Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:29 (GMT +7)

Bác Hồ về Thủ đô

LTS- Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, được sự đồng ý của Nhà báo Kiều Mai Sơn, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Bác Hồ về Thủ đô” đăng trong cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2021).

                                    1-1692940011.jpg
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, 19/8/1945. Ảnh tư liệu lịch sử

Sáng 22 tháng 8 năm 1945, dù chưa khỏi bệnh, còn đang mệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định rời Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) về Hà Nội. Tổ bảo vệ tiền trạm do ông Trần Đăng Ninh trực tiếp chỉ đạo đã lên đường. Trên đường đi, có lúc Hồ Chủ tịch phải nằm cáng.

Từ Tân Trào (Tuyên Quang), đoàn hành quân tắt xuyên qua 18 kilômét đường rừng hiểm trở, vượt suối, băng dốc, qua sông... Ông Đàm Trung Y dẫn đường đưa đoàn về tới Đại Từ (Thái Nguyên), dừng chân ở xã Hà Thượng vừa đúng 11 giờ trưa.

Ăn trưa và nghỉ ngơi xong, đoàn hành quân tiếp từ Hà Thượng tới thị xã Thái Nguyên.

Lúc này, ông Trần Đăng Ninh đưa xe ô tô đón đoàn. Đoàn nghỉ đêm tại thị xã Thái Nguyên. Các ông Nam Long, Ngọc Hà, Trần Đình và Văn Lâm phân công nhau bảo vệ trực tiếp phía trong. Vòng ngoài, lực lượng Giải phóng quân và du kích địa phương bố trí canh gác chặt chẽ.

Sáng 23 tháng 8 năm 1945, ông Trần Đăng Ninh bố trí hai cận vệ tháp tùng Hồ Chủ tịch trên chiếc ô tô con lăn bánh rời thị xã Thái Nguyên.

Cùng thời gian đó, Trung ương Đảng ở Hà Nội đã cử các ông Lê Đức Thọ và Nguyễn Văn Trân theo hai hướng khác nhau (Phúc Yên và Thái Nguyên) để đón Bác nhưng đều không gặp vì Người lại đi đường Đèo Khế, Cù Vân (thuộc Đại Từ, Thái Nguyên).

Theo đường ngã ba Phù Lỗ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phủ(1) Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là địa phận huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội). Khi ấy, bà Nguyễn Thị Thái Bảo(2), Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa phủ Đa Phúc được ông Trần Đăng Ninh giao nhiệm vụ đi đón và đi cùng xe với Bác, đưa Bác suốt địa phận huyện mình phụ trách.

Phủ Đa Phúc nằm trong An toàn khu do Trung ương Đảng và Đội công tác Trung ương phụ trách. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, bà Lê Thị Lịch - Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên trở về địa phương họp bàn việc giành chính quyền khi thời cơ đã chín muồi.

Chiều ngày 18 tháng 8 năm 1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại chùa làng Chi Đông (nay là thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội), để triển khai kế hoạch khởi nghĩa, giành chính quyền trong tỉnh. Hội nghị đã thống nhất thành lập Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh và phân công từng cán bộ phụ trách khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương. Bà Thái Bảo tức Thuận được giao phụ trách khởi nghĩa ở phủ Đa Phúc.

Sáng ngày 20 tháng 8 năm 1945, Ủy ban Khởi nghĩa Đa Phúc tổ chức cuộc mít tinh khổng lồ tại phủ lị Đa Phúc. Gần 2 vạn quần chúng nhân dân tham gia mang theo cờ và biểu ngữ. Cuộc mít tinh mau chóng chuyển thành tuần hành vũ trang biểu dương lực lượng trên quốc lộ 3 từ phố Nỉ tới Phù Lỗ. Dọc đường tuần hành, quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam Độc lập muôn năm!”... và hát vang các bài ca cách mạng, sau đó tiến hành bao vây phủ lị Đa Phúc. Khi lực lượng cách mạng tiến vào phủ, tri phủ Nguyễn Phúc Sa đã giao nộp toàn bộ sổ sách, giấy tờ, kho tàng và tiền quỹ.

Giành được chính quyền về tay, bà Thái Bảo cùng Ủy ban Khởi nghĩa củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng. Những ngày đầu không tránh khỏi nóng vội, ấu trĩ, thiếu kinh nghiệm, trong đó có trường hợp xử một thanh niên từng qua lại khu vực đóng quân của Nhật ở Đa Phúc. Anh ta bị cơ sở báo cáo lên là mật thám, đề nghị Ủy ban Khởi nghĩa cho bắt ngay và đem ra xử trước nhân dân. Phiên tòa chưa bắt đầu nhưng dân đã kéo đến rất đông.

Vừa lúc đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, một chiếc ô tô con sơn đen từ phía Thái Nguyên xuống, đỗ trước cổng huyện đường. Một người từ trên xe bước xuống rẽ đám đông, đi nhanh vào huyện yêu cầu được gặp “đồng chí Thuận”. Người đó chính là ông Trần Đăng Ninh, cán bộ thượng cấp mà bà Thái Bảo đã được cùng công tác trong An toàn khu dự bị của Trung ương. Vừa mừng rỡ vì được gặp lại người anh, bà Thái Bảo nghe ông Ninh nói:

- Cô ra xe đi với tôi. Tôi sẽ nói chuyện sau. Có việc rất quan trọng.

Bà Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Đa Phúc ra lệnh hoãn xử án và theo ông Ninh ra cổng huyện. Trên xe có mấy người ngồi trong. Phía ghế sau, một cụ già mặc bộ quần áo nâu, để râu ba chòm. Ông Trần Đăng Ninh mở cửa xe, để bà vào ngồi cạnh ông cụ. Bà Thái Bảo trông thấy ông cụ người gầy nhỏ nhưng cặp mắt tinh nhanh sáng quắc. Ngồi cạnh, ông Ninh kính cẩn nói:

- Thưa Cụ, đây là nữ đồng chí Thuận, phụ trách huyện Đa Phúc.

Ông cụ bắt tay và hỏi bà bằng giọng miền Trung:

- Cô thu xếp việc xong chưa? Ta đi ngay được chứ?

Bà đáp:

- Thưa Cụ, việc ở huyện đã có anh em lo. Cháu có thể đi ngay được ạ.

Lái xe nổ máy. Đoàn lên đường. Ông Ninh khẽ dặn bà Thái Bảo:

- Đồng chí có trách nhiệm dẫn đường và bảo vệ Cụ đến hết địa phận đồng chí phụ trách. Dưới đó đã có anh Trần Độ đón rồi.

Vốn quen công tác bí mật, tuyệt đối không được thóc mách, bà Thái Bảo vâng lệnh song trước thái độ trân trọng của ông Ninh đối với ông cụ, bà sững người khi nghĩ cụ già có thể là...

Anh Năm (Trường Chinh), anh Cang (Hoàng Quốc Việt), anh Tô (Phạm Văn Đồng) bà đã được gặp và biết mặt khi ở An toàn khu. Bà cũng từng nghe nói Đảng Cộng sản Đông Dương có lãnh tụ tài ba là cụ Nguyễn Ái Quốc, người có chân trong Quốc tế Cộng sản.

Gần đây, bà lại nghe nói có cụ Hồ Chí Minh từ hải ngoại về lãnh đạo công tác cách mạng Việt Nam. Không rõ có phải hai cụ chỉ là một mà thay bí danh hay là hai người khác nhau? Không dằn được tình cảm, bà nắm tay ông Trần Đăng Ninh, khẽ hỏi:

- Ai thế anh? Có phải là cụ Nguyễn Ái Quốc không? Hay là cụ Hồ Chí Minh?

Ông Ninh cười khẽ, trả lời lấp lửng: "Ừ, ừ, thế đó", rồi lái câu chuyện sang hướng khác.

                                    2-1692940011.jpg
Đội nữ chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân từ Thái Nguyên về Hà Nội, ngày 02/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử

Thời gian này, nước lên to, ở một vài nơi đã có những đoạn đê bị vỡ. Mưa cũng lớn, nước úng mênh mông. Tình hình lũ lụt nặng, ông cụ hỏi nữ cán bộ Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa phủ Đa Phúc:

- Dân sống ra sao cô?

Nghe ông cụ hỏi, bà Thái Bảo đáp:

- Thưa Cụ, tuy lụt lớn nhưng trước đây ta lãnh đạo quần chúng phá kho thóc Nhật chia cho dân nên trước mắt chưa lo đói ạ. Tinh thần quần chúng bây giờ rất sôi nổi. Quần chúng sẵn sàng chờ lệnh của đoàn thể.

Ông cụ lại hỏi sáng nay cô họp dân làm gì thế? Bà Thái Bảo cho biết Ủy ban Khởi nghĩa làm mít tinh để xử Việt gian. Rồi bà kể về vụ việc người thanh niên tình nghi kia bị bắt. Ông cụ cứ chăm chú nghe, không ngắt lời. Nghe bà Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa kể hết sự việc, ông cụ hỏi lại hai chi tiết còn mơ hồ khi quy cho người thanh niên đó là Việt gian.

- Cô thấy tội trạng của anh ta thế nào?

Lúc này, bà Thái Bảo lúng túng. Rõ ràng tội của người kia chưa có chứng cứ gì khẳng định cụ thể cả. Ông cụ hiền từ nói tiếp:

- Các cô, các chú phải cẩn thận. Bây giờ khác trước rồi. Chúng ta đã có chính quyền trong tay, có thủ tục, có nguyên tắc. Người có tội phải xử đúng pháp luật, có tòa án đàng hoàng. Nếu lập tòa án nhân dân cũng phải đúng thể thức. Người có tội phải viết bản khai đọc cho nhân dân nghe. Quần chúng nhân dân bổ sung phải ghi vào biên bản cho đầy đủ, có cả tên người cung cấp chứng cứ. Cuối cùng, phải có người bào chữa cho người có tội. Người này phải được nói lần cuối ý kiến của mình. Ý kiến đó cũng phải được ghi vào biên bản, có chữ kí của người phạm tội, chữ kí của đại biểu nhân dân, chữ kí của đại biểu chính quyền. Như thế mới được. Các cô, các chú nên nhớ, nếu làm sai, gia đình người bị nạn đi kiện thì các cô, các chú phải đi tù thay đấy. Cách mạng rất nghiêm minh, không dung túng đồng chí của mình làm bừa đâu.

Bà Thái Bảo nhận thấy lời nói của Cụ thấm thía, có lí có tình, rất nghiêm, rất minh bạch. Thật là bài học quý giá về nắm giữ chính quyền cho những cán bộ non trẻ như bà hồi ấy. Ông cụ nói thêm:

- Cô về phải xem xét lại ngay vụ này(3).

Xe vẫn tiếp tục lăn bánh trên quốc lộ. Hai bên cánh đồng nước trắng xóa mênh mông. Dọc đường thỉnh thoảng thấy dân quân canh gác. Hết địa phận Đa Phúc, về tới làng Canh, xe dừng lại dước gốc đa cổ thụ đối diện với bến đò làng Gạ, đã thấy ông Trần Độ(4) chờ đón.

***

Ông Trần Độ đưa đoàn sang sông, qua bãi Giữa lau sậy um tùm, về làng Gạ (nay thuộc Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội).

Nước sông Hồng vào mùa lũ. Dù nước lũ đang lên to song thuyền bè vẫn xuôi ngược tấp nập. Trên bến đò Phú Xá bên kia, cán bộ và tự vệ địa phương đang ngóng chờ đoàn cán bộ ở chiến khu về. Khoảng bốn giờ chiều, mặt trời đã xế bóng, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến Phú Xá. Đoàn cán bộ lên bờ, trong số hơn chục người trẻ, khỏe có một ông cụ già mặc bộ quần áo nâu, nước da ngăm đen, râu dài, người gầy, tay chống gậy. Cụ có vầng trán rộng, có đôi mắt rất sáng, tuy cụ gầy nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn.

Thấy ông cụ có phong cách lạ thường, lại có Quân giải phóng mang súng đi bảo vệ, những người ra đón đều ngạc nhiên muốn biết ông cụ là ai, nhưng vì nguyên tắc bí mật nên tất cả đều im lặng.

Ông Trần Độ đưa lãnh tụ vào làng Gạ. Làng này có tên chữ là Phú Gia, là cơ sở của An toàn khu Trung ương. Ông cụ ở trong gia đình cơ sở của ông Hoàng Tùng(5) (lúc đó mang bí danh là Khánh), phụ trách công tác đội của An toàn khu. Chủ nhà là cụ bà Nguyễn Thị An, có con trai là ông Công Ngọc Kha (bí danh Trần Lộc) tham gia hoạt động Việt Minh. Hà Nội vừa khởi nghĩa giành chính quyền xong, tình hình còn rất phức tạp. Ông Hoàng Tùng tuy chưa biết trong đoàn có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh song ông vẫn lựa chọn địa điểm thật an toàn để đoàn ở lại. Về sau, khi kể lại câu chuyện với cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Hoàng Tùng cho biết:

"Chiều ngày 23 tháng 8, tôi trở về chỗ ở, tức là Khu An toàn, gặp khoảng hơn mười người đang ăn cơm ở đình làng Phú Xá. Tôi thấy một cụ già có râu, ngồi cạnh anh Trần Đăng Ninh. Bữa ăn của đoàn cán bộ hôm ấy chỉ có cơm gạo hẩm và canh mướp nấu suông. Mọi người ngồi trên chiếc phản ở đình làng Phú Xá. Anh Trần Đăng Ninh trước có ở tù với tôi, tuy đã được bầu vào Trung ương ở Pác Bó, nhưng chưa làm được ngày nào đã bị bắt, sau vượt ngục trốn về. Tại Tân Trào anh lại được bầu vào Trung ương. Tôi nghĩ ông cụ được anh Trần Đăng Ninh đưa đi chắc phải to hơn cả Trung ương. Tôi nghe giọng Nghệ, đoán chắc là Ông Cụ rồi."

Tối ngày 23 tháng 8 năm 1945, ông Hoàng Tùng giao trách nhiệm cho cơ sở bố trí bảo vệ bên ngoài chu đáo và cho ông Công Ngọc Kha biết thêm là có đồng chí cán bộ từ chiến khu về sẽ ở lại trong nhà vài ba ngày nữa. Ông Hoàng Tùng dặn dò việc bố trí ăn uống gia đình cố gắng thực hiện chu đáo.

Ông Công Ngọc Kha nhận lời, đi bố trí lực lượng bảo vệ ở đầu làng và cuối làng. Khi trở về nhà, ông mới có dịp quan sát kĩ hơn những người mới từ chiến khu tới: Một ông cụ già đã có tuổi, đang làm việc bên chiếc bàn nhỏ. Ông Cụ mặc bộ quần áo nâu, tóc hoa râm, râu thưa, chân đi đôi giày vải của người dân tộc thiểu số, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen hình như vừa qua một cơn sốt. Ông Cụ xem ra bận rộn, đang chăm chú ghi chép điều gì trên cuốn sổ tay nhỏ. Ông Kha đoán chắc đây là đồng chí cán bộ lãnh đạo. Còn những người ngồi trên chiếc giường ở gian bên thì trẻ hơn. Ông chủ nhà nhận thấy mọi hoạt động và lời nói của những người từ chiến khu về đều hết sức nhẹ nhàng, trật tự và tỏ ra rất kính trọng Ông Cụ.

                                    3-1692940012.jpg
Các chiến sĩ cảnh vệ bảo vệ Hồ Chủ tịch (2-1951). Ảnh tư liệu lịch sử

Trong không khí yên tĩnh và trang nghiêm, ông Công Ngọc Kha rón rén pha nước và rót mời ông cụ uống. Lúc này ông cụ mới ngừng tay bút. Ngẩng đầu nhìn, ông cụ hỏi:

- Chú là người thế nào với bà chủ nhà đây?

Ông Kha đáp:

- Dạ là con ạ!

Ông cụ hỏi tiếp:

- Gia đình chú có mấy người?

Ông Kha kể cho ông cụ nghe về từng người trong gia đình. Ông nội thì ở cùng anh cả ở nhà bên. Còn nhà này có mẹ ông, vợ chồng ông và cô em gái. Nghe xong, ông cụ cám ơn rồi lại mải miết làm việc cho đến khuya mới đi nghỉ.

Hôm đó, theo lời kể của ông Hoàng Tùng, ông cụ mặc chiếc áo của người thiểu số, trời nóng, nên cụ mặc quần soóc, đi chân đất, trong túi áo có một. chiếc đèn pin. Ông cụ mới ốm dậy nên phải chống gậy. Chủ nhà mời ông cụ nằm nghỉ ở chiếc sập gỗ trước bàn thờ. Ông Trần Đăng Ninh và một số người khác nằm ở hai gian bên cạnh. Ông Hoàng Tùng nằm trong buồng. Quen kiểu đùa như khi ở trong tù, ông Hoàng Tùng nói với ông cụ cán bộ cấp trên:

- Đồng chí nằm đây cho sướng cái thân già.

Ông cụ cũng vui vẻ nói:

- Thế đồng chí cùng nằm với tôi, chúng ta nói chuyện.

Ông cụ hỏi ông Hoàng Tùng về chuyện ở trong thành. Ông Hoàng Tùng kể lại việc nhân dân đang bàn tán với nhau về cụ Hồ Chí Minh chính là cụ Nguyễn Ái Quốc, rồi chuyện quân đội Tưởng Giới Thạch từ Trung Hoa đã vào Hà Nội trông lôi thôi lếch thếch thế nào... Sau đó, ông Trần Đăng Ninh nháy ông Hoàng Tùng ra ngoài nói:

- Ông Cụ không thích đùa đâu.

Hai ngày sau, ông Võ Nguyên Giáp từ nội thành ra làng Gạ báo cáo tình hình. Tiếp đó, ông Trường Chinh lên báo cáo cụ thể và đón Ông Cụ vào nội thành.

Trước khi rời làng Gạ, Ông Cụ nhờ ông Công Ngọc Kha đi mời ông nội ông Kha, mẹ ông Kha, anh trai ông Kha, vợ ông Kha và em gái ông Kha đến nhà để chào từ biệt. Thấy ông nội ông Kha chống gậy tới, Ông Cụ vội ra đỡ và mời cụ vào trong nhà. Trước tất cả mọi người đang quây quần xung quanh, Ông Cụ cất tiếng:

- Chúng tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ, tôi xin cám ơn sự giúp đỡ của gia đình. Bây giờ chúng tôi phải đi công tác, chúc gia đình mạnh khỏe. Có dịp nào đó, tôi sẽ trở lại thăm cụ và gia đình.

Ông Cụ bắt tay từ cụ ông cho đến người ít tuổi nhất của toàn thể gia đình họ Công. Đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi có mặt ở quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ông Công Ngọc Kha mới biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Ông Cụ đã về ở nhà mình mấy ngày. Ông vui sướng và phấn khởi về kể lại với cả gia đình. Bẵng đi hơn một năm sau, gia đình ông Công Ngọc Kha lại bất ngờ được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đúng như lời hứa...

------

(1) Đơn vị hành chính cũ, trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh.

(2) Tên thật là Nguyên Thị Thọ, sinh tại làng Bái Ân (Tây Hồ, Hà Nội), trải qua nhiều cương vị công tác trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội từ 1969 -1979.

(3) Hoàn thành nhiệm vụ, bà Thái Bảo quay về huyện, cho điều tra lại cẩn thận, thấy chứng cứ hết sức mơ hồ, bà đã ra lệnh trả tự do cho người thanh niên đó. Đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, bà Thái Bảo mới biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc Tuyên ngôn Độc lập tại cuộc mít tinh lịch sử ở vườn hoa Ba Đình, tuyên bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính là ông cụ mà bà có vinh dự đưa một đoạn đường về Thủ đô.

(4) Trần Độ (1923 - 2002): Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội.

(5) Hoàng Tùng (1920 - 2010): Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy