Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:16 (GMT +7)

Bác Hồ với Truyện Kiều

LTS: Truyện Kiều là một tuyệt tác văn chương của Việt Nam và nhân loại. Với người Việt Nam, Truyện Kiều đã nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm của biết bao người, bao thế hệ. Bác Hồ là một ví dụ điển hình và sinh động cho điều đó, khi Người đã tiếp thu được hồn cốt của Truyện Kiều và thể hiện lại trong những hoàn cảnh cụ thể bằng tập Kiều và lẩy Kiều. 

Báo Văn nghệ Thái Nguyên xin giới thiệu loạt 3 bài viết của nhà nghiên cứu Lê Đình Cúc về vấn đề “Bác Hồ với Truyện Kiều”.


Bài 1: Bác Hồ với Truyện Kiều  trong quan hệ quốc tế

Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc ở lễ tang Bác Hồ viết: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".  Đó không chỉ là những lời ca ngợi Bác Hồ mà còn là những đánh giá về tài năng, phẩm cách và vị trí của Bác trong đời sống xã hội hiện đại đầy biến động của thế giới những năm cuối thế kỷ XX.

Trong bài viết này, tôi muốn bàn về vấn đề "Một cuộc đời… cao thượng và phong phú" và "Chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân và non sông đất nước ta" qua việc Bác đã sử dụng và vận dụng Truyện Kiều trong quan hệ quốc tế.

Văn học thế giới từ cổ chí kim chưa có một trường hợp nào như Truyện Kiều. Ấy là sự phổ cập trong người đọc cho mọi tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến thôn quê, từ trí thức đến người lao động bình thường ở mọi thế hệ già, trẻ, trai, gái mọi thời đại. Ấy là từ chỗ một tác phẩm văn học được người đọc - người nghe tiếp nhận, biến đổi thành nhiều hình thức khác.

Hồi ký của nhiều người đã từng sống và công tác với Bác ở Việt Bắc cho biết hằng ngày vẫn nghe Bác ngân nga Truyện Kiều. Trong những bài nói, bài viết của mình, Bác thường dùng những câu phỏng Kiều, tập Kiều… làm cho ý nghĩa thêm sâu sắc. Như vậy để thấy, Truyện Kiều đã thấm sâu trong tâm hồn, trở thành một cốt cách văn hóa của Người. Để rồi, khi vận dụng trong các quan hệ quốc tế, không chỉ là ngôn ngữ ngoại giao mà còn là tình cảm trong sáng, chân thành của Bác.

Từ năm 1911, khi Bác ra đi tìm đường cứu nước là Bác đã hòa nhập vào đời sống thế giới. Bác đã qua nhiều nước kiếm sống đủ nghề, phụ bếp, thợ ảnh, viết báo… Bác đã gặp nhiều người, nhiều danh nhân, chính khách khắp các châu lục. Bác là người thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Bác ở Liên Xô học tập, sang Trung Quốc hoạt động với nhiều người. Sau khi về nước trực tiếp hoạt động cách mạng, rồi cách mạng tháng Tám thành công, Người trở thành Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bác đã gặp, tiễn nhiều đoàn khách, Bác đã đi thăm nhiều nước trên thế giới… Và trong nhiều trường hợp, Bác đã vận dụng Truyện Kiều để thăm hỏi, đón - tiễn khách nước ngoài.

Bạn bè quốc tế hiểu thêm tâm hồn và văn hóa Việt Nam, hiểu thêm tình cảm trong sáng, chân tình và thủy chung của dân tộc Việt Nam qua những lời phát biểu của Bác, hiểu thêm con người Bác qua hồn cốt của Truyện Kiều được Người vận dụng bằng tập Kiều, lẩy Kiều.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954 - Nguồn: Internet

Có rất nhiều trường hợp Bác vận dụng Truyện Kiều trong đời sống. Theo thống kê của chúng tôi (qua Hồ Chí Minh tuyển tập) có đến hàng trăm câu thơ Truyện Kiều đã được Bác sử dụng. Thực tế còn nhiều hơn khi đọc các hồi ký, ghi chép của nhiều người kể lại, khó mà thống kê được hết. (Hơn nữa, Bác đã trở thành huyền thoại ngay khi Người còn sống nên có một số câu, trong một số trường hợp, có lẽ do nhân dân sáng tạo và cho đó là của Bác Hồ. Đây không phải là vấn đề “không đúng” mà là vấn đề đặc trưng của văn học dân gian. Có thể trường hợp nào đó không phải chính Bác nói ra, nhưng sáng tạo của nhân dân vẫn phản ánh đúng bản chất, tâm hồn của Bác. Nhà thơ Minh Huệ có bài thơ hay: Đêm nay Bác không ngủ. Cũng có thể chi tiết "Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng" không có trong thực tế. Ở đâu, khi nào, anh đội viên nào được Bác dém chăn? Không ai trả lời được. Ấy nhưng ai cũng chấp nhận những câu thơ đó, bởi Bác là người luôn yêu thương mọi người, luôn chăm chút cho mọi người, chỉ quên mình. Vì vậy, không ai thắc mắc những câu thơ trên).

Bàn về vấn đề Bác Hồ với Truyện Kiều trong quan hệ quốc tế là quan hệ quốc tế những năm cuối thế kỷ XX, đến khi Bác mất (2/9/1969), là thời kỳ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945), thời kì của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Giới hạn mốc cụ thể như vậy để thấy mọi người, mọi sự việc, hiện tượng xã hội đều xảy ra trong hoàn cảnh cụ thể, qua đó để thấy được tầm vóc lịch sử của Bác Hồ.

Bác đã sử dụng thành công, trong nhiều trường hợp, các hình thức Tập Kiều và Lẩy Kiều.

Cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX, đất nước ta sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc đang xây dựng cơ sở vật chất, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến giành thống nhất Tổ quốc trong tương lai. Sự ủng hộ to lớn của phe xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc là to lớn và hết sức quan trọng. Việt Nam đang là "lương tâm của thời đại". Dư luận thế giới nhìn nhận và đánh giá vai trò, uy tín của mỗi quốc gia qua thái độ đối với Việt Nam. Đúng thời gian ấy thì lại xuất hiện sự rạn nứt trong quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Phong trào "xét lại" và "giáo điều" đã chia rẽ phong trào cộng sản quốc tế. Ai "xét lại", ai "giáo điều" sẽ ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam. Người ta muốn biết thái độ của Việt Nam. Là "lương tâm của thời đại" nên tiếng nói của Việt Nam, của Bác Hồ sẽ có ảnh hưởng lớn. Thật là khó khăn để khỏi mất lòng ai, để ai cũng ủng hộ cách mạng Việt Nam. Lúc này ta cần sự ủng hộ của cả nhân dân thế giới, dù là "xét lại" hay "giáo điều", không cần phải phán xét ai đúng ai sai. Tập Kiều đã được Người vận dụng…

Năm 1958, Chủ tịch Đoàn Xô - Viết tối cao Liên Xô, Voroshilov dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô sang thăm Việt Nam. Nội dung chuyến thăm các bạn Liên Xô muốn tìm hiểu thái độ của Việt Nam trong vấn đề mà Trung Quốc lên án Liên Xô là "xét lại" - vấn đề làm rạn nứt sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa, làm ảnh hưởng đến sự giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Làm thế nào để Liên Xô hiểu quan điểm của ta mà Trung Quốc khỏi mất lòng? Nói thế nào đây?

Chuyến viếng thăm của Chủ tịch Voroshilov đã hết thời gian. Trước ngày Đoàn lên đường về nước, Bác Hồ tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ. Đoàn văn công có cả các diễn viên nam và nữ. Trong đó có một nữ diễn viên ôm cây đàn Ac-cooc-đê-ông (xin lưu ý cho, đàn Ac-cooc-đê-ông là đặc trưng nhạc cụ của người Nga - Liên Xô) để biểu diễn. Trước mặt đoàn văn công là Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng và vị khách quý Voroshilov ngồi chờ biểu diễn. Khi đoàn văn công sắp xếp đội hình, Bác đứng lên, quay sang vị khách tập hai câu Kiều:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm

Trăm năm thề chẳng ôm cầm 

                                    thuyền ai.

 

Ấy là câu 555 và 556 trong Truyện Kiều, đoạn nói về Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau trao duyên, thề yêu nhau trọn đời. Kim Trọng phải chia tay người yêu để về Liêu Dương hộ tang chú, chàng dặn Thúy Kiều "Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời" và Thúy Kiều đáp lại bằng hai câu thơ trên. Đó là thái độ của Thúy Kiều - chững chạc, dứt khoát và chung thủy. "Đã nguyền” đi theo Lênin, "đồng tâm" với các bạn, chúng tôi đang "ôm cầm" Ac-cooc-đê-ông (của các bạn) thì chúng tôi "chẳng ôm cầm thuyền ai" nữa đâu. Vị khách quý hiểu ngay ra, ông nở nụ cười thỏa mãn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác đã giải quyết được một vấn đề hóc búa và tế nhị. (Xem Đắc Trung, Luận về sống và chết, Nxb Thanh Niên, 2010, tr. 168).

Phong trào Cộng sản quốc tế đã lui vào lịch sử từ cuối thế kỷ XX. Với cách mạng Việt Nam, nó đã có những đóng góp hết sức to lớn. Bây giờ, sau những biến động dữ dội của thế giới, người ta có thể phán xét điều này điều nọ với lịch sử là điều đương nhiên. Nhưng dẫu sao thì người Việt Nam cũng ghi nhớ công ơn của phong trào Cộng sản, với sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, của các đảng cộng sản anh em từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ (và cả chống quân xâm lược Trung Quốc, năm 1979, sau khi Bác Hồ đã qua đời).

Năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn mới, cũng là lúc Đảng Lao động Việt Nam đại hội lần thứ 3, là lúc thế giới đang nhìn vào Việt Nam với con mắt lo âu trước sức mạnh của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Đảng Lao động Việt Nam đại hội tổng kết những thành tựu đã đạt được từ Đại hội 2 (1951) đến năm 1960 và vạch ra đường lối cách mạng ở Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến giành độc lập thống nhất Tổ quốc.

Nhiều Đảng Cộng sản trên thế giới đã cử đoàn đại biểu đến dự. Bác Hồ khai mạc Đại hội, chào mừng các đảng bạn bằng cách tập Kiều:

Đến bây giờ mới thấy đây 

Mà lòng đã chắc những ngày

                                  một hai

                               (Câu 2281 - 2282)

Hai câu thơ này phản ánh thực trạng và không khí của nước ta lúc đó. Sau bao nhiêu hy sinh gian khổ, vượt mọi khó khăn, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Việt Nam đã có hòa bình. Đất nước còn tạm thời chia cắt nhưng nhân dân miền Bắc đang no ấm, đang xây dựng đất nước giàu mạnh. "Những ngày một hai" của khó khăn gian khổ trong kháng chiến chống Pháp, trong sự rạn nứt của phong trào Cộng sản quốc tế không ảnh hưởng nhiều đến cách mạng Việt Nam; nhờ tài xoay xở, chèo lái con thuyền cách mạng của Bác, nên "đến bây giờ mới thấy đây" một hậu phương vững chắc được anh em bè bạn khắp thế giới ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ mọi mặt.

Hai câu thơ trên Bác lẩy từ Truyện Kiều có lẽ là hai câu sảng khoái nhất, hồ hởi nhất của Nguyễn Du, trong đoạn thơ vui, hào sảng nhất trong toàn bộ Truyện Kiều vốn ảm đạm đau buồn về một đời người con gái tài hoa bị vùi dập - Thúy Kiều.

Từ thuở Từ Hải còn hàn vi, đi chơi tìm người tri kỷ, gặp Thúy Kiều ở lầu xanh, với "con mắt tinh đời", Thúy Kiều đã "anh hùng đoán giữa trần ai mới già". Từ "những ngày một hai" ấy Thúy Kiều đã nhìn thấy, đã hy vọng ở sự nghiệp của Từ Hải. "Tấn Dương được thấy mây rồng có phen". Rồi hai người, “trai anh hùng gái thuyền quyên” sống hạnh phúc bên nhau nhưng chỉ được nửa năm “hương lửa đang nồng" thì Từ Hải ra đi vì nghiệp lớn. Trong cơn binh lửa Thúy Kiều ở nhà chờ đợi, hy vọng đến "đã mòn con mắt". Rồi Từ Hải chiến thắng trở về với binh hùng tướng mạnh, với "huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam", gặp lại Thúy Kiều và lúc này "Vinh hoa bõ lúc phong trần". Không khí của đoạn thơ hội ngộ giữa Thúy Kiều và Từ Hải lan tỏa trong tâm hồn người đọc cũng là không khí hồ hởi tưng bừng của Đại hội Đảng lần thứ 3 mà Bác đã tập Kiều chào đón những người bạn quốc tế đến dự Đại hội. Chính vì vậy, cũng ở Đại hội này Bác thêm một lần lẩy Kiều tặng các đại biểu:

Quan sơn muôn dặm một nhà

Bốn phương vô sản

đều là anh em

Để nhấn mạnh tình đoàn kết, hữu nghị của bạn bè quốc tế, trước đó, ngày 24/5/1957 trong dịp tiễn ông Kliment Voroshilov dẫn đầu Đoàn đại biểu Liên Xô đến thăm nước ta, Bác Hồ cũng đã đọc câu lẩy Kiều này. Nó vừa nói lên tình cảm của Bác, vừa là lời nhắn nhủ, kêu gọi bạn bè khắp bốn phương đoàn kết, giúp đỡ nhau như anh em một nhà.

Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam mà còn là người chiến sĩ hy sinh cuộc đời mình cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong dịp đón tiếp Vua Lào Xri Xavang Vathana thăm nước ta ngày 10/3/1963, Bác đã lẩy Kiều:

Bức tường nô lệ chắn ngang

Tuy trong gang tấc gấp mười

quan san.

Bấy lâu cản trở quan hà

Từ nay Lào - Việt rất là

gần nhau.

Ta biết ngay từ hồi còn ở Pháp, làm báo Người cùng khổ Bác đã có nhiều bạn bè, đồng chí ở khắp các châu lục, trong đó có các bạn đến từ các nước Châu Phi. Sau này, năm 1963, ông Xecu Ture - Tổng thống nước cộng hòa Ghi-nê sang thăm nước ta. Đón mừng ông, Bác đã lẩy Kiều, nhớ lại những ngày xưa ấy, lúc Bác còn trẻ, tuổi thanh niên:

Bây giờ mới gặp nhau đây

Mà lòng đã chắc những ngày

thanh niên

Bác khéo léo vận dụng Truyện Kiều trong các quan hệ quốc tế là vậy. Không chính trị, không hô hào, không ầm ĩ… mà nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người bằng tình cảm sâu sắc và chung thủy. "Mọi cuộc cách mạng rồi sẽ qua đi, tiếng đại bác rồi sẽ thôi gầm thét, chỉ còn lại trên đời này là mối tình..." (Alexei Tolstoi). Chính vì vậy mà các tổng thống Mỹ sau này sang thăm Việt Nam cũng đã lẩy Kiều, tập Kiều và trân trọng nhắc đến Hồ Chí Minh, bởi Nguyễn Du (với Truyện Kiều) và Hồ Chí Minh là cốt cách văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

 1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Văn hóa Thông tin, H. 2000.

2. Đào Duy Anh. Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, H.2013.

3. Nhiều tác giả, Tranh luận về Truyện Kiều, Nxb. Văn học, H. 2012.

4. Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Nxb. Văn Học, H. 2004.

Bài 2

Bài 3

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy