Bài thơ đầu tiên viết về biển đảo Việt Nam – Hai giả thuyết mới về một bài thơ cũ
VNTN - Đến bây giờ, có thể khẳng định được, bài thơ đầu tiên trong lịch sử thơ ca Việt Nam viết về biển đảo Việt Nam là bài thơ viết từ thời Trần của nhà vua anh minh Trần Minh Tông (1300 - 1357). Bài thơ này, vua Trần viết về Vân Đồn Phó tướng, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, trước năm 1339, năm Trần Khánh Dư mất. Hiện vẫn chưa biết Trần Khánh Dư mất ở đâu và mai táng ở đâu. Bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quí Đôn. Tôi chép lại từ Tuyền thơ của các vua Trần, Hội Văn học Nghệ thuật Nam Hà xuất bản, năm 1996. Nguyên văn như sau:
Dưỡng Chân Bình Thôn Tử
Nhân Huệ vương trang
Trang gia kỉ thốc ỷ thiều nghiêu
Nhất chẩm cao miên viễn thị triều
Hải giác dư đồ qui chính hóa
Thiên nhai nhân vật lạc ngư tiều
Khê thanh tịch tịch triều lai thiểu
Đường ảnh sơ sơ nguyệt thướng nhiêu
Long chuẩn hà tằng đồng điểu huệ
Biến chu hưu phiếm Ngũ Hồ dao
Dịch nghĩa:
Điền trang của Nhân Huệ vương
Dưỡng Chân Bình Thôn Tử(1)
Mấy dãy nhà trong trang, dựa vào núi cao chót vót
Một chiếc gối cao, nằm ngủ ở xa triều đình và thành thị
Miền góc biển trên bản đồ, đã theo giáo hóa của triều đình
Nhân, vật ở chân trời, vui với việc câu cá hái củi
Tiếng suối chảy lặng lẽ, nước triều ít dâng lên
Bỗng cây cam đường thưa thoáng, ánh trăng tràn ngập(2)
Mũi rồng đâu có giống mỏ chim(3)
Con thuyền xin chớ trôi nổi trên Ngũ Hồ xa xôi…(4)
Dịch thơ:
Thăm nơi ở của Nhân Huệ vương
Nhà ai mấy khóm dựa non cao?
Chiếc gối thênh thênh lánh thị triều
Góc biển dư đồ chung giáo hóa
Chân mây nhân vật mến ngư tiều
Êm êm tiếng suối, triều lên ít
Thưa thớt lùm cây, nguyệt sáng nhiều
Mỏ quạ mũi rồng đâu phải một
Ngũ Hồ chớ nghĩ thú tiêu dao
(Đào Phương Bình - Nam Trân dịch)
Dưỡng Chân Bình Thôn Tử là hiệu của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Nếu vua Minh Tông không ghi lại, chúng ta không thể biết tên hiệu này là của Trần Khánh Dư.
Trần Khánh Dư có hai nơi ở. Một là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Có thể coi đây là “đất quê” của ông. Vì là con Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt, thuộc dòng dõi Trần Thủ Độ, lại có tài làm tướng, ông được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi, phong đến chức Phiêu kị đại tướng quân. Sau vì thông dâm với công chúa Thiên Thụy, chị ruột vua Nhân Tông, vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai trưởng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vua khép vào tội phải đưa ra Hồ Tây đánh chết, nhưng lại dặn người thi hành công vụ là chỉ đánh vừa vừa thôi, rồi cách hết chức tước, tịch thu hết gia sản, giáng xuống làm dân thường, phải về đất phong của cha ở châu Chí Linh (Hải Dương) để sinh sống. Chắc vua Trần nghĩ đến lúc nước còn có giặc, còn phải dùng đến tài làm tướng của Trần Khánh Dư. Nơi ở này, nay mang tên tước của ông là xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chỗ sông Lục Đầu chia nước cho sông Kinh Thầy.
Bài thơ trên rõ ràng không liên quan gì đến nơi ở cũ của ông thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Hội nghị Bình Than họp tại vũng Trần Xá, trên sông Kinh Thầy, nay thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương, tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282), Trần Khánh Dư được xóa tội, vua Nhân Tông ban cho áo ngự, cho ngồi ở hàng dưới các vương, trên các công hầu. Vua Trần phong chức Phó đô tướng quân, giao cho ông trấn giữ vùng Đông Bắc, bao gồm cả trên biển và trên bộ, đóng đại bản doanh tại Vân Đồn, nên đời sau gọi ông là Vân Đồn phó tướng. Có hiểu lai lịch này, mới hiểu nội dung hai câu kết của bài thơ.
Dấu ấn nơi ở thứ hai là vùng biển đảo Quan Lạn, Vân Đồn (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) rất rõ trong bài thơ. Đó là dãy nhà dựa vào núi cao, xa triều đình và thành thị. Đây là miền biển ở chân trời đã được triều đình giáo hóa, nhân dân vui vẻ với việc đánh cá và kiếm củi. Tiếng suối chảy nhẹ, nước triều ít dâng lên. Bóng cây cam đường tràn ngập ánh trăng. Cây cam đường, có lẽ không có ở đảo Quan Lạn, nhà vua dùng một điển tích trong sách cổ Trung Hoa, để chỉ nơi nghỉ ngơi an dưỡng của một vị đại tướng già, ngang với tể tướng. Hai câu kết ý nghĩa rất sâu xa. Nhà vua nhắc đến Việt vương Câu Tiễn bên Trung Hoa có cái mũi mỏ quạ. Phạm Lãi, người đã giúp Câu Tiễn, đưa Câu Tiễn từ kẻ tù đầy trở thành bá vương, cho rằng, người có cái mũi như thế chỉ có thể ở với nhau được lúc gian nguy, còn khi đã lên làm vua rồi, thì phải xa lánh ngay, kẻo nguy đến tính mạng. Vua Trần cho rằng, mình có cái mũi rồng, không có cái mũi mỏ chim của Việt vương Câu Tiễn xưa, nên Trần Khánh Dư chớ nghĩ như Phạm Lãi, bỏ triều đình mà đi ngao du ở Ngũ Hồ xa xôi.
Bài thơ viết về nơi ở của vị tướng triều trước, lời lẽ thấm thía, từ tốn, rất thực về cảnh, rất chân về tình.
Từ đó, tôi xin nêu hai giả thuyết để các vị cao minh xem xét:
Một, Trần Khánh Dư khi “về hưu”, đã không về “đất quê” Chí Linh, Hải Dương sinh sống mà ở hẳn đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) đặt tên hiệu lúc nghỉ dưỡng già là Dưỡng Chân Bình Thôn Tử, nơi ông đóng đại bản doanh thời trẻ, từng làm nên chiến thắng Vân Đồn góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288.
Hai, vua Trần Minh Tông đã đến đảo Quan Lạn, một đảo xa, tiếp giáp với biển Đông, (ngay đến bây giờ, việc đến thăm xã đảo này cũng không phải là việc dễ dàng đối với một nguyên thủ quốc gia), và viết bài thơ có lẽ là đầu tiên về biển đảo Việt Nam, vào lúc Nhân Huệ vương đã già, nghỉ hưu tại đảo này. Bài thơ cũng phác ra những hình ảnh rất quí hiếm về đời sống và tâm trạng nhân dân trên đảo ở thời ấy, dù điều đó, không hề được ghi trong chính sử hay trong dã sử.
Và chỉ với riêng hai điều đó thôi, bài thơ đầu tiên viết về biển đảo Việt Nam của vua Trần, đã có một giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và xã hội, đáng để cho chúng ta ngày nay suy xét, nghiên cứu, nhất là trong việc kế thừa truyền thống của cha ông trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trên bộ, trên không và trên biển.
Chú thích:
(1)Dưỡng Chân Bình Thôn Tử là hiệu của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.
(2 )Thiệu Bá, nhà Chu, lúc thôi việc quan về nghỉ dưới bóng cây cam đường.
(3) Tướng mạo của Việt vương Câu Tiễn (miệng như cái mỏ chim).
(4) Chỉ Phạm Lãi.
1 đã tặng
1
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...