họ có thể tìm đến những công cụ hữu ích để có thể quảng bá, giới thiệu và khai tác quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, cụ thể là trên các nền tảng của công ty Meta như: việc xây dựng trang (kênh) cá nhân/xây dựng hình ảnh với người hâm mộ như thế nào để tối đa hóa nguồn thu... tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Theo ông Benjamin NG - Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương - CISAC (Liên Minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc) cho rằng việc tối ưu hóa nguồn thu cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì các nhạc sĩ nên đăng ký bản quyền với một CMOs, cụ thể là VCPMC để đảm bảo tính minh bạch cũng như để tối ưu hóa được dữ liệu và nguồn thu của mình.

Bán đứt tác phẩm của nhạc sĩ: lợi ích và rủi ro
Các đại biểu tham dự hội thảo. Nguồn ảnh: Internet

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho rằng: “Trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, âm nhạc đã chiếm lĩnh một vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống, xã hội ở mỗi quốc gia, mà còn phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng trong môi trường kỹ thuật số và trên không mạng toàn cầu. Điều này đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc; đồng thời sự ra đời và hoạt động của nhiều nền tảng ứng dụng, mạng xã hội (trong đó có Facebook) đã thực sự mang tới một sự cộng hưởng không thể thiếu để âm nhạc được lan tỏa hơn, thúc đẩy sức sáng tạo dồi dào hơn, quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt được hiệu quả hơn bao giờ hết do ưu thế tương tác và kết nối của mạng xã hội.

Việc công nghệ tham gia vào hỗ trợ và quảng bá các sản phẩm âm nhạc được ví như khoác áo mới cho tác phẩm đang trở thành một xu hướng mới. Nó không chỉ tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho người nghe (xem) trước những tác phẩm âm nhạc truyền thống quen thuộc, mà còn tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung âm nhạc, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong mối quan hệ cộng hưởng này. Qua các phương tiện truyền thông cũng sẽ truyền tải thông tin và những thông điệp nhiều ý nghĩa đến với các đối tác, nhạc sĩ, tác giả thành viên của VCPMC trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan chính phủ, của các Hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng. Trước những sản phẩm văn hóa hữu hình thì với việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng, để xử lý được còn khó khăn gấp bội.

Theo ông  Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý vi phạm.

Hiện, luật pháp Việt Nam đang hoàn thiện, điều này sẽ góp phần làm lành mạnh hơn môi tường nghệ thuật từ đó tạo điều kiện cho công tác bản quyền số được thực hiện một cách nghiêm minh.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy